VOV6 - Câu chuyện chúng ta vừa nghe nằm trong bối cảnh Trường Sơn năm 1971, những tháng ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật chính của truyện là trung đội trưởng Nguyễn Kháng, người nhận nhiệm vụ quản lý một trạm xăng dầu giữa rừng Trường Sơn và đặt các đường ống dẫn xăng dầu ẩn mình dưới rừng già. Hai nhân vật nữ xuất hiện sau nhân vật chính là Phượng và Dịu, hai cô gái được bổ sung từ hậu phương vào, giữ nhiệm vụ lắp đặt và sửa chữa cơ khí. Chính hai cô gái đã tạo ra một bầu không khí sinh động, tươi tắn, mới mẻ cho cả trạm xăng dầu, cũng là tạo nên vẻ đẹp cho truyện ngắn này. Giọng điệu trần thuật của tác giả cũng thay đổi kể từ khi xuất hiện hai nhân vật nữ. Người đọc sẽ còn nhớ thật nhiều những đoạn tâm sự giữa hai cô gái, những câu nói đùa, những phút thẫn thờ, và cả những tình huống dở khóc dở cười của Phượng và Dịu. Trong sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, những cô gái vẫn không nguôi ước mơ sau này được tiếp tục đi học, tâm hồn họ vẫn trong trẻo như suối rừng, vẫn lãng mạn và đẹp như những đóa phong lan treo đầy quanh trạm. Trở lại với nhan đề của truyện ngắn, đây thực sự là một cách gọi tên gây nhiều bất ngờ và ấn tượng. Cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, rồi để lại những ký ức, những nỗi nhớ và cả bao mơ ước của mình khắc lên vỏ cây giữa rừng già. Biết bao người trong số đó đã ngã xuống, để lại phần khắc tên như những dòng chữ cuối cùng trong cuộc đời. Phần kết của truyện gây nhiều xúc động khi Phượng trúng bom hy sinh, tay vẫn ôm mảnh gỗ từ thân “cây đại học” để kê vào đường ống dẫn dầu. Chi tiết những sợi tóc của Phượng mắc vào vỏ gỗ mà không ai nỡ gỡ ra là một chi tiết đầy ảm ảnh. Cái kết của truyện tuy buồn thương nhưng nó không làm người ta yếu lòng, trái lại, sự hy sinh ấy như tiếp thêm sức mạnh cho những người đang sống để tiếp tục chiến đấu kiên cường. Chính họ sẽ viết tiếp những ước mơ cho bao đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)