Truyện rất kiệm lời đối thoại, chỉ có lời độc thoại nội tâm của cô bé đóng vai người kể chuyện. Tác phẩm như một cuốn phim chiếu chậm ký ức của nhân vật Tôi, toát lên nỗi đau, sự cô độc tột cùng của cô bé thiếu vắng hình bóng người mẹ, mong ước vòng tay ấm áp của người cha, thèm khát hơi ấm gia đình. Cái giỏi của nhà văn là ở chỗ không trực tiếp miêu tả nỗi đau, sự cô độc, mong ước giản dị của cô bé mà chỉ gợi tả về nó qua một vài chi tiết nghệ thuật đắt giá, điều này khiến cho ngôn ngữ văn xuôi của nhà văn gần gữi với ngôn ngữ thơ mang tính dư ba rất lớn. Cốt truyện không theo diễn tiến sự kiện, tác giả triển khai mạch truyện theo dòng tâm trạng của nhân vật cô bé. Một thế giới thiên nhiên-xã hội dù đẹp đẽ đến đâu vẫn có sự cô đơn, lạnh lẽo. Cũng có thể coi nó là biểu tượng cho không gian gia đình khuyết vỡ, không lành lặn, để lại tổn thương cho mọi thành viên, đặc biệt tạo nên vết thương khó lành trong trái tim trẻ thơ. Đào gốc đào đi còn lại huyệt đào, chặt đào mới nhìn thấy nhựa đào. Nhưng hành động vô tình hay cố ý của người lớn mới là những nhát dao chém phũ phàng, khiến tâm hồn trẻ thơ chảy máu mà không ai nhìn thấy. Yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong giấc mơ hạnh phúc của nhân vật kể chuyện xưng “Tôi”. Cô bé mơ cùng mẹ về thăm vườn đào, thật vui tươi, với tiếng cười nhưng khi giấc mơ tan biến thì chỉ còn lại nước mắt. Nhan đề “Xác đào” đầy sức gợi, khiến người đọc người nghe ám ảnh và ước muốn giá như mình có thể hóa thành một cây đào cổ thụ cúi xuống che chở cho một cành đào non đang run rẩy trong giá lạnh…