Nhà thơ Trần Quang Quý: Người tạo lập thể thức và giọng điệu thơ riêng11/9/2022

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vừa mới đây, nhà thơ Trần Quang Quý đã rời bỏ cõi đời. Sự ra đi của ông gây bàng hoàng, xúc động với nhiều bạn thơ, người yêu thơ bởi với Trần Quang Quý, năng lượng sáng tạo hãy còn đong đầy. Sinh năm 1955 tại Thanh Thủy - Phú Thọ, gần 40 năm cầm bút, được công chúng biết đến kể từ sau khi đoạt Giải Nhì thơ tạp chí Văn Nghệ Quân đội năm 1984, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, ông đã dành cả cuộc đời cho sáng tác, trong đó nổi bật là sáng tác thơ ca. Trần Quang Quý được đánh giá là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi đàn nước ta hai thập niên đầu thế kỷ 21.

"Chuyện Trương Bốn": Ở hiền gặp lành 9/9/2022

Có lẽ đối với hầu hết các độc giả văn học Việt Nam, Hồn Trương Ba da hàng thịt là một câu chuyện dân gian vô cùng quen thuộc. Vở kịch nổi tiếng cùng tên của Lưu Quang Vũ có thể xem là một sự viết lại/ viết tiếp của tác phẩm dân gian nổi tiếng trên. Như vậy, nếu coi câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt là một tác phẩm thượng bản thì Chuyện Trương Bốn của Nguyễn Toàn Thắng chính là hậu bản của hậu bản, là một kế thừa xuất sắc từ tác phẩm của Lưu Quang Vũ bởi Nguyễn Toàn Thắng vốn là một nhà viết kịch bản sân khấu với các tác phẩm thuộc nhiều thể loại: kịch lịch sử, kịch thiếu nhi, ca kịch, cải lương, chèo, hài kịch hiện đại, kịch lãng mạn…Có thể thấy, truyện ngắn của Nguyễn Toàn Thắng mang dấu ấn đậm nét của xã hội đương đại với những trò chơi online, đề tài dự án, điều hòa nhiệt độ, nghiên cứu viên, trưởng phỏng, trộm chó, nhạc jazz, đàn guitar, đầu gấu, đòi nợ thuê, con ông cháu cha…Một trong những chủ âm của truyện ngắn là chất giọng giễu nhại, hài hước, bắt đầu từ cái tên của nhan vật chính – Trương Bốn – như một sự chuyển dịch từ nhân vật nguyên mẫu Trương Ba trong truyện cổ dân gian. Một thế giới nửa hư nửa thực được tác giả dựng lên với bao xấu tốt đan xen lẫn lộn, khác hẳn với cách xây dựng nhân vật trong truyện dân gian truyền thống, bao giờ cũng chia hai phe thiện ác rõ ràng từ đầu đến cuối tác phẩm. Nguyễn Toàn Thắng có nhiều sáng tạo trong sự viết lại của mình, từ việc để Đế Thích là người luôn luôn thua cuộc trong mỗi ván cờ, cho tới việc để Trương Bốn chết là do trần gian có quá nhiều Trương Bốn nên phán quan bị nhầm, rồi việc Thiên Lôi đánh trượt Trương Bốn là do tay nghề quá kém, chỉ vì con ông cháu cha nên mới được giữ chức. Nếu như trong truyện dân gian, Trương Ba được quan phán quyết về ở với vợ của mình thì ở trong truyện ngắn của Nguyễn Toàn Thắng, Trương Ba cả đời được sống cùng lúc với hai bà vợ. Có thể xem đây là một cái kết “có hậu” mà cũng đầy sự hài hước theo một tinh thần hậu hiện đại. Tuy thế, cũng có thể nhận ra những thông điệp khác mà tác giả gửi gắm, như lời khuyên ở hiền gặp lành, chuyện cư xử ở đời, những chỉ trích, phê phán kín đáo của tác giả về những thói hư tật xấu trong xã hội đương thời. Tác phẩm được viết bằng một văn phong dí dỏm với nhịp điệu nhanh, các tình tiết sự kiện chuyển động liên tục khiến người đọc cảm nhận được sự mới mẻ và bị cuốn hút từ đầu đến cuối truyện ngắn này.

Lâm Huy Nhuận - Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi

Lâm Huy Nhuận - Bạn đến cùng tôi chia bóng tôi 9/9/2022

Mỗi năm cứ bước vào tháng 9 là toàn thể những người làm chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung, các cán bộ của Ban Văn học Nghệ thuật nói riêng lại náo nức chuẩn bị chào đón ngày thành lập Đài Tiếng nói, gắn với mùa thu cách mạng lịch sử 1945 của dân tộc. Bên cạnh nhiệm vụ thực hiện các chương trình phát thanh văn nghệ phục vụ đông đảo công chúng cả nước, nhiều biên tập viên của Ban Văn học Nghệ thuật còn có niềm say mê yêu thích sáng tác văn học. Họ là những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và có nhiều tác phẩm đóng góp trên văn đàn. Có thể kể đến những tên tuổi như Trần Nhật Lam, Vũ Quần Phương, Nguyễn Bùi Vợi, Lê Đình Cánh, Trúc Thông, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh…Nhân ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam năm nay, chương trình Đôi bạn văn chương xin dành một cuộc trò chuyện về chân dung nhà thơ Lâm Huy Nhuận, một trong những gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của Đài, người đã có nhiều đóng góp cho các chương trình văn nghệ trong suốt những năm tháng công tác cho đến khi nghỉ hưu

Tác giả Tôn Thọ Tường qua lăng kính thơ ca

Tác giả Tôn Thọ Tường qua lăng kính thơ ca 8/9/2022

Trong số các Tao đàn ở phương Nam giai đoạn thế kỷ 18, 19, Bạch Mai thi xã là “địa chỉ” sinh hoạt văn thơ thuở hàn vi của nhiều tác giả, sau này trở thành những tên tuổi của dòng văn học yêu nước chống thực dân. Cũng có một bộ phận tác giả có sự phân hóa trong tư tưởng, làm việc trong chính quyền Pháp và tiếng thơ của họ cũng chất chứa nhiều tâm trạng, nỗi niềm. Tôn Thọ Tường là một trong số đó. Cuộc đời nhiều trắc trở và ít nhiều điều tiếng do khuynh hướng chính trị, tuy nhiên, trong sáng tác, Tôn Thọ Tường được đánh giá là cây bút thơ tài hoa. Chương trình hôm nay đi vào những trước tác tiêu biểu của ông.

“Lá mấn rơi ngoài cửa”: Nỗi cô đơn của người phụ nữ

“Lá mấn rơi ngoài cửa”: Nỗi cô đơn của người phụ nữ 5/9/2022

Nhân vật chính của truyện tên là Vui nhưng không như cái tên, cuộc đời cô không vui, đó là những tháng ngày gắn với nỗi buồn, cô đơn ngập tràn. Mở đầu truyện ngắn “Lá mấn rơi ngoài sân”, chúng ta thấy cảnh tượng Vui quét lá, gom lá và chờ chị lao công đi qua nhà thu rác. Chờ để bỏ túi rác vào thùng, chờ để cho chị mấy vỏ lon, vỏ thùng các tông, chờ để nghe kể chuyện về mấy mẹ con chị lao công cuối ngày quây quần bên nhau. Bởi vì Vui buồn lắm, chồng đi làm trên huyện lâu lâu mới về, các con chị lần lượt đi học trên thành phố, mỗi mình Vui với căn nhà trống hoác, lạnh lẽo. Chi tiết ngày nào Vui cũng quét lá, vun lá ngoài sân, ngoài ngõ, sắp xếp cẩn thận từng đôi dép trước thềm, đôi bẩn quay mũi ra ngoài, đôi sạch quay mũi vào trong…cho chúng ta cảm giác trống trênh trong lòng cô, cô thèm hơi người, thèm không khí đầm ấm của gia đình, chồng con. Nhưng mỗi lần chồng Vui về nhà, không gây gổ chuyện này thì cũng châm chọc chuyện kia, trong mắt chồng Vui, cô như cái gai, vừa quê mùa, vừa luộm thuộm, không làm được việc gì ra hồn. Chi tiết chồng cô, trong bữa cơm đơn sơ, nhìn cái mâm nhôm lâu ngày không dùng gợn đầy vết gỉ xám ngoét, liền rút tờ giấy ăn lau vẫn không sạch, anh ta thở dài, không nói một tiếng, cả bữa cơm không buông đũa xuống mâm vì sợ bẩn cho chúng ta cảm giác ngột ngạt, đó như là một sự khinh bỉ, ghẻ lạnh mà chồng Vui dành cho cô. Vui như cái bóng, sợ sệt, xa cách mỗi khi chồng xuất hiện trong nhà,“ Vui không hỏi, không nói, chỉ răm rắp làm, lầm lụi làm, tránh né va chạm, nem nép mỗi lần chồng về..”. Ngay cả chuyện chồng vợ, Vui có cảm giác trống trải, xa cách, nằm cạnh chồng mà Vui “muốn khóc mà nước mắt không chịu chui ra. Vui muốn hờn trách mà không biết trách ai. Muốn buông trôi mà không biết trôi đi đâu. Đành trách mình không biết cách làm căn nhà thôi lạnh, không biết cách ủ tình vợ chồng nồng mặn. Chồng hẳn là cũng chán ghét lắm rồi”. Cuộc sống tẻ nhạt, lạnh lẽo, cô đơn bao trùm lên Vui khiến cho cô càng trở nên lặng lẽ, ít nói. Cô trò chuyện với cây mấn trước nhà, với đám lá trước mặt, rồi vun lại thành đống châm lửa đốt “ngọn lửa bén vài lá rồi tắt, Vui châm mẩu giấy khác, thêm vài lá cháy lem lem rồi cũng tắt, vài đốm tàn sót lại nhỏ dần thành sợi chỉ, tan dần thành khói, khói thốc vào mắt cay sè. Vui cười nhạo mình, phải lá khô mới cháy cơ mà…”. Nỗi cô đơn dâng đến ngập lòng với chi tiết ấy, Vui chuyện trò với đám lá cây, với ngọn khói, với những buổi chiều cô quạnh. Truyện gợi nỗi cảm thương sâu sắc, chia sẻ đến tận cùng nỗi buồn khổ, day dứt, khắc khoải, dằn vặt…Truyện gửi một thông điệp sâu sắc, hãy yêu thương người phụ nữ của gia đình, họ cần được tôn trọng, chở che bởi chính họ đã đem lại hơi ấm, tình yêu và sự hy sinh thầm lặng cho mỗi căn nhà, mỗi tổ ấm bình yên…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

Tuổi ấu thơ của người chiến binh quả cảm

Tuổi ấu thơ của người chiến binh quả cảm 2/9/2022

Trong nền thơ ca dân tộc, lãnh tụ và lãnh đạo Đảng nhà nước luôn là một đề tài thiêng liêng, là cảm hứng của nhiều thế hệ sáng tác. Trong tâm tưởng của Đại tá Lê Hãn - con trai trưởng của Tổng bí thư Lê Duẩn, cuộc đời Cách mạng của cha ông, những hình ảnh ký ức tuổi thơ còn lưu lại là hành trang trong suốt quãng đời chiến đấu khắp các chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ… Xúc động trước tâm tình người lính cụ Hồ, người chiến binh quả cảm năm nay đã 93 tuổi, từ trại viết về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”, nhà thơ Châu La Việt đã viết tặng ông bài thơ “Tuổi ấu thơ của người chiến binh quả cảm”.

Dấu ấn đề tài dạy, học và thi cử trong văn học trung đại

Dấu ấn đề tài dạy, học và thi cử trong văn học trung đại 31/8/2022

Những ngày đầu thu, thời khắc tựu trường, bắt đầu một năm học mới, chương trình “Tìm trong kho báu” của Ban VHNT (VOV6) ôn lại dấu ấn đề tài khoa cử trong văn học trung đại. Bên cạnh việc điểm lại một số vị danh nho lỗi lạc, những nhà sư phạm có những đóng góp lớn lao cho nền giáo dục, mời Quý vị và các bạn thưởng thức những sáng tác đặc sắc viết về sự học và thi cử thời phong kiến và buổi giao thời.

"Người mang thánh giá" - Câu chuyện hậu chiến từ một góc nhìn khác 31/8/2022

Câu chuyện hậu chiến với những nỗi đau còn sót lại đã không còn xa lạ trong văn chương. Nhưng với “Người mang thánh giá”, độc giả lại có cơ hội tiếp cận một đề tài cũ từ một góc nhìn mới mẻ hơn – góc nhìn của con gái kẻ tội đồ. Lớn lên trong giáo đường, nhân vật “tôi” mang thân phận của một đứa trẻ mồ côi với nhiều ấm ức, thiệt thòi. Đến khi trưởng thành, khi đã tỏ tường gốc tích, cô lại đối diện với một gánh nặng tâm lý khác khi cha ruột chính là một kẻ giết người… Mọi chuyện không được kể rõ ràng ngay từ đầu. Như thể nhân vật “tôi” có quá nhiều bối rối, không biết phải đối diện ra sao trước số phận của mình. Có quá nhiều băn khoăn mà giờ đây, chẳng thể nào được hồi đáp khi người trong cuộc đều ở dưới ba tấc đất. Có quá nhiều câu hỏi tại sao mà giờ đây, nhân vật chỉ có thể tự vấn trong mặc cảm tội lỗi mà thôi. “Người mang thánh giá” đã kể câu chuyện về cuộc chiến ở một khía cạnh dường như dễ bị bỏ qua nhất và dường như cũng sẽ có những khuất lấp riêng không dễ tỏ bày. Bên cạnh đó, truyện cũng “ghi điểm” ở khả năng khắc họa tâm lí, lối diễn đạt tinh tế, có chiều sâu. Bầu không khí tôn giáo của truyện cũng mở rộng đường biên liên tưởng cho mỗi độc giả về việc ai cũng phải mang cây thánh giá của cuộc đời mình. Và tình thương, của Thiên Chúa và cuộc đời, rồi sẽ cứu chuộc ta khỏi sự nhục nhã, đau khổ và cả oán thù. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

“Biến hình”: Đi tìm vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ

“Biến hình”: Đi tìm vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ 30/8/2022

Vẻ đẹp, sắc đẹp là món quà tạo hóa bạn cho phái nữ. Trái ngược với cái đẹp chính là xấu xí. Và thật bất hạnh, cô gái Bông được ông trời cho gương mặt thật oái ăm. Đôi mắt búp bê to long lanh của Bông càng khiến những nét xấu trên gương mặt trở nên nổi bật. Nào là cái mụn ruồi to bằng hạt ngô,cái cằm nhọn, mũi tẹt, má hóp. Gương mặt xấu xí khiến Bông thiếu tư tin, luôn rụt rè và khép mình trước cuộc sống. Cũng tưởng rằng cuộc đời cô sẽ trở thành bà cô già hoặc lấy một anh chàng dân nghèo nào đó rồi cũng bình yên qua ngày. Nhưng rồi cuộc gặp gỡ với chú Tài đã thay đổi cuộc đời cô gái quê mùa. Bông được chú giới thiệu tham gia chương trình “Biến hình” phẫu thuật thẩm mỹ cho những người xấu xí. Bông bỗng biến thành thiên nga, được công chúng, truyền thông săn đón. Nữ hoàng dao kéo Hoa Tulip cuốn vào cuộc sống kim tiền rồi trượt ngã trong vòng tay của vị đại gia giàu có. Clip quay cảnh quan hệ giữa Hoa Tulip bị tung lên mạng, cô gái trẻ nhục nhã ê chề lựa chọn cái chết để giải thoát cuộc đời mình. Vẻ đẹp chính là một ưu thế không nhỏ của con người trong cuộc sống. Vẻ đẹp tâm hồn, nội tâm cần có thời gian để cảm nhận còn vẻ đẹp ngoại hình thì chúng ta nhìn nhận ra ngay. Việc cô gái trẻ Bông tham gia phẫu thuật thẩm mỹ làm lại gương mặt xấu là ước mơ chính đáng. Cuộc phẫu thuật quá thành công, Bông từ vịt bỗng trở thành thiên nga, trở thành một Hotgirl được săn đón. Nhưng rồi Bông rơi vào mối quan hệ chân dài và đại gia. Với giọng văn chua chát pha lẫn đả kích, tác giả phơi bày mối quan hệ tình- tiền trong xã hội ngày nay. Những chiêu trò lăng xê các cô gái trẻ trên mạng xã hội cuối cùng mục đích là tạo ra mối quan hệ tình tiền giữa chân dài và đai gia. Truyện ngắn phơi bày góc khuất, mặt xấu của những chương trình livetrieam, cuộc thi, sự kiện sắc đẹp hiện nay. Mạng truyền thông có thể nâng bạn lên mây xanh nhưng cũng có thẻ vùi bạn xuống bùn đen. Những cái bẫy khó lường với nhiều người muốn đánh đổi nhan sắc lấy đồng tiền. Đằng sau vẻ hào nhoáng, sự nổi tiếng là nỗi cay đắng, tủi nhục của các cô gái trẻ. Uớc mơ làm đẹp, ước mơ thay đổi cuộc sống là nguyện vọng chính đáng của nhiều người như Bông. Nhưng họ cũng cần có sự tình táo để không trở thành nạn nhân khó thoát ra vũng bùn tội lỗi. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Há Khó Cho": Lòng vị tha của con người 26/8/2022

Há Khó Cho là tên một ngôi làng của người Mông ở vùng cao, trong đó có gia đình Hầu Mí Quả. Bố của Hầu Mí Quả là Hầu Mí Chơ, đã bỏ mẹ con Quả để đi ở cùng người phụ nữ khác, chắc là trẻ đẹp hơn. Cho đến khi bệnh nặng gần mất, ông mới tìm về nhà để mong được chết trong ngôi nhà gốc gác của mình. Nỗi bi phẫn, uất hận vẫn còn đè nặng trong lòng của mẹ Quả. Bản thân Quả cũng từng rất giận bố. Cho đến khi cái tin người yêu đi lấy chồng ngay sau đám tang bố Quả thì Quả không chịu được nữa, phải bỏ làng mà đi cho quên bớt những kỷ niệm buồn thương. Ba năm sau, Quả mới trở về, dắt thêm người vợ đang có chửa. Từ khi bố Quả qua đời, mẹ Quả vẫn chưa hề thực hiện phong tục làm ma khô vì còn quá giận chồng. Lần này trở về, điều canh cánh nung nấu trong lòng Quả là cần phải thực hiện công việc ấy, có như thế cả người đã khuất và người đang sống mới thực sự yên lòng. Quả còn xin ý kiến mẹ xem có mời người vợ lẽ của bố về dự hay không. Quả đã từng gặp cô ấy một lần trong ngày bố sắp mất, người phụ nữ ấy đã xách cái lồng có hai con gà trống đến trước cửa nhà Quả, rồi quay lưng vội vã đi ngay. Lần này, mẹ Quả đã đồng ý cho Quả đứng ra thực hiện làm ma khô rồi, có lẽ bà cũng nhận thấy Quả đã thực sự khôn lớn, trưởng thành. Những oán hận, buồn giận trong lòng mẹ Quả rồi cũng đến ngày tiêu tan. Và Quả càng thương mẹ nhiều hơn khi nhìn lưng bà mỗi ngày thêm còng xuống…Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy luôn thể hiện một cách sống động phong tục văn hóa, lời ăn tiếng nói của người Mông và gieo những tình cảm ấm áp khi kết thúc tác phẩm trong lòng mỗi người đọc (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Hoài cổ phú: Trước tác của Nhà giáo Võ Trường Toản

Hoài cổ phú: Trước tác của Nhà giáo Võ Trường Toản 25/8/2022

Đất Gia Định xưa quy tụ nhiều nhà nho, danh tướng, văn nhân tài tử học rộng tài cao với những trước tác và công lao còn lưu trong sử sách. Chương trình hôm nay của Ban VHNT (VOV6) điểm lại nhân cách con người của Nhà giáo Võ Trường Toản, Danh tướng Ngô Tùng Châu và giá trị di sản thơ văn Tao đàn Bạch Mai thi xã nửa sau thế kỷ 19.

Giáng Vân – Mùa thu trên đường gió

Giáng Vân – Mùa thu trên đường gió 24/8/2022

Khi nói về lớp nhà thơ nữ trưởng thành sau 1975, không thể không nhắc tới Giáng Vân với một giọng điệu thơ riêng biệt khó trộn lẫn. Đặc biệt, Giáng Vân tỏ ra rất có duyên với những bài thơ liên quan đến mùa thu. Cả hai bài thơ được phổ nhạc của chị đã trở thành những ca khúc nổi tiếng là Đâu phải bởi mùa thu và Trong giấc mơ xưa đã in dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng suốt mấy thập kỷ qua. Trong những ngày Hà Nội vào thu, chương trình Đôi bạn văn chương xin được gửi tới quý vị thính giả một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Giáng Vân với tên gọi: Giáng Vân – Mùa thu trên đường gió

"Đồng xanh": Từ quê làng biên giới 23/8/2022

Mượn câu ca dao: “Văn chương phú lục chẳng thông/ Trở về làng cũ cho xong học cày” làm lời đề từ cho truyện ngắn “Đồng xanh”, nhà văn Ngô Khắc Tài bày tỏ tâm thế thong dong của người dân quê khi còn có một nơi chốn để trở về. Bằng lời văn dung dị, lối sử dụng phương ngữ tự nhiên, thành thục, tác giả đã kể một câu chuyện diễn ra trong một không gian làng mạc miền Tây Nam bộ thời hiện đại nhưng vẫn còn đó những con người chân quê gắn bó với đất đai, đồng ruộng. Cuộc sống tịnh tiến lên hiện đại, sự thay đổi, biến đổi của nhiều người dân quê, nhất là người trẻ là lẽ đương nhiên. Nhưng may thay đâu đó ruộng đất bỏ hoang, ở Tây Nam bộ, ở đất An Giang vẫn còn đó những cánh đồng xanh bốn mùa lúa ngô trù phú, vẫn còn đó hương vị, cảnh sắc thanh bình, yên ả của nơi đã nuôi nấng bao thế hệ con người trưởng thành chọn ở lại hay cất bước ra đi. “Đồng xanh” trong truyện ngắn Ngô Khắc Tài vừa là một hình ảnh có thật, vừa là một biểu tượng bao la, bao dung của quê làng trở đi trở lại như nhắc nhở những bước chân xa xứ lối về. Và sâu xa hơn nữa là nếp làng, nếp nhà vẫn còn được lưu giữ, được duy trì và tiếp nối. Từ tứ giác Long Xuyên, vùng đất Bảy Núi, nhà văn Ngô Khắc Tài đã thêm một lần nữa gợi mở vẻ đẹp sơn kỳ thủy tú của quê làng biên giới vẫn còn đó những gọi mời với du khách thập phương. (Lời bình của BT VVõ Hà)

Đêm thơ - nhạc - kịch

Đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nữ sĩ Xuân Quỳnh: Những đón đợi 23/8/2022

Còn nhớ cách đây gần 3 năm, dịp sinh nhật lần thứ 77 của cố thi sĩ Xuân Quỳnh, chân dung của bà xuất hiện trên trang chủ Google, công cụ tìm kiếm thông dụng toàn cầu. Tên tuổi, di sản thơ văn của nhà thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một biểu tượng của giới văn nghệ sĩ nước ta và lan tỏa ra thế giới. Thực tế, có thể nói, sức sống, di sản thơ ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh trên thi đàn cũng như trong đời sống, tâm tưởng của người yêu thơ rất mãnh liệt. Năm nay, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nữ sĩ, gia đình đã kết hợp với báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân Việt cùng ê – kíp “Se sẽ chứ” tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên “Hoa cúc xanh”. Chương trình dự kiến diễn ra vào hai đêm 5- 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điểm qua ê – kíp sáng tạo của đêm thơ – nhạc – kịch “Hoa cúc xanh”, bên cạnh nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt đồng thời là Trưởng ban Tổ chức, chỉ đạo nghệ thuật chương trình, có thể thấy nhiều tên tuổi như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Nhạc sĩ Quốc Trung, NSUT Trần Lực, Họa sĩ Hà Nguyên Long. Biên tập viên Tiếng thơ của Ban VHNT (VOV6) đã có những ghi nhận bước đầu về chương trình đặc biệt này.

"Hội xì gà": Hội của những kẻ hợm hĩnh 19/8/2022

“Hội xì gà” là một truyện ngắn đề tài đương đại. Với giọng văn “tưng tửng” đầy dí dỏm, nhà văn Trần Nhã Thụy đã vào vai một số nhân vật xưng “Tôi” để kể những câu chuyện về các nhân vật có tính cách, công việc và đời sống riêng nhưng họ có mối liên hệ với nhau bởi cùng thuộc Hội xì gà – một hội nhóm dành cho số ít người trong xã hội thể hiện những thú vui, sức mạnh, đẳng cấp của sự giàu có và thượng lưu...Nhưng họ có thực sự cùng chung đam mê hút xì gà, có thực sự giàu sang và phú quý? Câu trả lời đã có trong mỗi phần tự bạch của các nhân vật. Đầu tiên là Lý-chủ cửa hàng xì gà rượu Tây lớn nhất Sài Gòn, và là người điều hành Hội xì gà. Lý là một phụ nữ mạnh mẽ, thành đạt nhưng tính tình khảng khái không chịu lép vế trước đàn ông nên trải qua ba đời chồng và đến giờ chọn cuộc sống tự do. Tiếp đó là Mỹ-chủ doanh nghiệp, không thích hút xì gà nhưng vì ham vui, đua đòi và muốn oai nên cũng tham gia hội này. Rồi người lẩy Kiều, có bằng tiến sĩ nhưng công việc bấp bênh, hạnh phúc thì dang dở. Anh này cũng không phải là người hút xì gà, nhưng tham gia hội chỉ vì thích ngửi mùi thơm của lá thuốc. Cuối cùng là Thành-người cậu của Lý, chủ biên tạp chí Xì gà, một tay bợm rượu và là người duy nhất trong hội thích hút xì gà thực sự. Đúng như tác giả đã viết: “Nói cho cùng thì sống trên đời này con người ta cần phải nghiện ngập một thứ gì đó để khỏa lấp đi sự vô nghĩa miên man. Nhưng xì gà không chỉ là cơn nghiện thuốc lá thông thường. Xì gà là cơn nghiện của sự sang trọng và quyền lực. Khi cắn một điếu xì gà trong miệng thì người ta cũng có thể cắn một bãi biển một cánh rừng một bầu trời vời vợi”. Tất cả chỉ là sự phù phiếm. Cuộc sống có nhiều điều ý nghĩa hơn nhiều, phải không các bạn?! (Lời bình của BTV Vũ Hà)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng Nghệ thuật
08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00

Xin chờ hồi kết (đang phát)

18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya