Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, NXB Văn học đã phối hợp với Ban Liên lạc Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Lễ ra mắt cuốn hồi ký "Trăm năm cũng từ đây" của GS.TS Nguyễn Huy Hoàng. Xuyên suốt tập hồi ký, tác giả Nguyễn Huy Hoàng kể lại những dấu ấn, ký ức về các thầy cô, những người đồng môn, khu giảng đường và tinh thần Văn khoa một thời. Sự kiện ra mắt sách trong tháng Hiến chương các Nhà giáo chính là lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất mà Nhà xuất bản Văn học, Ban Liên lạc Hội Cựu sinh viên Ngữ Văn Đại học Tổng hợp và tác giả Nguyễn Huy Hoàng muốn gửi đến các thầy cô trong sự nghiệp “trồng người” nói chung và các thế hệ nhà giáo Văn khoa nói riêng. PV Thúy Quỳnh tham gia Lễ ra mắt có một vài ghi nhận.
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối tháng 11 năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Thông điệp đó đã thôi thúc những người làm công tác văn hóa, văn nghệ trong việc làm thế nào để phục hưng văn hóa, làm thế nào để đưa những kết quả của Hội nghị sớm đi vào cuộc sống. Và trên thực tế trong 1 năm qua, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chúng ta đã làm được khá nhiều việc liên quan đến triển khai Hội nghị quan trọng này:
Chimamanda Ngozi Adichie là nữ nhà văn nổi tiếng người Nigêria. Vào năm 2007, cô đã chiến thắng Giải Orange, giải văn học viết bằng tiếng Anh dành cho nữ với tác phẩm “Nửa mặt trời vàng”, trở thành nữ nhà văn trẻ nhất từng giành được giải thưởng này. Tác phẩm của Chimamanda Ngozi Adichie chưa được giới thiệu nhiều ở nước ta. Cuốn sách mới nhất của cô được chuyển ngữ sang tiếng Việt là cuốn “Ngoan cường vượt định kiến” do dịch giả Đỗ Ái Nhi dịch, NXB Thanh niên và BeBooks ấn hành. Cuốn sách mỏng này có gì thú vị? Chúng ta cùng bước vào thế giới của “Ngoan cường vượt định kiến” qua bài viết của BTV Nguyễn Hà.
Chiến tranh được coi là một đề tài thuộc hàng kinh điển của văn học nước nhà. Chúng ta có hàng trăm tác phẩm của nhiều thế hệ nhà văn khác nhau. Nhưng cũng chính vì thế, viết về chiến tranh cũng là một thách thức với người cầm bút. Viết thế nào để không đi vào lối mòn, không sa vào minh họa hiện thực là trăn trở của nhiều người. Tiểu thuyết “Nậm Ngặt mây trắng” của tác giả Nguyễn Hùng Sơn, do NXB Văn học ấn hành, có thể coi là một tác phẩm thành công ở đề tài này khi vừa chinh phục được giới chuyên môn vừa ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm, chúng ta cùng nghe một vài cảm nghĩ của BTV Nguyễn Hà qua bài “Nậm Ngặt mây trắng – Bản hùng ca bi tráng”.
Làng Quỳnh xưa nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, từ xa xưa, nổi tiếng ở xứ Nghệ về khoa bảng, nơi sinh các văn thần võ tướng đóng góp nhân tài cho đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, không chỉ phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước mà Quỳnh Đôi còn là xã đi đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Nghệ An. Là một người con của làng Quỳnh, nhà văn Hồ Ngọc Quang không giấu nổi niềm tự hào về quê hương và trong bút ký “Nơi về đích đầu tiên” mà nhà văn mới viết gần đây, ông đã thốt lên: “Gần đây, khi chủ trương xây dựng Nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh, cây “cổ thụ” làng Quỳnh lại đơm hoa, nở nụ thành những chùm lớn. Ấy là lúc tinh thần tập thể được khơi dậy, được khích lệ cao độ tạo nên một sức mạnh, nội lực vô cùng lớn để làng Quỳnh làm nên những điều kỳ diệu của một hình mẫu về Nông thôn mới”...
Nhà văn Annie Ernaux đã được giới thiệu ở nước ta qua hai tác phẩm: “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ”, đều do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Nếu như “Một chỗ trong đời” là cuốn sách bản lề, đánh dấu bước chuyển từ văn chương sang tự truyện của An-ni Ê-nô thì “Hồi ức thiếu nữ” cũng là một tác phẩm được đông đảo công chúng đón nhận ngay từ khi ra mắt. Vào năm ngoái, tác phẩm đã có ấn bản tiếng Việt qua bản dịch của Bảo Chân. Đặc trưng của tiểu thuyết tự truyện được thể hiện như thế nào qua “Hồi ức thiếu nữ”? BTV chương trình có một vài cảm nhận.
Tạp chí “Viết và Đọc” của NXB Hội Nhà văn sắp bước sang tuổi thứ 5. Từ mùa thu năm 2018 cho tới nay, “Viết và Đọc” đã luôn là một ấn phẩm chất về nội dung và đẹp về hình thức. Không chỉ giới hạn trong văn học Việt, tạp chí còn giới thiệu nhiều tác giả, tác phẩm nước ngoài. Gần đây, với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, “Viết và Đọc” tiếp tục gây chú ý khi cho ra mắt ấn phẩm chuyên đề văn học Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu ấn phẩm này qua bài của BTV Nguyễn Hà có nhan đề “Mở ra cánh cửa tiếp cận văn học Hàn Quốc”.
Nữ nhà văn Toni Morrison là người Mỹ gốc Phi đã giành giải Nobel Văn học năm 1993. Tất cả tác phẩm của bà đều xoay quanh hành trình của người da đen trên đất Mỹ, phơi bày những trang lịch sử tối tăm của một chủng tộc đã bị đối xử tồi tệ. Cho tới nay, trong số 11 cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn, “Mắt nào xanh nhất” vẫn là một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và khó quên nhất về vấn đề phân biệt chủng tộc trong lòng nước Mỹ. Đây cũng là một trong hai cuốn sách mở màn cho Tủ sách giới của Công ty Cổ phần sách và truyền thông San Hô. Để hiểu thêm về cuốn tiểu thuyết này, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài của tác giả Ngô Thuận Phát, nhan đề “Mắt nào xanh nhất – Lặn sâu vào chủ nghĩa màu da”.
Nghề báo và nghề văn có nhiều giao điểm. Chẳng thế, chúng ta có những nhà báo viết văn và ngược lại, số lượng các nhà văn viết báo cũng rất phong phú. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là tiểu thuyết viết về nghề báo ở nước ta lại không nhiều, thậm chí rất hiếm. Gần đây, sự ra đời của tiểu thuyết “Sóng độc” – tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Gia Thái dường như mới khiến địa hạt này bớt phần trống trải.
Là giải thưởng văn học danh giá với tuổi đời 120 năm, giải Goncourt của Pháp được trao thường niên cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm. Ở nước ta, đã có nhiều tác phẩm Công-cua được xuất bản như “Dưới bóng những cô gái đương hoa” (Marcel Proust), “Rễ trời” (Romain Gary), “Người tình” (Marguerite Duras)… Gần đây, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tiếp tục giới thiệu tới độc giả Việt một tác phẩm đạt giải Công-cua năm 2019 – tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” của nhà văn Jean-Paul Dubois do dịch giả Nguyễn Thị Tươi chuyển ngữ. Sau đây, chúng ta cùng bước vào thế giới của “niềm tuyệt vọng rất đỗi dịu dàng” đó qua một vài cảm nhận của phóng viên chương trình.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vừa ra mắt tiểu thuyết “Hương” (do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành). Thông qua nhật ký và hồi ký của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến, tác giả đã giúp người đọc hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, về tình yêu của những người lính cũng như lòng vị tha của con người Việt Nam. Cuốn sách là một câu chuyện tình, nhưng đồng thời cũng như một nén hương tưởng niệm những người chiến sĩ thầm lặng đã hi sinh vì Tổ quốc. Sau đây, chúng ta cùng bước vào thế giới của tiểu thuyết “Hương” qua bài viết của BTV Đỗ Anh Vũ có nhan đề “Một góc nhìn khác về cuộc chiến”.
Ngày nào cũng vậy, từ “vươn thở đến tiếng thơ”, từ miền núi cao hay miền cát trắng, từ miền xuôi tới miền ngược, ở những nơi núi cao nhất cho đến những nơi sình lầy, hoang vu hay cát bỏng, nắng cháy...những kỹ thuật viên của các Đài phát sóng phát thanh không quản ngày rét cắt da, đêm mưa dầm dề, khi nắng như thiêu, khi bão như cuốn bay cả người vẫn bám Đài, bám máy không một chút xao nhãng, vượt qua khó khăn giữ cho cánh sóng phát thanh luôn thông suốt, rõ, xa, rộng, chuẩn…bay cao, vang xa đến mọi miền Tổ quốc và nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ không bao giờ được nhắc tên trên làn sóng nhưng họ là cánh tay nối dài của cánh sóng. Và nhà báo Đồng Mạnh Hùng đã trìu mến gọi họ là “Những người đưa cánh sóng bay xa”:
Trong 10 năm qua, tác giả Anh Thư, biên tập viên Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam, đã xuất bản 4 tác phẩm: “Thư không gửi cho ba”, “Café và quán vắng”, “Giấc mơ trung thu”, và mới nhất là tập truyện ngắn “Ở trọ phố phường” (do NXB Văn học ấn hành). Hai mươi truyện ngắn là những lát cắt đời sống, phô bày những trạng thái bấp bênh và bất an của những thân phận từ nông thôn đến sinh sống và làm việc tại thành phố. Để hiểu thêm về tác phẩm này, BTV chương trình đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Thiên Sơn, người đã luôn dành sự quan tâm tới các sáng tác của tác giả Anh Thư.
Thường ngày mồng 1, ngày rằm hằng tháng và dịp lễ tết chúng ta thường đi lễ chùa để cầu an. Vậy nhưng, ngoài những ngày này, người dân ở làng làng Phú La, xã Đô Lương, tỉnh Thái Bình còn lên chùa vào dịp Ngày lễ Độc lập hay một số dịp trọng thể trong năm để thắp hương tưởng niệm các thế hệ tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ là người làng đã hy sinh vì đất nước. Đặc biệt dịp 27/7, người dân làng Phú La dù ở xa hay gần cũng đều về làng lên chùa để làm lễ dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Tùy bút “Đi dưới bóng cây” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong gợi nhiều suy tư, ngẫm ngợi về đạo và đời, về lẽ sống và sự cống hiến. Đi dưới bóng cây chùa làng trong những ngày lễ trọng của đất nước, để thấm thía hơn về đạo nghĩa và công tích của nhiều đời người đi trước, để tỏ hơn việc tu thân rèn chí, để mong ước mình lập được một chút công tích nhỏ nhoi nào đó cho khỏi thẹn với tiền nhân