Với tình yêu thương vô bờ bến, bác Geppecto đã chế tạo Pinochio trở thành một cậu bé người gỗ xinh xắn và đáng yêu. Bác hi vọng Pinochio sẽ mang đến tiếng cười và niềm vui tới cho căn nhà vắng vẻ của mình. Tuy nhiên, cậu bé người gỗ này rất nghịch ngợm và hiếu động. Khi bác Geppecto vừa hoàn thành cánh tay của Pinochio thì cậu ta đã nhanh chóng giật mái tóc giả của bác. Khi bác vừa hoàn thành đôi chân của Pinochio thì cậu đã nhanh chóng nhảy phóc xuống nền nhà và chạy thẳng ra đường gây rắc rối với cảnh sát, khiến cảnh sát bắt phạt bác Geppecto bằng cách giam vào nhà lao một ngày. Ngày hôm ấy Pinochio được bay nhảy khắp nơi. Với bản tính nghịch ngợm ham chơi thì Pinochio sẽ còn gây ra những chuyện gì nữa đây? (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 07/01/2018)
Trong buổi đọc truyện hôm trước chúng ta đã làm quen với ông chủ xưởng mộc vui tính Lok Antonio, bác Geppecto có bộ tóc giả màu râu ngô nên các bạn nhỏ thường gọi là bác Râu Ngô. Một lần sang nhà Antonio chơi, bác Geppecto đã được người bạn già kể về một khúc gỗ biết nói. Vừa ngạc nhiên vừa có phần tò mò bác Geppecto có ý muốn mục sở thị khúc gỗ đặc biệt này. Tuy nhiên khi khúc gỗ được mang ra thì là lúc những rắc rối bắt đầu xảy đến với hai ông bạn. Khúc gỗ đã đùa giỡn với cả hai người làm họ liên tiếp hiểu lầm nhau. Họ tranh luận thậm chí còn dẫn tới ẩu đả vì bác nào cũng cho là mình đúng. Sự việc diễn ra tiếp theo như thế nào? (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 06/01/2018)
Truyện dài “Cuộc phiêu lưu của Pinochio” của nhà văn người Ý Carlo Collodi là tác phẩm văn học được nhiều thế hệ thiếu nhi trên toàn thế giới yêu thích. Nhân vật chính là con rối bằng gỗ nghịch ngợm Pinochio, được bác Geppetto tạo nên từ một khúc gỗ biết nói. Pinochio có suy nghĩ trong sáng, ngây thơ. Cậu luôn hiếu kỳ và muốn tham gia vào những trò chơi tinh nghịch cùng với nhiều bạn nhỏ khác. Vì muốn xem xiếc mà Pinochio sẵn sàng bỏ học. Tới trường cậu luôn bị bạn bè rủ rê đi xem cá mập nên cậu đã bị cá mập nuốt vào bụng. Ở trong đó cậu gặp được bác Geppetto. Vì không thấy Pinochio về nhà nên bác Geppetto đã đi tìm cậu ngoài bờ biển thì chẳng may cũng bị cá mập nuốt vào bụng. Bác Geppetto và Pinochio đã cùng nhau nghĩ ra kế thoát ra khỏi bụng cá để trở về nhà. Từ đó Pinochio luôn cố gắng học tập và làm việc, phấn đấu để phụng dưỡng bác Geppetto. Pinochio đã trở thành một cậu bé thực sự với những suy nghĩ tích cực và hiếu thảo. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 05/01/2018)
Hẳn là, Báo Thiếu niên Tiền phong đã trở thành người bạn thân thiết với nhiều thế hệ độc giả. Vậy các em có nhớ những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh, dễ thương "rất thiếu niên" mà các họa sĩ đã thể hiện trong tờ báo sinh động ấy không? Và có bạn nào còn nhớ họa sĩ Lê Tiến Vượng - tác giả của rất nhiều tác phẩm minh họa trong trang báo thân thuộc đó? "Trang nghệ thuật " số này, chúng mình cùng gặp gỡ họa sĩ Lê Tiến Vượng để nghe ông trò chuyện về công việc minh họa tại Báo Thiếu niên Tiền phong nhé! (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 03/01/2018)
Lớp học của En-ri-cô bước vào kỳ thi học kỳ cuối năm. Thầy giáo Péc-bô-ni tuyên dương những học trò lên lớp với thành tích tốt, an ủi những ai học kém phải ở lại lớp. Thầy giáo chia tay học trò trong niềm xúc động nghẹn ngào. En-ri-cô và các bạn cũng cảm ơn thầy đã tận tình dạy dỗ học trò suốt một năm qua. Khi ra về, các bạn học bịn rịn chia tay nhau, trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. Các bạn đã nghe buổi cuối cùng truyện dài “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ý Emondo De Amicis, bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn. Từ buổi đọc truyện dài kỳ tuần sau, ngày 05 tháng 01 năm 2018, các bạn đón nghe truyện dài “Những cuộc phiêu lưu của Pinochio” của nhà văn người Ý – Carlo Collodi. (Văn nghệ thiếu nhi 31/12/2017)
Truyện đọc hàng tháng cuối cùng của năm học là truyện “Một vụ đắm tàu”. Trên một chiếc tàu thủy chạy từ cảng Li-vơ-pun về đảo Man-ta, cậu bé Ma-ri-o và cô bé Pha-gia-ni làm quen với nhau. Hai đứa bé nhanh chóng kết thân bởi sự đồng cảm trước số phận không may mắn của người kia. Giữa đường thì hành khách hoảng hốt vì gặp bão lớn. Không vượt qua được cơn bão lớn, chiếc tàu bị chìm và chỉ một số người thoát nạn. Hành động hy sinh mạng sống của cậu bé Ma-ri-o cho người bạn mới quen thật cao thượng. Một câu chuyện buồn nhưng mang ý nghĩ rất sâu sắc. (Văn nghệ thiếu nhi 30/12/2017)
Một chú thiên nga bé nhỏ đang đang vui đùa trong hồ nước trong xanh thì bị những người thợ săn bắn bị thương. May mắn thiên nga được vợ chồng ông lão tốt bụng cứu sống và chữa lành vết thương. Thiên nga chính là nàng tiên út ở trên trời xuống trần gian để vui chơi. Cảm động trước lòng tốt của hai vợ chồng ông lão, nàng tiên út đã ở lại sống với họ. (Kể chuyện và hát ru 29/12/2017)
Cây xanh trò chuyện với nhau như thế nào nhỉ? Có phải là tiếng lá lao xao, hay trong đêm khuya vắng chúng rì rào kể chuyện cho nhau nghe… Rất nhiều liên lưởng mà chúng mình đã nghĩ ra để giải thích cho việc cây xanh trò chuyện với nhau. Còn nhà văn Trần Hoài Dương thì lại có một cách giải thích khá thú vị cho điều này thông qua truyện "Câu chuyện còn giấu kín trong lớp vỏ" (VOV6 Kể chuyện và hát ru 04/01/2018)
Truyện cổ tích “Chuỗi ngọc trai” kể về nàng công chúa sống ở xứ sở Mận Vàng. Nhắc tới công chúa chúng mình sẽ hình dung ra đó là một cô gái xinh đẹp, sống trong tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy, có nhiều kẻ hầu người hạ…Nhưng cô công chúa trong câu chuyện hôm nay lại không được xinh đẹp. Mỗi khi ra đường cô luôn bị mọi người quay lưng lại để không nhìn vào khuôn mặt xấu xí của cô. Tuy nhiên nàng công chúa ấy lại có tấm lòng nhân hậu, luôn tìm cách giúp đỡ những người nghèo khó trong vùng. Vậy nàng công chúa xấu xí này có liên quan gì tới chuỗi ngọc trai - nhan đề của câu chuyện cổ tích chúng ta nghe hôm nay không? (VOV6 Kể chuyện và hát ru 02/01/2018)
Chương trình giao lưu "Học viết văn để nuôi dưỡng tâm hồn" có sự tham gia của Đỗ Nhật Nam- người được nhiều bạn trẻ Việt Nam và quốc tế mến mộ bởi thành tích học tập và các hoạt động cộng đồng. Trong cuốn truyện "Những bài học ngoài trang sách" của Đỗ Nhật Nam có dòng tâm sự: "Mình coi cuộc đời của mỗi người là một trang sách mở. Mình giở mỗi trang sách và “đọc” để thu nhận những yêu thương, sự chia sẻ và đồng cảm chân thành. Vì lẽ đó, trong rất nhiều đoạn văn về những người thân yêu trong gia đình, mình cố gắng khắc họa chân dung mỗi người dưới góc nhìn giản dị và ấm áp…” Ngoài trang sách ra thì Đỗ Nhật Nam còn có thể học được nhiều điều từ ông bà, cha mẹ và những người xung quanh để có thể sống thật “đậm” và thật “đẹp”. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 02/01/2018)
"Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết / Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi / Như vị muối chung lòng biển mặn / Như dòng sông thương mến chảy muôn đời...". Những câu thơ sâu lắng, da diết ấy là mạch cảm xúc trào dâng và đầy ám ảnh của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Bài thơ "Tiếng Việt" đã trở thành một nốt nhạc đẹp, trong sáng và tinh khiết, gói trọn đủ đầy về vẻ đẹp của tiếng Việt. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 01/01/2018)
Cô giáo cũ của En-ri-cô mất vì bệnh để lại niềm tiếc thương với các thầy cô, phụ huynh và các học trò nhỏ. Mỗi khi nhớ lại lúc cô giáo ân cần, kiên nhẫn dạy bảo mình, En-ri-cô lại càng thấy thương cô. Cho đến những ngày cuối cùng cuộc đời, cô vẫn luôn nghĩ đến học sinh của mình. Tấm lòng của người giáo viên thật cao cả. En-ri-cô và các bạn đã bước vào những ngày cuối năm học. En-ri-cô nhớ lại thời gian một năm học đã qua và cậu cảm thấy mình hiểu biết hơn nhiều. Cậu cũng thầm cảm ơn những người đã giúp mình khôn lớn. (Văn nghệ thiếu nhi 29/12/2017)
Cuộc gặp gỡ giữa bố con Lui-gia diễn ra trong nỗi vui mừng khôn xiết. Sau ba năm cô con gái bé bỏng bị câm điếc đã biết nói, một điều kì diệu mà chưa bao giờ chú Giooc-da-no nghĩ đến. Chúng mình sẽ đến với câu chuyện cảm động của bố con Lui-gia. (Văn nghệ thiếu nhi 22/12/2017)
Người mẹ luôn là đề tài bất tận của thơ ca Việt Nam, một hình ảnh gần gũi thân thương đầy trìu mến. Trong chương trình hôm nay, các bạn cùng cảm nhận những tình cảm ấm áp của người mẹ và các con qua bài thơ "Ngày xưa có mẹ" của tác giả Thanh Vân. Tiểu phẩm "Gánh hàng khuya" do biên tập viên Hoàng Hiệp chuyển thể. Phần cuối là bài viết ghi lại cảm xúc về 12 năm với biết bao kỉ niệm học trò của tác giả Hải Dương. (Văn nghệ thiếu nhi 28/12/2017)