“Sóng độc” xoay quanh câu chuyện tranh giành quyền lực tại Đài Truyền hình Bắc Hà. Hai tuyến nhân vật được xây dựng rất rõ ràng. Phạm Quang Thiện đại diện cho tuyến nhân vật trung thực, hiền lành. Anh không màng tới địa vị mà chỉ muốn tập trung làm chuyên môn. Tuy nhiên, việc tên anh nằm trong diện quy hoạch Giám đốc đã khiến các thế lực độ kị không từ một thủ đoạn nào để khiến anh thân bại danh liệt. Trong khi đó, đứng đầu tuyến nhân vật phản diện là Đỗ Thiết, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Bắc Hà. Phía sau Đỗ Thiết là cả một bè lũ tráo trở bao gồm Hoàn toác, Bạc phò, Mùi già, Đạt láu… Cuộc chiến không cân sức giữa cái Thiện và cái Ác, giữa cái hèn mọn và sự tử tế khiến Phạm Quang Thiện nhiều phen lao đao… Sau đây, PTV Minh Nguyệt sẽ gửi tới quý vị và các bạn những trang đầu tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Từ câu chuyện của một người đàn ông và một người phụ nữ lạc trên hoang đảo, người đàn ông thì rất mạnh mẽ về bản năng tính dục, người phụ nữ thì kiên quyết giữ mình, câu chuyện tiếp tục được mở ra với sự xuất hiện của hai nhân vật mới. Đó là bố con Thụy và Tâm, hai người cũng đã sống lâu năm trên đảo. Thụy mang trong lòng nỗi căm hận đàn bà bởi ông hai lần bị phản bội. Người vợ thứ hai trước khi trốn đi cùng nhân tình còn giết hại dã man đứa con riêng của ông với người vợ đầu. Thụy mất niềm tin vào đàn bà, thậm chí muốn tuyệt giao với xã hội nên đã dẫn đứa con ra đảo, hàng ngày sống bằng nghề săn bắn và chỉ tập trung hạ sát những con vật giống cái. Cuộc gặp gỡ của nhân vật xưng tôi với bố con Thụy đã giúp tôi và Vui trở về được đất liền, nhân vật xưng tôi muốn thay đổi những suy nghĩ cực đoan của ông Thụy về cuộc sống nhưng trong lần đầu gặp gỡ, anh chưa thể làm được việc đó. Xét cho cùng, mỗi con người sỉnh ra rồi lớn lên và trưởng thành, luôn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thế giới xung quanh, bởi môi trường sống của chính họ. Nhân vật tôi cũng không hẳn là một người xấu, nhưng bởi hoàn cảnh một nam một nữ sống cùng nhau trên hoang đảo mà Vui lại rất xinh đẹp nên mới nảy sinh ý định chiếm đoạt thân xác cô. Nhân vật Thụy thoạt kỳ thủy cũng không phải là người có cái nhìn quá cay nghiệt với phụ nữ cũng như cuộc đời, chỉ vì những biến cố éo le xảy đến mới khiến ông trở thành như vậy. Thế nhưng, tuy hoàn cảnh xung quanh có ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức và cảm xúc của mỗi người thì vẫn có những giá trị luôn luôn được xác lập một cách vững bền. Đó là mỗi con người không thể sống mãi với lòng căm hận, oán thù, họ nên biết cách dần cởi bỏ để có được sự thanh thản. Trẻ con cần phải được giáo dục, học hành. Mỗi con người không thể sống cô lập khép kín mà cần có sự tương tác với cộng đồng, xã hội. Cuộc sống cần hướng về tương lai, cần có một niềm tin về những điều tốt đẹp trong đời sống này. Đó là những gì mà nhân vật xưng tôi muốn đem đến cho Thụy trong lần trở lại tìm ông, nhưng trên đảo đã không còn ai, chỉ còn lại một nấm mộ bên chiếc lều nghiêng đổ. Một cái kết mở của tác phẩm mang lại nhiều dư âm và suy nghĩ khác nhau cho mỗi độc giả, song quan trong hơn cả, nó đã gieo vào mỗi người đọc một niềm tin ấm áp vào cuộc đời.
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa sinh ngày 11 tháng 1 năm 1973 tại Yên Bái, quê gốc ở Thanh Oai, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội năm 1996. Từ 1996 đến 2007, Phạm Duy Nghĩa là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Từ năm 2008, anh về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội và hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 2010, anh bảo vệ luận án tiến sĩ văn học về đề tài văn xuôi dân tộc và miền núi tại Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Phạm Duy Nghĩa được biết đến trong làng văn với tư cách một cây bút viết truyện ngắn sắc sảo, dày dặn vốn sống và có nhiều tìm tòi trong cách nghĩ, đề tài. Từ sau truyện ngắn nổi tiếng Cơn mưa hoa mận trắng dành Giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn năm 2003-2004 của Tuần báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam, Phạm Duy Nghĩa vẫn tiếp tục chứng tỏ khả năng của mình trong những truyện ngắn đặc sắc khác, được nhiều bạn đọc yêu thích. Chương trình Đọc truyện đêm khuya lần này xin gửi tới quý vị thính giả một truyện ngắn hay của anh, mang tên Trên đảo. Tác phẩm được bình chọn là một trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ năm 2007. Năm 2020, Tạp chí Văn nghệ quân đội in lại trong mục “Truyện ngắn hay tác giả tự chọn”
Nhìn lại nền văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20, có một khu vực rất quan trọng còn chưa được giới nghiên cứu phê bình tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, đó là những cây bút ở miền Nam với các sáng tác trước 1975 và nối dài trong những thập niên sau đó. Có rất nhiều số phận cùng các câu chuyện bị chìm khuất sau tấm bụi mờ của thời gian mà nhà thơ Vũ Hữu Định là một trong những tên tuổi như vậy. Sinh thời, ông chưa kịp in một tập thơ nào vì gia cảnh quá khó khăn. Mãi đến năm 1996, tập thơ duy nhất của ông được sự góp sức chung tay của bạn bè văn nghệ mới được ra mắt độc giả với cái tên Còn một chút gì để nhớ, do NXB Trẻ ấn hành. Nhân dịp tròn 80 năm sinh của ông, chương trình Đôi bạn văn chương lần này xin dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Vũ Hữu Định và vòng nguyệt quế cho Pleiku.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng chia sẻ về truyện ngắn "Muối của rừng" như thế này: “Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời…Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người…”. Tác phẩm đậm tính nhân văn xoay quanh nhân vật Diểu-người đàn ông chuyên đi săn thú rừng. Tác giả đã thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lý phức tạp của ông Diểu từ khi nhìn thấy con mồi cho tới lúc chứng kiến tình cảm giữa cặp khỉ hoang cùng ánh mắt cầu xin của chúng. Đó là một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần dữ dội, quyết liệt giữa con người với thiên nhiên và quan trọng hơn là trong chính nội tâm con người. Với bản tính kiêu hãnh, thống soái, đầy danh vọng, đố kị, khi đối mặt với thiên nhiên loài vật hồn nhiên, trong trẻo, đầy tính nhân bản, con người đã hoàn toàn bị đẩy vào một tình thế thảm bại, bi hài khó tránh khỏi. Thông qua tác phẩm này, nhà văn đề cao sự vị tha, hướng thiện của con người cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa. Ngẫm nghĩ kỹ hơn, ta còn nhận thấy cái triết lí nhân sinh mà nhà văn gửi gắm, đó là: con người chỉ chiến thắng, chỉ nắm giữ được cái thiện – thứ mà con người luôn phấn đấu để kiếm tìm, khi biết tự thức tỉnh và buông bỏ theo triết lí đạo Phật.
Hình ảnh hoa tử huyền (một loài hoa có thể do tác giả tưởng tượng) ở cuối truyện, loài hoa ba mươi năm mới nở một lần, sự kết muối của rừng, điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng bội thu là hình ảnh mang tính biểu tượng gợi nhắc niềm tin vào bản chất thuần phác, đẹp đẽ của thiên nhiên và con người.
Lối kể chuyện trong "Muối của rừng" là lối kể tuyến tính truyền thống-ngôn ngữ phong phú, chỗ thì đậm chất trữ tình, chỗ thì thô sơ, mộc mạc, nhưng đó là đều là ngôn ngữ và cảm nhận của nhân vật chứ không có sự thể hiện tình cảm chủ quan của tác giả. Cốt truyện mạch lạc, với những chi tiết lạ, nửa thực, nửa ảo. Những độc thoại nội tâm ngắn, sắc sảo, khơi gợi đồng sáng tạo của độc giả.
Truyện “Mây giăng đỉnh trời” của tác giả Dương Giao Linh xoay quanh nhân vật Vy, một cô bé đang tuổi đi học thì bị bắt về làm vợ. Nhớ trường, nhớ lớp, nhưng bị hủ tục trói buộc, Vy gạt nước mắt bước vào một cuộc hôn nhân không tình yêu. Đáng buồn hơn, em cũng chưa có kiến thức gì về việc làm vợ, làm mẹ. Điều đó dẫn tới một cái kết đau lòng khi Vy không giữ được cái thai trong bụng… Nhìn chung, “Mây giăng đỉnh trời” là một truyện ngắn viết chắc tay. Tác giả chọn kể chuyện từ điểm nhìn của Vy, giúp độc giả hình dung được sự khốn khổ, nỗi ấm ức, tức tưởi của một cô bé bị bứt ra khỏi gia đình, nhà trường. Ở Vy chưa có sự mạnh mẽ để vượt lên số phận khắc nghiệt. Em chỉ biết “hờn giận cái buổi chơi xuân, cái thằng trai bất chấp tất cả để bắt Vy về làm dâu nhà nó, đêm ngủ với nó, bóp chân, xoa đầu cho nó”. Nhưng chính vì thế, “Mây giăng đỉnh trời” khắc họa được một cách chân thật tâm tình của một cô bé tuổi còn thơ ngây. Chuyện đời Vy là một góc tối của nhiều bé gái, mà khi soi vào, người ta không khỏi cảm thấy xót xa. Kết truyện ám ảnh, có sức cảnh tỉnh cao với hủ tục bắt vợ và tảo hôn.
Các bạn thân mến, sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính hân hoan trở về xây dựng quê hương đất nước. Rời xa tiếng súng, họ phải đối diện với thử thách mới của cuộc sống thường ngày. Hơn 10 năm sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá bởi cuộc chiến, nền kinh tế lạc hậu khiến đời sống người dân vô cùng khó khăn. Trước cảnh gần một ngàn gia đình của nông trường cam sống trong cảnh cơ cực, ông Thiềng một cựu chiến binh thấy cần phải thay đổi để cứu mình và mọi người. Được sự tận tình giúp sức của đồng đội, ông Thiềng nhận khoán đất đồi nông trường, ông tìm giống cam mới, áp dựng những kĩ thuật nuôi trồng mới để có được thành công. Nhưng thành công đó cũng phải đánh đổi bằng bao tâm huyết, mồ hôi và cả tính mạng của người thân. Trong quá trình đi tìm giống cam quý nơi rừng thiêng thì Hoàng đã mãi mãi ra đi. Trồng được vườn cam ngọt trĩu quả thì ông Thiềng lại đối mặt với việc được mùa rớt giá. Ông Thiềng đã tìm ra lối thoát khi tìm thị trường mới tại nước ngoài. Biết bao hi sinh, tâm huyết của người cựu chiến binh gây dựng công ty tạo ấm no hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình tưởng như lại đổ sông đổ bể khi ông Thiềng bị Trần Hãn lừa. Nhưng may mắn, lòng tốt của ông Thiềng hơn 10 năm trước đã trả ông những hoa thơm trái ngọt. Truyện ngắn giàu cảm xúc về quá trình đối mặt với thử thách khó khăn của người nông dân, người cựu chiến binh trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đó là quá trình có thất bại, thành công, hi sinh khi người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất mới, tư duy kinh doanh mới. Có nhiều chi tiết cảm động người đọc người nghe như việc các đồng đội góp nhặt từng đồng để ông Thiềng khởi nghiệp, sự hi sinh của Hoàng khi đi tìm giống cam quý hay người vợ giấu ông bệnh tình để ông an tâm lên đường tìm thị trường mới. Bên cạnh những chua xót, đắng cay của nhân vật Thiềng chúng ta thấy ấm áp tình người, tình đồng đội, tình cảm hi sinh của vợ chồng và lòng tốt. Phần kết câu chuyện cũng thật bất ngờ thú vị khi người gom cổ phần của công ty ông Thiềng chính là cô bé năm xưa tại bản làng vùng cực Bắc. Lòng tốt của ông Thiềng hơn 10 năm trước chính là mầm xanh giúp ông nhận quả ngọt hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Trời đã lập đông nhưng vẫn còn đó những dư vị của buổi tàn thu. Thời khắc dùng dằng giữa đôi mùa, khi ca khúc “Im lặng đêm Hà Nội” của nhạc sĩ Phú Quang, phổ thơ Phạm Thị Ngọc Liên ngân lên gợi nhớ trong nhiều người những cảm xúc lắng đọng. Và tác giả bài thơ – Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên trở về với hồi ức năm cũ.
Tính từ bài thơ được công bố đầu tiên là bài Qua Trường Sa năm 1961, nhà thơ Bằng Việt đã có hành trình hơn 60 năm cầm bút với một sự nghiệp văn học dày dặn, phong phú trên nhiều thể loại, trong đó đặc sắc nhất chính là thơ. Bằng Việt nằm trong lứa những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong những giai đoạn sau, khi đất nước bước sang thời kỳ hòa bình. Từ thập niên 70 đến thập niên 90 của thế kỷ trước, Bằng Việt là một trong những nhà thơ được giới học sinh, sinh viên đặc biệt say mê, nâng niu nhiều thi phẩm của ông trong những trang sổ tay của mình. Chương trình Đôi bạn văn chương lần này xin được gửi tới quý vị thính giả một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Bằng Việt với tên gọi: Bằng Việt – Đồng hành cùng tuổi trẻ, tình yêu
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy được bạn đọc cả nước biết đến với các tập truyện ngắn và tiểu thuyết như “Gió đồng se sắt”, tập truyện ngắn - NXB Thanh Niên 2005; “Vết thương thành thị”, tập truyện ngắn (NXB Trẻ), “Người đàn bà đợi mưa”, tập truyện ngắn (NXBVăn Học). Tiểu thuyết “Con chim Joong bay từ A đến Z” và “Màu rừng ruộng”. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy hiện là biên tập viên văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin gửi đến quý vị và các bạn truyện ngắn “Gió quê mở sách”- tác phẩm đạt giải nhì cuộc thi “Trang sách tôi yêu” của nhà xuất bản Giáo dục.
Buổi “Tìm trong kho báu” số trước của Ban VHNT (VOV6) đã khái quát về các nội dung thể hiện trong sáng tác thơ văn của nhà thơ, nhà yêu nước Phan Văn Trị. Tuần này, mời Quý vị và các bạn đi sâu vào một trong ba đề tài chính yếu, đó là thơ bút chiến của cụ Cử Trị. Đây là mảng thơ thể hiện tài năng lẫn tấm lòng của một nhà nho luôn giữ trọn tiết tháo, thẳng thắn phê phán thực trạng hành vi dao động, cộng tác với thực dân Pháp của một bộ phận trí thức thời bấy giờ.
Vùng đất Nghi Tàm, Thăng Long xưa vốn là nơi hội tụ nhiều văn nhân tài tử vang danh. Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Hinh là một trong số đó. Những giai thoại xoay quanh cuộc đời bà đều cho thấy chân dung một tài nữ hiếm có trong lịch sử văn học dân tộc ta. Truyện ngắn này của nhà thơ Ngô Văn Phú điểm lại những chi tiết, câu chuyện soi tỏ tấm lòng, đức độ, tài năng của Bà Huyện Thanh Quan, trong đó đi sâu vào công lao của bà trong việc giúp dân làng Nghi Tàm thoát khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm cho triều đình và các phủ, huyện. Truyện ngắn danh nhân, lịch sử nếu không cao tay rất dễ bị lệ thuộc vào các tư liệu, thiếu chất văn, chất đời. Với truyện ngắn này, nhà văn Ngô Văn Phú cho thấy sự kỳ công trong việc tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của một “phép vua”. Những câu văn giàu hình ảnh, kết cấu câu chuyện liền mạch cho thấy tác giả đã thực sự đi sâu vào tâm tư, tình cảm của các nhân vật cũng như nỗ lực lột tả giai thoại từ góc nhìn ngưỡng vọng tới tiền nhân của một một bậc hậu sinh hiểu sử và hiểu đời. Từ tích truyện gắn với tục tiến cống sâm cầm, truyện ngắn của nhà thơ Ngô Văn Phú tô đậm tấm lòng với đất và người Thăng Long xưa của Bà Huyện Thanh Quan, điều mà bà đã thể hiện trong nhiều áng thơ nổi tiếng. Ở kinh đô Huế nhưng trái tim bà luôn hướng về cố hương. Nữ học quan Cung Trung giáo tập đã làm được một việc có ý nghĩa lưu vào ngọc phả làng Nghi Tàm. Nhờ đó, tên tuổi của bà không chỉ sáng ngời trong văn học mà còn để lại tiếng thơm giữa đời thường. Giai thoại dân gian qua ngòi bút của nhà thơ Ngô Văn Phú cũng là một phép ẩn dụ về thân phận con người trong biến động thời cuộc. Viết truyện danh nhân mà gợi lên được những cảm xúc đời thường, nói lên được những điều chưa thể hiển hiện một cách sinh động qua tư liệu lịch sử, nhà thơ Ngô Văn Phú đã cho thấy phong cách sáng tác đặc sắc, cá tính với một đề tài văn xuôi chung thủy. (Lời bình của BTV Võ Hà)
Ở nhiều vùng quê thì xuất khẩu lao động dường như là giấc mơ duy nhất để thay đổi cuộc đời. Đối diện với cuộc sống nghèo khổ, công việc bấp bênh nhiều người đã lựa chọn ra nước ngoài kiếm tìm tương lai tươi đẹp hơn. Không ít gia đình quyết cho người thân, con cái xuất khẩu lao động bằng mọi giá dù là bán đất, bán nhà, vay mượn thậm chí ra đi bằng con đường bất hợp pháp. Và rồi không ít người đã vỡ mộng trước giấc mơ mà họ nghĩ dễ dàng làm giàu. Gia đình hai anh em Thịnh, Tình trong truyện ngắn chính là trường hợp như vậy. Cả tin nghe lời dụ ngọt của người dì vẽ lên ước mơ trời Tây, bà mẹ quyết tâm đưa gia đình theo dì sang Đức. Bỏ mặc lời khuyên can của chồng, bà chấp nhận bán nhà để lao vào canh bạc may rủi chấp nhận ra đi bằng con đường bất hợp pháp. Nhưng rồi ước mơ làm giàu trở thành ác mộng khi đặt chân tới nước Đức. Ba mẹ con sống cơ cực, không nơi nương tựa và cuối cùng cậu con út tên Tình lựa chọn cái chết để giải thoát bế tắc. Truyện ngắn là hiện thực phê phán những mặt tối của việc xuất khẩu lao động. Không phải cứ sang nước ngoài là dễ dàng kiếm tiền, là sống hạnh phúc. Ở đâu thì cuộc sống lao động cũng vất vả, khó khăn. Với những người không có trình độ chuyên môn lại ra đi bất hợp pháp như ba mẹ con Thịnh, Tình thì đón chờ họ chính là nguy hiểm, là tủi nhục, vất vả. Truyện ngắn phần nào thể hiện mặt trái của ước mơ đổi đời từ con đường lao động ở nước ngoài. Đằng sau những hào nhoáng là những giọt nước mắt đắng cay nơi xứ người. Những mảnh kí ức, nỗi nhớ của Tình về cha, về người bạn học day dứt như xoáy vào lòng người đọc, người nghe. Vì một ảo vọng xa xôi nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, cảnh gia đình xa cách nhau, người mòn mỏi mong chờ nơi quê nhà, người sống bấp bênh nguy hiểm phương xa. Truyện ngắn là lời cảm thông chia sẻ và cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai ngộ nhận về cuộc sống giàu sang ở nước ngoài. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Năm 19 tuổi, nhà thơ, nhà yêu nước Phan Văn Trị thi đậu Cử nhân, cùng khoa với Nguyễn Thông. Sau đó Nguyễn Thông làm quan nhiều nơi, lên đến chức Bố chánh Quảng Ngãi. Về phần Phan Văn Trị, ông chọn cuộc sống thanh đạm, mở lớp dạy học ở làng quê. Tuy rời xa chốn quan trường nhưng tấm lòng Phan Văn Trị vẫn đau đáu trước tình cảnh triều đình nhu nhược, đất nước nguy cơ rơi vào tay thực dân Pháp. Những bài thơ vịnh cảnh, vịnh vật được ông sáng tác nhằm bày tỏ chí hướng, ước muốn giúp đời, cứu dân hoặc để phê phán những người bất tài, hám danh. Đến khi quân Pháp chiếm đóng Nam bộ, ông làm thơ yêu nước, thơ xướng họa có tính chất bút chiến. Có thể nói, thời kỳ nào, Phan Văn Trị cũng dành tâm sức để nói lên sự quan tâm với thế sự, tấm lòng đối với đồng bào, non sông, Tổ quốc