VOV6 - Nếu chỉ một lần tới ngó nhìn những cánh rừng già mải miết dọc dài sông Giăng, viết làm sao nổi câu chuyện không dứt, không nguôi ngoai hồng hoang, huyền hoặc. Tác giả Hữu Vi chia sẻ rằng đúng là “Khánh bạc leng keng” mượn khung cảnh quê hương của anh, miền núi xứ Nghệ nơi người ta đã và vẫn còn sinh nhai bằng nghề săn thú rừng. Nơi đó, thiên nhiên không chỉ là môi trường sống mà với người bản địa còn là tâm linh. Khánh bạc leng keng hay là thứ âm thanh nhắc nhủ lay động lòng người. Chuyện như được kể từ thời xa lắm. Cái thời mà đôi khánh bạc trai gái trao lời ước hẹn, thời truy vượn, tìm gấu, săn hổ, săn nai. Thời thao thiết rưng rưng câu chuyện người rừng bơ bơ, lạc lối. “Khánh bạc leng keng” kể chuyện bằng nhịp tâm trạng, mà điệu thê lương, tăm tối, mịt mùng xâm lấn, bao phủ đôi khi như muốn nhấc bổng cả ý tưởng giản đơn của tác giả lúc ban đầu vì anh chỉ muốn gửi gắm một điều rằng chính những người miền núi cũng đang băn khoăn không biết nên ứng xử thế nào để hài hòa với thiên nhiên mà không làm hại đến điều mà với họ rất đỗi thiêng liêng. Tình yêu và ẩn ức. Hồi kết nào của cuộc săn, sau tàn sát chắc gì đã ngây ngất mãi niềm vui sướng của kẻ thắng? Tác giả Hữu Vi không một lời lên án bàn tay đã bấm cò lên khẩu súng săn. Thế nhưng rõ ràng chúng ta đã đọc được rơm rớm niềm đau trong những yếu ớt, lặng câm, gục ngã cầm thú. Người viết và cả chúng ta đã cảm nhận được rằng những con thú cũng có trái tim, cũng biết quẫy đạp cầu cứu trong vô vọng. Và như những vết cứa từ lời cảnh tỉnh vang lên trong tiếng khánh bạc leng keng…(Lời bình của BTV Võ Hà)