Để chiếm ngôi vua của Caneda, bà dì ghẻ đã bày mưu tính kế hãm hại chàng. Bà tìm cách nói xấu Caneda nhưng không thành công nên phải nhờ tới phù thủy Caileakha độc ác.Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn tốt bụng của mình nên chàng đã vượt qua tất cả thử thách nguy hiểm. Cuối cùng hoàng tử Caneda đã trở về trị vị đất nước. (Kể truyện và hát ru 06/10/2016)
Qua giọng kể của cô Mai Phương và chú Viết Duy, chúng ta làm quen với chàng hoàng tư Caneda tốt bụng. Để chiếm ngôi vua của Caneda, bà dì ghẻ xấu tính đã bày mưu tính kế hãm hại chàng. Liệu bà dì ghẻ có thực hiện được âm mưu của mình không và hoàng tử Caneda sẽ ra sao? (Kể truyện và hát ru 05/10/2016)
Nghệ thuật là nơi chúng mình trao gửi bao đam mê và mơ ước. Nghệ thuật cũng kết nối những tâm hồn để cùng chia sẻ, đồng cảm. “Vẽ nên cổ tích” là một chương trình nghệ thuật về hội họa, gom góp đủ đầy những ý nghĩa ấy. Khơi nguồn từ những điều rất gần gũi và giản dị của tuổi thơ: Ước mơ và những câu chuyện cổ tích, qũy “Thiện Nhân và những người bạn” đã phối hợp với NXB Kim Đồng thực hiện hoạt động vẽ và trưng bày tranh, nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ hoàn cảnh của các bạn nhỏ thiếu may mắn. (Văn nghệ thiếu nhi 05/10/2016)
Có một chú thỏ trắng tự tin rằng mình không thua kém bất cứ con vật nào trong khu rừng. Bằng trí thông minh của mình, thỏ trắng khiến những loài vật khỏe mạnh như hổ, cá sấu phải chịu thua. Từ đó, thỏ trắng trở nên kiêu ngạo, coi thường loài vật khác. Vì hợm hĩnh và kiêu ngạo mà thỏ trắng đã thua chú ốc sên nhỏ bé hơn mình. Câu chuyện giúp mọi người hiểu hơn ý nghĩa của sự khiêm tốn, học hỏi người khác. (Kể truyện và hát ru 03/10/2016)
Khi nhắc tới tuổi thơ thì nhiều người nhớ ngay tới một miền quê yêu dấu với biết bao kỉ niệm cùng gia đình, cùng bè bạn. Phần đầu chương trình, chúng ta cùng nghe truyện ngắn đầy kỉ niệm yêu thương có nhan đề “Kí ức tuổi thơ” của tác giả Chu Anh Ngọc. Qua bài thơ "Buổi sáng quê nội", người đọc, người nghe như trở lại kỉ niệm thân thương của mình. Phần cuối chương trình là tản văn xúc động về lòng hiếu thảo của con gái với mẹ có nhan đề "Tình mẫu tử" của tác giả Anh Tuấn. (Văn nghệ thiếu nhi 30/9/2016)
Nằm trong chùm thơ thu của thi hào Nguyễn Khuyến, "Thu điếu" được chọn học trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài thơ chỉ kể chuyện câu cá mùa thu hay còn lớp nghĩa nào khác? Những hình ảnh như "Ao thu lạnh lẽo", "Ngõ trúc quanh co", "Cá", "Bèo"... ngoài nghĩa tả thực còn hàm ẩn điều gì?
(Văn nghệ thiếu nhi 03/10/2016)
Nhân vật chính của thiên truyện "Catherine-Cô bé đeo mắt kính" là Catherine Certitude. Em có thể cùng lúc sống trong hai thế giới khác nhau: thế giới thực tế gồ ghề, sắc cạnh khi Catherine đeo mắt kính và một thế giới êm ả, dịu dàng khi tạm rời đôi kính cận. Niềm đam mê lớn nhất của Catherine là được học múa. Có lần Catherine nghĩ rằng chính đôi mắt cận đã cản trở em thành một vũ công chuyên nghiệp. Nhưng cô bé đã hoàn toàn sai lầm. Chính những khi không đeo kính, thế giới xung quanh đều trở nên mờ ảo. Lúc ấy Catherine mới thực sự là chính mình và cháy hết với các động tác múa thuần thục. (Văn nghệ thiếu nhi 02/10/2016)
Thuở xa xưa, quần đảo Booc-nê-ô của đất nước In-đô-nê-xi-a là một “thiên đường” xinh đẹp của loài hươu chuột bé xíu. Những chú hươu chuột xinh xắn đang sống yên bình thì bỗng đâu tai họa ập đến. Vua Hổ ở đảo Gia-Va cử ba hổ con sang đảo Booc-nê-ô, nhằm uy hiếp, bắt vương quốc hươu chuột phải cống nạp thức ăn cho chúng. Đặt chân tới đảo Booc-nê-ô, ba tên hổ hung hăng gặp ngay chú hươu chuột thông minh, láu lỉnh có tên là Kan-chít. Chúng gửi sợi râu của vua Hổ cho Kan-chít nhằm uy hiếp vương quốc hươu chuột. Thế nhưng, bằng trí thông minh và lòng gan dạ của mình, Kan-chít đã nghĩ ra diệu kế, khiến cho vua Hổ không dám quấy rầy vương quốc hươu chuột nữa. (Kể chuyện và hát ru 30/9/2016)
Chuyện kể rằng ở một đất nước nọ, có một chú gà trống rất trung thành với nhà vua. Quanh năm suốt tháng, gà trống làm lụng cật lực trên đồng áng để thu về những vựa thóc lúa bội thu, nhưng chưa khi nào chú ta đòi nhà vua phải trả công cho mình cả. Vào một vụ mùa bội thu nhất, gà trống xin vua ban cho mình một phần thóc để đi hỏi nàng công chúa ở xứ sở xa xôi làm vợ. Các bé nghĩ gà trống sẽ đựng phần thóc ấy bằng cách nào nhỉ? Trong khi chú gà thì vô cùng bé nhỏ, mà số của cải để cưới được công chúa hẳn là rất khổng lồ. Chúng mình có hồi hộp muốn biết phương án chở thóc của chú gà không nào? (Kể chuyện và hát ru 28/9/2016)
Trên sân khấu rối cạn, hình ảnh các con rối hay đạo cụ sân khấu được chế tác từ gỗ hay bông vải đã quen thuộc với chúng ta. Vậy có bao giờ các em thử tưởng tượng một sân khấu rối cạn được chế tác hoàn toàn từ những vật liệu thân thuộc như: rơm rạ, mây tre đan, thúng mủng, rổ rá thì sẽ ấn tượng như thế nào chưa? Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam giúp chúng ta có những trải nghiệm thú vị như vậy đấy! (Văn nghệ thiếu nhi 28/9/2016)
BTV Hoàng Hiệp trao đổi cùng nhà văn Lê Phương Liên về những điểm mới trong sáng tác văn học tuổi mới lớn hiện nay. Những tình cảm ấm áp, trong trẻo của của hai người bạn thân trong truyện ngắn "Chàng trai đến từ cơn mưa" của tác giả Phan Ý Nhi. Những kỉ niệm với bạn bè, trường lớp thân thương ngày đầu năm học trong bài thơ "Bâng khâng tháng 9" của tác giả Trọng Tuấn. (Văn nghệ thiếu nhi 23/9/2016)
Xưa kia, có người lính nọ rất tài năng, cần mẫn, nhưng chàng lại bị những kẻ ghen ghét hãm hại. Biết bao lần chịu oan ức, chàng buộc phải rời khỏi quân ngũ để tìm đến một vương quốc khác. Chàng đã thuyết phục được nhà vua ở vương quốc mới bằng kinh nghiệm và sự từng trải. Nhà vua giao cho chàng canh gác vườn cây yêu quý của ngài. Mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp thì từ đâu xuất hiện con chim lạ tới phá phách, khiến chàng hết sức hoang mang vì phần lớn cây trong vườn đã bị bẻ gãy. (Kể chuyện và Hát ru 26/9/2016)
Ghé miệng vào đáy múi mít, một dòng mật ngọt sánh dịu dàng chảy vào cổ họng. Nhận hết dòng mật ngọt ấy rồi mới cắn từng miếng nhỏ, nghe răng mình ngập trong múi mít, nhai chầm chậm để cảm nhận vị giòn, thơm, ngọt, mềm. Dường như ở đó có sự hội tụ tinh túy của trời và đất, của nắng gió bão mưa bốn mùa thay đổi, chuyển hóa, thẩm thấu vào tận cùng nguồn mạch. Ăn múi mít, thấy lòng rưng rưng, biết ơn người trồng cây, biết ơn đất đai làng mạc, biết ơn cây cối luôn rộng lòng hào hiệp. (Văn nghệ thiếu nhi 26/9/2016)
Tản văn “Những vết nứt tần tảo” của tác giả Nguyễn Thị Oanh viết về sự tần tảo vất vả của mẹ dành cho gia đình và các con. Câu nói của mẹ là: Chân của bà ngoại, của nhiều người phụ nữ trong dòng họ cũng bị rạn nứt giống như mẹ...luôn khiến tác giả tin rằng sau này lớn lên mình cũng sẽ có đôi bàn chân giống mẹ. Theo độ dày của những vết nứt dưới chân mẹ, các con lớn dần lên lại luôn được những đôi giày nâng đỡ và ủ ấm, gót chân ngày một hồng hào. Lời dự báo về đôi bàn chân rạn nứt giống như mẹ năm nào đã không thành hiện thực. (Văn nghệ thiếu nhi 25/9/2016)