VOV6 - Trên đất nước ta có rất nhiều làng nghề truyền thống lâu năm để phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Trong chiến tranh cũng như cuộc sống hòa bình thì nghề rèn luôn là ngành nghề quan trọng. Nghề rèn là một nghề nặng nhọc, vất vả, công phu và trải qua nhiều công đoạn mới sản xuất ra những sản phẩm hữu ích. Chính vì vất vả như vậy nên nghề rèn thường được những người đàn ông khỏe mạnh thực hiện, truyền dạy cho con cháu. Nhưng người giữ gìn lò rèn nổi tiếng của làng Chợ Dừa lại là một người phụ nữ. Từ những vui buồn trong cuộc đời bà, tác giả dẫn dắt người đọc, người nghe đến với thăng trầm của một làng nghề truyền thống bên dòng sông Trầu. Làng rèn đã bao năm nhộn nhịp tiếng búa, tiếng bễ lò rèn, tiếng cười nói rộn ràng của người thợ hăng say làm ra dụng cụ lao động, sản xuất trên cánh đồng. Thế nhưng cuộc sống phát triển, những máy móc hiện đại thay thế dụng cụ truyền thống khiến làng nghề chết dần. Để lưu giữ nghề xưa, người con dâu ông Tám Lìn phải phiêu bạt tứ xứ rèn dao kiếm sống. Ông Tám Lìn, một người thợ rèn tài ba cũng trở thành người lái đò. Thế nhưng trong lòng ông Tám Lìn cũng như con, cháu vẫn âm ỉ một ngọn lửa nghề. Hình ảnh đứa bé 10 tuổi con trai của Tình tập quai búa bên bễ than cuối câu truyện thắp lên sức sống của nghề rèn. Từ câu chuyện vui buồn của một nghề rèn, chúng ta thấy được những khó khăn và thách thức của làng nghề truyền thống hôm nay. Đó là việc khó khăn trong đào tạo, gắn bó người trẻ với nghề của cha ông, khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, vấn đề ô nhiễm làng nghề… Chính vì vậy, những ai vấn gắn bó với nghề truyền thống đều có một ngọn lửa trong lòng. Ngọn lửa nghề đã sáng biết bao năm, bao đời và duy trì đến tận ngày nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)