VOV6 - Nhiều vấn đề của nông thôn như đất đai, thói đời, sự tham lam ích kỷ... được đề cập trong truyện ngắn này nhưng nổi lên vẫn là thân phận người phụ nữ. Dường như đã ăn vào máu, người phụ nữ nông thôn bao đời nay vẫn luôn cam chịu. Với người phụ nữ ít học, nhà nghèo và hình thức xấu xí, sự mặc cảm cam chịu còn lớn hơn . Họ nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi, tự cho mình không được hưởng một đặc ân gì. Và ở mỗi làng quê dường như vẫn luôn tồn tại vài ba số phận kiểu như nhân vật Nhàn trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe.
Có người đến cưới hỏi mình , Nhàn cho đó như một đặc ân vậy, mừng lắm rồi, còn đâu dám đòi hỏi, hay thắc mắc gì . Nghiễm nhiên Nhàn trở thành người hầu gái, người làm không công, trông nom bố mẹ già cho chồng hờ. Nỗi niềm nội tâm nhân vật Nhàn được tác giả tập trung thể hiện qua giọng điệu tự sự. Nhân vật Nhàn hiểu xấu xí là một sự yếm thế. Và nhan sắc với phụ nữ là một tài sản, một ưu thế . Song cái nết đánh chết cái đẹp. Ngoài vẻ hình thức không được bằng người, Nhàn là một phụ nữ phúc hậu nhân ái . Có thể thấy điều đó ở chi tiết bấy lâu biết chồng hờ hững lợi dụng nhưng Nhàn vẫn chăm sóc tử tế bố mẹ chồng , thời gian rảnh chạy sang nhà mẫu giáo phụ giúp, chơi với lũ trẻ. Già nửa đầu, truyện được kể một cách từ tốn theo dòng tự sự của nhân vật, bình lặng có phần buồn tẻ, kém gây ấn tượng nếu không có những biến cố ở cuối truyện. Đó là chi tiết chồng Nhàn cùng cô vợ bên trời Tây trở về giải quyết tài sản đất đai khi bố mẹ họ mất. Tới đây thói đời được phơi bày, bản chất xấu xa vô liêm xỉ của con người mới lộ diện. Chỉ có Nhàn – như bông sen giữa bùn lầy là ngờ nghệch, lạc lõng đứng ngoài. Dẫu sao chi tiết cuối với sự hiện diện của người chị chồng và việc làm ít nhiều còn mang tình người đã lấy lại công bằng cho Nhàn . Chi tiết này cũng làm truyện sáng hơn và mang tính “vấn đề của một nông thôn thời hiện đại”. Đó là việc tranh chấp đất đai, và nhân vật Nhàn đã không cam chịu. Sau những thua thiệt, cuối cùng Nhàn cũng biết hành động có ý nghĩa, nhận phần đất xứng đáng được hưởng để xây trường mẫu giáo cho trẻ em trong làng. Chi tiết này cũng nâng truyện lên. Tạo một cái kết giúp truyện đứng được (Lời bình của Lê Tuyết Mai)