VOV6 - Giống như nhiều truyện ngắn đã công bố, tác phẩm lần này của Trang Thụy vẫn là sự quan tâm sâu sắc về số phận người phụ nữ ở vùng cao trong những bản làng nghèo. Nhân vật nữ chính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe là Xằn, sống một mình đã lâu bởi chồng bỏ đi Lào rồi lấy vợ mới bên ấy. A Lếnh muốn cưới Xằn về cho bố để có người chăm sóc bố, và bản thân bố Lếnh là lão Sé cũng muốn như vậy. Xằn thì đương nhiên không muốn làm vợ một ông già đã gần đất xa trời. Con người của Xằn trong nhiều miêu tả của tác giả, tưởng chừng như đã khô cứng chai sạn vì bao năm tháng sống một mình, vì sự cô đơn gặm nhắm đến mỏi mòn. Xằn hàng ngày chỉ biết lấy việc hút thuốc lào làm vui, đôi khi uống rượu. Nhưng hóa ra từ trong thẳm sâu người phụ nữ kia vẫn không ngừng một khát khao hạnh phúc. Và người mà Xằn muốn xây dựng hạnh phúc là Lếnh chứ không phải lão Sé. Lềnh nắm được tâm lý này nên đã dùng cách nói mập mờ “Xằn đồng ý về làm dâu nhà họ Vừ nhé” để kéo bằng được Xằn về làm vợ lão Sé. Oái oăm ở chỗ khi kéo được Xằn về thì lão Sé cũng qua đời ngay sau đó. Vậy là cho dù Lếnh có làm hết sức để tỏ lòng hiếu với bố nhưng lão Sé cũng chẳng được hưởng cái hạnh phúc ấy. Bản thân Lếnh cũng bị giằng xé bởi tình cảm dành cho Xằn và chữ hiếu đối với cha. Giờ đây, khi lão Sé đã qua đời, Xằn về mặt danh nghĩa đã là mẹ kế của Lếnh, chẳng còn cách nào để Lếnh xây dựng hạnh phúc với Xằn được nữa. Sự trái ngang này khiến cho cả Xằn và Lếnh đều phải ôm nỗi đau khổ, dở dang. Hạnh phúc tưởng như thật gần mà chẳng thể nào chạm tới được. Ngôn ngữ truyện ngắn của Trang Thụy, như thường lệ, gây ấn tượng đậm nét với cách dùng chữ tạo cảm giác mạnh, chẳng hạn: cái rét đục răng đục lợi, ư ử như ma bịt mồm, ngọn đồi bị đêm tán mịn, rét mót rét vét rét đau rét đớn, cơn ho móc trào mật, bụng kêu rọc rạch như suối, mèo rừng cắm vuốt vào bóng đêm…Những con chữ cuối cùng đã khép lại tác phẩm mà dư âm vẫn còn vương vấn, khiến mỗi người nghe người đọc khắc khoải không nguôi về những kiếp người. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)