Các em nghĩ sao nếu chúng mình đích thân sáng tạo những chú Cún con để mừng năm mới Mậu Tuất nhỉ? Nếu chúng mình còn bí ý tưởng, mời các em nghe những bật mí của họa sĩ Lê Tiến Vượng và bạn Anh Tú (CLB Art Star - Báo Thiếu niên tiền phong) nhé! (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 07/02/2018)
"Em bé thuyền ai ra giỡn nước/ Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm" - những hình ảnh trong bài thơ cất lên như câu hát vui tươi về sức sống dạt dào, tràn căng nhựa sống. Bài thơ là khúc ca mùa xuân về biển trời quê hương, về khát vọng đổi thay và hi vọng. Nhà thơ Huy Cận đã thể hiện những cảm xúc vui tươi và yêu đời, yêu cuộc sống trong hình ảnh thơ rất đẹp. Chúng mình cùng nghe những chia sẻ của nhà ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ về vẻ đẹp của bài thơ này nhé! (Văn nghệ thiếu nhi 05/02/2018)
Mỗi năm luôn bắt đầu bằng mùa xuân và ai cũng mong muốn đón ngày xuân với tâm trạng hân hoan, vui vẻ. Mùa xuân là lúc vạn vật phát triển, tất cả chúng ta đều mong chờ nhận phần thưởng của thiên nhiên. Phần thưởng ở đây chính là nét đẹp đầy sức sống của mùa xuân. Phần đầu chương trình, chúng ta cùng nghe bài thơ “Vui xuân” của tác giả Kiều Anh. Tiếp đó là những kỉ niệm tuổi thơ trong tản văn "Mùa hoa cải" của tác giả Đinh Văn Dũng. Phần cuối chương trình, các bạn cùng cảm nhận không khí ngày Tết qua tiểu phẩm "Cô bé áo vàng" do BTV Hoàng Hiệp chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Thùy An. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 08/02/2018)
Tập tản văn “Đánh thức trái tim” của tác giả Vũ Thanh Lịch được mở đầu bằng tác phẩm “Một đời người cần trân quý yêu thương” viết về mẹ với tình cảm ấm áp, tràn đầy tình yêu thương. Tiếp đến là tản văn “Trường học núi rừng”, “Ký ức lặng im”, “Quê nhà yêu dấu”… có giọng văn trong trẻo, gieo vào lòng bạn đọc xúc cảm tinh tế về những điều giản dị trong cuộc sống. Dường như không phải tác giả Vũ Thanh Lịch đang viết mà là từng dòng ký ức đang thì thầm trên trang giấy. Chúng mình hãy đọc chậm cuốn sách này nhé để cảm nhận thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống, đắm mình với kỷ niệm ngọt ngào, thân thương cùng những điều quen thuộc mà mới mẻ, giản dị mà đẹp đẽ, quen lắm, gần gũi lắm mà nhiều khi ta đã vô tình lướt qua. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 06/02/2018)
Để có tiền phụng dưỡng cha đang bị ốm Pinochio không những làm thêm ở nông trại mà cậu còn biết tết những chiếc giỏ bằng cỏ rồi mang ra chợ bán lấy tiền. Buổi tối cậu chăm chỉ ngồi học bài và tập viết. Thông qua bạn Ốc sên, Pinochio biết được Tiên nữ đang bị mắc trọng bệnh. Không ngần ngại cậu đã đưa hết số tiền kiếm được để Ốc sên đi mời bác sĩ đến khám bệnh cho cô Tiên. Pinochio vô cùng hối hận vì đã nhiều lần làm Tiên nữ lo lắng và buồn phiền. Vào đúng đêm hôm đó Pinochio đã mơ một giấc mơ kỳ lạ. Trong chiêm bao cậu được gặp lại Tiên nữ. Cô đã tha thứ cho tất cả những sai lầm trước kia của cậu bởi vì bây giờ Pinochio đã biết yêu thương, chăm sóc mọi người và làm nhiều việc tốt. Khi giấc chiêm bao kết thúc thì cũng là lúc Pinochio trở thành một cậu bé có khuôn mặt khôi ngô, mái tóc vàng và đôi mắt xanh xinh xắn giống như bao bạn nhỏ khác. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 04/02/2018)
Sau khi chú lừa Pinochio bị què chân trong quá trình biểu diễn xiếc thì ông chủ đã bán nó cho một người thợ làm trống. Người thợ đã buộc hòn đá to vào cổ lừa rồi dắt xuống biển những mong con vật sẽ nhanh chết để lột da làm trống. Nhưng khi ở dưới biển lừa đã được đàn cá cứu sống bằng cách con thì ăn tai, con thì ăn chân, con thì ăn đuôi…Người thợ làm trống rất bực tức vì đã mất 12 lia để mua lừa, nhưng sau khi nghe Pinochio kể lại mọi chuyện thì cơn giận dữ của ông dần nguôi ngoai. Ông đã đồng ý để Pinochio được trở về nhà. Tuy nhiên trong quá trình bơi vào bờ thì Pinochio lại bị cá mập nuốt vào trong bụng. Cậu đâu có ngờ rằng trong bụng cá mập lại may mắn gặp được cha là bác Geppetto. Hai cha con Pinochio đã tìm cách nào để thoát ra khỏi chiếc bụng khổng lồ của cá mập? (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 03/02/2018)
Chúng mình đang theo dõi những trang truyện kể về cậu bé người gỗ Pinochio và Bấc Đèn Nhỏ bị biến thành hai chú Lừa nhỏ đáng thương. Chỉ vì ham chơi mà Pinochio và Bấc Đèn Nhỏ đã bị người đánh xe dụ dỗ đến vương quốc Đồ Chơi. Ở đấy hai bạn đã được ăn chơi thỏa thích để rồi cả hai đều bị biến thành Lừa và bị mang ra chợ bán. Bấc Đèn Nhỏ thì được một bác nông dân mua. Còn Pinochino thì được bán cho ông chủ gánh xiếc. Ông ta đã dùng roi mây để huấn luyện Pinochio biểu diễn xiếc cùng với những động vật khác. Trong thời gian Pinochio ở gánh xiếc thay vì được ăn cơm rang Milan thì phải nhai rơm khô và lúa mạch. Những giọt nước mắt ân hận đã lăn dài trên má cậu bé người gỗ. Lúc này cậu thấy nhớ trường và nhớ bác Geppetto. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi phát 02/02/2018)
Đam mê và theo đuổi nghệ thuật múa từ khi còn nhỏ tuổi, NSND Chu Thúy Quỳnh đã cống hiến và khẳng định vị trí vững chắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật nhiều thế hệ. Bà chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị trong con đường theo đuổi nghiệp múa của mình. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 31/01/2018)
"Dế Mèn phiêu lưu ký" là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Hơn 70 năm qua, cuộc phiêu lưu kỳ thú của chú dế mèn và những người bạn đã gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Vừa qua, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) phối hợp cùng Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức triển lãm “Dế mèn phiêu lưu ký - chạm tới những thế giới”. BTV Hoàng Hiệp có bài viết phản ánh về triển lãm này. Tiếp đó là trích đoạn chương 9 trong tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 01/02/2018)
Truyện viết về sự vươn lên vượt khó của Tâm khi lên thành phố học tập. Vất vả cùng những thiếu thốn nhọc nhằn nhưng Tâm không vì thế mà nản chí. Ngược lại bạn ấy đã vươn lên khẳng định mình trong học tập và trong cuộc sống. Tác phẩm có cách viết trong sáng, gieo vào lòng bạn đọc những tình cảm đẹp về tinh thần vươn lên, niềm vui ấm áp khi luôn được sự động viên khích lệ từ những người thân trong gia đình. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 30/01/2016)
Chúng mình đã được nghe bà hoặc mẹ kể câu chuyện cổ tích về những nàng công chúa xinh đẹp, nhưng chỉ vì bướng bỉnh hoặc ham chơi đã bị phép thuật của phù thủy biến thành con chồn trong truyện “Nàng công chúa da chồn”; biến thành cá heo trong truyện “Công chúa đội lốt cá heo”, hay “Nàng công chúa ngủ trong rừng”… Hôm nay chúng ta sẽ nghe thêm một câu chuyện nữa kể về “Nàng công chúa trong lốt chim”. Không biết nàng công chúa xinh đẹp đã mắc phải lỗi gì mà bị hóa thành loài chim như vậy? (VOV6 Kể chuyện và hát ru 30/01/2018)
Sau gần nửa năm sống ở Vương Quốc Đồ Chơi, Piochio bỗng thấy tai mình to như một con lừa. Cậu nhờ chuột nhắt khám bệnh và biết mình đã mắc bệnh lừa, một loại sốt kì quặc. Hóa ra những đứa bé nào không biết vâng lời dạy bảo, không chăm chỉ học tập thì sẽ bị biến thành lừa. Pinochino vô cùng ân hận và đến gặp người bạn Bấc Đèn Nhỏ để trách mắng cậu ta. Cậu không biết rằng chính Bấc Đèn Nhỏ cũng bị mắc bệnh lừa như mình. Các bạn cùng nghe tiếp truyện dài “Những cuộc phiêu lưu của Pinochio” của nhà văn người Ý – Carlo Collodi . (VOV6 Văn nghệ Thiếu nhi 28/01/2018)
Pinochio hứa với tiên nữ là chăm chỉ học tập để trở thành một cậu bé ngoan. Tiên nữ đã thực hiện lời hứa và biến Pinochio trở thành một con người thực sự. Cậu làm bạn với mấy bạn nhỏ ở Vương Quốc Đồ Chơi, nơi người ta nói rằng chỉ có vui chơi mà không cần học tập, làm việc gì hết. Các bạn rủ Pinochio cùng đến Vương Quốc Đồ Chơi để sống cuộc sống hạnh phúc. Pinochio đã nhận lời và cậu không biết rằng đó là quyết định sai lầm của mình. (VOV6 Văn nghệ Thiếu nhi 27/01/2018)
Pinochio thoát chết trong gang tấc khi chút nữa thì bị ngư ông cho vào chảo dầu. May nhờ chú chó mà cậu đã từng cứu lên bờ giúp đỡ nên Pinochio thoát nạn. Đúng là ai làm việc tốt rồi sẽ đến lúc được đền đáp. Thế nhưng vận rủi vẫn không buông tha cho Pinochio. Cậu dường như đã quen với việc nói dối và cái mũi thỉnh thoảng lại dài ra một chút. Khi trở lại thôn cậu lấy dũng khí tìm đến nhà của tiên nữ. Nhưng cậu phải chờ đến 9 tiếng thì ốc sên chậm chạp mới ra mở cửa. Không biết vì đói quá hay là buồn quá mà Pinochio đã ngất đi. Qua giọng đọc Như Ngọc, các bạn cùng nghe tiếp truyện dài Những cuộc phiêu lưu của Pinochio” của nhà văn người Ý – Carlo Collodi. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 26/01/2018)