Tháng giêng là thời điểm bắt đầu một năm, bắt đầu một mùa, là không gian để mỗi người nhận về từ đó nhiều suy tư, xúc cảm và hoài niệm. Nhà thơ Xuân Diệu từng thảng thốt “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Sau Xuân Diệu, nhiều nhà thơ cũng cảm nhận về tháng giêng, chiêm ngưỡng và thao thức về tháng giêng gắn với thời tuổi trẻ đẹp tươi, thanh thản. (Tiếng thơ 01/02/2017)
Chi tiết trong truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh không đặc biệt, riêng biệt, nhưng nó vẫn có sức truyền cảm, sức công phá, dấy lên trong chúng ta nỗi niềm chua xót và căm phẫn trước sự u tối, trước những hủ tục thói quen làm con người bị hủy hoại cả về thể xác và tâm hồn. Nhà văn có lẽ còn đau đớn hơn chúng ta, bởi lẽ, anh đã dồn các nhân vật của mình hồi hộp bước đến hội tụ trong không gian chợ tình, rồi cũng ở không gian ngỡ chỉ có tình yêu này, anh buộc họ phải chứng kiến một nỗi đau lịm sắc. (Đọc truyện đêm khuya 02/02/2017)
“Xa xứ”, “tha hương” đâu phải là câu chuyện riêng, bởi mấy ai được sống trọn vẹn, đủ đầy ở nơi mình sinh ra và lớn lên. Phần đông chúng ta đều có những thời điểm phải xa gia đình, học tập, làm việc, lập nghiệp và sinh sống ở một nơi khác. Từ điểm nhìn này, chuwong trình tiếng thơ “Với người xa xứ” như một sự kết nối tâm hồn giữa những người thân, giữa anh em bè bạn, để trong khoảng khắc chuyển giao năm cũ và năm mới này, chúng ta cùng hướng về nhau, cảm nhận tiếng lòng gần gũi trong nhau... (Tiếng thơ 27/01/2017)
Không chỉ quan tâm tới những gì thuộc về mình, ở gần mình, cuối năm dường như cũng là thời điểm để suy tư về nhân thế như lắng đọng hơn, sâu xa hơn. Vị thế mỗi người trong xã hội hình như hơn nhau ở chữ Công Danh. Công thành danh toại là nguyện vọng, là ước ao, là niềm tự hào không chỉ của cá nhân mà của cả gia đình, dòng tộc. Nhưng bền vững hơn công danh là khí tiết, là phẩm giá. Vượt lên áng công danh để giữ mình, đó là lẽ sống của người xưa lan tỏa đến đời nay. (Tiếng thơ 25/01/2017)
Những câu chuyện về thân phận chịu nhiều thiệt thòi của người phụ nữ vùng cao vì tập tục lạc hậu, mê tín để lại nhiều ám ảnh với người đọc, người nghe. Truyện ngắn "Đường qua bản" kể về cuộc đời buồn của cô gái trẻ xinh đẹp tên là May. May sinh ra trong một dòng họ có người bị phán là ma ám nên cô bị mọi người kì thị, xa lánh. May bị ép phải lấy thầy Tào, thầy phù thủy trừ tà ma để mang lại yên bình cho dòng họ. Không chấp nhận cuộc đời bị sắp đặt, cô gái trẻ đã dũng cảm bỏ trốn tìm đến với Thịnh, người yêu của mình. (Đọc truyện đêm khuya 19/01/2017)
Chí khí không thua, tài năng chẳng kém nhưng phận nữ nhi trong thời đại phong kiến cũng không tránh được nhiều phen ấm ức: “Ví đây đổi phận làm trai được / Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”. Nhưng cũng chính trong định kiến “nữ nhi nan hóa”, lịch sử cho thấy nhiều gương mặt nổi trội, phi thường, dám thách thức, thậm chí phá bỏ các rào cản. Bà chúa Sao sa Nguyễn Thị Duệ, nữ trạng nguyên duy nhất của nước ta, là một trong số đó… Bởi vậy, nếu xét về góc độ cốt truyện hay đề tài của truyện ngắn "Giữa hoàng cung" có phần hơi thừa. Cuộc đời nhiều điều lạ lùng, nhiều bước thăng trầm của bà luôn có thể là nguồn cảm hứng cho văn chương nghệ thuật, dù là một vở chèo, một truyện ngắn, hay thậm chí, một thiên tiểu thuyết. (Đọc truyên đêm khuya ngày 16/01/2017)
Chùm thơ mới thu thanh của các tác giả: Trúc Thông, Minh Giang, Hương Sinh, Trần Kim Anh. Ghi chép "Dấu ấn Phạm Huy Thông" tổng hợp những tham luận nghiên cứu tại hội thảo kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. (Tiếng thơ 14/01/2017)
Nếu chỉ dừng lại ở chi tiết nhân vật Hậu qua đời, Na tình cờ gặp vợ con của người yêu cũ thì truyện ngắn này cũng giống với nhiều tác phẩm viết về thân phận người lính trong chiến tranh và hậu chiến. Điểm khác biệt đáng kể nằm ở hình tượng “bức tranh trên đá”, nói chính xác là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được Hậu kì công tạo dựng, tái hiện cảnh bờ suối nơi rừng Trường Sơn năm xưa. Bức tranh trên đá ẩn chứa tất cả tâm tình người lính, là tài sản tinh thần anh để lại cho vợ con, cũng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai. (Đọc truyện đêm khuya 09/01/2017)
Nghề xe ôm có mối liên hệ với những cô gái nhảy, họ dựa vào nhau để kiếm sống. Thương cảm và biết lắng nghe, nhân vật ông Hưng xe ôm không định kiến, khinh miệt hay xa cách mà coi các cô gái như con như cháu, nhiều lần khuyên các cô bỏ nghề về quê làm lại từ đầu. Không ngạc nhiên khi thân phận những cô gái làm nghề vũ trường lại vào trang văn của nhà văn một cách tự nhiên gần gũi và sống động đến thế. Yêu thương giống như bếp lửa trong mùa đông băng giá, nó sẽ sưởi ấm và soi sáng cho những tâm hồn lạnh giá vì những lầm lỗi. (Đọc truyện đêm khuya 02/01/2016)
Câu chuyện là hồi ức đặc biệt của người nữ y tá trong chiến tranh. Anh lính trẻ tên là Huê bị thương nặng khi làm nhiệm vụ. Nữ y tá trẻ tên là Mẫn đã vượt qua những đấu tranh tư tưởng, hi sinh bản thân để giúp người lính ra đi thanh thản. Hình ảnh của Mẫn, hành động của cô với Huê rực rỡ như tia nắng cuối ngày. Thời gian qua đi nhưng với những người lính, kỉ niệm về tình đồng đội, đồng chí vẫn nguyên vẹn tuổi đôi mươi. (Đọc truyện đêm khuya 05/01/2017)
Tác phẩm là câu chuyện về những bi kịch của một gia đình trong chiến tranh. Nhân vật chính là cậu bé Nghiệp được sinh ra khi mẹ cậu bị tên trưởng đồn Tám Lửa làm nhục. Người mẹ chịu nhiều cú sốc về tinh thần khi con gái lớn mất vì bệnh, người chồng từ chiến trường trở về thấy vợ có thai với kẻ ác nên đã dẫn người con trai út bỏ đi. Người mẹ nửa điên nửa tỉnh thường đánh mắng Nghiệp vì nghĩ cậu bé là nguyên nhân khiến gia đình mình ly tán. Dù bị mẹ đối xử tàn tệ, Nghiệp vẫn yêu thương mẹ, hơn 10 tuổi đã kiếm sống để nuôi mẹ. Sau nhiều năm xa cách, hai mẹ con Nghiệp cũng tìm được ba nuôi và anh trai trong hoàn cảnh bất ngờ. (Đọc truyện đêm khuya 29/12/2016)
Nối dài cảm xúc về quê hương đất nước, ở thời điểm bắt đầu một năm mới, mỗi người thường theo đuổi suy tư về thời gian, về hy vọng và ước vọng sẽ đến trong hành trình phía trước. Mùa xuân – tuổi trẻ và tình yêu đã trở thành những phạm trù mang tính biểu tượng cho khát vọng sáng tạo, vươn lên và chiếm lĩnh. (Tiếng thơ 11/01/2017)
Đôi vợ chồng trẻ Đào – Tỉnh vừa cưới nhau, vui vầy chưa được mấy ngày đã phải xa nhau. Chắc chắn họ không phải là cá biệt ở vùng biển ấy, mà đó là hình ảnh quen thuộc của những người làm nghề trai bạn. Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, Tỉnh cũng như các trai bạn khác phải theo những chuyến đi biển dài ngày. Những chuyến đi biển cực nhọc, vất vả, thiếu thốn trăm bề từ vật chất đến tình cảm và thường xuyên phải đối mặt với sóng to gió lớn mùa mưa bão. Nguy hiểm thường trực đến nỗi trong mơ Đào cũng thấy chồng mình gặp nạn đắm tàu. Mơ và thực không khác nhau là mấy. (Đọc truyện đêm khuya 26/12/2016)
Trong những năm gần đây, với biến động của thời tiết khí hậu, mùa đông xứ Bắc giống như người có tính cách thất thường, lúc êm ả, lúc dữ dằn khắc nghiệt. Nhưng dẫu sao, vẫn phải cảm ơn mùa đông, bởi chỉ cần chút lạnh thôi cũng đủ để nhắc nhớ về một miền ấm áp, đủ để cân bằng bao tất bật lo toan.(Tiếng thơ 28/12/2016)