Gia đình không ai theo nghệ thuật, riêng Trần Quốc Đông đi theo xiếc - môn nghệ thuật khắc nghiệt đòi hỏi sự khổ luyện, “nước mắt trước nụ cười sau”. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói “nghề chọn người”. Xiếc đã chọn Trần Quốc Đông để anh cùng các bạn diễn tỏa sáng trên sân khấu với tiết mục “Tạo hình trên đôi giày trượt”. Hơn 20 năm gắn bó với đôi giày patin, anh được coi là “phù thủy” trên đôi giày trượt với hàng loạt huy chương tại các kỳ liên hoan xiếc trong và ngoài nước. (Hành trình Sáng tạo 04/4/2021)
Với mong muốn làm đẹp thêm cho những không gian công cộng, kiến trúc sư Thu Hương cùng các thành viên trong tổ chức nghệ thuật kiến tạo cộng đồng ABC đã hoàn thành nhiều dự án vẽ tranh tường tại Hà Nội. Chị được biết đến là người tiên phong tại Hà Nội kiến tạo các không gian công cộng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa mới cho người dân. (Hành trình Sáng tạo 28/3/2021)
Với tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ, nghệ sĩ ballet Nguyễn Đức Hiếu là gương mặt trẻ tài năng và đầy triển vọng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. (Hành trình Sáng tạo 21/3/2021)
Nhắc tới ông là nhắc tới những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam như: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê”, “Đừng đốt”… Cùng với các bộ phim, ông đã góp phần không nhỏ vinh danh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, giúp khán giả thế giới hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh và trong hòa bình, một đất nước với những giá trị văn hóa ngàn đời, dẫu đã đi qua nhiều nỗi đau nhưng luôn đầy khát vọng, sáng tạo, sự tử tế. Ông là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh - một trong những tài năng hàng đầu của điện ảnh Việt Nam. (Hành trình sáng tạo 14/03/2021)
Để lại dấu ấn cho khán giả với hàng chục vai diễn trong những bộ phim truyền hình nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh vai trò diễn viên, Lương Giang còn là một họa sĩ. Với chị, hội họa chính là niềm đam mê, là con đường chị muốn đi lâu dài. Không chỉ dừng lại ở việc vẽ tranh, mở phòng tranh để tổ chức triển lãm mà Lương Giang còn mang trong mình khát vọng gieo ước mơ hội họa đến cho các em nhỏ với những hoạt động thiện nguyện đầy tính nhân văn của mình. (Hành trình Sáng tạo 07/3/2021)
Những năm 70 của thế kỷ trước, khắp miền Bắc nổi lên ban nhạc quy tụ 7 cây ghi-ta trẻ có tên gọi là “Thất cầm ghi-ta”. Nhóm nhạc đã góp phần làm thay đổi đời sống giải trí, tinh thần của người dân Hà Nội lúc bấy giờ. Cho đến hôm nay, một trong những tên tuổi của nhóm vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong làng ghi-ta Việt Nam là nghệ sĩ ghi-ta Phạm Văn Phúc. (Hành trình Sáng tạo 28/02/2021)
Những năm qua, cùng với những thành công trong sáng tác với chất liệu sơn dầu, họa sĩ Mai Xuân Oanh còn được biết đến là người có những tìm tòi sáng tạo, góp phần mang lại tiếng nói mới cho chất liệu lụa nước ta. Mặc dù sử dụng cùng lúc hai chất liệu nhưng trong những tác phẩm của anh không bị đi vào lối mòn mà mỗi chất liệu lại có tiếng nói riêng với những khám phá mới mang xúc cảm và hơi thở của cuộc sống đương đại. (Hành trình Sáng tạo 21/02/2021)
Trong bối cảnh nền âm nhạc thị trường bùng nổ hiện nay, giới trẻ ít nhiều lơ đãng với nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng, vẫn có người luôn đau đáu, với mong muốn xây dựng sân chơi gần gũi với những người trẻ để họ có động lực tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Một trong những người đó là Đinh Thị Thảo, người sáng lập dự án Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương. (Hành trình Sáng tạo 07/02/2021)
Họa sĩ Lê Huy Tiếp là một gương mặt tiêu biểu, người tiên phong của thế hệ họa sĩ thứ ba trong nền mỹ thuật hiện đại nước nhà. Ông thành danh trên cả hai lĩnh vực là hội họa và tranh in, là tấm gương lao động miệt mài, khai mở nhiều phương thức sáng tạo nghệ thuật mới. (Hành trình Sáng tạo 31/01/2021)
Trong giới mỹ thuật nước ta hiện nay, họa sĩ Trịnh Tuân được đánh giá là một trong những họa sĩ sơn mài bậc thầy với những bức tranh vừa phát huy được kỹ thuật sơn mài truyền thống, vừa mang hơi thở hiện đại. Ông cũng là một trong số ít họa sĩ thành công ở cả lĩnh vực tổ chức nghệ thuật với các sự kiện kết nối giao lưu mỹ thuật trong nước và quốc tế. (Hành trình Sáng tạo 24/01/2021)
Với mong muốn lấy lại chỗ đứng của cây đàn ghi-ta trong lòng công chúng, nhiều năm qua, nghệ sĩ trẻ Vũ Hiển đã tự mình gây dựng câu lạc bộ ghi-ta, tự bỏ kinh phí tổ chức nhiều buổi giao lưu, biểu diễn, mở lớp dạy đàn, tặng đàn miễn phí cho nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng như ở các tỉnh lân cận. Dù gặp nhiều khó khăn trên con đường nghệ thuật cũng như đã làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cho cuộc sống, anh vẫn có một tình yêu cháy bỏng với cây đàn và mong muốn được cống hiến hết mình cho âm nhạc. (Hành trình Sáng tạo 17/01/2021)
Sau nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết và nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền thì sân khấu chèo lại có thêm một “Thị Màu” lên chùa với phong cách mới mẻ và ấn tượng - gương mặt đó là nghệ sĩ trẻ Thanh Huyền, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội. Nhờ diễn xuất xuất thần, cô gái trẻ sinh năm 2000 này vừa dành huy chương vàng tại cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020, trước đó, Thanh Huyền cũng từng dành giải vàng tại cuộc thi Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020. (Hành trình Sáng tạo 10/01/2021)
Bước vào cải lương chuyên nghiệp ở tuổi 18, không phải con nhà nghề, không có ưu thế nổi bật về ngoại hình, giọng ca chưa tạo được nét riêng, chàng thanh niên Hoàng Tùng đã phải nỗ lực gấp nhiều lần bạn bè cùng trang lứa. Ở tuổi trung niên, giọng hát của anh thêm dầy dặn ấm áp, lời ca đằm thắm cùng diễn xuất nhuần nhuyễn tinh tế. Những nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng bằng niềm tin yêu của khán giả và đồng nghiệp. (Hành trình sáng tạo 03/01/2020)
Nhắc đến nghệ sĩ nhân dân Thu Hà khán giả sẽ nhớ đến vai diễn đã ghi dấu tên tuổi của chị trong bộ phim “Lá ngọc cành vàng” của đạo diễn Vũ Châu sản xuất năm 1989. Xinh đẹp và tài năng nhưng những vai diễn trên sân khấu hay truyền hình, điện ảnh mà chị thực hiện hơn 30 năm qua cho thấy một Thu Hà luôn biến hóa với nhiều dạng nhân vật, nhiều tính cách khác nhau. (Hành trình Sáng tạo 27/12/2020)