Nhà văn Bảo Ninh vốn nổi tiếng với tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" hơn 300 trang viết về “cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại”, về “thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Tuy vậy, nhà văn Bảo Ninh không chỉ có duy nhất cuốn tiểu thuyết để đời ấy. Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn viết về đề tài hậu chiến. "Bội phản" không nằm ngoài số đó. Nhưng "Bội phản" còn hơn cả một câu chuyện hậu chiến. Nó là câu chuyện về những lẽ thường tình “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà vẫn khiến người ta xa xót, đắng cay. (Đọc truyên đêm khuya 28/7/2017)
Chân dung người lính được khắc họa bằng những nét tính cách dí dỏm, hồn nhiên, trong sáng. Đặt trong bối cảnh của cuộc chiến tranh ác liệt, mùa hè năm 1972, câu chuyện về người lính với những tình cảm rất con người được nhà văn Nguyễn Thế Tường miêu tả chân thực và vô cùng cảm động. Tình yêu lứa đôi đầu đời trong sáng đặt trong hoàn cảnh đạn bom đã khiến những chàng trai cô gái phải kìm nén mọi riêng tư, đặt trên vai nhiệm vụ cao cả. Mãi mãi tuổi hai mươi trong họ còn vẹn nguyên những ký ức ngọt ngào.(Đọc truyện đêm khuya 24/7/2017)
Cũng như hầu hết các tác phẩm của Ma Văn Kháng, truyện ngắn này là một mảnh ghép nhỏ, một tình huống rất dễ gặp phải trong nhịp sống thường nhật. Từ đó, nhà văn từ từ .mở ra cả một câu chuyện. Câu chuyện ở đây là những kỷ niệm khó quên của hai người bạn, hai người lái tàu hỏa thời chiến tranh. Nhà văn không kể lể dông dài mà khéo lồng câu chuyện ấy vào những lời tâm tình khi họ gặp lại nhau. Một lần nữa, tài sắp đặt, biến hóa của một người viết sành nghề được thể hiện. (Đọc truyện đêm khuya 20/7/2017)
Tri ân những anh hùng liệt sỹ và người có công với đất nước với nhân dân là một chủ đề lớn,được tiếp nối tự nhiên qua từng thế hệ cầm bút. Sáng tác của các tác giả trưởng thành sau năm 1975 là một minh chứng đậm nét về điều này. Họ viết bằng cảm xúc trái tim, bằng lý trí và tinh thần trách nhiệm của ngườiu đang sống, đang được nhận bao an lành mà thế hệ trước đã đổ máu xương đem lại. (Tiếng thơ 19/7/2017)
Nếu bóc tách lớp vỏ liêu trai, "Mộng hồ ly" còn là câu chuyện về con người với môi trường. “Hồ ly chỉ hút linh khí con người để đủ sống. Còn con người, họ hút cạn mọi thứ, vét sạch mọi thứ, rồi hả hê bỏ đi như thể ta đây là giống loài mạnh nhất thế gian.” Câu chuyện đó, tiếp tục là một câu chuyện không còn mới, nhưng cũng buồn không kém một chuyện tình tan vỡ. Trong phong vị vừa liêu trai vừa hơi hướng hiện đại gói trong một câu chuyện tình, truyện cho thấy sự sáng tạo của người viết khi kết hợp khá nhuyễn chuyện xưa và nay. Điều này cũng khiến tác phẩm có được sức hấp dẫn, trẻ trung, không xa rời đời sống hiện tại. (Đọc truyện đêm khuya 17/7/2017)
Ở bất cứ nơi nào trên đất nước chúng ta cũng có những nghĩa trang, đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ. Ở đồng bằng thành thị, hay trên miền biên giới, còn bao ngôi mộ vô danh, bao ngôi mộ chưa được quy tập bị thời gian lặng lẽ phủ vùi. Trong từng nắm đất, trong lòng sông khe suối, hay lòng biển khơi mặn chát là xương cốt, là linh hồn các anh.
"Thay cho màu cỏ thanh minh là xanh rợp trời cao
Thay cho dòng tên khắc trên bia là trùng trùng sóng trắng
Thay cho đất nâu là vô cùng biển thẳm
Các anh chết rồi tên tuổi cũng lênh đênh...". (Tiếng thơ 15/7/2017)
Súa và Dín là con gái một người lính bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Súa đau đớn khi cả ba người con sinh ra đều bị chết. Trong nỗi thất vọng, lo sợ hai người con gái thay tên, đổi họ trốn lên đảo vắng. Dín đi theo Súa để chia xẻ nỗi đau với chị nhưng trong lòng cô vẫn luôn khát khao làm vợ, làm mẹ. Hai người phụ nữ luôn sống trong những mâu thuẫn nội tâm giữa nỗi đau và khát vọng hạnh phúc. Câu chuyện xúc động về những mất mát, đau thương của hai người phụ nữ gánh chịu di chứng chiến tranh.(Đọc truyện đêm khuya 13/7/2017)
Tác giả có góc nhìn và cách viết khá lạ về chiến tranh và người lính. Binh nhì Nguyễn Thị Hạnh ở tiểu đội nuôi quân vì thương cảm và giàu lòng trắc ẩn nên đã quyết định bế cháu nhỏ sơ sinh vô thừa nhận về nhà, nhận bé là con mình. Trái tim và tình cảm của người mẹ đã giúp Hạnh vượt qua bao trở ngại sóng gió cuộc đời. Sự lặng lẽ của thời gian ngày càng lắng đọng với những ký ức vừa đau thương vừa ngọt ngào để các thế hệ không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh hào hùng và bao hy sinh thầm lặng. (Đọc truyện đêm khuya 11/7/2017)
Tác phẩm là câu chuyện xúc động về sự chịu đựng và hy sinh âm thầm của người phụ nữ, về chia ly và đoàn tụ. Câu chuyện này cũng giống như bao câu chuyện éo le thường xảy ra trong chiến tranh. Người vào chiến trường, người ở nhà vò võ đợi chờ với bao khắc khoải, lo âu. Hình ảnh cậu bé Thắng sà vào lòng người cha và hình ảnh giọt nước mắt nóng hổi của Chiến - một người người lính dạn dày trận mạc đã từng vào sinh ra tử rơi xuống khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc và niềm vui của cậu con trai đã nói lên rất nhiều ý nghĩa. Mọi khổ đau, chia ly, mất mát đã được lấp đầy bằng sự đoàn tụ. Một cái kết có hậu, nhân văn và vô cùng ấm áp. (Đọc truyện đêm khuya 10/7/2017)
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của cặp đôi Hảo - Túc. Có những nguyên nhân mang tính phổ biến, có những nguyên nhân thuộc về hai cá thể không dung hòa, không tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, điều hài hước và cay đắng là dù không còn là vợ chồng nhưng họ vẫn là bố mẹ, vẫn phải co kéo tất bật cho cái tổ ấm không còn trên danh nghĩa pháp luật. Cả hai đã "mắc cạn" trong không gian hai mươi tư mét vuông, "mắc cạn" với những ước mơ dự định cuộc đời, "mắc cạn" ở chính cái lưới mà họ đã giăng ra nhưng không có ý định thu lại. Tình huống của Hảo và Túc thực sự bi hài, nhưng cũng khó trách họ được, bởi họ cũng chỉ là hai mắt xích nối tiếp nhau, xô đẩy nhau trong chuỗi mắt xích đang vận hành. (Đọc truyện đêm khuya 06/7/2017)
Nhà thơ Hải Như (tên khai sinh: Vũ Như Hải) sinh năm 1923 tại Nam Định, đã qua đời tại TP.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 94 tuổi. Ông thuộc lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từng làm phóng viên, biên tập viên các báo Vệ quốc quân, Cứu quốc, Giác ngộ. Ở góc độ thơ ca, ông nổi tiếng với nhiều bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà gây xúc động nhất là bài “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” viết khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời. Nhà thơ Hải Như quan niệm: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi màu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác, đều hướng về chân - thiện - mỹ". Bài viết “Nhà thơ Hải Như – chuyện đạo và đời” của tác giả Phan Huỳnh góp một hình dung rõ hơn về quan niệm sống và viết này. (Tiếng thơ 05/7/2017)
Ngoài chủ đề về chiến tranh và hội chứng chiến tranh, qua việc xây dựng hình tượng con khỉ, nhà văn còn muốn chạm đến một chủ đề khác nữa. Đó là thái độ ứng xử của con người hôm nay với thiên nhiên, môi trường mà một thời quá khứ chưa xa chính nó là điểm tựa tinh thần giúp con người vượt qua những hoàn cảnh gian khó. Các chi tiết trong truyện tuy không nhiều nhưng đều là chi tiết đắt giá có sức ám ảnh và chuyển tải hữu hiệu những thông điệp của người viết. (Đọc truyện đêm khuya 03/7/2017)
Cuộc sống với bao bộn bề hối hả, ngày từng ngày nối tiếp nhau làm chúng ta lãng quên đi nhiều điều, có phần thờ ơ với tồn tại xung quanh. Nhưng nếu để ý dọn lòng một chút, lắng lại một chút, sẽ phát hiện bao đáng yêu của cuộc sống đang tuần hoàn, đang ùa vào trong ta, làm thức tỉnh giác quan. Những bài thơ mới thu thanh góp một phần vào sự vận động tuần hoàn đó của cuộc sống. Xin giới thiệu: Tiếng chim buổi sáng (Võ Ngột), Chị tôi (Nguyễn Ngọc Hưng), Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi (Hoàng Vũ Thuật), Bóng chữ (Lê Đạt)...(Tiếng thơ 01/7/2017)
Truyện được viết với phong cách kì ảo về mối huyết thù của hai cô gái trẻ Linh Lan và Tuyết Nhi với viên quan huyện Quản Hà. Để thỏa mãn dục vọng sắc đẹp và quyền lực, viên quan huyện đã hãm hại những con người lương thiện. Hắn hạ độc thợ săn Nguyễn Hạng (cha của Linh Lan) khi ra lệnh cho ông đi săn con sói dữ. Hai mươi năm trước, quan huyện Quản Hà cũng hãm hại cha của Tuyết Nhi trong một vụ án oan. Hai cô gái trẻ đã cùng nhau lập kế để trả thù cho cha mình. Kẻ ác đã phải trả giá bằng cái chết đau đớn, khủng khiếp. Tác phẩm phơi bày cái ác để người đọc, người nghe tránh xa cái ác, hướng tới điều thiện. (Đọc truyện đêm khuya 29/6/2017)