Ngày phát hành 15:33 | 2/6/2023
Lượt nghe: 2295
Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình, học ở Huế từ 1926 đến 1930 rồi sau đó, khi cha qua đời, ông theo mẹ vào sống ở Quy Nhơn, Bình Định. Gia đình ông theo đạo Công giáo. Hàn Mặc Tử làm thơ rất sớm khi mới 16 tuổi. Ông đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn từ nhà chí sĩ này. Năm 1935, gia đình bắt đầu phát hiện dấu hiệu bệnh phong trên cơ thể ông nhưng ông không quan tâm nhiều đến việc điều trị. Đến năm 1938-1939 thì bệnh chuyển nặng, Hàn Mặc Tử lên những cơn đau đớn dữ dội và buộc phải vào Trại phong Quy Hòa ngày 20 tháng 9 năm 1940. Ông qua đời tại đây vào ngày 11 tháng 11 năm 1940 vì chứng bệnh kiết lỵ khi mới vừa bước sang tuổi 28. Sinh thời, Hàn Mặc Tử mới in một tập thơ duy nhất là tập Gái quê (1936). Những tập thơ sau Gái quê của ông chỉ được lưu truyền trong bạn hữu và những người yêu văn chương, gồm có: Thơ điên (gồm 3 tập: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và hồn điên), Xuân như ý, Thượng Thanh Khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội, Chơi giữa mùa trăng. Sau chặng đường đầu làm thơ Đường luật với tập Lệ Thanh thi tập, Hàn Mặc Tử đã chuyển sang phong cách hiện đại và góp phần đưa thơ trữ tình Việt Nam lên đỉnh cao mới. Đặc biệt ở giai đoạn sau Gái quê, Hàn Mặc Tử trình bày một hồn thơ độc đáo, lạ lùng chưa từng có trước đó và cũng không giống với bất cứ thi sĩ nào đương thời.
Ngày phát hành 11:6 | 7/6/2023
Lượt nghe: 2124
Trong chương trình Tìm trong kho báu lần trước, chúng tôi đã giới thiệu tới quý vị thính giả kỳ thứ nhất khi cùng nhìn lại di sản văn chương của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Có lẽ, một trong những bài phê bình đầu tiên về thơ Hàn Mặc Tử chính là bài viết của Hoài Thanh trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam. Dù những nhận xét về từng tập thơ cụ thể có khác nhau, song không thể phủ nhận vẻ độc đáo, riêng biệt lạ lùng của Hàn Mặc Tử, nhất là với tập Thơ điên. Hoài Thanh đã viết: “Một tác phẩm như thế ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đang đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với Hương thơm, hấp hối với tập Mật đắng, cho đến Máu cuồng và hồn điên thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn tỏa lên nghi ngút”. Sau Hoài Thanh, các nhà phê bình thuộc các thế hệ kế tiếp còn tiếp tục khẳng định sự độc đáo của thế giới thơ, hồn thơ Hàn Mặc Tử.
Ngày phát hành 8:45 | 15/6/2023
Lượt nghe: 2561
Trong hai kỳ Tìm trong kho báu vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu tới quý vị thính giả di sản văn chương Hàn Mặc Tử qua nhiều bài viết cũng như nhận định của các nhà phê bình nghiên cứu trong khoảng hơn ba chục năm qua. Có thể nói, thơ Hàn Mặc Tử luôn tạo ra sức hút với mọi thế hệ độc giả, là vùng đất còn chứa nhiều bí ẩn, tiếp tục mời gọi các cây bút phê bình tiếp tục khảo cứu và tìm tòi. Chương trình hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu di sản văn chương Hàn Mặc Tử