Nhà thơ Thạch Qùy là một nhà thơ luôn sống hết lòng với cuộc đời và với sự nghiệp sáng tác văn chương. Ông được tôn trọng bởi tầm hiểu biết về các vấn đề nhân sinh, xã hội và tư tưởng tiến bộ đầy táo bạo của mình. Mới đây, ông đã rời cõi tạm ở tuổi 81, để lại nhiều niềm tiếc thương với gia đình, bạn bè văn nghệ và những người yêu thơ ông.
Từ những trang văn mô tả sự đấu đá, tranh quyền trong nội bộ Đài truyền hình Bắc Hà, tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái chuyển sang giọng kể nhẹ nhàng, tự sự khi hồi tưởng về gia cảnh của nhân vật chính Phạm Quang Thiện. Ông Khiêm – Người cha của Quang Thiện cũng mang tâm trạng của bao người cha, luôn dõi theo bước chân của con cái qua bao thăng trầm, vấp váp của cuộc đời. Ông đã phải trải qua nỗi đau mất đi người con trai trưởng và giờ đây chứng kiến nỗi lòng của người con trai thứ trước bước ngoặt của sự nghiệp. Ông chia sẻ cùng con nỗi lo lắng, bất an của mình. Trước nỗi lòng của người cha, hẳn Quang Thiện cũng có những suy nghĩ riêng. Chắc chắn anh sẽ phải cẩn thận hơn trước những chiếc bẫy có thể giăng mắc đưa mình vào con đường tiến thoái lưỡng nan. Bằng bản lĩnh cuộc sống, bản lĩnh nghề nghiệp, liệu Quang Thiện có thể vượt qua những khó khăn, thử thách phía trước? Qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt, mời các bạn tiếp tục dõi theo diễn biến tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái:
Truyện ngắn “Khâu trăng mùa khuyết” của nhà văn Vũ Ngọc Giao để lại nhiều ám ảnh cho người đọc. Nhân vật chính của truyện là Luyến, một người mắc bệnh mộng du. Cuộc sống của Luyến dường như đi giữa hai bờ hư thực. Cô vẫn sống giữa mọi người. Nhưng cũng có những chuyến đi trong đêm trăng đầy mộng mị… “Khâu trăng mùa khuyết” gây chú ý từ nhan đề, sau là tới cách kể chuyện. Tác phẩm ban đầu phảng phất yếu tố liêu trai. Đôi khi lại giống như một câu chuyện truy tìm sự thật – một sự thật mà dường như đến người trong cuộc cũng hết sức mơ hồ hoặc cố tình che giấu: Luyến tìm ai trong đêm trăng chăng? Đứa trẻ đến như phép lạ hay lại đem đến một bi kịch khác cho gia đình?... Mọi thứ đều mờ nhòe, như thể nghe lại mọi chuyện từ một trí nhớ đứt quãng, hoặc như nhìn trăng trong nước. Tất cả đều có thể là sự thật. Hoặc không. “Khâu trăng mùa khuyết” là một truyện ngắn đầy chất văn. Tác phẩm không thiên về việc kể một câu chuyện mạch lạc mà men theo cảm xúc của nhân vật. Cũng chính vì vậy, khi kết truyện là mảnh ghép cuối cùng, làm sáng tỏ tất cả thì chính những người trong cuộc lại chọn cách đào sâu chôn chặt. Bởi sự thật kia không quan trọng bằng mái ấm mà họ đang gìn giữ.
Trong cuộc họp giao ban tháng tại Đài truyền hình Bắc Hà, Phó Giám đốc Đỗ Thiết tìm mọi cách “bới lông tìm vết” để hạ bệ Trưởng ban Thư kí biên tập – Phạm Quang Thiện. Nhưng ông ta không ngờ rằng Quang Thiện lại có thái độ thẳng thắn nêu quan điểm trước những chỉ trích phiến diện của vị Phó Giám đốc. Anh giải trình một cách rõ ràng những quy kết của Đỗ Thiết khiến những người dự phiên họp đều phải tâm phục khẩu phục. Nhân vật Đỗ Thiết với dã tâm của mình đã không ngờ được phản ứng của cấp dưới. Phạm Quang Thiện là một người có thái độ làm nghề và lương tâm trong sáng nhưng không đồng nghĩa với việc anh chịu nhún mình trước cái ác, cái xấu, trước sự xúc phạm danh dự người làm báo. Bởi điều đó không chỉ bôi nhọ một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả tập thể đang ngày đêm góp sức cho sự phát triển của làn sóng. Nhưng chắc chắn các thế lực tham quyền cố vị sẽ còn tiếp tục không từ mọi thủ đoạn để loại trừ những cái gai trong mắt ra khỏi đường đua tranh chức tranh quyền. Sau đây, PTV Minh Nguyệt gửi tới các bạn những diễn biến tiếp theo tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái - Tác phẩm do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Giữa lúc tin đồn dâng cao, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo đài Bắc Hà phải triệu tập cuộc “họp kín”. Nhân vật Phạm Quang Thiện dù cố gắng giữ bình tĩnh nhưng có những lúc anh cũng không khỏi nghĩ ngợi. Trong giờ khắc thao thức, Quang Thiện hồi tưởng lại những năm tháng thuở hàn vi và cảm thấy buồn lòng, thất vọng về thực tế cuộc sống, công việc và hành động, thái độ tiêu cực của đồng nghiệp đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cơ quan. Ngay sau đó, cuộc họp công khai kiểm phiếu thăm dò tín nhiệm chức danh Giám đốc Đài Bắc Hà đã diễn ra. Số phiếu cao nhất thuộc về Phạm Quang Thiện. Ngược lại, người được kỳ vọng và có nhiều tai mắt, đàn em thân tín trong Đài là Phó giám đốc Đỗ Thiết thì lại có số phiếu quá thấp. Đây thực sự là một đòn quá đau với Đỗ Thiết vì ông ta là người đã bằng mọi cách bài binh bố trận nhằm loại bỏ Quang Thiện ra khỏi cuộc đua tranh chức tranh quyền. Cuộc đua ấy vẫn chưa tới hồi kết bởi Đỗ Thiết chắc chắn chưa chịu chấp nhận thua cuộc. Qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt, mời các bạn tiếp tục dõi theo diễn biến tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái:
Ngay từ những trang mở đầu tiểu thuyết “Sóng độc”, ngòi bút của nhà văn Trần Gia Thái đã trực tiếp “mổ xẻ” những vấn đề nhức nhối trong nội bộ của Đài truyền hình Bắc Hà. Đó là một trong những điểm nhấn khiến người đọc, người nghe hồi hộp dõi theo những diễn biến tiếp theo của tác phẩm. Và trong buổi “Đọc chuyện dài kỳ” hôm qua, tiểu thuyết “Sóng độc” đã hé lộ phần nào về xuất xứ, gia đình của nhân vật chính – Phạm Quang Thiện. Anh có một người anh trai là liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng chính hương hồn của người anh đã luôn ở bên cạnh phù hộ, che chở cho Quang Thiện vượt qua những trắc trở của cuộc đời làm báo truyền hình, nhất là sự việc những ngày đầu anh được đề bạt chức vụ Quyền Trưởng ban Biên tập Đối ngoại. Lúc này đây, tại Đài truyền hình Bắc Hà, tin tức về kết quả thăm dò tín nhiệm chức danh Giám đốc Đài đang được quan tâm hơn cả. Những tai mắt của Phó giám đốc Đỗ Thiết ra sức tung tin đồn nhảm nhằm đánh lạc hướng và gây xôn xao dư luận. Sự thể ra sao, có có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những lời họ đơm đặt? Qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt, mời các bạn cùng theo dõi những diễn biến tiếp theo tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái – Tác phẩm do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Truyện ngắn về tình yêu của hai người lính trẻ trong thời bình. Đề tài người lính không chỉ có hi sinh, vất vả mà còn có cả những lung linh sắc thái tình yêu. Thượng sĩ Việt và Bích Hà biết đến nhau khi cùng tham gia huấn luyện. Việt không cam lòng khi thấy mình thua kém mọi mặt Bích Hà. Sau đợt huấn luyện, hai người cùng được điều về đơn vị vô tuyến điện, học tập kĩ thuật truyền tin vô tuyến. Với lòng hiếu thắng của tuổi trẻ, Việt cố gắn ganh đua với Bích Hà nhưng cuối cùng phải công nhận cô ấy thật xuất sắc. Hình ảnh cô thượng sĩ xinh xắn, học giỏi ghi dấu ấn với Việt lúc nào mà anh không biết. Chỉ đến khi cô em gái tên Thủy gặng hỏi thì anh mới chợt nhận ra Bích Hà có một vị trí đặc biệt trong lòng mình. Và như một cái duyên đưa đẩy, Việt và Bích Hà được phân công đi thực tập tại Bình Định. Mấy tháng trời học tập, rèn luyện bên nhau như nước chảy thành sông giúp hai bạn trẻ nảy sinh tình cảm. Truyện ngắn viết về cuộc sống người lính thời bình với giọng văn tươi trẻ, giản dị và đôi chút hóm hỉnh. Tuy đất nước không còn chiến tranh nhưng người lính trẻ vẫn sẵn sàng chiến đấu, miệt mài trên thao trường, học tập những tri thức hiện đại để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác an ninh mạng, đánh chặn các thông tin chống phá đất nước đòi hỏi ngươi lính trẻ như Việt, Bích Hà trang bị cho mình những kĩ năng, kiến thức hiện đại như tin học, ngoại ngữ. Qua cuộc sống thường ngày cũng như rèn luyện học tập của Việt và Bích Hà, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh người lính hôm nay đầy sức sống, có hoài bão và lòng yêu đất nước. Tuy chiến tranh đã rời xa gần nửa thế kỉ nhưng hình ảnh hậu quả của chiến tranh vẫn còn đâu đó trong cuộc sống đời thường. Như cậu của Việt đã mất bàn tay trái trong chiến tranh biên giới phía Bắc, hay nhỏ Hường nhiễm chất độc da cam. Đất nước ta có lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước. Tinh thần được thể hiện trong nếp sống thường ngày, trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân. Những làng nghề thượng võ đất An Nhơn, Bình Định mà Việt và Bích Hà ghé thăm phần nào thể hiện được tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm sống mãi trong nhân dân. Câu chuyện tình yêu của hai người thượng sĩ không có những tình tiết li kì, những xúc cảm mạnh mẽ mà nó dung dị, chân thành, tự nhiên gợi cảm giác yêu thích nhẹ nhàng cho người đọc, người nghe.
Bằng bản lĩnh của mình, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Vĩnh Quyền đã dẹp yên những chiêu trò của phe Đỗ Thiết từ việc giới thiệu bừa đến việc bỏ phiếu đồng ý để Quang Thiện rút khỏi danh sách ứng viên cho vị trí Giám đốc, Tổng biên tập Đài Truyền hình Bắc Hà. Sau đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra bình thường nhưng không thiếu những cơn sóng ngầm. Kết quả kiểm phiếu chưa hề được công bố nhưng tin đồn đã loang ra khiến cả đài truyền hình xôn xao. Trong khi đó, Phạm Quang Thiện vẫn đang miệt mài làm việc. Anh không màng tới chức vụ hay uy quyền. Nhưng đã bị cuốn vào vòng xoáy này, liệu có thể tránh được những đòn công kích ác ý từ phe Đỗ Thiết hay không? Việc được quy hoạch chức danh Giám đốc lẽ ra phải là chuyện vui thì lại đem đến cho Phạm Quang Thiện đủ thứ rắc rối… Những đòn thù vô lý mà phe Đỗ Thiết tung ra là gì? Mời quý vị và các bạn cùng nghe những trang tiếp tiểu thuyết “Sóng độc”, của nhà văn Trần Gia Thái. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Việc Phạm Quang Thiện được đưa vào danh sách ứng viên cho chức danh Giám đốc đã khiến nhiều người bất ngờ. Bản thân Phạm Quang Thiện cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên và quyết định xin rút. Tuy nhiên, khi biểu quyết, số phiếu lại ngang nhau, khiến những người chủ trì cuộc họp cảm thấy khó xử. Bên cạnh đó, Hoàn toác còn khiến mọi chuyện thêm căng thẳng khi giới thiệu bừa Nguyễn Việt Phát, một người vừa dính án kỷ luật vào danh sách ứng viên. Một cuộc họp quy hoạch cán bộ của một cơ quan truyền thông đầu tỉnh tưởng chừng sẽ chỉn chu, nghiêm túc nhưng những gì diễn ra không khỏi khiến người trong cuộc lẫn độc giả phải bất ngờ? Phải chăng việc chọn người tài đã trở nên bất khả thi trong thời buổi mà phe phái lên ngôi? Chúng ta cùng theo dõi diễn biến tiếp theo của tiểu thuyết “Sóng độc”, tác phẩm hiếm hoi viết về phát thanh truyền hình của nhà văn Trần Gia Thái.
Như chúng ta đã biết, tại Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra tháng 11 năm ngoái tại thủ đô Paris, nước Pháp) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sỹ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua. Tới ngày 3/12 vừa qua, tại Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nằm trong chuỗi sự kiện trang trọng này, Bộ VH-TT&DL tỉnh Nghệ An cùng phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”. Mời các bạn nghe phản ánh của Thái Dương và Trường Ca - Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An về hội thảo này:
Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh năm 1925 tại Nghệ An, mất năm 1993 tại Hà Nội. Ông còn có những bút danh khác như Đặc Công, Bút Châm. Hoàng Trung Thông từng trải qua nhiều chức vụ trong giới Văn nghệ như Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên huấn TW, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ, Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Văn học, Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam các khóa 1 và 2. Xuất hiện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thơ Hoàng Trung Thông tiếp tục tạo dấu ấn trong sáng tác những năm kháng chiến chống Mỹ. Những tập thơ đáng nhắc tới của ông có Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Trong gió lửa, Như đi trong mơ, Chiến công tuổi thơ, Hương mùa thơ, Tiếng thơ không dứt, Mùa trăng, một số tập phê bình, tiểu luận, tác phẩm chuyển ngữ. Trong các thi sĩ Việt Nam thế kỷ 20, Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Hoàng Trung Thông vì thế ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tới đời sống nhiều thế hệ.
Trong dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19 ở nước ta, vùng đất Quảng Ngãi, nơi tiên phong phất cờ khởi nghĩa Cần Vương nổi lên những tên tuổi tác giả với các trước tác đặc sắc để lại. Chương trình hôm nay tập trung soi tỏ những gương mặt ấy, tiếng thơ ấy.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, người vẫn được xem như sở hữu nhiều sách nhất miền Tây Nam Bộ mới đây qua đời ở tuổi 71. Sự ra đi của ông để lại nỗi luyến thương cho nhiều bạn thơ, người yêu thơ bởi Trịnh Bửu Hoài ngoài sáng tác lâu nay còn được quý mến bởi bản tính tài tử chân thành. Có thể nói tình yêu và tình quê là hai nguồn cảm hứng thường trực trong sáng tác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Trong cuộc đời cầm bút, tuy viết nhiều thể loại nhưng thơ luôn là một góc đặc biệt trong tâm hồn ông. “Tài tử Nam Bộ chân thành” Trịnh Bửu Hoài đã rời bỏ cõi đời, nhưng tấm lòng gắn bó với quê hương, bản quán thể hiện qua những sáng tác ông để lại mãi còn lưu nhớ trong lòng độc giả, công chúng.
Lường trước được sự phức tạp trong nội bộ Đài Truyền hình Bắc Hà, Giám đốc Tổng biên tập Văn Đức, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Vĩnh Quyền và Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Trịnh Nhuệ đã có cuộc trao đổi, hội ý trước giờ họp. Giám đốc Văn Đức cảm thấy cả hai Phó Giám đốc đều không đủ năng lực. Trần Thụy hiền lành nhưng dễ dãi với tất cả. Đỗ Thiết thì “thích làm thủ lĩnh hơn làm thủ trưởng”. Trong lúc cán bộ tỉnh cho rằng Đài Truyền hình Bắc Hà không có nguồn, Văn Đức bất ngờ đưa ra một phương án táo bạo. Ông muốn đưa Phạm Quang Thiện, Trưởng ban Thư kí biên tập vào quy hoạch. Tài năng và phẩm chất của Phạm Quang Thiện đã được chứng minh qua làn sóng. Nhưng trong một môi trường phức tạp, việc hiển nhiên như chọn người tài cho các vị trí chủ chốt lại chẳng hề dễ dàng… Điều này ngay lập tức được thể hiện trong cuộc họp quy hoạch chức danh Giám đốc Đài Truyền hình Bắc Hà. Sau đây, PTV Minh Nguyệt gửi tới quý vị và các bạn những tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái.