"Gốc đề”: Nối kết những giá trị xưa cũ26/11/2020

Câu chuyện mang đến cho mỗi chúng ta cảm giác thân thuộc gần gũi bởi dường như mỗi làng quê Việt qua tầng tầng thế hệ luôn ẩn chứa vô vàn những câu chuyện (cổ xưa cũng có hiện tại cũng có) để người làng có thể truyền tụng, bàn tán, kể cho nhau nghe. Trong những câu chuyện đó dĩ nhiên không thể thiếu những nhân vật mang tính huyền thoại, đời sống riêng tư có phần khác lạ, không chỉ nhuốm màu sắc kỳ bí mà thậm chí còn mang tính ma mị, giật gân, gây tò mò…..Trong đó không biết có phải một phần cũng để dọa con trẻ hay không nữa? Nhân vật bà Miên trong truyện ngắn “Gốc đề” được nhà văn Hoàng Anh Tuấn kể cũng là một nhân vật như thế trong mắt của hai đứa trẻ Việt – Hưởng. Người như bà Miên được xây dựng nửa khôn nửa dại, nửa điên nửa tỉnh, nửa âm nửa dương, khác thường lập dị. Những người như bà đa phần sống cô độc, dễ bị người xung quanh hiểu sai, xa lánh, là đối tượng của đám trẻ con tò mò, vừa sợ hãi lại vừa thích trêu chọc. Sư thật về cuộc đời bà Miên chỉ được mở ra khi có lời kể của bà nội Hưởng. Vậy ra bà lại là một thân phận bé mọn, đáng thương, bị cuộc đời xô đẩy, sống lặng lẽ, chịu nhiều thiệt thòi. Một kiếp người không được chính danh, thực chất bà Miên là Mẹ Việt Nam Anh hùng có hai người con trai hy sinh vì tổ quốc. Câu chuyện trở nên có ý nghĩa khi tác giả chọn giọng kể, góc quan sát là những người trẻ, Việt – Hưởng . Vậy ra những đứa trẻ đâu thờ ơ với quá khứ. Họ cần phải được biết về gốc rễ, quá khứ để gắn bó hơn với quê hương, với những người xung quanh, với hiện tại. Một kết truyện đầy nhân văn...(Lời bình của BTV Tuyết Mai)

"Quà tặng của những thiên thần": Một trong những truyện ngắn về Giáng sinh hay nhất mọi thời đại 20/11/2020

Truyện ngắn gồm hai nhân vật chính: Jim và Della. Hai vợ chồng thuộc tầng lớp lao động nghèo, sống trong một căn hộ sơ sài với giá thuê là 8 đô la một tuần. Bối cảnh của truyện là ngày giáng sinh sắp đến và cả hai vợ chồng đều nghĩ rằng mình cần tặng một món quà gì đó thật đẹp, thật ý nghĩa cho người mình yêu thương. Hoàn cảnh sống khó khăn đã không cho phép họ làm việc đó một cách dễ dàng. Jim đã phải bán đi món đồ quý giá nhất của anh là chiếc đồng hồ quả quýt gia bảo, còn Della cũng phải bán đi mái tóc dài óng ả là thứ mà hàng ngày cô rất nâng niu. Tình huống oái oăm nảy sinh ở chỗ món quà Jim mua về cho vợ là bộ lược cài đầu mà Della từng mơ ước, trong lúc giờ đây mái tóc dài không còn nữa. Và món quà Della nghĩ rất phù hợp với chồng là sợi dây bạch kim sang trọng, chuyên để đeo những chiếc đồng hồ quả quýt, thì lúc này đây chiếc đồng hồ của Jim cũng đã không còn. Tình thế này như đẩy hai nhân vật chính của chúng ta vào chỗ dở khóc dở cười bởi hai món quà tặng với rất nhiều tâm huyết bỗng trở thành những vật vô dụng khi trước mắt không thể dùng được, mà hai vợ chồng thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Điều duy nhất sưởi ấm trái tim hai con người ấy là họ hiểu được, cảm nhận được về tình yêu mà họ đã dành cho nhau. Và có lẽ, tình yêu ấy mới là thứ quý giá nhất, vượt lên hết thảy những món quà vật chất trên đời. Có thể xem "Quà tặng của những thiên thần" là một truyện ngắn rất tiêu biểu cho phong cách Ô Hen-ry. Các nhân vật của ông thường có hoàn cảnh sống khá khó khăn, thiếu thốn nhưng họ đều là những con người lương thiện, có trái tim nhân hậu, biết yêu thương và chia sẻ. Cách dẫn truyện của Ô Hen-ry luôn lôi cuốn, khéo léo, tạo ra sự tò mò và thu hút người đọc theo dõi đến những trang cuối cùng. Và rồi phần kết của mỗi tác phẩm luôn mang lại nhiều cảm xúc bất ngờ, nhưng lắng đọng lại luôn là một nỗi xúc động chứa chan...(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mái trường mến yêu

Mái trường mến yêu 20/11/2020

Mỗi năm, cứ đến ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng chúng ta lại không khỏi náo nức, nhớ về những người thày giáo, cô giáo của mình, nhớ về một thời cắp sách đến trường. Mái trường và những người thày cô giáo chính là nơi đã chắp cánh cho bao ước mơ, khát vọng, giúp mỗi chúng ta khôn lớn, trưởng thành, trở nên những con người có ích cho xã hội. Trong chương trình Đôi bạn văn chương phát 18/11, chúng tôi sẽ dành gửi tới quý vị những bài thơ về mái trường và thày cô như một sự tri ân những người lái đò tận tụy, tri ân những năm tháng cắp sách đáng nhớ trong cuộc đời tất cả mỗi chúng ta.

Nguyễn Xuân Sanh: Trăm năm đẹp mãi

Nguyễn Xuân Sanh: Trăm năm đẹp mãi "Buồn xưa" 20/11/2020

Nguyễn Xuân Sanh-thi sĩ cuối cùng của phong trào thơ Mới vừa từ giã cõi đời ở tuổi 100. Tuổi trời cho, những di sản thơ và sáng tạo của ông truyền giữ tới hôm nay đã cho thấy một hồn thơ đẹp và bản lĩnh của người trí thức luôn hướng tới những giá trị văn hóa cho đời sau. Không ảnh hưởng hơi hướng thơ tượng trưng Pháp, cũng không bộc lộ những hưng cảm bất thần, dữ dội, “Buồn xưa”, “Bình tàn thu”, “Hồn ngàn mùa” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh có những câu thơ gợi và đẹp đến nao lòng. Đó cũng là điệu tâm hồn của tác giả, người tôn thờ chất thơ trong mọi sự thưởng thức, mọi cử chỉ với cuộc đời.

Ngài Uy Viễn tướng công và nợ duyên chiếu hát ả đào

Ngài Uy Viễn tướng công và nợ duyên chiếu hát ả đào 18/11/2020

Học giả Nguyễn Văn Ngọc từng nói về hấp lực để các văn nhân tài tử sáng tác hát nói là “đưa cho ca nương lên giọng hát đi với cung đàn, nhịp phách rồi chính mình cầm chầu thưởng thức văn của mình giữa chỗ trù nhân quảng tọa, trước chiếu rượu tưng bừng nhộn nhịp”. Từ sáng tác theo điệu hát nói của nhà thơ Nguyễn Công Trứ, PGS – TS Vũ Nho đã làm sáng hơn nữa vẻ đẹp nguyên gốc của một sinh hoạt văn hóa cũng như tài năng của ca nương, văn nhân, tài tử, trong đó có nhà thơ Nguyễn Công Trứ - người có công đầu trong việc đưa hát nói vào văn học và phát triển thành một thể tài độc đáo mang đậm đà bản sắc dân tộc

"Sự phản bội": Ngẫm ngợi về giá trị sống của con người 17/11/2020

Mạch chuyện khá đơn giản khi kể lại việc một người đàn ông trung niên đi xin việc. Ông vô tình nhìn thấy kỉ vật xưa là chiếc khung ảnh cũ và hồi tưởng lại thời trai trẻ của mình. Ông và cô gái Sundari yêu nhau say đắm nhưng rồi ông phản bội cô. Hơn 20 năm sau, ông gặp lại câu con trai nhưng không dám nhận con của mình. Câu chuyện là hành trình tìm lại quá khứ cũng như thức tỉnh của người đàn ông tên Shatri ẩn chứa nhiều điều về giá trị sống. Khi còn trẻ bằng vẻ ngoài bảnh trai và lời ong tiếng mật, chàng trai Chandran đã lừa cô gái Sudari đến với mình. Nhưng khi đã đạt được nàng thì anh không thực hiện lời hứa sẽ tổ chức một đám cưới đàng hoàng. Sundari ngỡ ngàng khi bị người mình yêu bỏ rơi. Cậu con trai được mẹ nuôi dậy khôn lớn và luôn nghĩ cha mình là người tốt. Chúng ta thấy sự đối lập trong nhân cách giữa hai nhân vật Shatri và Sundari. Trong lúc Sahtri lợi dụng sự ngây thơ trong sáng của cô gái trẻ để lừa dối rồi phản bội nàng thì Sundari lại vẫn giữ gìn hình ảnh của ông trong mắt con trai. Sự phản bội nào cũng mang đến nỗi đau và vết thương lòng sâu sắc. Thế nhưng bà Sundari đã giấu nỗi đau trong lòng để làm ảnh hưởng tính cách, nhân cách cậu con trai. Câu chuyện xúc động được viết nhẹ nhàng với nhiều chi biết bất ngờ. Chi tiết bất ngờ đầu tiên là khung hình cũ trong phòng vị giám đốc trẻ khiến ông Shatri tìm thấy con trai sau nhiều năm xa cách. Bất ngờ thứ 2 là ông không dám nhận con mình. Đáng lẽ một con người thất nghiệp đã ở tuổi xế chiều như ông sẽ bám víu vào người con thành đạt. Nhưng ông không làm vậy. Có lẽ lương tâm ông đã thức tỉnh. Ông không muốn hình tượng cao đẹp về người cha trong lòng con xụp đổ. Đó cũng là điều duy nhất ông có thể làm để chuộc lại lỗi làm bà Sundari và con của mình. Truyện ngắn đề cao những giá trị đạo đức của con người. Ngày hôm nay khi bạn phản bội, lừa đối người tin tưởng mình thì rồi sớm muộn chúng ta phải trả giá vì điều đó...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Mùa hoa núi”: Thấm đẫm văn hóa vùng cao

“Mùa hoa núi”: Thấm đẫm văn hóa vùng cao 13/11/2020

Truyện ngắn “Mùa hoa núi” đã đẫn dắt người đọc, người nghe đến với không gian văn hóa vùng cao của người dân tộc Tày, Mông với những nét phong tục tập quán xưa cũ. Nhà văn Tống Ngọc Hân khai thác triệt để khía cạnh này với nhiều chi tiết, tình tiết hấp dẫn. Nét đặc sắc của văn hóa vùng cao không chỉ thể hiện bởi phong tục, tục lệ. Với sự quan sát tinh tế, nhà văn đã miêu tả đặc sắc nhất trong văn hóa ấy là ứng xử giữa người với người, giữa người với vật, giữa người với thiên nhiên. Truyện kể về một trong những mối ứng xử được cho là khó nói đến nhất, khó biểu hiện nhất, đó là ứng xử của những người đã từng yêu nhau. Sự ứng xử của hai người đàn ông một thời từng yêu một người phụ nữ, như mọi người thấy, phiên chợ cuối năm ở một bãi rừng trống trải hun hút gió, buốt lạnh nhưng mùi ly núi thì cứ ngào ngạt chiếm lĩnh bao phủ và tình người thì cứ ấm nồng như vậy. Đâu đó trong cuộc đua của thời đại, những xoay vần, suy biến, mai một, vẫn có những điều đẹp đẽ như thế hiển hiện và việc của người viết là lan tỏa những giá trị ấy. Để làm nổi bật thông điệp của truyện, nhà văn đã đưa vào những phong tục tập quán một cách chọn lọc. Cụ thể ở đây là phong tục tìm hiểu, yêu đương và kết hôn. Mâu thuẫn của câu truyện cũng từ đây mà sinh ra. Cái khát vọng được làm chủ cuộc đời, được chọn lựa hạnh phúc của con người mỗi ngày mỗi lớn. Họ luôn muốn thoát khỏi sự sắp đặt, dù sau đó cuộc sống chông chênh, muôn phần khó khăn. Cả hai người đàn ông đi qua đời Pằng rồi cũng đã lần lượt có vợ, có gia đình, tổ ấm. Chỉ mình Pằng, một mình đương đầu với nỗi bất hạnh. Mà hai người đàn ông ấy, nhìn xa, nghĩ sâu, đều thấy mình là người có lỗi, góp phần đưa đẩy Pằng đến hoàn cảnh hiện tại. Nên họ không thể quay lưng. Và dù, ban đầu có chút miễn cưỡng, nhưng rồi Pằng vẫn vui vẻ đón nhận những ân tình, chia sẻ ấy. Truyện gửi gắm thông điệp nhân văn sâu sắc về tình đời, tình người nơi vùng núi cao điệp trùng mây gió…

Vũ Quần Phương – Người chiêm cảm thi ca

Vũ Quần Phương – Người chiêm cảm thi ca 12/11/2020

Nói đến nhà thơ Vũ Quần Phương là nói đến một hành trình bền bỉ của thơ ông qua hơn nửa thế kỷ với một số lượng tác phẩm lớn, trải dài từ thời chống Mỹ cho tới tận ngày hôm nay. Nhiều bài thơ, câu thơ của ông đã lưu lại trong ký ức của nhiều thế hệ bạn yêu thơ. Vậy đâu là cái đã làm nên sự khác biệt về phong cách thơ của VQP so với những cây bút cùng thời như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ…Trong chương trình Đôi bạn văn chương lần này, chúng tôi xin được gửi tới quý thính giả cuộc trò chuyện văn chương về chân dung thơ Vũ Quần Phương...

Nguyễn Công Trứ và thơ vạn năng

Nguyễn Công Trứ và thơ vạn năng 12/11/2020

Nhà nho tài tử, đa nhân cách, đó là những luận bình về nhà thơ Nguyễn Công Trứ - người con của sông La, ngàn Hống. Một trong những biểu hiện của tính đa nhân cách ở Nguyễn Công Trứ, đó là sự song hành của hai xu thế sáng tác hướng tâm và ly tâm. Những câu thơ hào hùng, mạnh mẽ của Nguyễn Công Trứ là kết quả của xu thế sáng tác hướng tâm. Chương trình hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về đặc điểm tài hoa, phóng dật, ngọn nguồn của những câu thơ có một vẻ đẹp trác tuyệt, kỳ thú, khởi sinh từ xu thế sáng tác ly tâm của nhà thơ Nguyễn Công Trứ.

Giã từ nông dân: Không chỉ là nỗi buồn của cá nhân

Giã từ nông dân: Không chỉ là nỗi buồn của cá nhân 10/11/2020

Nhân vật chính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe chỉ được gọi là “hắn” chứ không có một cái tên cụ thể. Có thể đó cũng là dụng ý của tác giả để nhấn mạnh nhiều hơn đến tính đại diện và khái quát của nhân vật này. “Hắn” có thể là bất kỳ một người nông dân nào của nông thôn Việt thời hội nhập và bất kỳ người nông dân nào cũng có thể chính là “hắn”. “Hắn” vốn được xây dựng như một nhân vật chính diện, tích cực, chí thú làm ăn, thông minh và giàu sáng tạo. Anh ta đã từng làm thứ gì là thành công thứ đó. Trồng cà phê xen lẫn cây ăn trái cho mùa bội thu, nuôi lợn nuôi gà lớn nhanh như thổi, cho trứng cho thịt thơm ngon được mọi người tin dùng. Anh còn chế tạo thành công máy thái nghiền nén để làm thức ăn tổng hợp cho gà, lợn. Những thành công của anh đã được truyền hình địa phương tuyên dương, làm gương cho mọi người học tập. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi khi nông thôn được đô thị hóa, đất làng biến thành đất vàng. Những khoảng không rộng rãi thoáng đãng không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng mọc lên chi chít. Việc chăn nuôi của “hắn” bắt đầu bị ảnh hưởng, ảnh hưởng ngay từ chuyện phơi cám viên. Việc đô thị hóa kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có cả biến đổi khí hậu. Những viên thức ăn tổng hợp một thời là niềm tự hào hãnh diện của “hắn”, bây giờ vì những viên thức ăn ấy mà “hắn” bị kỷ luật, phê bình, cơ sở sản xuất thức ăn của “hắn” bị đình chỉ hoạt động. Nhân vật “hắn” đứng trước nguy cơ giã từ tất cả những công việc yêu thích của mình, đúng như nhan đề tác phẩm đã gọi tên. Những mặt trái của quá trình đô thị hóa nông thôn là điều mà những người có trách nhiệm chưa thể lường trước hết. Bắt đầu từ bi kịch, từ nỗi buồn của một nhân vật cụ thể, nó khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về bao mảnh đời khác, bao câu chuyện khác. Cuộc chuyển đổi giữa nông dân sang thị dân quả thực đã kéo theo không ít xót xa…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Chế Lan Viên: Ngược dòng trôi...

Chế Lan Viên: Ngược dòng trôi... 5/11/2020

Nửa đầu thế kỷ 20, làng thơ nước ta xuất hiện một số cái tên mà ngay từ buổi ban đầu “chạm ngõ” thơ đã hứa hẹn về những đỉnh cao. Nhà thơ Chế Lan Viên là một trong số đó. Và rồi gần 60 năm cầm bút, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, giai đoạn nào ông cũng có những tác phẩm để đời. Điều đáng nói là ngay cả khi tham gia vào những “dàn đồng ca”, “hợp xướng” thơ, Chế Lan Viên vẫn có một phong cách sáng tác riêng không lẫn vào ai...

Nguyễn Công Trứ: Cuộc đời như tiểu thuyết

Nguyễn Công Trứ: Cuộc đời như tiểu thuyết 5/11/2020

Nguyễn Công Trứ làm quan dưới bốn triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, lập nhiều chiến công như khai hoang, mộ dân, đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình. Địa vị hiển hách nhưng cũng có những lúc, Nguyễn Công Trứ bị giáng chức, đỉnh điểm là bị lột mũ áo, giáng làm lính thú ở nơi biên thùy. Chương trình hôm nay, mời các bạn cùng dõi theo những bước đường đời của kẻ sĩ: “Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông/ Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng/ Lúc bình Tây, cờ đại tướng/ Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.

"Ánh sáng trắng": Ánh sáng của niềm tin và hy vọng 4/11/2020

Một câu chuyện rất dễ kể lại, không có nhiều nhân vật và các tình huống thắt mở nút, mâu thuẫn, cao trào nhưng lại khiến người nghe đồng cảm, bởi giọng kể tự nhiên, chân thật của tác giả. Bà Chín sinh ra trong một gia đình khó khăn, con đông, tía má vất vả kiếm miếng ăn nuôi sống đàn con. Tám anh chị em, đứa được đi học đứa phải nghỉ học. Đến khi trưởng thành, cuộc đời bà cũng đâu có sung sướng gì. Mặc cảm với bản thân, bà ở vậy một mình. Cũng vất vả, đầu tắt mặt tối, chả khi nào ngẩng đầu lên được để mà nhìn trời nhìn đất, nhìn cuộc sống chảy trôi làm sao. Mà đâu chỉ riêng bà Chín, số phận bà cũng là số phận chung của người dân cái ấp nghèo nơi cù lao xa xôi, lạc hậu này. Tưởng rằng, gần cuối đời, cuộc đời bà Chín sẽ chỉ quanh quẩn nơi góc nhà chái bếp với con Na, chẳng bao giờ có điện chỉ để mong được xem cải lương cho đã…Nhưng thật bất ngờ, điện đã được kéo ra tận cù lao-một thứ ánh sáng trắng không còn dành riêng nơi đô thị, nó sẽ lan tỏa khắp vùng quê, cù lao sẽ được thay áo mới, lớp trẻ sẽ không còn vất vả, thiệt thòi như ông, bà của chúng ngày xưa. Chính ánh sáng trắng đã xua đi cái lạc hậu, tối tăm và thắp lên hy vọng đổi đời cho bà Chín cũng như bao phận người thôn quê khác (Lời bình của BTV Vũ Hà)

'Lời páo dung trong sương

'Lời páo dung trong sương": Những xót xa phận người 2/11/2020

Vắn gọn nhưng cô đọng, “Lời páo dung trong sương” thu hút người đọc từ những dòng đầu tiên. Có ai lại hờ hững với những chuyện lạ lùng, có phần li kì, nhất là những chuyện ấy lại là của một người đẹp. Cuộc đời Mùi Tá có nhiều khúc truân chuyên. Nhưng có vẻ tác giả Vi Thị Thu Đạm không mấy bận tâm tới việc nhân vật đã vượt qua những khó khăn như thế nào. Lần Mùi Tá bị bố đánh gẫy chân, không cho đi học, cô chỉ cười. Chuyện gì đã xảy ra trong lần đầu tiên Mùi Tá bỏ nhà bố đẻ hay ba lần rời nhà chồng, tác giả cũng không kể… Chỉ vẻn vẹn trong mấy trang truyện, Mùi Tá – từ khi còn ở tuổi thiếu nữ cho tới khi là góa phụ 19 tuổi, đem đến cho người đọc nhiều câu hỏi “tại sao?”, “vì đâu” nhưng đều không nhận được câu trả lời rõ ràng. Những điều chi tiết cụ thể trong cuộc đời cô gái dường như cũng bị sương mù trên đỉnh Sơn Mẫu che phủ, nhưng dẫu vậy cũng đủ để người ta thấy xót thương. Cuộc đời của Mùi Tá đã sớm chịu cảnh bỏ học giữa chừng, làm vợ, làm mẹ khi còn quá trẻ, và rất có thể, cô đã chịu những giày vò khác trong những lần bỏ bản mà đi. Chồng mất, con thì đã bán, Mùi Tá dường như chẳng còn gì ngoài lời páo dung trong sương. Nhưng ngay cả lời páo dung cũng buồn bã xiết bao: “Không thể không gặp bởi lòng quá nhớ / Chả lẽ để nỗi nhớ trong lòng năm này qua năm khác…” (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Thơ Hải Thanh: Day dứt làng quê

Thơ Hải Thanh: Day dứt làng quê 2/11/2020

Ân tình với quê hương, xứ sở vẫn luôn là ngọn nguồn của những vần thơ day dứt khôn nguôi. Không cứ là xa xứ sẽ viết về quê một cách bồi hồi. Như nhà thơ Hải Thanh, lên phố rồi, chẳng cách làng quê tuổi thơ mình bao xa mà thơ vẫn nặng mang một nỗi nhớ khôn cùng. Để rồi chân đi chốn nào, viết về điều gì, quê hương vẫn thấp thoáng trong thơ anh

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00

Văn nghệ thiếu nhi (đang phát)

13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ