Bốn nữ nhà báo không hẹn mà cùng tụ hội anh tài ở một tòa soạn. Họ nhanh chóng thân thiết với nhau, cùng chung nỗ lực đưa tờ báo phát triển với những bài phóng sự - điều tra nóng hổi chất thời sự, không khoan nhượng với cái xấu, cái giả dối đang làm ảnh hưởng tới bản chất tốt đẹp của cuộc sống. Bản lĩnh trong nghề nghiệp, song đôi khi họ lại không tránh khỏi sai lầm, cả sự hẹp hòi đố kị nhỏ nhen. (Đọc truyện đêm khuya 03/10/2016)
Mượn câu chuyện về trà, nhà văn kể câu chuyện giản dị nhưng cảm động về cha con ông Kiệm và một “mối tình” với cô giáo Thuận. Ông Kiệm là một nhân vật đặc biệt, cả về cuộc đời và tính cách. Vợ chồng ông Kiệm đã ly hôn chỉ vì một lý do nhiều người không tin được: "Họ tốt với nhau quá nên không thể chung sống với nhau. Nếu tiếp tục, họ sẽ không còn tốt với nhau được nữa, ngay cả chính bản thân họ…”. Ông Kiệm tin tưởng tâm sự những chuyện riêng tư với cô giáo Thuận. Nhưng với sự từng trải trong cuộc đời, nhận ra ánh mắt cử chỉ của con trai dành cho Thuận, ông hiểu tình cảm của con trai mình. (Đọc truyện đêm khuya 26/9/2016)
Sau mấy chục năm xa quê hương, bà Thung trở về quê để sang cát cho chị dâu. Bà nhớ lại những kỉ niệm vui, buồn trong cuộc đời mình. Bố mẹ mất sớm, anh chị lấy nhau khi bà Thung còn nhỏ nên chị dâu như là người mẹ, người chị chăm sóc,cưu mang cho bà. Hai người phụ nữ cùng nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Tác phẩm là câu chuyện xúc động về tình cảm gắn bó của những người thân trong gia đình và tình yêu quê hương, đất nước. (Đọc truyện đêm khuya 22/9/2016)
Chiến tranh qua lâu rồi. Việt Nam và Mỹ đã gác lại đau thương, bình thường mối quan hệ để cùng hướng tới tương lai. Nhưng trên thực tế trong mỗi người dân thường chịu tác động trực tiếp bởi chiến tranh thì sự “bình thường hóa mối quan hệ” không hề dễ dàng chút nào mà là cả quá trình diễn biến lâu dài và khắc nghiệt giống như một hội chứng. Người viết đã chọn một góc nhìn khá công bằng và khách quan: chiến tranh với thân phận của những người dân lành. (Đọc truyện đêm khuya 15/9/2016)
Chị Chiêm, anh Tường: hai nhân vật chính trong truyện trải qua nhiều mất mát: hết nghịch cảnh chiến tranh lại đến những thay đổi của xã hội, của cuộc sống sau hòa bình. Nhưng dư âm đọng lại của truyện ngắn này không phải là những nghịch cảnh cuộc đời mà là tình yêu, tình người, tình đời (Đọc truyện đêm khuya 12/09/2016)
Người con trai và người con gái đương tuổi thanh xuân, lại có quá nhiều điều kiện thời gian ở bên nhau, ban ngày và thậm chí cả lúc đêm khuya, nếu có xảy ra chuyện gì đi quá giới hạn thì cũng là điều bình thường, dễ hiểu. Nhưng họ đã vượt qua những ham muốn cá nhân một cách nhẹ nhàng. Theo thời gian, họ cùng già đi, từng trải thêm,nhưng lời hứa năm xưa vẫn giữ nguyên ánh sáng pha lê trong trẻo, thuần khiết, vẫn là thứ ánh trăng lóng lánh giúp họ thấu hiểu và trân trọng nhau. (Đọc truyện đêm khuya 05/9/2016)
Lùi lại quãng thời gian cách đây hàng chục năm, với cuộc đời của nhân vật chính trong truyện ngắn "Lạc quê" của nhà văn Hiệu Constant, hẳn không cần nói nhiều, người đọc, người nghe cũng hình dung ra được cảm giác cô độc và nỗi khốn khó của nhân vật khi đó. Khó khăn chồng chất khó khăn, như một người vừa vượt qua một ngọn núi, thì lại thấy ngọn núi khác cao hơn, khó đi hơn. Tuy vậy, với bất cứ ai từng trải qua cảnh đất khách quê người, số phận hay cảm xúc của nhân vật “tôi” lại rất quen thuộc. (Đọc truyện đêm khuya 01/9/2016)
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc từ đâu mà có? Hạnh phúc có phải có được từ tiền bạc, từ sự giàu sang? Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn, và bất cứ ai trong đời này cũng đáng được hưởng, nhưng để có được hạnh phúc, nhiều khi người ta cũng phải vật lộn, phải đấu tranh và có khi phải chịu những hy sinh mất mát mới có được. (Đọc truyện đêm khuya 29/8/2016)
Tác phẩm đan xen giữa quá khứ và hiện tại của nhân vật chính. Anh là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Qua cuộc đời của nhân vật chính, tác giả nhắc tới những vần đề nóng bỏng của đất nước. "Cha và con" là câu chuyện xúc động giáo dục thế hệ trẻ ngày hôm nay về truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm của công dân với quê hương đất nước. (Đọc truyện đêm khuya 25/8/2016)
Tác phẩm viết về cuộc đời người phụ nữ có chồng là chiến sĩ tình báo. Vì để bảo vệ bí mật của anh mà chị phải chịu nhiều thiệt thòi. Suốt mấy chục năm chiến tranh, chị cô đơn, mất mát về tình cảm khó chia xẻ cùng ai. Khi đất nước hòa bình, thống nhất thì người chồng tưởng như đã hi sinh trở về và sự thật sáng tỏ. (Đọc truyện đêm khuya 18/8/2016)
không gian của truyện vừa hiện thực và vừa mang đậm chất tâm linh. Nét đặc biệt về không gian sống cùng những thân phận phụ nữ bé mọn đã tạo cho bức tranh nông thôn trong truyện ngắn này nửa tối nửa sáng, nửa cũ nửa mới. Tất cả tạo nên diện mạo thực của đời sống nông thôn những năm chiến tranh - một thời chưa quên và khó quên. (Đọc truyện đêm khuya 15/8/2016)
Có người từng nói rằng, trong gia đình, nếu mẹ tượng trưng cho tình yêu thì cha tượng trưng cho “pháp luật”. Không có tình yêu thì cuộc sống tẻ nhạt nhưng không có “pháp luật”, cuộc sống sẽ...lộn xộn. Cha thường không thể hiện tình thương yêu ngọt ngào giống mẹ. Cha đối với con nghiêm khắc, có lúc tưởng như lạnh lùng nhưng lại thâm trầm, sâu thẳm, nếu không có cái nhìn tinh tế và cảm nhận sâu sắc thì không dễ gì thấy được tấm lòng cha. (Đọc truyện đêm khuya 11/08/2016)
Cuộc đời Giang là những nỗi buồn xô đẩy. Thứ duy nhất để cô nắm chặt vào, vượt qua lớp lớp sóng xô chính là tình yêu với Tài, thứ tình yêu mà cô tôn thờ, được khắc được tạc thành hình thành nét. Hẳn khi miệt mài bên bức chân dung tình yêu đó, Giang không hề nghĩ nó sẽ được đặt lên bàn thờ, cạnh di ảnh cô. (Đọc truyện đêm khuya 04/8/2015)
Hai truyện ngắn có cùng một phong cách kể. Đó là sự cô đọng súc tích trong những khoảnh khắc chớp nhoáng của đời sống mà bộc lộ tính cách, đạo đức của từng cá nhân. Giọng kể cố tình lạnh lùng giễu nhại, các tình tiết khá ly kỳ, chứa đựng ý nghĩa triết lý sâu sắc. (Đọc truyện đêm khuya 01/8/2016)