Dù hiện nay các phương tiện thông tin giải trí vô cùng phong phú và đa dạng thì việc nghe đài phát thanh, đặc biệt là Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là thói quen của nhiều người. Phần đầu chương trình, các bạn cùng trở lại những kỉ niệm ấu thơ với hình ảnh chiếc đài Radio qua bài viết "Chiếc đài gẫy ăng ten của ông" của tác giả Hoàng Thanh Trang. Tiếp đó là cuộc trò chuyện giữa biên tập viên Hoàng Hiệp và nhà thơ Trần Quốc Toàn về bài thơ "Cô và mẹ". Những cảm xúc thân thương của tình thầy trò trong truyện ngắn "Xin lỗi thầy" của tác giả Alex Chu là lời chào tạm biệt của những người làm chương trình với các bạn. (Văn nghệ thiếu nhi 07/9/2017)
Trong khu phố nọ, Chó Trắng, Chó Cảnh và Chó Mực vốn chơi rất thân với nhau. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của chủ nhà nuôi Chó Trắng và Chó Cảnh ngày một khá lên, nên Chó Trắng và Chó Cảnh dần xa lánh chó Mực vì gia đình nuôi chó Mực rất nghèo. Không những thế, Chó Trắng và Chó Cảnh còn tự phong cho mình là “Team chảnh”, còn gọi Chó Mực là “Team nghèo”. Không biết tình bạn của họ sẽ ra sao khi có sự phân biệt như vậy nhỉ? Và "Team chảnh" có mãi chiếm ưu thế? Mời các em theo dõi tiểu phẩm hài truyền thanh "Team chảnh" của chị Ong Vàng để cùng khám phá nhé! (Văn nghệ thiếu nhi 06/9/2017)
Thơ Đường đưa vào chương trình ngữ văn mà chúng mình học quả thực không phải đễ, bởi thơ Đường luật là thể loại khó học, đòi hỏi những kiến thức cơ bản thì chúng mình mới học tốt được. Bài thơ "Tức cảnh Pắc Bó" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài thơ tứ tuyệt Đường luật. Vẻ đẹp của bài thơ này sẽ được cô giáo Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ trong cuộc trò chuyện thú vị, bổ ích. (Trang văn học nhà trường 04/9/2017)
Cuốn truyện dài “Bụng lửa: Hành trình khám phá tư duy con người” của nhà văn Mỹ J.C Michaels được viết kết hợp giữa văn chương và triết học, được dịch ra 10 thứ tiếng. Ở Việt Nam có thể nhiều bạn sẽ bỏ qua phần triết học mà chỉ đọc phần phù hợp lứa tuổi để rồi tự hỏi tương lai mình sẽ trở thành người như thế nào? Những trang truyện cứ tiếp diễn, mạch nối mạnh để rồi dẫn đến những trang cuối với sự khái quát cao. Chúng tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ tìm thấy sự lựa chọn cho tương lai của chính mình ở những trang truyện có sức khái quát này. (Văn nghệ thiếu nhi 05/9/2017)
Mùa thu là thời gian đẹp nhất, lãng mạn và dễ chịu nhất của Hà Nội. Những ai ở phương xa lần đầu tiên đến thăm Hà Nội vào những ngày thu tháng 9 càng cảm nhận được nét đẹp độc đáo của thủ đô ngàn năm văn hiến trong thời gian này. Các bạn cùng cảm nhận cảnh đẹp và con người Hà Nội qua tùy bút "Mùa thu Hà Nội" của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo. Tiếp đó là cuộc trò chuyện giữa biên tập viên Hoàng Hiệp với bạn Đặng Nguyễn Bảo Trân và bạn Đặng Nguyễn Gia Thành, hai cây bút nhỏ tỉnh Thái Bình đã đạt giải cao trong cuộc thi Cây bút Tuổi hồng 2017. Phần cuối chương trình là truyện ngắn "Tình bạn" của tác giả Thanh Thảo. (Văn nghệ thiếu nhi 03/9/2017)
Bức thư của bạn Nguyễn Thị Thu Trang (Lớp 9B trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Nam sách, tỉnh Hải Dương) đã vinh dự được nhận Giải nhất Quốc gia và Quốc tế trong Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU năm vừa qua. Bức thư đã thực sự thuyết phục mọi người khi Thu Trang thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề được cả thế giới quan tâm đó là di dân và phân biệt chủng tộc, thông qua cái chết thương tâm của cậu bé Aylan Kurdi 3 tuổi trên bờ biển Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ trong lần vượt biên cùng gia đình để đến với miền đất hứa-trời Âu. (Văn nghệ thiếu nhi 01/9/2017)
Khi chúng mình say mê khám phá thiên nhiên và môi trường sống quanh ta, thì hẳn là các bạn sẽ yêu thích xem các chương trình hay đọc sách báo về thế giới động vật, đa dạng sinh học, những điều huyền bí của vũ trụ... Mỗi bạn sẽ có cách thể hiện khác nhau, còn các “nghệ sĩ nhí” trong Xưởng vẽ Picas Sơn (Hà Nội) vừa thực hiện những “Ước mơ khoa học” của mình qua một hoạt động nghệ thuật vô cùng ấn tượng đấy! (Văn nghệ thiếu nhi 30/8/2017)
Mùa thu luôn là cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ, có nhiều tác phẩm về mùa thu thật trong sáng, dịu dàng. Chúng mình đã từng đọc, từng học chùm thơ thu nổi tiếng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến. Nhà thơ Hữu Thỉnh lại viết về mùa thu ở một góc độ khác, vừa mới chớm thu nên tất cả đang vừa mới bắt đầu. Cuộc trò chuyện giữa BTV Vân Khánh và nhà thơ Hữu Thỉnh về bài thơ "Sang thu" có nhiều điều thú vị. (Trang văn học nhà trường 28/8/2017)
Truyện ngắn "Quà mùa Thu" của bạn Đặng Thái Thi (lớp 11A1 trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)xúc động về tình bạn thân thiết giữa hai bạn gái Mai Anh và Tùy Anh. Tình bạn ấy bây giờ đã bị chia cắt bởi âm dương cách trở, nhưng mỗi khi mùa thu đến ký ức về người bạn năm xưa lại ùa về với tiếng nói cười trong trẻo ở sân trường, những lần gửi ước mơ vào trong lá để nhờ gió chuyển đi thật xa, thật xa...(Văn nghệ thiếu nhi 26/8/2017)
Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò là hoạt động thường niên do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức cho những cây bút nhỏ tuổi trong dịp hè. Đầu tháng 8 vừa qua, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đón chào 70 cây bút nhỏ tiêu biểu đến từ các Câu lạc bộ thơ, văn học của Cung thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về tham dự trại hè sáng tác thơ văn tuổi học trò. Biên tập viên Hoàng Hiệp có bài viết giới thiệu về hoạt động văn học bổ ich, lý thú này. Phần cuối chương trình là tản văn giàu cảm xúc học trò có nhan đề "Mùa thu tựu trường" của tác giả Nguyễn Thế Lượng. (Văn nghệ thiếu nhi 27/8/2017)
Là bộ môn nghệ thuật sân khấu, hài kịch ứng tác thực sự thú vị, hấp dẫn bởi hoàn toàn không có sẵn kịch bản, diễn viên phải xử lý các tình huống mà khán giả đưa ra, cùng một lúc diễn viên phải diễn nhiều vai khác nhau trên sân khấu. Không khí của hài kịch ứng tác mang lại cho người xem sự hấp dẫn và lôi cuốn đồng thời cũng đem lại sự thú vị, hứng khởi cho người diễn. (Văn nghệ thiếu nhi 23/8/2017)
Chia sẻ về môn ngữ văn, một bạn đã viết thế này: “Tôi đã từng nghĩ mình học kém môn văn. Tôi cũng từng cảm thấy môn văn chán ngắt. Tôi không bao giờ có ý định mua sách văn học về đọc…”. Những tâm sự đầy nỗi niềm, đúng không! Nhưng sau đó cũng chính bạn ấy lại khẳng định: “Tôi là một học sinh giỏi văn. Và tôi sẽ cố gắng không ngừng để đạt được mục tiêu của mình”. Quả thực đây là những trạng thái đầy khác biệt, có vẻ rất mâu thuẫn. Cùng nghe bạn ấy bộc bạch để hiểu hơn điều gì đã diễn ra với bạn ấy trong quá trình học văn nhé. (Văn nghệ thiếu nhi - Trang văn học nhà trường 21/8/2017)
Không chỉ viết truyện ngắn, Nguyễn Đông Phương còn ấp ủ làm thơ mặc dù thời gian dành cho niềm đam mê sáng tác là rất ít. Đề tài mà Nguyễn Đông Phương yêu thích chính là viết về mái trường và bạn bè. Bạn không hề né tránh những rung động của con tim khi bắt đầu biết để ý tới một người bạn khác giới, hoặc nỗi buồn vu vơ không gọi được thành tên. Nguyễn Đông Phương cho rằng đó là những gia vị ngọt ngào điểm tô thêm vào bảng màu cảm xúc trong tâm hồn mỗi con người. (Văn nghệ thiếu nhi 18/8/2017)
Từ năm 2011, cuộc thi “Cây bút Tuổi hồng" là một trong những chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn – Hội Nhà văn Việt Nam – Báo Thiếu niên Tiền phong nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động sáng tác thơ văn của các câu lạc bộ phóng viên nhỏ và các em thiếu nhi toàn quốc. Phóng viên Hoàng Hiệp có bài viết về lễ trao giải Cây bút Tuổi hồng lần thứ 7 được tổ chức tại thành phố Bắc Ninh. Phần cuối chương trình, các bạn cùng nghe tác giả Đặng Nguyễn Bảo Trân trình bày bài thơ "Mùa hoa gạo", một trong chùm 4 bài thơ đã đạt giải A thể loại thơ cuộc thi "Cây bút Tuổi hồng" năm nay. (Văn nghệ thiếu nhi 20/8/2017)