Truyện ngắn chúng ta vừa nghe có thể xem là một thiên hồi ký chân thực và cảm động của nhà văn Ngọc Giao. Qua truyện ngắn này, ta biết rõ hơn về những thiệt thòi trong tuổi thơ của ông. Ngọc Giao mồ côi mẹ từ rất sớm, khi vừa lên bảy tuổi. Nỗi nhớ về người mẹ gắn liền với kinh đô Huế, mảnh đất ông được sinh ra và nơi ấy còn một người giữ vai trò như sợi dây liên hệ khăng khít giữa nhà văn Ngọc Giao với mẹ, đó là ông ngoại. Rất vô tình, Ngọc Giao đã tìm thấy tấm ảnh của một thiếu nữ xinh đẹp trong ngăn tủ kê góc tường mà lúc ấy ông chưa hề biết đó chính là mẹ mình. Chỉ khi nghe ông ngoại kể lại tường tận thì mọi chuyện mới vỡ òa ra trong niềm xúc động, đúng như tác giả tự bạch rằng “bây giờ tôi mới được trông mặt mẹ, vì tự thuở lấy chồng, mẹ tôi không hề chụp một tấm ảnh nào”. Nhà văn của chúng ta đã ấp ảnh mẹ vào ngực để ngủ ngon lành như một đứa trẻ nhỏ trong nôi. Những dòng cuối của truyện ngắn này dễ làm ta liên tưởng đến những trang văn trong hồi ký Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, đều là nỗi lòng của những đứa con chịu thiệt thòi và luôn khát khao tình mẹ. Chỉ có điều khác biệt là cậu bé Hồng sau những tháng ngày xa cách đã được gặp lại mẹ bằng xương bằng thịt, được mẹ ôm vào lòng để xoa dịu những nỗi đau, còn với Ngọc Giao, ông chỉ còn biết ôm bức ảnh của mẹ để nhớ nhung một bóng hình yêu thương đã xa khuất. Một chuyện của lòng chinh phục người nghe, người đọc bằng chất thơ êm đềm thủ thỉ, bằng giọng văn thanh nhã, nhẹ nhàng mà sâu lắng, mang đậm chất cổ điển đồng thời cũng gợi nên một phong vị Huế thật rõ nét. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)