VOV6 - Nhân vật chính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe không có tên cụ thể, nhà văn chỉ gọi là ông lão vẽ tranh. Sau hơn 60 năm lưu lạc, ông tìm về quê ngoại của mình để sống những năm tháng cuối đời. Hàng ngày, ông vẽ tranh truyền thần hoặc vẽ theo yêu cầu cho các khách gần xa mà không đòi hỏi công xá, ai muốn đưa bao nhiêu cũng được. Ông đều vui vẻ và luôn vẽ bằng cả tấm lòng của mình. Có thể nói, ông lão vô danh ấy là một nghệ sĩ đích thực, mỗi bức tranh của ông mang lại sự xúc động cho người xem và thu phục cả nhân tâm con người. Cho đến một ngày không nhận vẽ truyền thần nữa, dường như ông lão bước vào một giai đoạn thật đặc biệt, đó là vẽ như trả món nợ ân tình với quê hương, vẽ như để tổng kết cuộc đời của mình. Ông vẽ mải miết như quên hết thời gian. Cho đến bức vẽ cuối cùng, ông dồn hết tâm lực để vẽ một bãi cỏ mùa xuân với cô gái nhỏ hàng ngày giúp việc cho ông, bé Hồng. Chính bức tranh ấy đã biến Hồng, vốn được giới thiệu trong phần đầu truyện là một đứa bé câm và dở người, đã thốt lên nghẹn ngào tiếng nói đầu tiên trong cuộc đời của mình. Qua hình tượng ông lão vẽ tranh, nhà văn đã gửi tới người đọc, người nghe những thông điệp thật sâu sắc. Thứ nhất, người nghệ sĩ không thể sáng tạo nếu thiếu đi quê hương và nguồn cội. Thứ hai, nghệ thuật đích thực phải mang đến những giá trị tích cực cho đời sống con người, khiến con người trở nên tốt đẹp hơn. Đó chính là tinh thần nghệ thuật vị nhân sinh. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)