VOV6 - Trước khi trở thành một người viết tiểu thuyết với các tác phẩm ấn tượng như “Từ Dụ Thái hậu”, “Công chúa Đồng Xuân”, nhà văn Trần Thùy Mai đã sớm “gây thương nhớ” với độc giả bằng thể loại truyện ngắn. Nhà phê bình Đặng Tiến từng nhận xét “nghệ thuật Thùy Mai quay vòng xung quanh ba trụ điểm: kỹ thuật kể chuyện hấp dẫn, lối phân tích tế nhị, gợi suy tưởng, và cuối cùng, quý nhất là tấc lòng nhân hậu của tác giả”. Truyện ngắn “Thương nhớ hoàng lan” cũng không nằm ngoài “ba trụ điểm” này. Tác phẩm là hai câu chuyện tình của hai thế hệ. Một tình huống, hai lựa chọn nhưng kết cuộc dường như không thay đổi. Với nhân vật “tôi” hay “cha tôi”, việc vướng vào tình ái khi đang trong con đường tu tập đều đem đến nỗi sầu muộn và nuối tiếc. Một thứ tình yêu cấm đoán khiến người ta e sợ nhưng mặt khác lại không ngừng khao khát, kiếm tìm – một sự quyến rũ ma mị mà cả đời chẳng thể nào thôi nhớ thôi thương. Không quá cầu kì về kĩ thuật viết, “Thương nhớ hoàng lan” tuân theo lối trần thuật tuyến tính. Nhịp kể chậm rãi, chủ yếu khai thác đời sống nội tâm đầy biến động của nhân vật “tôi” – người đã khước từ tình yêu từ buổi đầu gặp gỡ nhưng không thể khước từ một sự thật về sự rung động của bản thân. Sau tất cả, xin khép lại bằng những câu văn của chính tác giả Trần Thùy Mai: “Trong tình yêu, hạnh phúc thật ngọt ngào, mà khổ đau cũng đầy thi vị. Chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới thực sự là khủng khiếp.”