Với thiếu nhi thành phố thì những công việc của nhà nông như cầy, bừa, gặt lúa, phơi thóc, nhổ lạc … khá lạ lẫm. Còn với những em nhỏ ở nông thôn thì đó lại là công việc quen thuộc gắn với tuổi thơ của nhiều người. Phần đầu chương trình là tản văn giàu hình ảnh làng quê Việt Nam có nhan đề "Buổi đầu tiên đi gặt” của tác giả Ngọc Châu. Tản văn là kỉ niệm đẹp về tuổi thơ và cũng giúp người đọc, người nghe hiểu được giá trị của sức lao động. Tiếp đó là tiểu phẩm "Thiên sứ và đại ca" do Hoàng Hiệp chuyển thể nói về tình bạn bất ngờ để lại nhiều kỉ niệm khó quên. (Văn nghệ thiếu nhi 02/4/2017)
Là một người rất am hiểu về những trò nghịch ngợm và lối suy nghĩ của lứa tuổi vẫn thường bị gọi là “trẻ trâu”, tác giả Trần Đồng Minh đã ghi lại trong những trang văn của mình những hoạt động trong lớp học một cách đầy hứng thú, say mê. (Văn nghệ thiếu nhi 31/3/2017).
Sử thi, hay mo “Đẻ đất đẻ nước” là niềm tự hào của người Mường, là viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam. Khác với các tác phẩm văn học dân gian khác, "Đẻ đất đẻ nước" tồn tại song hành trong đời sống vật chất và tinh thần của người Mường từ bao đời nay. Cùng nhà thơ Bùi Tuyết Mai - người con của "vũ trụ Mường" tìm hiểu về tác phẩm này các em nhé. (Trang văn học nhà trường - Chương trình Văn nghệ thiếu nhi 03/4/2017)
Hiện nay, không ít các bạn trẻ ảnh hưởng phong cách của thần tượng, từ phong cách ăn mặc, đầu tóc, cho đến phong thái và lối sống nữa. Thời gian gần đây, cụm từ "lạnh lùng boy", "lạnh lùng girl" dùng để chỉ những anh chàng hay cô nàng cá tính, hẳn không còn xa lạ với các bạn tuổi teen. Nhưng sự cá tính ấy lại khá dị biệt, đó là trở nên "không cảm xúc" và lạnh lùng với cuộc sống quanh mình. Nhưng "không phải ai lạnh lùng mà cũng là lạnh lùng thật đâu". Mời các bạn theo dõi tiểu phẩm hài truyền thanh "Boy lạnh lùng" để có những cảm nhận cho riêng mình! (Văn nghệ thiếu nhi 29/3/2017)
Một khái niệm liên quan đến lý luận văn học mà chúng ta thường gặp, đó là khái niệm về “phong cách nhà văn”. Vậy phong cách nhà văn là gì, căn cứ vào những yếu tố nào để nhận biết, để phân tích? Phong cách được hình thành như thế nào, có thể áp dụng với mọi người viết hay không? (Văn nghệ thiếu nhi - Trang văn học nhà trường 27/3/2017)
Truyện ngắn "Mưa xuân hồ Gươm" của nhà văn Lê Phương Liên mang tới một câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa. Dù đã ra đời từ cách đây khá lâu nhưng truyện vẫn mang tới những cảm xúc thật thân thương, trong trẻo, mới mẻ. (Văn nghệ thiếu nhi 24/3/2017).
Trong những năm gần đây, loại sách gọi là sách "kĩ năng sống" phát triển mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm của người đọc. Vừa qua, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà văn - tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh và Nhà xuất bản Trẻ có buổi ra mắt bộ sách "Nói sao cho con hiểu" - bộ sách hấp dẫn, bổ ích với thiếu nhi và cả các bậc phụ huynh. Biên tập viên Hoàng Hiệp có bài viết về hoạt động giới thiệu bộ sách này. (Văn nghệ thiếu nhi 26/3/2017)
Những đồ vật như bàn chải đánh răng và cả que kem nữa, tưởng chừng không liên quan đến nghệ thuật mà lại mang đến những sáng tạo thú vị. Chúng mình cùng đến lớp học của các bạn trong Sân chơi nghệ thuật Sky Art, phố Võ Thị Sáu (Hà Nội) để cùng khám phá nhé!(Văn nghệ thiếu nhi 23/03/2017)
Là một tác giả có nhiều hiểu biết cũng như tình cảm cho lứa tuổi mới lớn, nhà thơ Trần Hoàng Vy đã cho ra đời nhiều sáng tác thơ được các bạn trẻ yêu mến. Nhà thơ Trần Hoàng Vy cũng có những trang thơ xúc động về tình cảm của lứa tuổi hoa với quê hương, gia đình. (Văn nghệ thiếu nhi 17/3/2017).
Tuổi học trò để lại biết bao kỉ niệm vui buồn cùng bạn bè và thầy cô. Bao năm học tập bên nhau có lẽ nhiều người thấy cũng bình thường. Thế nhưng chỉ đến khi chia tay nhau thì mới cảm nhận được tình cảm với bạn bè đáng quý, đáng nhớ biết nhường nào. Đó cũng là những cảm xúc mà bạn Đinh Nguyễn gửi tới người đọc, người nghe trong bài thơ “Chia tay”. Tiếp theo là tiểu phẩm về tình yêu tuổi học trò có nhan đề "Kịch bản hoàn hảo" của Hoàng Hiệp. Phần cuối chương trình, chúng ta sẽ trở về những kỉ niệm yêu thương với quê hương, gia đình, bạn bè qua tản văn "Ký ức quê hương" của tác giả Thiên Thanh. (Văn nghệ thiếu nhi 19/3/2017)
Nói về sáng tạo hình tượng chú cá trong nghệ thuật, các bạn đã được thấy hay từng làm những tạo hình như thế nào rồi? Còn tớ thì tớ đã từng vẽ hay cắt dán những chú cá. Ở vùng ven biển, hình tượng cá còn được chế tác tỉ mỉ từ gỗ để thờ cúng, mong cho những mùa chài lưới thuận lợi nữa đấy! Đó là một vài tạo hình chú cá thường thấy. Vậy đã bao giờ, các bạn thử sáng tạo một chú cá qua những nếp gấp giấy chưa? Cô Nguyễn Cẩm Vân- Chủ nhiệm sân chơi nghệ thuật Sky Art sẽ đồng hành cùng chúng mình trong sáng tạo thú vị này! (Văn nghệ thiếu nhi 16/03/2017)
Đề thi thử nghiệm lần 1 và lần 2 kì thi trung học phổ thông quốc gia 2017, phần làm văn có một câu (2 điểm) yêu cầu viết một đoạn văn ngắn chừng 200 chữ về một nội dung nghị luận xã hội. Đây là điểm mới của cấu trúc đề thi năm nay. Hẳn nhiều bạn sẽ băn khoăn về kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội ngắn, làm thế nào đáp ứng tốt được yêu cầu của đề bài trong số lượng giới hạn về câu chữ. (Văn học nhà trường 14/03/2017)
Thi sĩ Xuân Quỳnh là một trong những tài năng thơ ca của văn học Việt Nam hiện đại. Nhiều sáng tác của bà đã ghi một dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi nước ta. Phần đầu chương trình, các bạn cùng nghe bài thơ “Chuyện của một chú gà con” trích trong tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của nhà thơ Xuân Quỳnh, do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Tiếp theo, BTV Hoàng Hiệp trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên về sự hấp dẫn của thơ thiếu nhi Xuân Quỳnh. Không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng, Xuân Quỳnh còn có những truyện ngắn viết cho thiếu nhi vô cùng trong trẻo, thuần khiết, giàu chất nhân văn. Phần cuối chương trình, chúng tôi gửi tới các bạn truyện ngắn “Thầy giáo dạy vẽ” của nhà thơ Xuân Quỳnh. (Văn nghệ thiếu nhi 12/3/2017)
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà mang tới câu chuyện về cô bé Hơ-Bia thông minh, nhanh trí và hình ảnh đẹp về hoa điệp vàng nơi núi rừng Tây Nguyên trong truyện ngắn "Những bông điệp cuối mùa". (Văn nghệ thiếu nhi 10/03/2017).