Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản Hừng Đông, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta, đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Người thanh niên yêu nước Phan Đăng Lưu sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học.. Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, ông tham gia Hội Phục Việt, rồi trở thành đảng viên Đảng Tân Việt, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3–1937), Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937–1940).
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều cống hiến nhất của Phan Đăng Lưu là những năm tháng ông hoạt động tại Huế sau 7 năm bị đế quốc giam cầm trong nhà lao Vinh và nhà lao Buôn Mê Thuột. Ông trở thành linh hồn, góp phần có tính quyết định cùng bộ chỉ huy cao nhất của Đảng ở Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở đây giành được nhiều thắng lợi vang dội, xuất sắc những năm 1936–1939.Ở Huế, Phan Đăng Lưu được Xứ ủy phân công lãnh đạo trực tiếp bộ phận chỉ đạo tổ chức đấu tranh công khai, hợp pháp của Đảng, nghĩa là ở mặt trận hàng đầu của phong trào đấu tranh cách mạng mới đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Với những ưu thế về vốn chữ Nho và chữ Pháp, về tầm nhìn, về kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục, vận động quần chúng và tổ chức quần chúng, về quan hệ rộng lớn với mọi tầng lớp xã hội và về niềm tin, về đức tính giản dị, cần kiệm, hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng chí và đồng bào…, Phan Đăng Lưu đã góp phần chủ yếu cùng Xứ ủy Trung Kỳ và các tỉnh, huyện chuẩn bị đầy đủ những điều kiện chủ quan, chớp thời cơ khách quan, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được những thắng lợi to lớn, làm rung động Kinh thành Huế và cả thủ đô nước Pháp.
Đặc biệt, thắng lợi to lớn của phong trào Đông Dương Đại hội (cuối năm 1936) được phát triển thành cao trào đấu tranh trong những ngày tổ chức đón tiếp Gôđa (đầu năm 1937) và đỉnh cao là phong trào đấu tranh, biến Viện Dân biểu Trung Kỳ thành diễn đàn đấu tranh công khai, hợp pháp của Đảng (cuối năm 1937). Trong lịch sử lãnh đạo của Đảng, đây là lần đầu tiên, trên diễn đàn đấu tranh công khai, hàng vạn người thuộc đủ các tầng lớp xã hội đã sát cánh bên nhau đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và đã giành thắng lợi rực rỡ, buộc chính quyền thực dân và bè lũ phong kiến tay sai phải nhượng bộ, mở đầu cho những thắng lợi to lớn hơn sau đó. Tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (3–1937), Phan Đăng Lưu đã được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Ở cương vị lãnh đạo mới, tài năng và đức độ của ông thêm nở rộ, góp phần lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh trong Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã sử dụng linh hoạt cuộc đấu tranh “giành ghế” ở nghị trường, kết hợp tài tình diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và văn học nghệ thuật, sáng lập và điều hành phía sau các báo Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn… Nhờ đó, tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ trong Viện: từ Viện trưởng, Viện phó đến phần lớn các Ủy viên Ban Thường trực. Đánh giá về thắng lợi này, Đảng ta ghi rõ: “… 18 căngđiđa ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta”. Đây là thắng lợi thực sự to lớn, vang dội, lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta dưới thời thống trị của thực dân Pháp.