VOV6 - Phải nói rằng đây là một truyện ngắn quá đẹp, đẹp về văn, về chuyện, về khả năng lay động tâm thức người đọc. Trần Thị Tú Ngọc viết một câu chuyện tình nhưng không phải chuyện tình. Mượn câu chuyện hành trình đi tìm “bông súng đỏ” của một người lính để tác giả lồng ghép về những ám ảnh hậu chiến, những mất mát chiến tranh vùi lấp ẩn trong tâm khảm người đang sống, những định kiến, những thổn thức trong không gian man mác miền sông nước “Giữa dằng dặc chiến tranh tơi bời đạn lửa, những nỗi niềm nho nhỏ bị vùi lấp đi tuyệt mù vô tăm tích". Cái đặc sắc của truyện còn ở chỗ Trần Thị Tú Ngọc đã nhập vai hoàn chỉnh cho tác phẩm mang đậm hơi hướng Nam Bộ, thổi hồn cốt sông nước miền Tây vào câu chuyện rất tự nhiên, uyển chuyển, tài tình. Tác giả không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất sông nước này nhưng tình cảm phải nồng hậu đến thế nào, am hiểu đến nhường nào mới có được mạch văn đậm chất miệt vườn như thế “Những bờ sông lở lói nhìn tôi giễu cợt. Tàu hút cát chạy ầm ầm. Những con mương trơ lòng rác rến. Đám trẻ con lem luốc quệt nước mũi lòng thòng. Bà lão bán bánh bò ở Châu Đốc nhọc nhằn chèo xuồng đưa tôi qua đầm nước sắp cạn khô. Thở dài não ruột: thật hết biết tụi trẻ bọn bây, chẳng nhớ gì ráo trọi. Muốn tìm hoa súng phải đợi đến tháng chín tháng mười, về đây khi mùa nước nổi nghen con”. Phải có một xúc cảm mãnh liệt và một ngòi bút vô cùng tinh tế tác giả mới có thể làm được điều đó.
Truyện có hai giọng kể đều xưng “tôi”, “tôi” trong vai người lính và “tôi” cũng là Nguyên – người con gái mang hai dòng máu Việt - Mỹ, cả hai đều dành cho nhau tình cảm quyến luyến, mến thương. Hình ảnh bông súng đỏ cuối truyện thật đẹp, thật gợi, nó mở ra một sự hứa hẹn, chờ đợi dẫu Nguyên đi, đi rồi sẽ quay trở về. Là cây bút trẻ, Trần Thị Tú Ngọc còn cả một chặng đường dài phía trước để từng bước trau dồi ngòi bút của mình và chúng ta có thể nhận thấy những tín hiệu lấp lánh đáng để mong chờ và hy vọng (Lời bình của BTV Vân Khánh)