Nói đến nhà thơ, nhà viết kịch, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nhiều người biết ông là tác giả của những vở kịch nổi tiếng như “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Hừng đông”, “Thầy Ba Đợi”, “Ngàn năm mây trắng”…. và hai tập thơ “Về lại triền sông” và “Nhớ thương ở lại”. Ngoài ra, ông còn gánh trên vai nhiều trọng trách với tư cách là một vị lãnh đạo, là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Mặc dù bận rộn với công việc, ông vẫn luôn dành thời gian cho văn chương. Gần đây, ông còn xuất hiện với một vai trò mới – một tiểu thuyết gia với “Chuyện tình Khau Vai” (ra mắt vào năm ngoái) và mới nhất là tiểu thuyết “Hừng đông”, do NXB Văn học ấn hành. Để hiểu thêm về cuốn sách này, chúng ta cùng nghe cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Thế Kỷ với phóng viên chương trình.
Từ bao đời, thời gian nói chung và bốn mùa nói riêng đã là nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ, đã đi vào biết bao tác phẩm thi ca như một chứng nhân không thể thiếu cho những tâm sự, những câu chuyện, những nỗi lòng. Xét trong thi ca Việt từ cổ điển cho đến hiện đại, mùa thu và mùa xuân được đi vào thơ dễ dàng hơn mùa đông và mùa hè, có lẽ một phần lớn bởi cảm giác dễ chịu mà thời tiết mang lại. Mùa đông và mùa hè xem ra có phần khắc nghiệt hơn bởi mùa hè thì quá nóng còn mùa đông lại quá lạnh, thế nhưng điều đó vẫn không cản trở việc hai mùa này đi vào những tác phẩm thi ca. Trước ngưỡng cửa của mùa đông năm nay, chúng tôi muốn gửi tới các quý thính giả một chương trình trò chuyện thơ ca mang tên "Những mùa đông yêu dấu" với hy vọng mùa đông dù rằng lạnh lùng nhưng những bài thơ, câu thơ mùa đông lại có khi giúp sưởi ấm lòng người...
Tưởng nhớ NSND Trần Thị Tuyết, người gắn bó với làn sóng Văn học Nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình tuần này dành một phần thời lượng ôn lại những dư âm của một giọng ngâm thơ được nhiều thế hệ công chúng, thính giả mến mộ. Chúng ta có thể cảm nhận được niềm yêu mến, trân trọng trong niềm thương nỗi nhớ với một trong những giọng ngâm làm nên bản sắc “Tiếng thơ” của Ban Văn học - Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có một thực tế là những người trông coi nhà Thánh thường khiếm khuyết về thể chất, hoặc là ngoại hình xấu xí hoặc là thiếu khuyết một vài giác quan như nghe, nói, nhìn… có thể khi thiếu khuyết con người ta cần đến chốn thần linh để nương nhờ, tựa bám mà sinh tồn cũng có thể vì thiếu khuyết mà người ta được bù trừ những khả năng khác biệt. Cô Trinh trong truyện ngắn “Tiếng chuông đền Diềm” thiếu khuyết cả nhan sắc, ánh nhìn, giọng nói, nhưng bù lại, cô có niềm tin và sự tôn thờ tột bậc với Đức Ông và người dân làng Diềm. Với cô, việc phụng sự Đức Ông, giúp Đức Ông vỗ về che chở sự bình yên cho người dân làng Diềm là bổn phận, là thiên mệnh, là tất cả ý nghĩa đời sống của cô trên trần gian. Bởi vậy mà cô dành tất cả tình yêu thương trong sáng và trái tim tận hiến để chăm chút ngôi đền, giữ gìn bài thuốc quý gia truyền để chữa bệnh về thể chất cho dân làng Diềm, nâng niu an ủi những tâm hồn người bấy bớt giúp họ vượt qua ngang trái đời thường. Cũng bởi trái tim tinh nhạy ấy mà cô Trinh nhìn được rõ nét một vài khoảnh khắc đặc biệt của con người, khi họ tột cùng đau khổ, tột cùng trong sáng, tột cùng yêu thương. Cũng bởi trái tim thánh thiện chỉ biết yêu thương tận hiến, chỉ biết cho mà chưa bao giờ được nhận, nên Trinh không nhìn được những lừa lọc dối trá những cám dỗ ma mị của dục vọng để rồi bị cuốn vào vòng xoáy của tiếng sét ái tình. Biết mình đang bị cuốn trong dòng nước xiết của những đòi hỏi bản năng đàn bà, Trinh một lần nữa lại dựa vào Đức Ông, dựa vào trời đất núi sông và người dân làng Diềm mà vượt thoát. Trong cuộc vượt thoát ấy, Trinh nhận ra cả phần xác và phần hồn của làng Diềm cũng cần được cứu rỗi. Cô thỉnh tiếng chuông kêu cứu. Tiếng chuông đền Diềm chỉ vang lên khi làng có việc trọng. Nhưng từ khi đỉnh núi Móc có ngôi chùa lớn, tiếng chuông trên đỉnh núi vang lên hàng ngày để các đoàn khách hành hương gửi lời thỉnh cầu đến cao xanh. Tiếng chuông kêu càng nhiều, chứng tỏ khách càng đông, người làng Diềm càng có cơ hội làm giàu. Bởi vậy không còn mấy người trong làng phân biệt được tiếng chuông đền Diềm và tiếng chuông trên đỉnh núi Móc nữa. Giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những bộ gen quan trọng làm nên hình ảnh riêng biệt của quốc gia, dân tộc trong thời đại thế giới phẳng. Song trong điều kiện mở cửa, hội nhập và phát triển hiện nay, đặc biệt, dưới tác động nhiều chiều của nền kinh tế thị trường, việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống không dễ dàng gì. Truyện ngắn “Tiếng chuông đền Diềm” là sự trăn trở về những được - mất trong quá trình vươn lên làm giàu bằng du lịch tâm linh ở một làng quê nghèo, cũng là tiếng chuông thỉnh gọi những tấm lòng biết hiểu, biết yêu, biết giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong thế giới đa diện hôm nay...(Lời bình của BTV Vân Khánh)
Nhà văn xứ Thanh Lê Ngọc Minh-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, ngoài sáng tác kịch bản phim, anh còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và lý luận phê bình. Lê Ngọc Minh được đánh giá là cây bút với những truyện ngắn mang hơi thở dồn dập của đời sống hiện đại. Tuy vậy, những truyện ngắn để lại dấu ấn trong lòng người đọc người nghe hơn cả là những truyện anh viết về quá khứ, về kỷ niệm thuở học trò, về thầy giáo, bạn học cũ…những câu chuyện đó giản dị nhưng giàu tính nhân văn. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn một sáng tác như thế của nhà văn Lê Ngọc Minh. Đó là truyện ngắn "Thợ cả"
Từ những năm nhân dân ta kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “Truyện Kiều” đã được dịch sang tiếng Rumani. Căn cứ chủ yếu trên bản dịch tiếng Pháp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, dịch giả Radu Moureanu (Ra- đu Mô – rê – a – nu) đã đặt tâm huyết vào việc chuyển ngữ kiệt tác văn học của nước ta. Bản dịch do Nhà xuất bản văn học thế giới của Rumani ấn hành được xem là một động thái thể hiện tình hữu nghị, nhưng cũng rất kỳ công, thể hiện trình độ, cảm thụ của dịch giả. Trao đổi giữa BTV Võ Hà và PGS.TS Nguyễn Văn Dân lật lại bối cảnh lịch sử và hình thức thể hiện của bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Rumani...
Ngay từ nhan đề “Gót đỏ chân son”, nhà văn Trần Chiến đã thu hút sự chú ý của độc giả, trước hết là bởi sự ấn tượng của hình ảnh, sau là vì nó gợi nhớ những câu ca: “Còn cha gót đỏ như son – Đến khi cha thác gót con đen sì – Còn cha nhiều kẻ yêu vì – Đến khi cha thác ai thì thương con”. Viết về Sơn – một cậu bé mồ côi cha, nhà văn Trần Chiến không chọn một cách kể khiến người ta phải sụt sùi thương xót ngay từ đầu, mà lại chọn giọng kể tưng tửng từ ngôi thứ nhất. Sơn có thân phận như bao đứa trẻ khác lớn lên từ làng, bỏ học, rồi nhanh chóng nhập vào đội quân lên thành phố làm thuê. Năm năm tháng tháng, mơ ước đổi đời nơi phố thị vẫn còn, nhưng cũng đã lấm lem những cay đắng thị thành… Qua con mắt của một đứa trẻ, hành trình đi từ xóm “liều”, khu trọ “đen”… rồi “khách sạn” Xa mẹ được Sơn kể lại một cách hồn nhiên. Câu chuyện cuộc đời của nhiều người khác cũng thấp thoáng trong hành trình ấy. Có chú Hệ bị quỵt tiền đi xuất khẩu lao động, chuyện các bà ô-sin, dân lao động tụ tập nói đủ thứ chuyện không hiểu nổi về thành phố… “Gót đỏ chân son” trước hết là câu chuyện về thân phận của một người quê lưu lạc phố phường; sau có thể coi là chân dung phố thị qua mắt của người ở quê ra – một bức chân dung mà nét hào hoa đã dần nhường chỗ cho những góc còn khuất lấp, rằng phố thị hoa lệ nhưng là hoa cho người giàu còn lệ cho người nghèo. “Gót đỏ chân son” kết lại trong những suy nghĩ vẩn vơ của Sơn. Còn quê đấy, nhưng về quê thì làm gì? Chừng nào câu chuyện việc làm ở làng quê vẫn còn là một câu hỏi, thì chừng ấy chúng ta vẫn còn những người như Sơn, như chú Hệ, vất vưởng mưu sinh nơi phố thị, biết bao giờ mới được “gót đỏ chân son”? (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Nếu chỉ một lần tới ngó nhìn những cánh rừng già mải miết dọc dài sông Giăng, viết làm sao nổi câu chuyện không dứt, không nguôi ngoai hồng hoang, huyền hoặc. Tác giả Hữu Vi chia sẻ rằng đúng là “Khánh bạc leng keng” mượn khung cảnh quê hương của anh, miền núi xứ Nghệ nơi người ta đã và vẫn còn sinh nhai bằng nghề săn thú rừng. Nơi đó, thiên nhiên không chỉ là môi trường sống mà với người bản địa còn là tâm linh. Khánh bạc leng keng hay là thứ âm thanh nhắc nhủ lay động lòng người. Chuyện như được kể từ thời xa lắm. Cái thời mà đôi khánh bạc trai gái trao lời ước hẹn, thời truy vượn, tìm gấu, săn hổ, săn nai. Thời thao thiết rưng rưng câu chuyện người rừng bơ bơ, lạc lối. “Khánh bạc leng keng” kể chuyện bằng nhịp tâm trạng, mà điệu thê lương, tăm tối, mịt mùng xâm lấn, bao phủ đôi khi như muốn nhấc bổng cả ý tưởng giản đơn của tác giả lúc ban đầu vì anh chỉ muốn gửi gắm một điều rằng chính những người miền núi cũng đang băn khoăn không biết nên ứng xử thế nào để hài hòa với thiên nhiên mà không làm hại đến điều mà với họ rất đỗi thiêng liêng. Tình yêu và ẩn ức. Hồi kết nào của cuộc săn, sau tàn sát chắc gì đã ngây ngất mãi niềm vui sướng của kẻ thắng? Tác giả Hữu Vi không một lời lên án bàn tay đã bấm cò lên khẩu súng săn. Thế nhưng rõ ràng chúng ta đã đọc được rơm rớm niềm đau trong những yếu ớt, lặng câm, gục ngã cầm thú. Người viết và cả chúng ta đã cảm nhận được rằng những con thú cũng có trái tim, cũng biết quẫy đạp cầu cứu trong vô vọng. Và như những vết cứa từ lời cảnh tỉnh vang lên trong tiếng khánh bạc leng keng…(Lời bình của BTV Võ Hà)
Đến nay, theo thống kê khá đầy đủ, đã có trên 30 bản dịch “Truyện Kiều” ra ngót 20 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn và Trung văn, các bản dịch tiếng Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungari, Rumani, Hàn Quốc, v.v… Các học giả quốc tế đều đồng thanh ca ngợi “Truyện Kiều” là tác phẩm xứng đáng nhất của nền thơ cổ điển Việt Nam và Nguyễn Du là nhà thơ lớn có một không hai của dân tộc. Tại Thư viện Anh quốc hiện vẫn còn lưu giữ bản “Kim Vân Kiều tân truyện” gồm cả phần lời và phần tranh vẽ minh họa được cho là của tác giả thời Nguyễn...(Tìm trong kho báu phát 03/12/2020
“Kìa núi nọ phau phau mây trắng/ Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi/ Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” – Đó là những câu trong “Bài ca ngất ngưởng” được xem như một bức tự họa về phong cách sống của nhà thơ Nguyễn Công Trứ. Nếu không ngất ngưởng, đa tình, dễ gì cụ Thượng Trứ đã có những bài thơ để đời, để hậu thế hôm nay còn gật gù, nắc nỏm, ngâm nga...(Tìm trong kho báu phát 30/11/2020)
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 đã bế mạc, song vẫn còn để lại những dư âm trong lòng người sáng tác cũng như công chúng bạn đọc. Chúng ta cùng ôn lại những tâm tư của các nhà thơ là đại biểu tham dự Đại hội qua sáng tác và góc nhìn về thơ hôm nay...(Tiếng thơ 29/11/2020)
Người đọc, người nghe nhiều lúc phải bật cười trước câu chuyện của anh chàng Đặng Thành Thật. Trước khi lên đường thực hiện 18 tháng nghĩa vụ quân sự, Đỗ Thành Thật được nhiều kinh nghiệm quý khi ngủ với ông nội. Đỗ Thành Thật sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng khi ông nội là lính chống thực dân Pháp và cha là lính đặc công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng cũng như phần lớn các chàng trai sinh ra trong thời bình, việc nhập ngũ, trở thành người lính là công việc rất mới mẻ, lạ lẫm. Đời người lính xưa được ông nội của Thật kể lại rất sinh động, giàu cảm xúc. Đó là cuộc sống với những buồn vui, vất vả, hi sinh cùng nhiều kỉ niệm đặc biệt như việc ông nội bị ghẻ như thế nào rồi cha của Thật hi sinh khi phá bom mình của địch. Cuộc sống và chiến đấu của người lính xưa hiện lên trước mắt chúng ta như một bức tranh nhiều màu sắc. Câu chuyện ông nội kể khiến Đỗ Thành Thật háo hức, chờ đón quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự sắp tới. Và khi trở thành anh lính trẻ, Thật không đối mặt với quân địch như cha, như ông mà phải thực hiện kỉ luật quân đội, rèn luyện sinh hoạt, kĩ năng người lính. Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, Thật học được nhiều tính tốt như kỉ luật, tự giác, kiên trì. Chỉ 18 tháng thôi nhưng quân đội đã rèn rũa chàng thanh niên trẻ trưởng thành hơn nhiều. Truyện ngắn được kể với giọng lính trẻ tếu táo tự nhiên hóm hỉnh có nhiều chi tiết đời thường, giọng điệu kiểu “chuyện kể ở đại đội” hay “chuyện kể của lính” thể hiện cuộc sống người lính xưa và nay trong việc rèn luyện, chiến đấu. Cuộc sống của người lính hôm nay tuy có nhiều khác biệt so với cha ông nhưng những phẩm chất tốt đẹp vẫn được lưu giữ. Việc trở thành người lính bảo vệ quê hương vẫn luôn là trách nhiệm và niềm tự hào của thế hệ thanh nhiên hôm nay.
Vấn đề được đặt ra trong truyện ngắn “Thằng chăn vịt” vẫn là nỗi trăn trở về việc làm. Không phải làng Việt nào cũng có một ngành nghề truyền thống để có thể phát triển. Ở những ngôi làng thuần nông, người nông dân quanh năm phải sống với việc chăn nuôi và đồng ruộng. Cả hai việc này đều rất vất vả, thu nhập lại bấp bênh. Chính vì vậy, tư tưởng phải thoát khỏi làng để đổi thay cuộc sống đã manh nha xuất hiện, đặc biệt ở lớp trẻ. Thêm nữa, khi các nhà máy, công xưởng mọc lên ở nông thôn trong cơ chế đô thị hóa nông thôn thì việc người nông dân bỏ ruộng, ô nhiễm môi trường… trở thành một vấn đề nhức nhối. Trong truyện ngắn này, tác giả đã đề cập đến, tuy mới chỉ bắt đầu nhưng rõ ràng đã có những dự báo không mấy tốt lành. Hình ảnh làng quê của Thịnh và Phúc mà theo cách nói của Phúc là như hình thù một cái bào thai không bao giờ chịu lớn là một chi tiết gợi nhiều suy nghĩ. Liệu rằng làng quê ấy có thoát khỏi sự quẩn quanh, nghèo đói khi mà nông dân bỏ ruộng lên thành phố làm ăn, thanh niên ăn chơi lêu lổng, dự án làm nhà máy chưa thực hiện nhưng đồng ruộng đã bỏ hoang..Tác giả Đặng Ngọc Hưng chia sẻ rằng “Tôi chỉ biết cuộc sống của người nông dân qua góc nhìn hạn hẹp của người đứng ngoài nhìn vào, từ xa nhìn lại. Tôi không dám phán xét mà chỉ mô tả lại những sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới và ít nhiều suy nghĩ”. Vâng, điều mà tác giả bày tỏ cũng là điều mà người đọc, người nghe đặt ra những câu hỏi về sự đổi thay này khi mà cuộc sống ở nông thôn đang chuyển mình chật vật và nhiều biến động… (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Câu chuyện mang đến cho mỗi chúng ta cảm giác thân thuộc gần gũi bởi dường như mỗi làng quê Việt qua tầng tầng thế hệ luôn ẩn chứa vô vàn những câu chuyện (cổ xưa cũng có hiện tại cũng có) để người làng có thể truyền tụng, bàn tán, kể cho nhau nghe. Trong những câu chuyện đó dĩ nhiên không thể thiếu những nhân vật mang tính huyền thoại, đời sống riêng tư có phần khác lạ, không chỉ nhuốm màu sắc kỳ bí mà thậm chí còn mang tính ma mị, giật gân, gây tò mò…..Trong đó không biết có phải một phần cũng để dọa con trẻ hay không nữa? Nhân vật bà Miên trong truyện ngắn “Gốc đề” được nhà văn Hoàng Anh Tuấn kể cũng là một nhân vật như thế trong mắt của hai đứa trẻ Việt – Hưởng. Người như bà Miên được xây dựng nửa khôn nửa dại, nửa điên nửa tỉnh, nửa âm nửa dương, khác thường lập dị. Những người như bà đa phần sống cô độc, dễ bị người xung quanh hiểu sai, xa lánh, là đối tượng của đám trẻ con tò mò, vừa sợ hãi lại vừa thích trêu chọc. Sư thật về cuộc đời bà Miên chỉ được mở ra khi có lời kể của bà nội Hưởng. Vậy ra bà lại là một thân phận bé mọn, đáng thương, bị cuộc đời xô đẩy, sống lặng lẽ, chịu nhiều thiệt thòi. Một kiếp người không được chính danh, thực chất bà Miên là Mẹ Việt Nam Anh hùng có hai người con trai hy sinh vì tổ quốc.
Câu chuyện trở nên có ý nghĩa khi tác giả chọn giọng kể, góc quan sát là những người trẻ, Việt – Hưởng . Vậy ra những đứa trẻ đâu thờ ơ với quá khứ. Họ cần phải được biết về gốc rễ, quá khứ để gắn bó hơn với quê hương, với những người xung quanh, với hiện tại. Một kết truyện đầy nhân văn...(Lời bình của BTV Tuyết Mai)