Qua lời kể của nhân vật tôi, cuộc đời của ông Hưởng được trần thuật lại với những thành công và cả thất bại. Khi còn trẻ ông Hưởng học hành cũng bình thường nhưng nhờ tài ăn nói lên sau mấy chục năm công tác, ông Hưởng cũng lên được chức giám đốc. Nhưng để có quyền, có chức vụ, có danh lợi thì ông Hưởng cũng phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình. Khi biết mình mang bệnh năng nhưng bỏ ngoài tai lời khuyên của nhân vật tôi nên nghỉ hưu sớm chữa trị bệnh tật, ông Hưởng vẫn cố tại vị để lo cho con trai. Đáng buồn thay cậu con trai tên Lộc lại khiến ông Hưởng vô cùng thất vọng. Những ngày cuối đời ông Hưởng bị bệnh tật hành hạ lại chịu sự ghẻ lạnh của bà vợ hai. Âu cũng là cái nghiệp của ông Hưởng khi ngày xưa đã bỏ bà Nhu, người vợ gắn bó từ thủa đại học. Người vợ thứ hai của ông Hưởng là bà Hiền đến với ông từ việc hám danh, hưởng lợi nên khi ông nghỉ hưu, bệnh tật bà mới lộ bản chất thật. Hành vi ứng xử thay đổi chóng mặt của bà Hiền trước và sau khi ông Hưởng không còn làm giám đốc khiến nhân vật tôi ngỡ ngàng. Truyện ngắn là góc nhìn của nhân vật tôi về cái sự được mất trong cuộc đời ông Hưởng nên ít có cảm xúc nội tâm, không có nhiều tình tiết mâu thuẫn hoặc đáng nhớ, gây xúc động. Những đau đớn cả thể xác và tình cảm của ông Hưởng những ngày cuối đời khiến người đọc người nghe cảm thương nhưng kẻ đáng thương cũng có phần đáng trách. Ông Hưởng phải trả giá cho việc đánh đổi sức khỏe lấy danh lợi, trả giá cho việc phản bội người vợ hiền lành, tần tảo của mình. Phần kết câu chuyện có phần thiếu sức thuyết phục khi nhận vật tôi sốc trước sự đời gia đình ông Hưởng. Phản ứng đó được người viết sắp đặt có phần thái quá khi nhân vật tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc mà thôi. Phần cuối truyện giá như có sự xuất hiện của bà Nhu cùng hai cô con gái quan tâm chăm sóc ông Hưởng những ngày bệnh tật thì làm nổi bật hơn bản chất tệ bạc của bà Hiền. Từ đó chúng ta càng trân trọng những điều tốt đẹp của cuộc sống. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)