"Một tâm hồn hiu quạnh": Câu chuyện cuộc đời của người viết văn7/1/2021

Truyện ngắn “Một tâm hồn hiu quạnh” kể về cuộc đời của ông Nhàn – một người đàn ông khắc khổ, nhiều nỗi niềm thời cuộc đi viết văn. Cõ lẽ bao nhiêu chồng chất tâm sự, uất nghẹn, đau đớn, than phiền… về số phận, về những mảnh đời, cả những vấn đề đau xót, nhức nhối, mặt trái của xã hội đều được ông đưa vào trang sách. Viết văn với ông Nhàn là một nhu cầu được giải tỏa, được chia sẻ và đồng điệu. Ông không mong chờ vào sự tán dương và nổi tiếng nhưng những điều ông viết ra lại được công chúng đón nhận. Tuy có những ý kiến trái chiều của các nhà phê bình cùng thời đã khiến ông đôi lần lao đao. Nhìn sâu vào tác phẩm chúng ta thấy rằng, chính cuộc đời của ông mới thực sự là một bi kịch, đứa con trai duy nhất của ông ăn chơi lêu lổng, tham gia vào nhóm ăn cướp và bị giết khi còn quá trẻ. Hai vợ chồng già sống dựa vào nhau. Có nỗi buồn đau nào hơn thế. Ông Nhàn đã sống những năm tháng tuổi già trong hiu quạnh, cô đơn. Ông viết văn về cuộc đời, về những số phận cay đắng và đen tối. Cuộc đời của ông, số phận ông là một trang đời bất hạnh mà không một trang văn nào tả được. Câu chuyện về ông Nhàn đã khiến chúng ta suy ngẫm rất nhiều về những mảnh đời, họ ở quanh chúng ta thôi, đầy những nỗi niềm buồn đau, day dứt về đời sống vốn đã quá nhiều trắc ẩn. Chuyện như một tiếng thở dài về kiếp người, như một câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng về phận người nhiều đau đớn và bất hạnh…

Nguyễn Việt Chiến: Hồn thơ xứ Đoài

Nguyễn Việt Chiến: Hồn thơ xứ Đoài 7/1/2021

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh ngày 8 tháng 10 năm 1952 tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Ông vào bộ đội năm 1970, xuất ngũ năm 1974 rồi tốt nghiệp đại học ngành địa chất. Từ năm 1990 chuyển sang viết báo, làm phóng viên tại báo Thanh niên từ năm 1992. Kể từ 1992 đến nay, Nguyễn Việt Chiến đã xuất bản tất cả 9 tập thơ: Mưa lúc không giờ, Ngọn sóng thời gian, Cỏ trên đất, Những con ngựa đêm, Trăng và thơ đọc chậm, Hoa hồng không vỡ, Tổ quốc nhìn từ biển, Trường ca Biển và tập gần đây nhất Thi giác và ảo giác (2020). Cũng vừa qua, tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vừa nhận giải thưởng Tôn vinh của Hội nhà văn Việt Nam cho các tác phẩm về đề tài biên giới hải đảo giai đoạn 1975 đến nay. Nhân dịp này, chương trình Đôi bạn văn chương muốn thực hiện một cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để nhìn lại một hành trình thơ Nguyễn Việt Chiến.

Nghệ thuật lục bát

Nghệ thuật lục bát "Truyện Kiều" 6/1/2021

Càng đi sâu vào sự phát triển của dòng thơ Nôm dân tộc, chúng ta càng thấy được những biến thể cũng như trưởng thành theo hướng đa dạng, hiện đại, tinh tuyển. Thật đáng tôn vinh di sản thơ Nôm của những tác giả tầm cỡ như vua Trần Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, Đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương; Và cũng thật tự hào với những thành quả về mặt thể tài, thể loại trong kho tàng văn học chúng ta như sự sáng tạo đổi mới trong thể thơ Đường luật, song thất lục bát, sự ra đời và thăng hoa của hát nói, thể thơ lục bát chắp cánh cho những truyện thơ đã trở thành món ăn tinh thần của người bình dân nhiều đời nay.

"Gió rừng": Thủ thỉ câu chuyện ngàn năm 5/1/2021

Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm của nhà văn Đức Ban. Khi là ánh lửa mờ ảo, tán cây nhập nhoạng, cái lò gạch hoang tàn, lúc thì người đàn bà hát ca điên dại, hay tiếng vọng bên sông...Ở truyện ngắn này là không gian có phần kỳ ảo của hồ Ngàn Huội, của ngôi nhà thờ cụ Phan và tiếng hát của lão Xín hòa trong tiếng gió rừng. Không khí huyền hoặc, đượm màu liêu trai tạo một bối cảnh mờ sương hư hư thực thực, cuốn hút người đọc người nghe. Tuy nhiên, bối cảnh chỉ làm nền cho câu chuyện và làm nổi bật tính cách nhân vật, từ đó nhà văn gửi gắm thông điệp. Hóa ra di sản văn hóa không chỉ là những thứ ta nhìn thấy, sờ thấy và cầm nắm mà nó còn tồn tại trong nếp sinh hoạt hàng ngày, trong lời ăn tiếng nói, trong phong tục tập quán của người dân (mà lão Xín-người dân tộc Chứt là đại diện tiêu biểu). Chi tiết lão Xín nhìn thấy hai cái đầu người áp lên nhau, giẻ xương sườn đan vào nhau; cánh tay, cẳng chân khoèo vào nhau ở dưới đáy hồ mà nhân vật “Tôi” không nhìn thấy là chi tiết gợi nhiều liên tưởng. Rằng chỉ những ai thực sự trân trọng giá trị truyền thống gia đình, quê hương mới có thể nhìn thấy. Rằng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, hãy làm việc với một cái tâm, đồng cảm đồng điệu với người dân-những người đang gìn gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc...(Lời bình của BTV Vũ Hà)

“Người bắt ruồi tài nhất quả đất

“Người bắt ruồi tài nhất quả đất": Kể câu chuyện nông thôn hôm qua 5/1/2021

Ban đầu, ngay từ nhan đề, “Người bắt ruồi tài nhất quả đất” dễ khiến người ta liên tưởng tới một câu chuyện cổ tích, rằng đằng sau một tài năng đặc biệt sẽ là cả một chuyến phiêu lưu kì thú hoặc một chiến công lẫy lừng. Nhưng không. “Người bắt ruồi tài nhất quả đất” lại viết về dì Lựu, một người đàn bà cô đơn, từ lúc trẻ tới khi trở thành một bà già đều nổi danh với tài bắt ruồi. Cuộc đời dì không có cuộc phiêu lưu kì thú nào cả, càng không có một chiến tích lẫy lừng. Dì, sau tất cả, chỉ là một người không may mắn trong tình duyên, và có lẽ cả trong cuộc sống đời thường. Bằng một giọng văn hài hước, nhà văn Nguyễn Hiếu dường như không muốn “khía sâu” vào những đắng cay buồn tủi của dì Lựu. Ông có vẻ tập trung vào việc kể những câu chuyện nông thôn, vốn được đan cài trong cuộc đời dì. Chẳng hạn, câu chuyện thu thuế, buôn tem phiếu ngày trước hay chuyện giữ vệ sinh làng xã ngày nay… Những điều này có khi xuất hiện rõ nét, cũng có khi thấp thoáng trong truyện ngắn nhưng ít nhiều giúp được người đọc hình dung về nông thôn hôm qua và hôm nay trong đổi thay của đời người lẫn thời cuộc. Giống như câu chuyện tem phiếu hay tài bắt ruồi của dì Lựu, nông thôn ngày cũ đang dần biến mất. Nhưng một nông thôn mới – mà nói theo ngôn ngữ của nhà văn Nguyễn Hiếu là “ít ruồi hẳn, không biết nó đi đâu” cũng dần được hình thành với đủ những vấn đề cũ mới đan xen… Và để nói tiếp về làng xã ấy, những con người ấy, chúng ta lại tiếp tục chờ đón những tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Hiếu chăng? (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

"Đong đếm một mùa thơ" 30/12/2020

Năm nào cũng vậy, những sáng tác và gương mặt thơ luôn đóng vai trò quan trọng trong hình ảnh phản chiếu diện mạo của nền văn học. Năm vừa qua, chất lượng thơ nước ta được đánh giá có những khởi sắc và chuyển biến rõ rệt. Dẫu chưa thật rộ mùa trái ngọt nhưng những thành quả thơ thu hái được năm vừa qua cũng đã phần nào làm ấm lòng những người còn tha thiết ân tình với ngôn từ chưng cất từ rung động của tâm hồn...

Thơ Nôm vịnh cảnh mùa đông

Thơ Nôm vịnh cảnh mùa đông 30/12/2020

Những ngày giá rét này, chúng ta cùng nghe và ngẫm lại ý tình trong những áng thơ Nôm vịnh cảnh mùa đông. Cũng từ đó để thấy rằng các thi nhân xưa không chỉ tinh tế, nhạy cảm với chuyển động của đất trời mà qua đó còn thể hiện bản lĩnh, cốt cách, gửi gắm nỗi lòng với cuộc đời, với nhân sinh...

"Người trong mưa lũ": Sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ 28/12/2020

Tôi thực sự xúc động khi đọc truyện ngắn “Người trong mưa lũ” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Và chắc chắn nhiều người đọc, người nghe câu chuyện này cũng có cảm nhận như tôi. Một câu chuyện gay cấn, hồi hộp khi kể lại quá trình đi đỡ đẻ của người bác sĩ quân y trong cơn lũ. Dù thời tiết khắc nghiệt, phương tiện thiếu thốn đủ bề nhưng nghe tin có người phụ nữ “vượt cạn” là anh lập tức lên đường. Trên đường đi nhân vật bác sĩ quân y gặp nạn khi chiếc mủng của anh bị thủng. Trong cảnh trời nước mênh mông, anh phải bám víu vào mấy cây tre để không bị nước lũ cuốn đi. Anh hy vọng rồi thất vọng khi người đàn ông bơi mủng ngang qua không cứu giúp. Nhưng rồi đồng đội của anh đến kịp thời đưa anh đi đỡ đẻ cho người phụ nữ. Một câu chuyện rất nhiều tình huống, chi tiết hồi hộp, căng thẳng và ẩn chứa nhiều cảm xúc con người. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, con người phải đối mặt với sự sống và cái chết, giữa cái chung và cái riêng. Bình thường anh cu Nhắng có lẽ cùng là người tốt nhưng trong hoàn cảnh mưa lũ như thế anh từ chối cứu bác sĩ quân y để về với người vợ đang đau đẻ của mình. Chúng ta cũng khó trách được nhân vật anh cu Nhắng khi anh cũng vì gia đình của mình. Còn với người chiến sĩ lực lượng vũ trang thì các anh luôn có ý thức vượt khó, vượt gian khổ vì người dân. Dù cả đêm chịu mưa lũ đến tím tái cả người nhưng khi nghe thông tin có người dân gặp nạn là các anh lao xuồng đi cứu giúp ngay. Truyện ngắn có những chi tiết sẽ ám ảnh người đọc, người nghe như hình ảnh đàn vịt câm lặng đứng trên xác con trâu chết hay hình ảnh anh cu Nhắng vừa bơi mủng đi vừa vái lạy tạ lỗi. Hình ảnh bốn người cầm bốn góc ni-lông che chắn người phụ nữ sinh con trong cơn mưa lũ cũng rất đắt giá. Nó thể hiện sự đoàn kết, tình quân dân vượt qua khắc nghiệt của thiên tai. Cũng rất tình cờ và trớ trêu khi người phụ nữ được cứu giúp lại chính là vợ của anh cu Nhắng. Một truyện ngắn xúc động tô đẹp hình tượng của người chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như phản ánh được khó khăn của người dân đang khó khăn, khổ cực trong vùng lũ...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Chí đại dương: Giấc mơ chinh phục đại dương

Chí đại dương: Giấc mơ chinh phục đại dương 28/12/2020

Truyện ngắn “Chí đại dương” kể cho chúng ta nghe về Kình, một ngư dân táo bạo, bản lĩnh và gan dạ. Kình bám biển bằng mọi giá, dẫu bị thương nặng sau vụ tai nạn trên biển, Kình vẫn nhất quyết bám biển để sinh tồn. Cuộc sống của Kình gặp nhiều sóng gió, thử thách nhưng anh không bao giờ khuất phục. Trận bão kinh hoàng năm ấy tưởng đã nhấn chìm Kình xuống đại dương nhưng anh vẫn sống sót, từ tỉ phú về nghề làm nước mắm và nuôi cá, Kình trắng tay. Thế nhưng, với bản lĩnh kiên cường và có phần lì lợm, táo bạo, Kình làm lại từ đầu. Không ai nghĩ rằng, một người đàn ông ngư dân què quặt như Kình lại có thể làm những điều phi thường như thế. Xưởng nước mắm nức tiếng cả một vùng, rồi lan rộng khắp cả nước của vợ chồng Kình được xây dựng từ bộ óc sáng tạo, từ ý chí và bản lĩnh, quyết tâm của Kình. Giấc mơ làm giàu chính đáng trên vùng biển quê hương đã giúp Kình vượt qua mọi sóng gió, thử thách. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy tập trung xây dựng nhân vật thông qua diễn tiến câu chuyện, để nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất qua lời nói, hành động. Chúng ta nghe cách nói của Kình với vợ con, với khách lạ rất phớt lờ, có phần hơi cộc cằn, thế nhưng, đằng sau đó là một con người có chí lớn, dám nghĩ dám làm. Kình muốn các con mình phải biết nuôi ý chí chinh phục đại dương. “Kình sẽ kiên định với kế hoạch của mình. Hải trình vươn khơi dở dang của cha ông phải được thằng Kiếm tiếp nối với một con tàu to, không chỉ chống chọi được bão tố từ trời, mà còn đủ sức đối đầu với những cú đâm húc từ những con tàu nước lớn luôn rắp tâm tranh cướp ngư trường”. Mong cho khát vọng của Kình được thực hiện bởi đứa con mà anh đang kì vọng, đó là giấc mơ lớn vươn xa đến với đại dương, một chí lớn đáng trân trọng. Phải chăng đó cũng là thông điệp mà nhà văn Đỗ Tiến Thụy gửi gắm trong truyện ngắn này…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Truyện Kiều" tiếng Đức 23/12/2020

Những năm quân và dân ta chiến đấu bảo vệ đất nước đánh đuổi đế quốc Mỹ, tại Đức, “Truyện Kiều” đã được vợ chồng nhà khảo cứu kiêm dịch giả Irene và nhà thơ Franz Faber chuyển ngữ. Năm 1964, một năm trước dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, ấn phẩm “Das Mädchen Kiều” đã ra mắt công chúng, bạn đọc nước Đức. Theo Tiến sĩ ngôn ngữ Trương Hồng Quang, sau lần xuất bản đầu tiên và lần tái bản duy nhất năm 1980, “Truyện Kiều” tiếng Đức đã từ lâu tuyệt bản. Nhằm làm sống dậy bản tiếng Đức kỳ công chuyển ngữ kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du, dự án “Truyện Kiều” song ngữ Đức – Việt đã được thực hiện và ra mắt năm 2016.

Chạy ngập: Học cách sống chung với thiên tai

Chạy ngập: Học cách sống chung với thiên tai 23/12/2020

"Chạy ngập" miêu tả cảnh chạy lụt của một vùng dân cư gần bờ sông. Truyện mở ra với nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp, sôi động. Những gia đình bị nước ngập phải di tản đến vị trí cao hơn, cụ thể là cùng nhau chuyển vào phía trong gò, ở nhờ nhà ông nội của Dũng. Bên cạnh đó, mỗi gia đình vẫn phải có người túc trực, canh chừng ở khu nhà ngập để trông coi tài sản, theo dõi diễn biến của dòng nước để còn kịp thời ứng phó. Nhiều gia đình đã bị lũ cuốn trôi mất nhà, như gia đình cô Sinh. Truyện tiếp tục được kể qua ngôi thứ nhất, xưng tôi, của nhân vật Dũng. Trong khó khăn, tình người càng trở nên ấm áp bởi sự đùm bọc giúp đỡ, yêu thương chia sẻ. Trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất dù những bữa cơm ngày chạy lũ thật đơn sơ, thậm chí là phải ăn cơm độn khoai. Có thể thấy, nhà văn Du An đã có những miêu tả rất sống động, chi tiết và thành công về đời sống sinh hoạt của con người trong ngày chạy lũ. Nào là sự náo nhiệt của mỗi bữa cơm khi những đứa trẻ chìa tay chìa bát nhao nhao xin đồ ăn, nào là cảnh ngủ chung líu ríu ở dưới sàn nhà, nào là cảnh nước ăn chân, cảnh bơi thuyền, cảnh di chuyển những bu gà, bu ngan. Một trong những đoạn đặc biệt sống động là phần miêu tả bọn trẻ con đi hái trộm mít do Dũng dẫn đầu. Gần chục quả mít được xơi hết khiến bọn trẻ no căng, bữa tối không thể ăn được cơm nên người lớn dễ dàng phát hiện ra. Bố mẹ của đám trẻ thì ái ngại nhưng ông nội Dũng chỉ cười hiền, không mắng cũng không phạt. Truyện kết thúc bằng hình ảnh Dũng mang sách giáo khoa bị ướt đi phơi để chuẩn bị cho năm học mới. Trải qua bao năm tháng, qua bao cuộc đấu tranh sinh tồn, những con người đã học được cách sống chung với thiên tai và khắc phục thiên tai. Trong lòng họ giữ trọn một trái tim nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ, đồng thời luôn biết hướng về tương lai với nhiều tin yêu và hy vọng. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Đêm vỡ núi: Lời cảnh báo của mẹ thiên nhiên

Đêm vỡ núi: Lời cảnh báo của mẹ thiên nhiên 21/12/2020

Những trận mưa lũ càn quét mấy tỉnh miền Trung hồi tháng 10 vừa qua vẫn là nỗi ám ảnh day dứt không nguôi với nhiều người, nhất là với những ai trong cuộc đời đã từng trực tiếp chứng kiến. Nỗi ám ảnh gợi nhớ ký ức, kỷ niệm về những trận mưa lũ khủng khiếp đi qua trong đời. Thế hệ này kế tiếp thế hệ sau, năm này nối tiếp năm sau. Đến hẹn mưa lũ lại về, lâu lâu lại có những trận lũ thảm họa, kinh hoàng. Nhân vật tôi – người kể chuyện là một nhà báo đã tái hiện lại trận lũ xảy ra cách nay đã 20 năm tại xã Dú Tiên. Như bao trận lũ khác sự giống nhau ở tính chất bất ngờ, đầy tai ương và sức tàn phá, hậu quả để lại khốc liệt. Truyện ngắn “Đêm vỡ núi” của nhà văn Nguyễn Trần Bé mang đậm chất ký sự vì cách kể chuyện đậm chất báo chí, lối hành văn mang tính trần thuật một cách kỹ càng trung thực, đậm tính thời sự và hướng đến cả vấn đề nóng, mới của ngày hôm nay. Đó là lũ lụt ngày càng là mối đe dọa là thảm họa thường trực của con người. Sau hai mươi năm, thiên tai này không hề suy giảm mà có phần tăng, mức độ trầm trọng hơn. Nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng lũ quét sạt lở đất cũng được nhà văn, thông qua nhân vật khéo léo lý giải. Đó là do nạn phá rừng và xây dựng thủy điện một cách tùy tiện. Nhân vật Tài Học, Tài Vinh đã nhìn ra và khắc phục bằng cách trồng rừng, và ngăn chặn việc xây dựng thủy điện. Nhân vật của truyện được tác giả xây dựng như một chân dung báo chí, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Tuy nhiên có lẽ nhà văn chưa đi đến tận cùng của sự lý giải nguyên nhân. Sự phá rừng ở đây là rừng nguyên sinh. Mà cho dù chúng ta có trồng cây gây rừng thì đến hàng trăm năm, may ra mới có được thứ rừng nguyên sinh đã tàn phá vì rừng nguyên sinh là thứ rừng nhiều tầng, nhiều thảm thực vật cùng sinh sống, thứ cây cổ thụ bám rễ sâu mới giữ được đất chứ không phải thứ cây trồng mươi năm lại khai thác. Nếu chúng ta cứ tiếp tục phá rừng nguyên sinh rồi yên tâm là vẫn duy trì phong trào “trồng cây gây rừng” để bù vào thì có lẽ người dân sẽ vẫn mãi mãi chịu cảnh lũ lụt lũ quét mà thôi. Giá như nhà văn đi sâu tận cùng sự lý giải điều này thì có lẽ truyện sẽ sâu và có sức truyền cảm nhiều hơn. (Lời bình của BTV Lê Tuyết Mai)

Thơ Nguyễn Hồng Hải và những cảm xúc

Thơ Nguyễn Hồng Hải và những cảm xúc "Không đề" 21/12/2020

Một khi đã trót làm thơ, có duyên còn trở lại và khó dứt được thơ. Bao lâu nay rồi, điều ấy không chỉ xảy đến với riêng tác giả Nguyễn Hồng Hải. Xuất thân sinh viên Văn khoa Tổng hợp, làm thơ từ thưở đôi mươi, 21 tuổi Nguyễn Hồng Hải đã có tập thơ đầu tay “Lời yêu của đá” được giới sinh viên ngày ấy chuyền tay nhau. Tận 18 năm sau ngày ấy, anh mới lại in tập thơ thứ hai – “Mùa ban mai”. Và mới đây là tập “Vườn của mẹ” dày dặn 58 bài thơ kèm một Tuyển tập 81 bài.

Đêm lũ mưa: Cuộc sống người dân vùng lũ

Đêm lũ mưa: Cuộc sống người dân vùng lũ 18/12/2020

Truyện ngắn “Đêm lũ mưa” được nhà văn Sương Nguyệt Minh viết sống động như một trang phóng sự với nhiều hình ảnh, sự kiện khi nhân vật tôi là nhà báo, nhà văn đi cứu trợ người dân vùng lũ. Nhưng không vì thế mà câu chuyện thiếu đi những yếu tố nghệ thuật. Tác giả đã chú trọng xây dựng các tình tiết câu chuyện, sự kiện và nhân vật đáng nhớ. Là người đi cứu hộ dân bị lũ tại Tà Rông nhưng nhân vật tôi gặp tình huống khó xử khi bị bắt làm con tin. Trong cơn cùng quẫn không lối thoát khi bị kẹt lại trên đồi Mâm Xôi thì người dân bám vào ý nghĩ giữ anh lại thì trực thăng cứu hộ chắc chắn sẽ quay lại. Khi đồi Mâm Xôi bị xói mòn từng giờ, từng phút là lúc nào cũng có thể biến mất trong biển nước thì nhân vật trở thành chiếc phao cứu sinh để người ta hi vọng sống sốt. Trong đêm mưa lũ đó, nhân vật được chứng kiến những mặt sáng tối của con người. Trong khi già làng, bà Sơ cùng người đàn bà câm cưu mang nhau qua hoạn nạn thì gã thợ sơn tràng lúc nào cũng chỉ nghĩ tới bản thân. Câu chuyện được kể đan xen những tình tiết và cảm xúc. Từ chỗ tức giận khi bỗng bị người dân bắt làm con tin, nhân vật thương cảm cho tình cảnh của họ, anh sợ hãi khi bị gã sơn tràng gây nguy hiểm, anh liều mình cứu người thoát nạn… Chỉ một đêm thôi mà nhân vật đã trải qua biết bao cảm xúc thăng trầm. Vậy thì những con người bị kẹt lại hàng tuần, hàng tháng trong vùng lũ sẽ trải qua những biến động to lớn như thế nào trước mất mát và đói rét. Đó cũng là điều khiến người đọc, người nghe phải suy ngẫm. Có những chi tiết xúc động như việc người đàn bà câm cửi chiếc áo phao duy nhất vứt xuống nước lũ để cứu gã đàn ông đã bỏ mọi người chạy trốn một mình. Câu chuyện có cái kết ấm lòng khi gã sơn tràng lấy người phụ nữ câm làm vợ. Truyện ngắn giàu hình ảnh, sự kiện, chị tiết sinh động giúp người đọc, người nghe hiểu được phần nào cuộc sống của những người dân đã và đang chịu thiên tai lũ lụt...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Truyện Kiều" ở Nhật Bản 17/12/2020

Nhật Bản vốn là một đất nước có nền văn hóa lâu đời cũng như những di sản văn học tầm cỡ, thế nhưng khi tiếp xúc với văn bản tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du của nước ta, từ giới trí thức đến người bình dân xứ mặt trời mọc các thời kỳ đều ngạc nhiên và ấn tượng. Đó là khởi nguồn để ra đời những bản dịch tác phẩm “Truyện Kiều” sang tiếng Nhật Bản. Những trao đổi giữa BTV chương trình với PSG.TS Đoàn Lê Giang ngay sau đây khẳng định vị thế của kiệt tác văn học nước ta không chỉ gói gọn trong vùng lãnh thổ...

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00

Văn nghệ thiếu nhi (đang phát)

13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ