Không nhằm tìm kiếm lời giải đáp cho vụ án lịch sử, câu chuyện xoay quanh những cung bậc của “Yêu” và “Hận” để đồng điệu với nỗi niềm của người xưa ở góc độ “con người” nhất, nhân bản nhất. Tấn bi kịch lịch sử được kết dệt và khởi đầu
bằng bi kịch mỗi cá nhân. Cặp vợ chồng tài danh, đậm chất sĩ phu Nguyễn Thái úy
và Học sĩ Thị Lan bị cuốn vào những âm mưu chính trị của những kẻ tiểu nhân, đố
kị. Bắt đầu từ những ngày phải xa chồng vào cung dạy học cho Thái Tử, Thị Lan
có nhiều cơ hội ở bên vị vua đang độ chín, thông minh, biết yêu, có khả năng
cảm nhận vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp trí tuệ nên khả năng chống đỡ của Thị Lan theo
năm tháng ngày một mong manh. Đứng trên cao tột đỉnh của quyền lực thì đồng
nghĩa với việc đức vua luôn cô đơn và khao khát có được người bạn tri âm tri
kỉ. Đúng lúc này sự hiểu đời, hiểu người của Thị Lan là thỏi nam châm thu hút
nhà vua và ngược lại sự cô đơn của nhà vua khiến Thị Lan ít nhiều xao động. Bi
kịch nảy nở từ đây khi lòng ghen của Hoàng hậu, cộng với mong muốn đưa bằng
được con mình lên ngai vàng, Hoàng hậu đã cấu kết cùng những kẻ muốn loại trừ
vị quan thanh liêm, đầu độc nhà vua và sắp đặt để vu oan cho Thị Lan giết vua,
gây ra tấn bi kịch lớn nhất, thê thảm nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.