VOV6 - Không khó để thấy hình bóng làng quê trong truyện ngắn “Vân tay mắt Phật” của nhà văn Trần Nhã Thụy. Làng quê trong mắt nhân vật “tôi” có phần xa lạ. Anh đã rời quê lên phố đủ lâu để thấy ngạc nhiên khi quê bây giờ cũng ngồi nhà bấm điện thoại, gọi ship tới tận cửa, cũng facebook, zalo… chả kém thị thành. Anh chỉ còn thấy gần gũi với kí ức về làng – điều được gắn kết nhờ người thân, bạn bè và một mối tình câm. Cái tam giác muôn đời, một lần nữa, xuất hiện trong mối quan hệ ba người “tôi”, Phước và Văn. Có điều, sau khi Phước qua đời, cả “tôi” và Văn dường như không ngừng hoài nghi rằng mình chẳng phải là người được yêu.
Trong mạch kể chuyện pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, có thể “Vân tay mắt Phật” có nhiều hơn một câu chuyện. Chuyện tình ba người với nhiều éo le là một nhẽ. Nhưng rộng hơn, đó là câu chuyện về nông thôn, về người nhà quê tồn tại trong mỗi nhân vật, trong cả chúng ta: khi ta mơ về một cái sân vườn thoáng rộng, khi ta thấy ngột ngạt trong những khoảng không chật hẹp, và giấc mơ của ta vẫn còn mang mùi đất. Nó cũng là câu chuyện về sự mất mát, của cả bối cảnh lẫn con người khi tất cả chẳng thế nào như xưa. Và không phải cái mới, cái hiện đại, cái tân thời nào cũng đồng nghĩ với những điều tử tế, thiện lương. Mở ra bằng một nhan đề giàu sức gợi, “Vân tay mắt Phật” cũng có một đoạn kết ấn tượng không kém, đủ để người đọc, người nghe giật mình thảng thốt, tự xem ngón cái bàn tay mình có “hiển lộ hình mắt Phật đẹp đẽ” hay không? (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)