VOV6 - Truyện ngắn chúng ta vừa nghe được viết theo phong cách lịch sử, dựa vào những dữ kiện về cuộc đời Tây Thi, người phụ nữ được phong là một trong Tứ đại mỹ nhân thời cổ điển của Trung Quốc. Tây Thi được vua nước Việt là Câu Tiễn giao cho một sứ mệnh, đó là làm mê hoặc vua nước Ngô là Phù Sai để Câu Tiễn đợi dịp báo thù. Sau đó Câu Tiễn chiến thắng và nước Ngô bị xóa sổ. Thế nhưng phần đời còn lại của Tây Thi mãi là một ẩn số. Nhiều người tin rằng Tây Thi đã chết. Truyện ngắn của Đỗ Trung Lai có thể xem như một giấc mơ đưa ta ngược dòng thời gian về trò chuyện với người xưa. Trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, khi có chiến tranh, người phụ nữ thường trở thành một nạn nhân, một sự hy sinh bắt buộc. Những nỗi đau đớn xót xa của họ có mấy ai thấu tỏ. Chúng ta có thể liên tưởng đến những câu chuyện trong lịch sử Đại Việt có phần tương tự như câu chuyện về Huyền Trân công chúa hay An Tư công chúa. Nhà thơ Đỗ Trung Lai qua một tác phẩm mang đẫm màu sắc kỳ ảo đã bày tỏ niềm thương xót và đồng cảm với một trang mỹ nhân tuyệt sắc, cũng là tình thương yêu cho bao số phận người phụ nữ trên thế gian này có thể rơi vào cùng cảnh ngộ như Tây Thi. Bài thơ Nghe đàn nguyệt ở Tây Hồ ở phần cuối truyện là kết tinh của cảm xúc, hoàn toàn có thể xem là một tác phẩm độc lập. Đúng như lời nhân vật Tây Thi đã thổ lộ trong truyện, có được sự thấu hiểu và thương cảm ấy, những hận sầu oan ức từ thiên cổ như được cởi tan, đó cũng là tấm tình của người nghệ sĩ dành cho giai nhân tài tử.