Cụm từ “Bài văn lạ” được dùng khá phổ biến trên mạng internet, đặc biệt nở rộ vào mỗi kỳ thi. Đó có thể là một bài văn xuất sắc, vượt lên chuẩn mực thông thường. Cũng có thể là bài văn có nhiều câu ngộ nghĩnh buồn cười, hay người viết cố ý hiểu nhầm đề bài để gây ấn tượng, mạnh hơn nữa là gây Scandal trong phạm vi lớp học trường học. Mỗi chúng ta sẽ có quan điểm khác nhau về từng trường hợp cụ thể. Ở góc độ giáo viên, các thầy cô có suy nghĩ và ứng xử như thế nào? Cuộc trò chuyện giữa BTV Anh Thư với nhà thơ - nhà giáo Đông Hà (Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế) đề cập nội dung này. (Văn nghệ thiếu nhi - Trang văn học nhà trường 03/7/2017)
Ngày trước loài trâu không phải do người nông dân chăm sóc và thuần dưỡng mà chúng sống tự do trong rừng sâu. Chúng tự sinh sôi và phát triển nhờ thân hình to khỏe, lực lưỡng của mình. Cuộc sống tự do ấy luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa khiến loài trâu phải tìm một chỗ dựa an toàn. Trong một lần gặp nạn trâu đầu đàn đã được người nông dân cứu giúp. Để trả ơn, trâu tình nguyện lao động để phụ giúp người nông dân trong công việc đồng áng.(Kể chuyện và hát ru 08/7/2017)
Lá cây làm nhiệm vụ quang hợp giúp cây xanh phát triển. Tác giả Phạm Thanh Thúy đã sáng tác câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời của một chiếc lá từ khi được sinh ra cho tới khi lìa cành. Sự cho đi và nhận lại thông qua vòng đời của một chiếc lá sẽ giúp các bạn thêm phần thơm thảo khi chơi với bạn khác. (Kể chuyện và hát ru 05/7/2017)
Có một người đánh xe ngựa bị người tí hon dẫn đi. Ban đầu ông vô cùng sợ hãi. Nhưng càng đi vào vương quốc của người tí hon, ông càng cảm thấy thú vị bởi sự giàu có và tính tình thân thiện của những dân sống ở đây. Khi trở về với cuộc sống thực tại, người đánh xe ngựa sẽ chẳng bao giờ quên khoảng thời gian sống vui vẻ và hạnh phúc cùng với họ. (Kể chuyện và hát ru 03/7/2017)
Những niềm vui tuổi thơ được thể hiện sinh động, giàu cảm xúc trong bài thơ "Cánh diều tuổi thơ" của tác giả Bùi Ngọc Châm và tản văn "Kỉ niệm ngày hè" của tác giả Phạm Thị Nhung. Có lẽ những vườn cây trái ngọt quen thuộc với tuổi học trò ở nông thôn nhưng lại mới mẻ với những em ở thành phố. Được về quê trải nghiệm những điều mới lạ cũng là ý tưởng rất hay với nhiều em trong dịp hè. Phần cuối chương trình biên tập viên Hoàng Hiệp gửi tới người nghe tiểu phẩm "Bạn hàng xóm". (Văn nghệ thiếu nhi 02/7/2017)
Có một ông lão đã đem đến cuộc sống giàu sang cho ba người con nuôi của mình. Hai người con lớn từ ngày giàu có trở nên tham lam và ích kỉ khiến cha nuôi rất thất vọng. May mắn thay, vợ chồng người con út lại sống trung thực và thương người. Người cha nuôi hạnh phúc khi thấy con út trở thành người lương thiện, tốt bụng. (Kể truyện và hát ru 01/7/2017)
Nếu các bạn có những tấm vé cũ, những bông hoa khô, những giấy tờ hay sách báo cũ... các bạn sẽ làm gì với chúng? Các bạn đã bao giờ nghĩ, chúng mình sẽ dùng những vật tưởng như hết giá trị sử dụng ấy để làm một cuốn nhật ký bằng tranh chưa? (Văn nghệ thiếu nhi 25/10/2017)
Truyện ngắn "Vui buồn tuổi mười lăm" của nhà văn Quách Liêu viết về cuộc sống, những khó khăn và cả những ngả rẽ bất ngờ của cô bé Ngân (15 tuổi) từ quê lên thành phố học tập. Ngoài giờ học Ngân còn phải đi làm thêm để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Những va chạm ngoài cuộc sống đã giúp Ngân trưởng thành, tự tin hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. (Văn nghệ thiếu nhi 30/6/2017)
Bằng trí thông minh và lòng dũng cảm thỏ trắng đã chiến thắng cả hổ và cá sấu. Từ đó, thỏ trở nên kiêu ngạo coi thường các loài vật khác trong rừng. Ốc sên nhỏ bé đã dạy cho thỏ một bài học về thói xấu kiêu ngạo, hợm hĩnh. Một câu chuyện đề cao tinh thần khiêm tốn, học hỏi người khác. (Kể truyện và hát ru 28/6/2017)
Các em nghĩ sao nếu chúng mình hóa thân thành "Thợ mộc nhí" để sáng tạo một bầu trời mơ ước với những đám mây trắng bồng bềnh và bao tạo vật thú vị khác nhỉ? Chúng mình cùng nghé thăm Xưởng sáng tạo Creative Gara (Ngõ 31 phố Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) trong một buổi sáng tạo đậm chất "ngôn tình" nhé! (Văn nghệ thiếu nhi 28/6/2017)
Trong mỗi chúng ta, quê hương là máu thịt, là mẹ cha, là tuổi thơ, là bờ tre, ruộng lúa...Ai đi xa quê lại càng da diết mỗi khi nhắc nhớ. Quê hương trở thành đề tài quen thuộc của các nhà văn, nhà thơ. Tình cảm sâu nặng ấy thể hiện trong các tác phẩm văn chương rất đậm nét. Bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Tế Hanh là một cung bậc tình yêu tha thiết. Cuộc trò chuyện giữa BTV Vân Khánh với tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền về bài thơ này có nhiều thú vị và bổ ích. (Văn nghệ thiếu nhi - Trang Văn học nhà trường 26/6/2017)
Để dạy cho cậu con trai lười biếng biết gia trị của việc chăm chỉ lao động, bà mẹ nói rằng dưới đồng ruộng nhà mình chôn rất nhiều vàng bạc. Người con trai tưởng thật đã hăng hái đào cả mảnh ruộng lên để tìm kho báu. Cuối cùng vàng thì không thấy nhưng hai mẹ con đã có một mảnh đất mầu mỡ, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Từ đó, người con trai chăm chỉ lao động, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. (Kể truyện và hát ru 26/6/2017)
60 năm qua, những cuốn sách của Nhà xuất bản(NXB)Kim Đồng đã song hành cùng nhiều thế hệ độc giả trong cả nước. Vừa qua, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng đã tổ chức kỉ niệm 60 năm thành lập và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phóng viên Dương Hà có bài viết “60 năm nỗ lực vì nền văn hóa đọc” phản ánh sự kiện này. Nhà văn Tô Hoài là một trong những người sáng lập NXB Kim Đồng. Cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" của ông được bạn đọc nhỏ tuổi trong nước và thế giới yêu mến. Phần cuối chương trình, các bạn cùng nghe một trích đoạn trong cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký". (Văn nghệ thiếu nhi 25/6/2017)
Bộ ba tác phẩm "Máu hiếm", "Luật chơi" và "Hiện thân" của nhà văn Phan Hồn Nhiên đều xoay quanh hành trình giải đáp bí mật của nhân vật Vinh (19 tuổi). Các dữ liệu của ngành kỹ thuật y sinh được đan cài khéo léo với kiến thức về kiến trúc, âm nhạc vừa đủ để độc giả không cảm thấy nặng nề, vừa gợi sự tò mò để lật giở các trang kế tiếp. (Văn nghệ thiếu nhi 23/6/2017)