Thực hiện cổ phần hóa ở Hãng Phim truyện Việt Nam là điều tất yếu. Nhưng cổ phần hóa như thế nào để đảm bảo lợi ích chung liên quan đến một thương hiệu nghệ thuật, liên quan đến quyền lợi và sức sáng tạo của các nghệ sỹ? Cổ phần hóa như thế nào để góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam chứ không phải là lợi dụng để trục lợi cho một doanh nghiệp hay cá nhân nào đó? Những giọt nước mắt của bao nghệ sỹ tâm huyết có là vô ích, liệu họ có nhận được một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này? (Điểm hẹn văn nghệ 30/9/2017)
Chuyên mục "Câu chuyện phóng viên": Cảm nhận của nhà báo Tuyết Mai về triển lãm “Nét” của họa sĩ Lưu Công Nhân - người được xem là “Bậc thầy thuốc nước”. Chuyên mục “Thơ phổ nhạc” là những giai điệu trữ tình sâu lắng của nhạc phẩm “Thư tình cuối mùa thu” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ thi sĩ Xuân Quỳnh. Chuyên mục "Thưởng thức tác phẩm" giới thiệu bộ phim tài liệu "Dấu tích Sa Huỳnh" của đạo diễn Phùng Ngọc Tú. Nền văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 3000 năm nằm trên dải đất miền Trung. Cùng với hai nền văn hóa khác cùng thời kỳ là Đông Sơn ở Bắc bộ, văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, văn hóa Sa Huỳnh đã trở thành 1 trong 3 trung tâm văn hóa thời Kim khí trên đất nước ta. (Điểm hẹn văn nghệ 16/09/2017)
Năm nay, tròn ba thập kỷ Việt Nam tham gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Trong chuyên mục “Câu chuyện phóng viên”, các bạn sẽ hình dung rõ hơn về sức lan tỏa của các Cuộc thi viết thư quốc tế UPU. "Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc / Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa / Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão / Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà...". Bài thơ "Tổ quốc" của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ được nhạc sĩ Lê Quang phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Tác giả thơ và nhạc sĩ tâm sự và trải lòng về ca khúc "Tổ quốc" (Chuyên mục "Thơ phổ nhạc"). Tài ứng biến của nhà thơ Huy Cận (Giai thoại Văn nghệ sĩ). (Điểm hẹn Văn nghệ 09/9/2017)
27 Huy chương vàng, 20 Huy chương bạc đã được trao cho các nghệ sỹ trong Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017. Bên cạnh niềm vui, những thành công từ cuộc thi, vẫn còn đó nhiều băn khoăn của người trong cuộc là các nghệ sỹ, nhà báo và khán giả. Đây cũng là nội dung bàn luận trong chuyên mục "Câu chuyện phóng viên" với sự tham gia của nhà báo - soạn giả Mai Văn Lạng. (Điểm hẹn văn nghệ 26/8/2017)
Vừa qua, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đại hội lần thứ 12 (nhiệm kỳ 2015-2020). Tại sao đại hội lần này bị chậm gần hai năm? Không khí đại hội như thế nào? Những vấn đề đặt ra tại đại hội là gì? Đó là những điều mà phóng viên Anh Thư chia sẻ trong chương trình "Điểm hẹn văn nghệ" (12/8/2017)
"Những lá thư thời chiến" là tên gọi của một cuộc hội thảo, tên gọi của một cuốn sách trong tủ sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm biên soạn, tập hợp những lá thư của người ở hậu phương và người ở chiến trường gửi cho nhau. Nhưng những lá thư thời chiến không chỉ nằm trong trang sách mà vẫn còn nhiều, rất nhiều, nằm sâu trong những hộc tủ cũ kỹ, giắt trên những mái nhà mối mọt, hay trong chiếc lọ thủy tinh chôn dưới gốc cây rừng, hoặc đã mãi mãi hòa cùng xương thịt với người ra đi. Không chỉ là câu chuyện của những lá thư. Đó còn là câu chuyện của tình yêu, tình người, câu chuyện của lịch sử, của những số phận vô danh và hữu danh. (Điểm hẹn văn nghệ 29/7/2017)
Giai điệu cảm xúc sâu lắng của ca khúc "Mẹ gọi tên anh" được nhạc sĩ Trọng Lưu phổ thơ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Lương Hữu Quang có hình tượng xuyên suốt là dáng hình người mẹ mỏi mòn ngóng chờ tin con. Câu hát "Mẹ ngồi đấy nhiều năm chờ đợi / Thành tượng người vô cảm sóng thời gian" hay " Anh đã thành đám mây Trường Sơn / Theo gió trời quanh quẩn bên mồ cha..." khiến nhiều cựu chiến binh nghĩ tới các đồng đội đã ngã xuống trong những trận đánh. Nhiều người trong số họ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vì thế gia đình và thân nhân của họ vẫn luôn hy vọng các anh sẽ trở về, dù chỉ là những kỷ niệm. (Điểm hẹn văn nghệ 15/7/2017)
Là một trong những bộ phim hoạt hình hiếm hoi làm về đề tài bạo lực học đường, "Dáng hình thanh âm" của đạo diễn Naoko Yamada đem đến cho người xem một góc nhìn mới - góc nhìn của chính những đứa trẻ trong cuộc - về bạo lực học đường. Không né tránh những cảnh bạo lực, nhưng phim vẫn có một cái kết sáng, một cách giải quyết nhân văn chứ không u ám như một số bộ phim dành cho độ tuổi trưởng thành. Có lẽ chỉ với tuổi thơ, sự nhân hậu và tình yêu, người ta mới có thể tin rằng ký ức được viết từ bút chì, có thể xóa bỏ những mảng đen tối nhất và chỉ giữ lại những gì đẹp đẽ nhất. (Điểm hẹn văn nghệ 01/7/2017)
Phim tài liệu "Còn lại với thời gian" với những trang thư, nhật ký chiến trường đã ố vàng của những người lính đã quên thân mình vì Tổ quốc. Những trang thư ấy đã phần nào giúp thế hệ sau hình dung xác thực về những gì diễn ra trong chiến tranh, về suy nghĩ thầm kín bên cạnh lý tưởng sục sôi của người lính trẻ (Thưởng thức tác phẩm). Giai điệu khỏe khoắn hào hùng trong nhạc phẩm "Hãy yên lòng mẹ ơi" (thơ Lê Giang, nhạc Lư Nhất Vũ) đã giúp người lính vững vàng tay súng chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc. Trên bước đường hành quân của các anh luôn có ánh mắt mẹ dõi theo với bao niềm thương nhớ (Thơ phổ nhạc). 10 buổi chiếu với hơn 30 bộ phim tài liệu của 10 nước châu Âu trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Đây là dịp để những người làm nghề có điều kiện giao lưu, trao đổi và tiếp thu kỹ thuật dựng phim tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó khán giả ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có điều kiện xem những thước phim tài liệu chân thực, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (Câu chuyện phóng viên). (Điểm hẹn văn nghệ 17/6/2017)
"Chị tôi" trong bài thơ "Cho một ngày sinh", ban đầu, là hình ảnh người chị của nhà thơ Đoàn Thị Tảo. Nhưng sau này, qua nhạc phẩm "Chị tôi" của nhạc sĩ Trọng Đài, qua bộ phim "Người Hà Nội", hình ảnh người chị đã bớt phần riêng tư. Nó trở thành câu chuyện của bất kỳ ai… Người chị trong bài hát ấy có thể là người chị, người mẹ thực trong đời, một cô gái quen biết tình cờ hoặc chính người nghe, đôi khi, cũng thấy có phần mình trong đó. (Điểm hẹn văn nghệ 03/6/2017)
Nhà thơ Thu Bồn (cây bút vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT) với những tác phẩm văn học vượt thời gian sẽ được nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ trong chuyên mục "Câu chuyện phóng viên". Giai điệu trữ tình của nhạc phẩm "Tạm biệt Huế" được nhạc sĩ Xuân An phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thu Bồn sẽ là nốt trầm xao xuyến khi nhớ về người con gái Cố Đô. Sự tinh khôi, lãng mạn được kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân vật rối dây và âm nhạc đã giúp cho vở rối "Vũ điệu hoa quỳnh" đoạt nhiều giải thưởng trong Liên hoan múa Rối quốc tế. (Chuyên mục "Thưởng thức tác phẩm"). (Điểm hẹn văn nghệ 25/5/2017)
Hành động trả lại bằng khen của đạo diễn Lương Đình Dũng ngay trong đêm trao giải Cánh diều 2016 cho thấy giữa ban giám khảo với cá nhân nghệ sỹ ít nhiều có mâu thuẫn, thiếu sự đồng thuận gặp gỡ nhau trong quan niệm sáng tạo. Người ủng hộ, người phản đối hành động này đều có lý lẽ riêng, song nếu nhìn khái quát thì có thể thấy việc trả lại giải thưởng không hề mới trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, đằng sau đó là những câu chuyện liên quan đến quyền lợi, danh dự, trách nhiệm, cách thức quy chế bình xét giải. (Điểm hẹn văn nghệ 06/5/2017)
Có nhiều điều để ấn tượng với một bộ phim như "Bao giờ cho đến tháng Mười": câu chuyện về tình yêu, về sự hi sinh của một thời, gương mặt cực kì xi-nê của diễn viên Lê Vân (trong vai Duyên) “khi tựa gối, khi cúi đầu – khi vò chín khúc khi chau đôi mày”, hay từ một vài trích đoạn điển hình trong phim. Nhưng sau tất cả, những điều đó hẳn đều xuất phát từ một sự rung cảm vừa rất cá nhân, riêng tư lại vừa rất chung, rất quen thuộc:“Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hi sinh chịu đựng khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu…”. (Điểm hẹn Văn nghệ 22/4/2017)
Kỉ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam cũng là dịp để những người viết và công chúng yêu văn học hiểu thêm về vai trò của một tổ chức xã hội - chính trị - nghề nghiệp đối với sự phát triển của nền văn học Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa, chính trị, xã hội và con người; mối quan hệ với đất nước, với dân tộc và nhân dân. Thử thách của thời hiện đại càng đặt ra cho nhà văn, nhà thơ những mối quan tâm,những câu hỏi và bản lĩnh nghề nghiệp. (Điểm hẹn văn nghệ 08/4/2017)