Cập nhật :10:39 29/12/2023
“Ba quả trứng lòng đào”: Tình anh em

VOV6 - Đây là truyện ngắn lịch sử đặc sắc của tác giả trẻ Nguyễn Anh Tuấn kể về tình cảm sâu nặng giữa Bình An vương Trịnh Tùng - vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh dưới thời Lê Trung hưng với người anh trai cùng cha khác mẹ là Thái phó Trung quốc công Trịnh Cối. Nhưng, những biến cố của thời cuộc đã đẩy hai anh em họ vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực đầy khốc liệt. Truyện lấy bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ 16, thời kỳ nội chiến Nam - Bắc triều, giữa nhà Mạc và nhà Lê trung hưng. Thái sư Trịnh Kiểm nắm trọng trách trung hưng nhà Lê, nên ông rất nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái, đặc biệt là người con cả Trịnh Cối. Chuyện xảy ra khi Trịnh Cối và Trịnh Tùng rủ nhau đi tắm ao, suýt nữa bị chết đuối. Thái sư Trịnh Kiểm đã dựng lên màn kịch xử chém những người hầu để dạy cho các con ông bài học về sự cẩn trọng trong cách hành xử nếu không sẽ liên lụy đến người vô tội. Thế nhưng, bài học khắc nghiệt ấy đã thay đổi số phận của hai anh em. Trịnh Cối - người được kỳ vọng gánh vác sự nghiệp thì ngày càng thu mình, sợ sệt, do dự, thiếu quyết đoán. Trong khi đó, người em trai Trịnh Tùng ngoài sự day dứt vì liên lụy đến người vô tội, đã dần thấu hiểu đạo lý, chính chắn hơn người anh của mình. Thế rồi, khi Trịnh Kiểm chết, Trịnh Cối lên thay cha, như con chim xổ lồng, lại buông thả, ham mê tửu sắc, bê trễ việc binh làm cho ba quân bất mãn. Dẫn đến việc các tướng lĩnh đưới quyền chọn Trịnh Tùng làm minh chủ, ép vua Lê phải trao binh quyền cho ông. Mặc dù rất khó xử, nhưng vì cơ nghiệp khó nhọc của cha, Trịnh Tùng buộc phải làm điều bất nghĩa với anh. Cũng vì điều đó mà hai anh em trở mặt thành thù, Trịnh Cối phải bỏ nhà Lê về với nhà Mạc, rồi chết trên đất Bắc Triều, sau đó, rất lâu mới được đưa linh cữu về quê nhà. Thông điệp của truyện được thể hiện rõ nhất khi Trịnh Tùng đếm thăm mộ Trịnh Cối. Lúc nghe người hộ vệ phàn nàn về đứa con ham chơi, Trịnh Tùng đã khuyên rằng: “…Cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái công thành danh toại, cho bõ công dưỡng dục, điều ấy không sai. Nhưng cũng đừng kỳ vọng quá và cũng đừng đem ước mơ dang dở của đời mình gán lên cuộc đời chúng. Mỗi người đều có một phận số riêng, hãy cứ thuận theo, đừng cố cưỡng cầu hay ép buộc”. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị trầm cảm, stress thậm chí là tự tử vì áp lực phải thành công từ gia đình đầy thương tâm, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã mang đến một câu chuyện hấp dẫn với góc nhìn mới mẻ về cách giáo dục con cái. Sự kỳ vọng và nghiêm khắc của cha mẹ đôi khi là áp lực cho những đứa con trên đường đời của chúng. Hãy nghiêm khắc nhưng có sự thấu hiểu, yêu thương, hãy kì vọng nhưng có sự động viên, định hướng. Một thông điệp nhân văn, đầy tính thời sự được kể bằng chất liệu văn chương lấy cảm hứng từ những nhân vật, sự kiện lịch sử có thật của Việt Nam. Đồng thời, với sự hiểu biết lịch sử và cách hành văn khúc chiết, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã vẽ nên một bức tranh lịch sử đầy khói lửa, chân thực và sống động trên từng trang viết của mình. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Bài liên quan

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ