Ngày phát hành 9:23 | 11/3/2024
Lượt nghe: 1370
Những trang đầu nhà văn đặc tả bối cảnh cuộc sống của một gia đình miền núi trên đỉnh trời chỉ có mây và núi, thực sự cách biệt, cô lập và buồn tẻ. Để lý giải vì sao khi người mẹ mất đi, cuộc sống của những đứa trẻ trở nên bị đe dọa, cư xử của người cha trở nên cùng quẫn đến vậy. Không vòng vo, nương nhẹ, ngay đầu truyện nhà văn đi thẳng vào chiếc giường, chú tâm miêu tả sự sắp xếp, trình tự vị trí chỗ nằm của từng người trong gia đình. Chỉ có một nhà văn giàu trải nghiệm, sắc sảo, thậm chí là đáo để mới đi thẳng vào góc khuất sâu thẳm, không nề hà ngại ngùng. Những đối thoại của người cha với người bà đã cho thấy tất cả và từ đó soi chiếu được tất cả những tăm tối trái ngang. Đó là tệ nạn rượu chè, vấn nạn quan hệ cận huyết do điều kiện sống, do lối sống bản năng, do sự kém hiểu biết, lạc hậu. Không khai thác cuộc sống nghèo đói, nhưng người đọc thừa sức hình dung. Điều mà nữ nhà văn chạm tới là đời sống tinh thần khi mà tất cả ngủ trên một cái giường, cuộc sống thiếu tiện nghi, sự tăm tối thiếu ánh sáng văn minh, không giao lưu với bên ngoài khiến con người ta trở nên quẩn quanh, bế tắc, dễ làm càn. Thói quen sống cam chịu khiến họ là nạn nhân của chính họ. Nhà văn Y Ban chính là người phát hiện và là người cảnh tỉnh, rung hồi chuông báo động. Phải thương lắm nhà văn mới viết dữ dằn thế. Nhiều chi tiết đọc lên thấy gai người và đầy ám ảnh: “Cả đêm nó thức để canh bố, để bảo vệ em gái và chính mình”. Ranh giới của bản năng và nhân tính, giữa sự u tối và tội ác thật mong manh, thật đáng sợ khi con người sống không có ý chí và hiểu biết. Cái kết lửng càng có sức lay động. Nhân vật “nó” thật đáng thương. Rồi ra số phận mẹ con nó thế nào, có bao phụ nữ vùng cao như nó đang phải sống như thế vẫn là những dấu hỏi lớn. Dẫu sao vẫn có ánh sáng niềm tin. Lớp trẻ lớn lên ở vùng cao có nhận thức hiểu biết hơn, sẽ vượt thoát, sẽ không chấp nhận cuộc sống u tối. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)