VOV6 - Truyện ngắn “Đêm lũ mưa” được nhà văn Sương Nguyệt Minh viết sống động như một trang phóng sự với nhiều hình ảnh, sự kiện khi nhân vật tôi là nhà báo, nhà văn đi cứu trợ người dân vùng lũ. Nhưng không vì thế mà câu chuyện thiếu đi những yếu tố nghệ thuật. Tác giả đã chú trọng xây dựng các tình tiết câu chuyện, sự kiện và nhân vật đáng nhớ. Là người đi cứu hộ dân bị lũ tại Tà Rông nhưng nhân vật tôi gặp tình huống khó xử khi bị bắt làm con tin. Trong cơn cùng quẫn không lối thoát khi bị kẹt lại trên đồi Mâm Xôi thì người dân bám vào ý nghĩ giữ anh lại thì trực thăng cứu hộ chắc chắn sẽ quay lại. Khi đồi Mâm Xôi bị xói mòn từng giờ, từng phút là lúc nào cũng có thể biến mất trong biển nước thì nhân vật trở thành chiếc phao cứu sinh để người ta hi vọng sống sốt. Trong đêm mưa lũ đó, nhân vật được chứng kiến những mặt sáng tối của con người. Trong khi già làng, bà Sơ cùng người đàn bà câm cưu mang nhau qua hoạn nạn thì gã thợ sơn tràng lúc nào cũng chỉ nghĩ tới bản thân. Câu chuyện được kể đan xen những tình tiết và cảm xúc. Từ chỗ tức giận khi bỗng bị người dân bắt làm con tin, nhân vật thương cảm cho tình cảnh của họ, anh sợ hãi khi bị gã sơn tràng gây nguy hiểm, anh liều mình cứu người thoát nạn… Chỉ một đêm thôi mà nhân vật đã trải qua biết bao cảm xúc thăng trầm. Vậy thì những con người bị kẹt lại hàng tuần, hàng tháng trong vùng lũ sẽ trải qua những biến động to lớn như thế nào trước mất mát và đói rét. Đó cũng là điều khiến người đọc, người nghe phải suy ngẫm. Có những chi tiết xúc động như việc người đàn bà câm cửi chiếc áo phao duy nhất vứt xuống nước lũ để cứu gã đàn ông đã bỏ mọi người chạy trốn một mình. Câu chuyện có cái kết ấm lòng khi gã sơn tràng lấy người phụ nữ câm làm vợ. Truyện ngắn giàu hình ảnh, sự kiện, chị tiết sinh động giúp người đọc, người nghe hiểu được phần nào cuộc sống của những người dân đã và đang chịu thiên tai lũ lụt...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)