Vài Nàm Sàng - người đàn ông có cái tên kỳ lạ và một số phận kỳ lạ. Sàng là người dân tộc thiểu số, thất học và lại theo lính cộng hòa. Sàng đã bao lần suýt chết, đi tù... nhưng số phận run rủi thế nào mà anh không phải gánh. Nhưng, sống không có mục đích, nhàn nhạt và vô nghĩa đã khiến Sàng không tìm lối thoát cho đời mình. Hòa bình lập lại, Sàng về quê, sống dật dờ. May mắn cho Sàng là lấy được vợ. Nỗi ám ảnh về cuộc chiến và cái chết của bố Sàng - một người lính cộng hòa, đeo bám cuộc sống vốn quá nhiều ghềnh thác của anh. (Đọc truyện đêm khuya 02/10/2017)
Câu chuyện dựa trên mô típ truyện "Sự tích Trầu Cau" kể về mối tình ngang trái giữa hai anh em sinh đôi Tân, Lang và cô gái trẻ tên là Nương. Trong không khí trong trẻo của làng quê thuần Việt, những chàng trai cô gái tuổi trăng tròn sống hồn nhiên, ngây ngô và đôi chút bản năng. Do nhà nghèo nên người chú chỉ cưới được vợ cho người anh trai tên là Tân. Nhiều lý do ngẫu nhiên đã đưa đẩy Lang và chị dâu đến với nhau. Tân uất ức bỏ đi, Lang hổ thẹn cũng bỏ làng ra đi để lại Nương với cái thai trong bụng. Thế nhưng không ai trong ba người Tân, Lang, Nương chết như trong truyện cổ tích mà họ đều có gia đình riêng của mình. Phiên bản mới của câu chuyện “Sự tích Trầu Cau” được tác giả thể hiện với góc độ đời thực hơn, con người hơn, nhiều màu sắc cảm xúc hơn. (Đọc truyện đêm khuya 29/9/2017)
Câu chuyện kể về vùng đất xa xôi tại châu Phi nơi vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Bộ tộc của tù trưởng Labong'o đã từ lâu không có mưa, đất đai khô cằn, gia súc chết khát. Để cầu thần linh, tổ tiên ban mưa xuống thì phải hiến tế một cô gái trẻ. Cô gái được thày mo yêu cầu phải làm việc đó chính là Ôganđa, con gái tù trưởng Labong'o. Tuy đau buồn nhưng Ôganđa vẫn đồng ý hi sinh vì cuộc sống của cộng đồng. May mắn, trên đường Ôganđa đến vùng đất thiêng để hiến tế thì chàng trai Ôsinđa đã cứu thoát cô. Mưa xuống nhưng Ôganđa không phải chết, cô đã tìm được hạnh phúc của mình. (Đọc truyện đêm khuya 28/9/2017)
Nhân vật Xutkha là một cô gái có tâm hồn trong sáng, thánh thiện, có trí tưởng tượng bay bổng và khao khát yêu thương mãnh liệt. Nhưng trái tim cô đã bị tổn thương ghê gớm khi tình yêu không được đáp lại. Truyện phê phán một xã hội chú trọng môn đăng hộ đối, nhìn nhận giá trị phẩm chất con người qua vật chất và hình thức bề ngoài mà không thấy được vẻ đẹp bên trong tâm hồn. (Đọc truyện đêm khuya 25/9/2017)
Chẳng ai được chọn cha mẹ cũng như được chọn nơi mình sinh ra.“Con không chê cha mẹ khó….”- Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua nhân vật Lai. Chân dung nhân vật Lai được khắc hoa có sự kết hợp hài hòa giữa chất phương Tây và phương Đông, giữa hiện đại và truyền thống: vừa năng động , nhanh nhậy, tự lập cao, tác phong cung cách làm ăn công nghiệp vừa chăm chỉ, căn cơ, siêng năng. Tính toán làm giàu nhưng không quên nguồn cội. Ít chữ nhưng lại biết lễ nghĩa. (Đọc truyện đêm khuya 18/9/2017)
Ám ảnh, dữ dội và tận cùng đau đớn... Đó là những tính từ trong số nhiều tính từ khác có thể bật lên ngay khi nghe xong truyện ngắn “Phiêu linh trắng” của nhà văn Nguyễn Thu Phương. Những bức tranh ấn tượng thêu bằng tóc trinh nữ là có thực. Có thực một Phi Yến mỏng manh tội nghiệp, ẩn mình trong ngôi biệt thự cũ kỹ nhạt nhòa ánh sáng, thêu như lên đồng, như thoát xác, như thể ngày mai không còn tồn tại trên đời. Phần còn lại là giả dối: người chị gái ở bên Phi Yến cùng những nhân vật quay quanh trục lợi nhuận từ các bức tranh đem lại, họ mải mê chạy theo đồng tiền, danh vọng, hào quang, chạy theo thứ tình yêu hư ảo. (Đọc truyện đêm khuya 22/9/2017)
Tác phẩm của nhà văn Hồ Thủy Giang giống như một bài thơ trữ tình đẹp giản dị tươi sáng, có thể không vừa lòng những ai luôn tìm kiếm sự phức tạp, đa thanh trong ngôn ngữ văn xuôi. Truyện cũng được ông viết từ mấy chục năm về trước, từ một tình huống có thật khi cô nhân viên bưu điện bỏ quên bản thảo của nhà văn trong hộc tủ, cô đã khóc vì ân hận. Về nhà, ông đã viết một mạch truyện ngắn này. Vì thế, có thể coi đây là món quà ý nghĩa mà cuộc sống đã dành tặng cho người viết. (Đọc truyện đêm khuya 21/9/2017)
Truyện không nhiều nhân vật. Ngoài nhân vật chính: lão Chõe (biệt danh Chõe “bò”) còn có nhân vật Binh (cháu họ của lão Chõe) là cai thầu xây dựng và nhân vật Diễm (vợ một quan chức địa phương). Lão Chõe, một người chăn bò được Binh gọi là “ông trẻ” thuê làm bảo vệ buộc phải chứng kiến mọi việc chướng tai gai mắt. Điều đáng quí và trân trọng ở một người nông dân chân lấm tay bùn tuy chỉ biết có đàn bò nhưng đã có suy nghĩ chín chắn mà không phải ai cũng hiểu ra: “Chậm nhưng mà sạch”. (Đọc truyện đêm khuya 15/9/2017)
Tác phẩm kể theo trình tự thời gian trong bối cảnh chiến tranh. Không khí chuẩn bị cho một trận đánh lớn và có những nhà báo - chiến sĩ luôn sát cánh cùng người lính trên mặt trận. Những dòng chữ ghi lại ngay bên chiến hào còn vương thuốc súng chính là tư liệu chân thực nhất, hào hùng nhất về một thời đạn bom. Nhân vật Hồ Thừa chỉ băn khoăn vì mình chưa kịp hoàn thành ký sự, bởi càng gần gũi đồng đội anh càng thấm thía “Mặt trận này như một chiếc sàng lớn. Mỗi một con người ở đây là một thỏi vàng có linh hồn”. (Đọc truyện đêm khuya 14/9/2017)
Qua hình ảnh nhân vật Bí thư huyện ủy Hoàng Bỉ, tác giả phê phán tư tưởng tham quyền, cố vị của một bộ phận cán bộ công chức. Vì thói hư tật xấu và tư tưởng công thần của mình mà Hoàng Bỉ đã bị bài học nhớ đời. Ông bực tức vì mình mới nghỉ hưu được ít ngày mà không có ai đến chúc tết, ít người đến dự cưới con trai út. Nhưng được vợ và con trai cả phân tích thấu tình đạt lý nên Hoàng Bỉ cũng tỉnh ngộ và buông bỏ nhiều suy nghĩ tiêu cực. (Đọc truyện đêm khuya 11/9/2017)
Với giọng văn tâm tình, thủ thỉ, nhưng chất phác và thật mộc như núi rừng, nhà văn Nguyễn Xuân Hải đã dẫn dắt người đọc, người nghe khám phá ngóc ngách tâm hồn của Mùa - cô gái đang đứng giữa bờ chênh vênh của hiện tại, quá khứ và tương lai. Truyện được kể theo ngôi thứ ba, vậy mà ta có cảm giác, chính Mùa đang tự sự về cuộc đời của mình. Và câu chuyện ấy không chỉ riêng "Phận Mùa" mà còn là bao "Phận đời La Hủ". (Đọc truyện đêm khuya 07/9/2017)
Nhân vật "tôi" và Nhân là hai người đàn ông làm việc cùng một cơ quan. Họ làm việc không có chủ đích, không hi vọng, không niềm vui. Họ tìm đến rượu, thuốc lá để tiêu sầu, để trốn chạy với thực tại. Nhân vật "tôi" đã hình dung số phận mình nhạt nhòa, vô vị, đến cái tên mình cũng bị nhòa lẫn với bao nhiêu người khác. Và rồi Nhân (bạn anh) một ngày biến mất, như một cách thoát khỏi cuộc sống này. (Đọc truyện đêm khuya 08/9/2017)
Nhân vật K - một cái tên phiếm chỉ, là gương mặt đại diện cho bao người có chung một nỗi niềm: Đi tìm giấc mơ để được sống là mình, nhận ra khuôn mặt thật của mình, của người. K đã sống trong sự ám ảnh, hoang hoải về kiếp người, càng hi vọng đổi thay thì gã lại rơi vào bi kịch của đời sống lắm bon chen và mỏi mệt. (Đọc truyện đêm khuya 04/9/2017)
Sau nhiều năm xa nhà, người con trai trở lại thăm mái nhà xưa cũ của mình. Hình ảnh mái nhà thân thương hòa quyện với kí ức tuổi thơ khiến anh hối hận khi mình không biết trân trọng người cha già đã mất. Khi dọn dẹp ban thờ, anh tìm được cuốn sổ nhật kí của ông và một sự thật đã được sáng tỏ. Anh là con ruột của đại đội trưởng Khiết, đồng đội của ông đã hi sinh trong chiến tranh. Hiểu được sự thật, anh càng yêu quý người thương binh đã hi sinh cả cuộc đời nuôi mình khôn lớn. (Đọc truyện đêm khuya 31/8/2017)