Cây gạo giấu mình trong lớp vỏ xù xì suốt mùa đông lạnh giá. Mùa xuân, cây gạo bừng tỉnh, lá xanh non mơn mởn, và những búp hoa đỏ bắt đầu hé nở, đẹp ơi là đẹp. Cây gạo đổi thay một cách lạ kỳ, bừng nở những bông hoa rực rỡ. Mùa xuân tươi xanh được điểm tô bởi sắc hoa đỏ tuyệt đẹp. (VOV6 Kể chuyện và hát ru 13/03/2018)
Có một nàng công chúa xinh đẹp nọ đã đến tuổi cập kê. Thế nhưng, nhà vua không cho nàng được tự do lựa chọn hạnh phúc của cuộc đời mình mà ép gả nàng cho một người mà nàng không có tình cảm. Không còn cách nào khác, nàng đã phải bỏ trốn khỏi cung điện. Không biết rằng, những điều gian nan nào sẽ chờ đợi nàng phía trước và nàng có tìm kiếm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình? (VOV6 Kể chuyện và Hát ru 10/03/2018)
Có một chàng ngốc nọ làm lụng kham khổ cho một Phú Ông, nhưng Phú Ông lại trả công cho chàng bằng những nén vàng giả. Không biết rằng chàng ngốc có phát hiện ra sự thật và rồi chàng sẽ xử lý ra sao với số vàng không có giá trị ấy nhỉ? (VOV6 Kể chuyện và hát ru 07/03/2018)
Mùa Xuân là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc. Mùa Xuân trong lòng mỗi người lúc nào cũng tươi đẹp và căng tràn sức sống có đúng không nào? Chương trình “Kể chuyện và Hát ru cho bé” hôm nay, chị muốn giới thiệu tới chúng mình những câu chuyện về mùa Xuân tươi vui mà sâu sắc, đó là truyện cổ tích “Nàng tiên Mùa Xuân” và “Sự tích Mùa Xuân”. (VOV6 Kể chuyện và Hát ru cho bé 05/03/2018)
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp đón xuân mới, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại tổ chức một chương trình vui xuân đầy màu sắc. Đến với Bảo tàng dịp này, ngoài trải nghiệm thú vị với những di sản văn hóa của dân tộc, chúng mình còn được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc như: đánh đu, pháo đất, bịt mắt đập niêu (của người Việt);đánh cầu lông gà, đẩy gậy, ném pao(Mông); Đi cầu đôi (Cao Lan); lăn bưởi (Si La); kéo co (Thái); chơi quay (Dao); giấu khăn, ném khăn (Khơme); đánh cây (Mnông)...cũng như thỏa trí khám phá 12 con giáp qua việc tô vẽ tranh, in tranh dân gian hay tự tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh… (Văn nghệ thiếu nhi 28/02/2018)
Những dư âm của mùa xuân còn ngân vọng, thiết tha và tràn đầy sức sống. Giêng hai non xanh hòa trong gió trong nắng và lòng người khấp khởi niềm vui, hân hoan, hi vọng. Những cảm nhận tươi non về mùa xuân của các em học sinh lớp 5 trường tiếu học Lý Thường Kiêt, Hà Nội thật trong trẻo, tinh khôi. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 05/3/2018)
Truyện ngắn “Ngày xuân ấm áp” của bạn Nguyễn Hồng Ngọc, lớp 8A trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội viết về trường hợp của một bạn nhỏ gặp hoàn cảnh đáng thương, bị bỏ rơi ở giữa chợ. Cuộc sống của em sẽ ra sao nếu không có những tấm lòng nhân ái cưu mang giúp đỡ. Truyện viết trong sáng, nhân văn của một cô học trò biết sẻ chia yêu thương với những hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống... (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 06/03/2018)
Nếu như quán của vợ chồng Tư Mắm nổi tiếng với món cháo rắn, thì người nổi tiếng là khắc tinh của con vật này là lão Ba Ngù. Hình ảnh ông ba Ngù bán rắn ngồi dưới gốc cây Bã Đậu, tán lá xanh um ngả dài bóng mát trên mặt đất, bọn trẻ con xúm xít chen nhau ngồi xung quanh hai giỏ rắn, đứa thì khoanh tay lên gối mắt dán vào những con vật trong giỏ, đứa thì chỉ trỏ, nói nói cười cười…đã được nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả sắc nét trong những trang truyện hôm qua. Cuộc sống dân giã của những người dân cần cù sống ở vùng U Minh liên tục bị khuấy động bởi tiếng ầm ì của máy bay, tiếng nổ chát chúa của bom đạn làm đám con nít thét lên cắm cổ chạy túa đi. Người lớn thì quýnh quáng toan chạy… An đã quen với tiếng súng, tiếng bom từ mấy tháng nay rồi nên chỉ co người thụp xuống. Khi dứt tiếng nổ An liền đứng lên quan sát xung quanh. Nếu đó là súng giặc bắn thì phải bình tĩnh xem chúng tới từ hướng nào để chạy tránh. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 04/03/2018)
Chẳng ai nghĩ rằng dì Tư là vợ của ông Tư Mắm bởi dáng dấp và phong cách của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Dì Tư tuy ăn vận mộc mạc ra vẻ một người lam lũ, nhưng từ cách nói năng cho đến dáng đi thì dì là người rất đàng hoàng. Còn ông Tư Mắm thì là người đơn giản. Quán của Tư Mắm nổi tiếng là món cháo rắn. Thịt rắn có thể chế biến được nhiều món ăn như xào xả ớt hay nấu cà-ri nước dừa…Nhưng ngon và phổ biến hơn cả chính là cháo vừa bổ vừa mát. Thịt rắn trắng có màu trắng ngà, dì Tư liền bắc chảo mỡ cho sôi lên thả hành và tỏi khô vào. Sau đó cho thịt rắn vào, thêm ít nước mắm, chút tiêu cho vừa tới. Khi đã dậy mùi thơm dì Tư bèn múc tô cháo hoa nóng nổi rồi để thịt lên trên, rắc thêm chút tiêu là đã có được bát cháo rắn ngon miệng. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 03/03/2018)
Chúng ta đang theo dõi những trang truyện kể về cuộc trò chuyện giữa bốn người: ông Huỳnh Tấn, bác Ba Ngù, chú Sáu làm công tác tuyên truyền và dì Tư béo trong truyện dài “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Câu chuyện diễn ra sôi nổi, rôm rả khi mọi người nhắc tới mặt trận Gò Công. Ông Huỳnh Tấn thì cho rằng đang thế nước lên chúng ta tiếp tục đánh cho quân địch không còn đường chạy. Còn chú Sáu thì lại nghe phong thanh rằng đang có chủ trương đình chiến. Cả ông Huỳnh Tấn và chú Sáu đều đưa ra những nhận định có cơ sở nên câu chuyện đã kéo dài mấy giờ đồng hồ mà vẫn chưa ngã ngũ. Khi trời vừa xâm xẩm thì họ nghe thấy một giọng ca buồn đang thả thuyền trôi theo dòng kênh mỗi lúc một gần căn chòi. Câu chuyện tạm gác lại khi có sự xuất hiện của ông Tư Mắm. Ông Tư Mắm là người như thế nào? (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 02/03/2018)
Chúng mình đã được nghe Thần Ru Ngủ kể ba câu chuyện vào tối thứ hai, tối thứ ba và tối thứ tư rồi. Nhân vật chính của những câu chuyện này là cậu bé I-gian-ma tinh nghịch hiếu động. Vào tối thứ hai thì I-gian-ma mơ về những con chữ đã buồn phiền như thế nào khi cậu ta viết xấu. Còn tối thứ ba thì I-gian-ma vui hơn vì được Thần Ru Ngủ đưa đến một vùng đất có nhiều cây xanh và hồ nước mát. Ở đó I-gian-ma đã gặp chàng hoàng tử tí hon. Nhưng đến tối thứ tư thì Thần Ru Ngủ lại đưa I-gian-ma lên một chiếc thuyền lớn. Chiếc thuyền ấy đã đưa cậu bé tới vùng đất Châu Phi nhiều nắng. Cậu được đi qua những kim tự tháp nghìn năm tuổi và các thảo nguyên xanh ngút ngàn...thật là thú vị. Còn tối hôm nay cậu bé I-gian-ma sẽ được trải nghiệm những điều thú vị nào? Chúng mình hãy ngồi ngoan để nghe Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long kể tiếp câu chuyện này nhé! (VOV6 Kể chuyện và hát ru 27/02/2018)
Chị biết là nhiều bạn trước khi ngủ thì luôn được người lớn kể cho nghe những câu chuyện cổ tích thần tiên. Nhân vật chính trong những câu chuyện này thường là hoàng tử và công chúa. Ngoài ra còn có bà tiên nhiều phép thuật, mụ phù thủy vô cùng đáng sợ nữa…Chúng mình sẽ được sống trong thế giới thần tiên lung linh sắc màu, để rồi khi các bé chìm vào giấc ngủ, trong mơ chúng mình sẽ trở thành những nàng công chúa và hoàng tử trong gia đình mình...Còn bây giờ chị sẽ mời Thần Ru Ngủ kể cho các bé nghe những câu chuyện có hình ảnh của chúng mình ở trong đó đấy! (VOV6 Kể chuyện và hát ru 26/02/2018)
Với những phẩm chất thông minh, dũng cảm, trung thành, khéo léo thì chó trở thành vật nuôi không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Hình ảnh Cún con cũng gợi nhiều cảm xúc cho các cây bút sáng tác văn, thơ cho thiếu nhi. Mở đầu chương trình hôm nay, các bạn cùng nghe bài thơ “Cún con đá bóng” của Nguyễn Lãm Thắng. Tiếp đó là cuộc trò chuyện giữa Biên tập viên Hoàng Hiệp và bạn Hoàng Kiều Nga về những tác phẩm hấp dẫn viết về Cún Vàng của NXB Kim Đồng trong thời gian qua. Phần cuối, các bạn nghe trích đọc truyện “Hachicô-Chú chó chờ đợi” của nhà văn Luis Prats (Tây Ban Nha) do NXB Kim Đồng xuất bản. (VOV6 - Chương trình Văn nghệ thiếu nhi 01/3/2018)
Sau những phút hân hoan gặp lại người bạn cũ, ông Huỳnh Tấn và anh phân đội trưởng Cộng hòa vệ binh bắt đầu nói chuyện về chiến sự. Ông Huỳnh Tấn kể chuyến đi mình bảo vệ lãnh đạo gặp đại tá lính Nhật. Qua lời kể của ông, An như thấy được không khí căng thẳng tại hội nghị các tướng lĩnh mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn tại Tổng hành dinh Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Những thông tin về tình hình chiến sự An nghe được bên bàn nhậu khiến cậu rất hào hứng. (VOV6 Văn nghệ thiếu nhi 25/02/2018)