VOV6 - Mở đầu truyện ngắn Mùi Tết, nhà văn Quế Hương đã tái hiện không khí chuẩn bị Tết của cộng đồng người Việt ở Úc, những cành mai giả, đào giả, chợ tràn ngập bánh chưng, bánh tét, mứt, lì xì, chiếc áo tứ thân...
Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên khiến sự hiện diện của nhân vật ông già và khu vườn trở nên thật gần gũi. Những đặc sản của xứ Huế đều có trong ngôi nhà vườn của ông lão. Từ thứ cỏ Thạch Xương Bồ, cây vả, cây xoài, cây mít, mãng cầu, măng cụt đến thứ sen Tịnh Đế, bánh tráng, bát canh tập tàng . Ông lão yêu quê nhớ quê đã mang cả cái vườn Huế qua Úc, bước vào vườn của ông, cảm nhận như đã được trở về nhà, về Việt Nam vậy. Những chi tiết ông già nâng niu từng hạt giống, tìm cách mang sang Úc gieo trồng, đủ thấy người đàn ông đó yêu thiên nhiên, nhớ quê hương xứ sở đến thế nào. Hương vị quê hương, hương vị Tết còn thể hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt, giọng điệu, từ ngữ địa phương rất đặc trưng của xứ Huế, ở tình đồng hương ấm nồng, ở trong câu chuyện, những đối thoại giữa ông lão và cô gái trẻ , ở trong những nghĩ suy của họ về Tết. Một yếu tố nữa làm nên hương vị Tết hương vị mùa Xuân chính là không gian đẫm cây cỏ, thiên nhiên. Cảm ơn nhà văn Quế Hương đã mang đến một câu chuyện ấm áp và giúp chúng ta hiểu ra một điều Tết Nguyên Đán cổ truyền chính là văn hóa tinh thần có trong tâm thức mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, ở đâu người Việt vẫn có Tết. Đó cũng là cách để những người con xa xứ lưu giữ hồn Việt, bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu quê hương đất nước của mình. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)