Tanazaki Junichiro là một trong những tên tuổi nổi tiếng của văn học hiện đại Nhật Bản. Là người sùng bái phụ nữ, tôn thờ nhan sắc, say sưa trong tính dục, văn chương của Tanazaki cũng mang đậm nét dấu ấn con người ông. Giữa trang văn của Tanazaki, người ta dễ dàng bắt gặp các “ác nữ”, những người đàn bà xinh đẹp, ma mị và tàn nhẫn. Người ta cũng tìm thấy ở đấy những chuyện tình tay ba, tay tư nhiều uẩn khúc. Khác với nhà văn Kawabata – người đi tìm cái đẹp nhẹ nhàng, sâu lắng, giản dị, Tanazaki đi tìm “cái đẹp có vấn đề”, "cái đẹp trong niềm hoan lạc vật chất, trong ẩm thực và trong tính dục". "Xăm mình" là một tác phẩm như vậy. (Đọc truyện đêm khuya 28/8/2017)
Bốn cô gái thanh niên xung phong bị kẹt lại trong rừng già Trường Sơn những tưởng sẽ chết vì đói và rét. Nhưng thật không ngờ, bầy khỉ rừng đã cứu họ, mang đến những quả vả rừng chát chát chua chua, giúp họ lấy lại được một phần sức lực, tìm đường trở về đơn vị. Hơn 40 năm sau, khi cô Thắm đã quy y cửa Phật với pháp danh Đàm Dịu, bà lại chứng kiến cảnh tượng ngược lại: bầy khỉ từ trên núi chạy trốn tiếng mìn phá đá, run rẩy tìm về cây thị cổ thụ bên chùa, mong sự che chở, bảo vệ, dùng trái thị thảo thơm như một tín hiệu kết nối với con người. (Đọc truyện đêm khuya 25/8/2017)
Phong và Liêu là hai trí thức am hiểu và say mê nghệ thuật, có ước mơ tuổi trẻ, nhưng hai người lựa chọn hai cách sống khác nhau. Một người khá hài lòng với công việc cùng những sắp đặt của số phận. Một người không muốn bị mòn đi, bị rỉ ra, bị mốc đi theo quy luật bình thường trong cuộc sống, nhưng cũng chưa thể vạch ra cho mình con đường riêng để phấn đấu, để dốc hết đam mê. Họ hiểu nhau, trọng nhau, giữ mối quan hệ thân thiết trong sáng. Chỉ khi Liêu qua đời vì tai nạn đuối nước, Phong mới bình tĩnh soi lại bản thân để nhận ra Liêu chính là tình yêu của đời mình. Khi đã ở hai thế giới cách biệt, họ mới hiểu mình cần cho nhau như thế nào. (Đọc truyện đêm khuya 24/08/2017)
Con người ta đôi khi đã phải bấu víu vào những giấc mơ, sự tưởng tượng về một tình yêu lý tưởng, về một hình mẫu tuyệt vời để cứu vớt cho một thực tại quá ư bất hạnh khổ đau, thất vọng. Mặt khác nữa sự hiện diện của người phụ nữ trong câu chuyện đã thức tỉnh nhân vật chính – nhà văn Kasumi và thức tỉnh với mỗi chúng ta. Rằng liệu lúc nào đó trên đường đời ta đã vô tình lãng quên một điều gì đó. Một cốt truyện trong trẻo, phảng phất nỗi buồn, gợi cảm xúc như khi ta đứng trước một bức tranh thủy mặc. (Đọc truyện đêm khuya 22/8/2017)
Từng là người lính chiến trường trở về, Hoán đối diện với thực tại phũ phàng, đau đớn: vợ bỏ đi. Không gia đình, không người thân, Hoán sống với chuỗi ngày chán nản, mỏi mệt. Anh đã làm nghề lái lợn để sống qua ngày. Số phận như trò đùa với Hoán khi anh gặp Lanh - ông chủ của mình, lại là chồng của Lài - vợ cũ của anh. Mọi đau đớn, giằng xé đã khiến cho Hoán mất phương hướng. Anh bỏ trốn khỏi nơi anh sống như một sự chạy trốn số phận. (Đọc truyện đêm khuya 21/8/2017)
Đã bao giờ khi gấp lại trang cuối cùng của một truyện ngắn, các bạn bần thần vì cảm giác dường như truyện không phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng mà như thể là câu chuyện hoàn toàn có thực trong đời sống? Nói sự chân thật luôn là cốt lõi làm nên cái hay, cái thấm thía của một sáng tác văn xuôi là vì thế. Truyện ngắn có tựa đề "Má" của tác giả Lê Nguyệt Minh có những điểm sáng rất đời thường nhưng chạm vào rung động sâu xa về cuộc sống, mưu sinh. (Đọc truyện đêm khuya 17/8/2017)
Hoa Mai là một trong bốn loại cây được xếp vào hàng tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai. Nhân vật Thức trong truyện dành hết tâm sức cho thú chơi hoa mai của mình. Niềm đam mê cây mai quý của Thức khiến “gã” được và mất nhiều thứ trong cuộc sống. Từ ngày tìm được cây bạch mai quý, Thức đắm mình với hồn mai. Thú chơi hoa mai khiến Thức thăng hoa về mặt cảm xúc, tinh thần mà quên cuộc sống đời thực có một gia đình cần chăm sóc. Người vợ trẻ vì mê cuộc sống giàu sang đã buộc Thức phải lựa chọn giữa cây mai và gia đình. Cuối cùng,Thức phải đau đớn bán đi niềm đam mê của mình. Nhân vật chịu bi kịch nội tâm vì không biết cân bằng giữa đời sống tinh thần và hiện thực. (Đọc truyện đêm khuya 14/8/2017)
Nhà văn Mit Tơ Khồ có một cô người yêu ngoại quốc, quen qua mạng Internet. Cô nàng này là một kẻ lừa tình xuyên quốc gia, nhằm đến những đối tượng có tiền và khù khờ. Lão nhà văn đã rơi vào bẫy cô gái này mà không hay biết gì. Lão trở nên thay đổi, phủ nhận sạch trơn tất cả những thành quả lão gây dựng từ gia đình đến sự nghiệp. Khi vỡ lẽ ra mọi chuyện, chân tướng cô nàng lừa đảo lộ diện thì nhà văn rơi vào một tình huống dở khóc dở cười. (Đọc truyện đêm khuya 10/8/2017)
Nhân vật Lứa trong câu chuyện của nhà văn Du An là một cô gái sinh ra ở vùng cao nhưng được gia đình nuông chiều từ tấm bé. Tham vọng đổi đời đã biến Lứa thành người con gái thực dụng và đầy toan tính. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống của một bộ phận lớp trẻ nông thôn vùng sâu, vùng xa trước những tác động xấu của đời sống đô thị. (Đọc truyện đêm khuya 07/8/2017)
Đào đã từng có thời gian đi quá xa gốc gác của mình trong cuộc vật lộn, bươn chải ở xứ người. Những tiêu cực và mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến cô quay cuồng trong vòng xoáy mưu sinh. May thay, cô đã nhận thức cái “được” và cái “mất” trong so sánh với cuộc sống bình thường của vợ chồng Hạnh. Hình ảnh ấn tượng về Đào “chói gắt nhưng dễ nhìn” chính là sự thay đổi dần dần để cô sống đúng với mình, được là chính mình sau chuyến trở về quê nhà đầy ý nghĩa. (Đọc truyện đêm khuya 04/8/2017)
Trần - nhân vật chính trong tác phẩm là một trí thức trẻ. Không muốn đi theo lối mòn thông thường, anh đã quyết chí dấn thân thử sức, dẫu tự biết phía trước còn không ít khó khăn đang chờ đợi mình. Nhưng điều vô cùng may mắn đối Trần là bên cạnh anh luôn có Lành, cô gái trẻ đang làm công nhân ở trang trại của Trần. Dẫu con đường lập thân, lập nghiệp còn không ít gian nan, thử thách nhưng trước mắt họ là cả tương lai tươi sáng. (Đọc truyện đêm khuya 03/8/2017)
Hình dung về mẹ bao giờ cũng đẹp, từ cốt cách đến dáng hình, bất cứ đứa con nào cũng yêu mẹ, thương mẹ. Nhưng, có những góc khuất ở người mẹ mà khó gọi thành tên, thế nên khi đứa con bật ra trong sự thảng thốt và xa xót thì nỗi đau đã quá lớn và sự tổn thương là có thật. Nguyễn Hồng dám nói những góc khuất này bằng cách nhìn cảm thông về nỗi đời khốn khó, đói nghèo khiến cho bà mẹ ấy trở nên cỗi cằn, thô lỗ. Đấy là những phận đời khổ đau. (Đọc truyện đêm khuya 31/7/2017)
Nhà văn Bảo Ninh vốn nổi tiếng với tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" hơn 300 trang viết về “cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại”, về “thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Tuy vậy, nhà văn Bảo Ninh không chỉ có duy nhất cuốn tiểu thuyết để đời ấy. Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn viết về đề tài hậu chiến. "Bội phản" không nằm ngoài số đó. Nhưng "Bội phản" còn hơn cả một câu chuyện hậu chiến. Nó là câu chuyện về những lẽ thường tình “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà vẫn khiến người ta xa xót, đắng cay. (Đọc truyên đêm khuya 28/7/2017)
Chân dung người lính được khắc họa bằng những nét tính cách dí dỏm, hồn nhiên, trong sáng. Đặt trong bối cảnh của cuộc chiến tranh ác liệt, mùa hè năm 1972, câu chuyện về người lính với những tình cảm rất con người được nhà văn Nguyễn Thế Tường miêu tả chân thực và vô cùng cảm động. Tình yêu lứa đôi đầu đời trong sáng đặt trong hoàn cảnh đạn bom đã khiến những chàng trai cô gái phải kìm nén mọi riêng tư, đặt trên vai nhiệm vụ cao cả. Mãi mãi tuổi hai mươi trong họ còn vẹn nguyên những ký ức ngọt ngào.(Đọc truyện đêm khuya 24/7/2017)