Tục dâng cơm mới cúng tổ tiên tưởng như chỉ là truyền thống của một gia đình, một vùng đất lại ẩn chứa câu chuyện ám ảnh, đau lòng. Có lẽ điều mà tác giả muốn nói ở đây không chỉ là sự linh ứng của một lời nguyền. Nó khác xa với bức tranh bề mặt trù phú, no ấm đầy đơn điệu của nông thôn đổi mới trong sáng tác của nhiều cây bút đương thời (Đọc truyện đêm khuya 22/06).
Trong hình dung về nghề báo không thể thiếu những chuyến đi giúp người làm báo thực hiện các công việc nhiệm vụ cụ thể. Mặt khác, những chuyến đi còn đem lại cho họ bao hiểu biết về đời sống xã hội, về sự dài rộng của đất nước, về chiều sâu lịch sử văn hóa dân tộc. Đó là những chuyến đi truyền cảm hứng, giúp cây bút cái nhìn của người làm báo thêm sâu sắc, rung động, mở rộng hồn mình với đất nước và nhân dân. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tiếng thơ gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các nhà báo, các thính giả trên mọi miền đất nước, và xin được giới thiệu tới quý vị những bài thơ xúc động, ấm áp tình cảm gia đình, tình quê hương đất nước của các nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam. (Tiếng thơ 21/6/2017)
"Hoa vông đỏ ở hàng rào" của nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga là một truyện ngắn tập hợp nhiều bi kịch gia đình: bi kịch của Chiến, bi kịch của người mẹ, bi kịch của Thu – người bác ruột… Mỗi người đều mắc kẹt trong số phận của mình. Điều may mắn là truyện không rơi vào hố đen thăm thẳm của tuyệt vọng. Sự xuất hiện của nhân vật Bưởi là một điểm sáng và hiển nhiên, một điểm tựa, một nẻo về cho Chiến. Đồng thời, cũng là niềm tin của tác giả vào mầm thiện của đứa trẻ này. Chính vì vậy, hình ảnh hoa vông đỏ ở hàng rào, rực rỡ và đáng nhớ. Một bông hoa, dù bị người đời coi là hoa dại, vẫn có thể bung nở đẹp đẽ và làm đẹp cho đời, thì tại sao một con người lại không? (Đọc truyện đêm khuya 19/6/2017)
Là một tạp chí văn học nghệ thuật địa phương, nhưng Sông Hương là địa chỉ uy tín về chất lượng văn học, về diện phủ sóng. Trang thơ trên Sông Hương luôn đầy đặn, được chăm chút cẩn thận. Một trong những yếu tố mà những người biên tập quan tâm, ấy là chất lượng thơ cùng tiêu chí đổi mới. Cuộc trò chuyện giữa BTV Anh Thư với nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương) sẽ chia sẻ với chúng ta nội dung này. (Tiếng thơ 17/6/2017)
Truyện viết về một gia đình chịu nhiều mất mát vì chiến tranh. Tác giả lựa chọn khai thác cuộc sống nơi hậu phương nhưng vẫn làm nổi bật sự khốc liệt của chiến tranh. Những người phụ nữ là hình ảnh đậm nét, xuyên suốt câu chuyện. Khi người đàn ông ra trận thì ba người phụ nữ, ba thế hệ trong một gia đình có truyền thống cách mạng phải nương tượng vào nhau. Trải qua nhiều đau buồn vì mất mát cuối cùng nhân vật chị Hai (con gái của người lính đã hi sinh) đã tìm được hạnh phúc của mình. (Đọc truyện đêm khuya 15/6/2017)
Nhân vật ông Dần - lão ngư gần 70 tuổi - được khắc họa đậm nét. Ông Dần có một quá khứ đáng nể, từng là du kích xã. Nhưng ông Dần cũng có nhiều tật, trong đó có tật khó sửa là “quan tâm chăm sóc” chị em quá mức bình thường... Thia là một nhân vật nữa ở làng biển cũng tiếng tăm không kém ông Dần. Tình yêu mạnh mẽ, phóng khoáng của họ sẽ cháy lên nơi làng biển cùng với những vật vã, mưu sinh quyết liệt của con người và biển cả. (Đọc truyện đêm khuya 12/6/2017)
Thế giới trẻ thơ phải được sống trong tình yêu thương, chở che và bao dung. Chúng không thể lớn lên và chứng kiến tội lỗi của những người sinh ra chúng. Đằng sau song sắt và áo sọc, trẻ thơ đã mất đi tuổi thơ sáng trong và đẹp đẽ. Trả lại cuộc sống bình thường cho bao trẻ thơ là câu hỏi còn nhức nhối với trách nhiệm của mỗi công dân và toàn xã hội. Tuổi thơ không thể lớn lên trong sự bủa vây của tội lỗi, của sự xa lánh và song sắt. Câu trả lời thuộc về chúng ta. (Đọc truyện đêm khuya 08/6/2017)
Các nhân vật trong truyện ngắn này của nhà văn Tống Ngọc Hân khao khát kiếm tìm hạnh phúc nhưng để có được đều nếm trải mùi vị cay đắng, nhọc nhằn. Diu phải che đậy nguồn gốc tên tuổi người cha của đứa con mình. Sán phải giấu đi bi kịch bị cưỡng bức mới có được một đứa con cho nhà chồng và Mùi cay đắng nhận ra hôn nhân không tình yêu của mình. Nhà văn dễ dàng nhận ra góc khuất trong cuộc đời họ, dành mối cảm thông sâu sắc trên mỗi trang viết với mong muốn một ngày nào đó cuộc sống của họ được cải thiện, sáng sủa hơn. (Đọc truyện đêm khuya 05/6/2017)
Nguyễn Ngọc Thuần là một trong những nhà văn có tác phẩm được bạn đọc nhiều lứa tuổi yêu mến. Nói anh là tác giả viết cho thiếu nhi e chưa trọn vẹn bởi hầu hết các nhân vật chính trong các truyện dài, truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thuần tuy đều là các em nhỏ, soi chiếu dưới mắt nhìn trẻ thơ nhưng đều rất đời, rất thực. Nghe truyện ngắn "Cha và con và… tàu bay", biết đâu mỗi chúng ta sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng mình ở nhân vật người cha, đứa con, những chuyến đi và những giấc mơ lung linh hay bé mọn. (Đọc truyện đêm khuya 01/6/2017).
Có một điểm chung giữa các nền thơ ca, trong hiện tại cũng như trong quá khứ, đó là khi viết về Tổ quốc quê hương, các tác giả đều dành tình cảm trân trọng yêu mến đối với nông thôn, với đồng quê, coi đó như nơi lưu giữ kí ức, lưu giữ những giá trị văn hóa bền vững. "Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta” – Nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết như vậy trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” xuất bản lần đầu năm 1942. Nhận định này vẫn thật phù hợp nếu liên hệ với thơ hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa càng mạnh mẽ thì lòng thương nhớ đồng quê, cuộc trở về với đồng quê dường như càng xác quyết hơn. (Tiếng thơ 03/6/2017)
Con sông Nhiêu gắn bó với làng quê, với tuổi thơ, với mọi buồn vui sướng khổ của người dân xứ này nay đã chết. Chết vì lòng tham và sự hủy hoại tàn nhẫn của con người. Sông chết trơ dòng và lòng người cũng trở nên cạn kiệt, cỗi cằn, độc ác. Hãy trả lại sự sống cho dòng sông, hãy thức tỉnh nhân cách con người khi chưa quá muộn. Truyện chạm vào trái tim chúng ta bằng những hồi chuông đang gióng lên ráo riết, chạm đến những vấn đề còn day dứt khôn nguôi. (Đọc truyện đêm khuya 29/5/2017)
Một người khiếm thị sở hữu giọng hát mượt mà như anh Nhoàng đã từng bước vượt lên số phận nghiệt ngã. Lời ca tiếng đàn của anh không chỉ cuốn hút người dân trong làng mà đã chinh phục con tim cô đơn của một thiếu phụ. Tổ ấm của họ được xây bằng tình yêu muộn mằn nhưng lại vô cùng ấm áp. (Đọc truyện đêm khuya 25/5/2017)
Nhắc đến loài hoa phổ biến từ thành thị đến nông thôn, từ miền Bắc đến miền Nam, loài hoa bình dị trang nhã, ưa ánh nắng, ưa ấm áp thanh bình, thì có thể nghĩ ngay đến hoa sen vốn gắn bó với đời sống lao động, đời sống tình cảm – tâm linh của người dân nước ta. Hình tượng sen từ cuộc đời thường nhật đi vào ca dao dân ca, là nỗi nhớ khôn nguôi với người xa xứ. Ai trong chúng ta không một lần ở trong tâm trạng “Sen xa hồ sen khô hồ cạn / Lựu xa đào lựu ngả lựu nghiêng”, hoặc vấn vương hình ảnh “Nụ cười như thể hoa ngâu / Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”. (Tiếng thơ 24/5/2017)
Với một truyện ngắn mang thông điệp về văn hóa, nếu người viết không tập trung tâm trí, dồn năng lượng và cảm xúc cho câu chữ thì sẽ khó thành công. Ý thức được điều đó, nên tác giả Đỗ Xuân Thu đã khéo giữ chân người đọc, người nghe bằng cách xây dựng lý lịch đời tư khá chi tiết cho nhân vật để tạo nên một cái nền, một bộ khung. Điểm nhấn hấp dẫn nhất ở tác phẩm là những đoạn văn miêu tả tiếng trống, nhịp trống, dáng điệu tư thế của người nghệ sỹ dân gian khi nhập hồn vào điệu hát. Người đánh trống mới là người cầm chịch, người giữ linh hồn cho điệu hát thăng hoa. (Đọc truyện đêm khuya 22/5/2017)