Tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai tiếp tục bước vào những diễn biến quan trọng. Tộc trưởng Vương Vần Sáng ngăn cản Út lấy Ba và quyết định mở tiệc đón khách kén rể, nhưng Út đã bỏ trốn từ nừa đêm trước đó. Một nhân vật mới xuất hiện, đó là nàng Dẻn, người gắn bó với chàng Ba từ tuổi thơ và thầm thương mến chàng đã lâu. Ba nghỉ ở nhà không đi làm, sửa chữa nhà cửa cho mẹ. Hai mẹ con trò chuyện tình cảm với nhau. Bà Liểng, mẹ của Ba, rất quan tâm đến chuyện tình cảm của con mình, mong Ba sớm đến ngày lấy vợ...(đọc truyện dài kỳ phát 17/11/2019)
Phần tiếp theo của tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai bắt đầu đi sâu vào những diễn biến tâm lý của các nhân vật. Bà Liểng thì nhớ về những tháng ngày thiếu nữ của mình, bà cũng phải bước vào một cuộc hôn nhân không trọn vẹn tình yêu, bởi trái tim Tộc trưởng, trước đó vốn đã dành cho người khác. Nỗi buồn thương trong lòng bà suốt bao năm, giờ có nguy cơ chuyển sang cho Út, vì Út cũng giống như bà, chẳng thể nào có cơ hội quyết định cuộc hôn nhân của mình. Bây giờ Út chỉ còn biết chia sẻ những nỗi niềm với Lả Nhinh, bởi mọi bước đi của nàng đều có Cố Sầu bám sát, theo dõi...(Đọc truyện dài kỳ 16/11/2019)
Nàng Út được chàng Ba cứu sống khi bị rắn cắn, tình cảm giữa hai người bắt đầu được nhen nhóm. Út bắt đầu có sự bày tỏ với mẹ, và nhất là với bố, về chuyện tình cảm của mình. Nhưng, cô gái người Giáy là con một của tộc trưởng, thì khó lòng có thể chọn chàng trai người Nùng làm vị hôn thê của mình. Vì như thế cũng có nghĩa là, trong một tương lai không xa, bởi tộc trưởng không có con trai, nên chàng trai người Nùng sẽ là thủ lĩnh của những người dân tộc Giáy. Vả lại Ba lại mồ côi cha và nhà thì rất nghèo. Đương nhiên tộc trưởng quyết liệt phản đối...(Đọc truyện dài kỳ phát 15/11/2019)
Bắt đầu từ buổi đọc truyện dài kỳ hôm nay, mời các bạn nghe tiểu thuyết "Chuyện tình Khau Vai" của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, tác giả của những kịch bản sân khấu như: "Chuyện tình Khau Vai", "Mai Hắc Đế", "Hừng Đông", "Thầy Ba Đợi", "Hoa lửa Truông Bồn", "Huyền thoại Gò Rồng Ấp", "Ngàn năm mây trắng" cùng hai tập thơ: "Trở lại triền sông" và "Nhớ thương ở lại". Sách do NXB Văn học ấn hành với độ dài 237 trang, kết cấu gồm 6 chương cùng phần mở và phần kết, cuốn tiểu thuyết một lần nữa tái hiện sống động câu chuyện tình buồn của đôi trai tài gái sắc, chàng Ba và nàng Út. Tác phẩm còn mang đến một không khí văn hóa đặc trưng của những tộc người miền núi phía Bắc, từ lời ăn tiếng nói, câu hát cho tới từng ngọn núi, con suối, hòn đá, nhành cây...(Đọc truyện dài kỳ phát 14/11/2019)
Truyện ngắn đậm đà không gian làng quê Việt Nam phản ánh những đổi thay từng ngày của đời sống người nông dân. Nếp sống, lối sống của người nông dân thay đổi thậm chí văn hóa sống cũng thay đổi khiến nhiều người không khỏi nhớ lại thời đã qua. Hương quê, hồn quê xưa qua nỗi nhớ thấm đẫm mùi bùn đất của lão Phục hay cảnh cả làng vui như Hội khi ngày mùa đến sẽ khiến nhiều người nông dân ứa nước mắt. Phải gắn bó với làng quê từ nhỏ hoặc lăn lộn bao ngày với người nông dân trên cánh đồng thì tác giả mới viết được một câu chuyện sâu sắc về nông thôn như vậy... (Đọc truyện đêm khuya phát 14/11/2019
Nhà văn Nam Cao bước vào làng văn từ năm 1936, khi mới 19 tuổi, với những truyện ngắn đầu tay nhuốm màu lãng mạn. Phải đến khi tuyệt tác “Chí Phèo” và tập “Đôi lứa xứng đôi” ra đời vào năm 1941, ý thức nghệ thuật hiện thực của Nam Cao mới được khơi dòng. Tuy “cập bến” hiện thực muộn hơn so với các tiền bối xuất sắc như , Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng nhưng ngòi bút của nhà văn Nam Cao nhanh chóng bắt được mạch đời và tuôn trào mạnh mẽ...
Tình huống mở đầu cho thiên truyện "Người mẹ điên", cũng chính là một thứ mà ít người có thể tưởng tượng ra nổi. Một cô gái bị điên nhưng có nhan sắc, được mẹ chồng đưa về nhà để làm vợ cho con trai của mình, bỏ qua lễ nghi cưới hỏi rườm rà tốn kém, bởi nhà chồng cũng quá nghèo. Vậy là cả hai bên đều có lợi, cô gái điên thì có một mái ấm, có cơm ăn, không phải lang thang nay đây mai đó. Chàng trai độc thân thì có vợ chung sống, lại đẻ được con trai, có người nối dõi tông đường. Và chính bước ngoặt của câu chuyện cũng xuất hiện từ khi mẹ điên sinh được đứa con. Đứa con chào đời đồng nghĩa với việc một tình mẫu tử bắt đầu được nhóm lên...
Từ “Ngọn lửa đầu tiên” (1999), trải qua “Lá thay mùa” (2008), đến năm nay, nhà thơ Thiên Sơn cho ra mắt tập thơ thứ ba “Một tiếng gọi”. Khoảng cách từ tập thơ đầu tay đến tập thơ này là 20 năm. “Một tiếng gọi” giống như sự giải phóng một phần năng lượng nghệ thuật mà khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay phê bình… tác giả không thể chuyển tải hết. Nói cách khác, những rung động thơ tựa làn hơi mỏng manh quyến rũ đòi hỏi người viết phải thu lọc lại và chưng cất riêng, đợi ngày tỏa hương… (Tiếng thơ 09/11/2019)
Trong môt gia đình đa phần là phụ nữ thì cậu con trai duy nhất, tên Cường, đã quyết định chuyển giới để trở thành phái yếu, thậm chí để xây dựng đời sống hôn nhân với một người đàn ông. Và giờ cái tên Cường không còn nữa, mà chuyển thành Mộng Yên. Dĩ nhiên cả gia đình không ai tán thành, ủng hộ việc này, song phản đối một cách quyết liệt nhất chính là người cha, mà ở trong truyện, qua lời kể của đứa cháu, người cha của Cường được kêu bằng ông ngoại...(Đọc truyện đêm khuya phát 7/11/2019)
Trước khi trở nên nổi tiếng trong làng văn, làng báo với các phóng sự và tiểu thuyết được đánh giá là xuất sắc có một không hai, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã viết một số truyện ngắn. Trong vòng 9 năm, từ năm 1930 đến trước khi qua đời vào năm 1939, ông vẫn dành thời gian sáng tác thể loại này. Theo thống kê, nhà văn Vũ Trọng Phụng có khoảng gần 40 truyện ngắn với lối viết hiện đại, giàu tính nhân sinh...
Gần 80 năm trước, nhà văn Nam Cao đã kết lại truyện ngắn “Chí Phèo” với hình ảnh Thị Nở “nhìn trộm bà cô, rồi nhìn nhanh xuống bụng: - Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào? Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại”... Cái kết bỏ ngỏ ấy có lẽ đã xui khiến nhà văn Nguyễn Thế Hùng viết “Chuyện làng chưa cũ”, tác phẩm tham dự cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Mời các bạn theo dõi một phiên bản câu chuyện về con cháu của nhân vật Chí Phèo...
Những ngày Hà Nội ô nhiễm khói bụi, nhiều người dồn hỏi lý do về phía những ngọn khói đốt đồng từ ngoại thành tràn vào. Có thể, khói đốt đồng quá đậm đặc theo chiều gió bay vào nội thành, quẩn quanh những vòng xe, những tòa cao ốc, hút mất một phần ô-xy nơi đô thị vốn đã nóng giãy vì bê tông, vì khí thải nhà kính. Nhưng đổ hết nguyên nhân cho khói đốt đồng, e rằng oan uổng. Những làn khói đó có quyền chất vấn chúng ta, rằng chúng ta đang ứng xử với thiên nhiên như thế nào, chúng ta đã bỏ quên quá khứ thế nào, với mái tranh rơm rạ và bếp lửa nồng thơm…(Tiếng thơ 30/10/2019)
Truyện ngắn có dung lượng khá cô đọng, chỉ khoảng hơn 3000 chữ, nhưng có lẽ nó đã mang đến cho nhiều độc giả, thính giả những ấn tượng thật khác biệt, thật sắc nét, thậm chí thật dữ dội về số phận một con người. Jang là một kẻ hèn trong mắt người đương thời, nhưng hèn ở việc này mà vĩ đại ở việc khác. Chấp nhận hèn trong một việc để đạt được thành tựu lớn lao, lưu danh thiên cổ, xưa nay có phải ai cũng làm được như vậy?!
Bước đầu đến với nghề văn, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết kịch và truyện ngắn nhưng chưa thực sự gây tiếng vang. Mãi đến khi dấn thân vào mảng phóng sự xã hội, tên tuổi của ông mới được biết tới rộng khắp. Hàng loạt phóng sự đề cập tới những hiện tượng sốt dẻo của thành thị thời bấy giờ đã góp phần tạo nên danh hiệu “ông vua phóng sự của đất Bắc” Vũ Trọng Phụng...(Tìm trong kho báu phát 31/10/2019)