Qua cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, nghệ thuật xiếc Việt Nam được đánh giá có sự đổi mới. Tuy nhiên, sự đổi mới này vẫn chưa mang tính đột phá bởi bài toán nhân lực kế cận. Bao năm nay, ngành xiếc vẫn loay hoay với việc tuyển chọn, đào tạo các gương mặt trẻ. Phóng viên chương trình phỏng vấn NSUT Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam về vấn đề này. (Làn sóng nghệ thuật)
“Những ngày nghỉ hè tôi thích theo bà vào đồng chùa cắt cỏ, cũng là cái cớ để tôi dễ chui vào lều trông vó của chú Việt để thỏa thích ngắm nhìn những con cá mắc lưới. Chú Việt vào lính với bố tôi một ngày, không bị thương nhưng cứ trở trời lại hô khẩu hiệu. Bố mẹ chết hết, anh em lưu lạc chẳng còn ai. Bọn trẻ con trong làng bảo chú là người điên. Tiếng chú đang hò đấy, âm vang dọc triền sông ngạt ngào mùi hoa cỏ lác. “Hò ơ… Sông sâu cá lặn biệt tăm, công anh đơm đó, dầm đăng tháng ngày.” Rõ là chú không điên tí nào. Dáng chú cao to, bóng đổ trùm lên bờ sông vắng vẻ. Bà bảo: “Từ ngày chú ở chiến trường về ai đi qua khúc sông này cũng không lo nước to đắm đò nữa. Chú đã cứu khối người ở khúc sông này đấy.” Thi thoảng bọn thanh niên rửng mỡ trong làng, những đêm trăng sáng không còn trò gì để chơi chúng đem rượu vào gạ gẫm chú uống cho say, say phát điên. Tôi thấy thế mà lại hay, phải có một cái gì đó nó khác những nhàm chán thường ngày...” (Trích đoạn truyện ngắn “Mầm sống” của nhà văn Viên Lan Anh) (Điểm hẹn văn nghệ)
“Anh thầy ngôi sao”: Bộ phim xây dựng hình tượng thầy giáo trẻ
Bộ phim “Anh thầy ngôi sao” của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh kể về cuộc đời của Hoàng- chàng trai đam mê âm nhạc và luôn mong muốn trở thành ca sĩ nổi tiếng. Vì nóng lòng muốn được đứng biểu diễn trên sân khấu mà anh sập bẫy kẻ gian và mắc nợ một số tiền lớn. Quá đau buồn, Hoàng đã chấp nhận rời đến Xóm Quí - một làng chài nhỏ ngoài đảo để dạy học và dạy nhạc. Tại đây anh dần thích nghi với cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Lớp học là căn lán dựng tạm chỉ có mấy em học sinh đủ mọi lứa tuổi. Đời sống lam lũ của người dân nơi đây đã khiến Hoàng nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhờ sự giúp đỡ của ông Bừng (trưởng xóm) và cô Sâm, anh ngày càng gắn bó với làng chài nhiều hơn, từng bước vượt qua khó khăn để mang đến những giờ học đầy sảng khoái cho trẻ em nghèo tại một hòn đảo xa đất liền không có sóng điện thoại. Bộ phim “Anh thầy ngôi sao” tuy có nhiều chi tiết gây hài, nhưng ẩn trong đó là câu chuyện về sự cho đi và nhận lại của một nghề cao quý trong xã hội - nghề giáo viên. (Điểm hẹn văn nghệ)
“Hoàng tử bé” của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry là một trong những cuốn sách bán chạy mọi thời đại. Nhưng cuộc đời của tác giả cũng như chính bản thân tác phẩm này dường như vẫn còn nhiều bí ẩn. Để cung cấp cho độc giả yêu mến “Hoàng tử bé” cái nhìn rõ nét hơn về tiểu sử của Antoine de Saint-Exupéry, vừa qua, Công ty SeaBooks và NXB Thanh niên đã cho ra mắt cuốn “Thư tình Hoàng tử bé”, tập hợp những bức thư giữa tác giả Antoine và người vợ Consuelo trong khoảng thời gian hai người xa cách nhau vì chiến sự. Từ đây người đọc có cơ hội được tiến lại gần hơn với con người và đời sống thực của tác giả Antoine, đồng thời cũng hiểu thêm điều mà cha đẻ "Hoàng Tử Bé" muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình. Sau đây, mời quý vị và các bạn cùng bước vào thế giới của những bức tình thư qua bài viết của BTV chương trình.
Triển lãm “The La - ngàn năm canh cửi" đưa du khách trở về truyền thống dệt vải của làng La Khê, một làng nghề nổi tiếng đất Thăng Long xưa. Bộ sưu tập cổ phục và áo dài của nghệ nhân Lê Đăng Toản được giới thiệu tại triển lãm góp phần tôn vinh nghệ thuật thủ công truyền thống, tôn vinh người nghệ nhân tinh tế, khéo léo, truyền tải thông điệp về sự trân trọng và tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống. (Làn sóng nghệ thuật)
Nhà thơ PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu vừa ra mắt hai tác phẩm "Chân mây" và "Hoa khởi trinh". Đây là hai tập tùy văn, một dạng thức của tản văn trong văn học. “Chân mây” gồm 79 tùy văn, “Hoa khởi trinh” gồm 82 tùy văn do họa sĩ Trần Thắng trình bày mỹ thuật. Đặc điểm chung của tùy văn là ngắn gọn, hàm súc; vừa trữ tình vừa tự sự về đời sống xung quanh, những nơi nhà thơ đã từng qua. Đọc Chân mây và Khoa khởi trinh, càng cho thấy nhà thơ, PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu yêu thiên nhiên, sự cân bằng vĩnh cửu và trách nhiệm xã hội của một ngòi bút sung mãn sáng tạo. Ở Chân Mây và Hoa khởi trinh, dễ nhận ra những ẩn dụ giàu chất thơ, lấp lánh minh triết trữ tình của một nhà thơ xuất thân từ môi trường nghiên cứu triết học. Nguyễn Linh Khiếu luôn nhận ra sự vận động, phồn sinh trong các chiều cảm xúc, dẫu là thơ hay văn xuôi. Về 2 tập tùy văn này, pv chương trình có bài viết "2 tập tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu - Chất tự sự đầy mỹ cảm".
Vừa qua, nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuốn sách “Ngủ giữa hoa sen” của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ. Kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ sinh năm 1974 tại Hà Nội, từng theo học ngành Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, đã nhiều năm hoạt động tự do với các công việc thiết kế, vẽ tranh, làm bìa sách, sáng tác văn thơ, tham gia thể hiện mỹ thuật sân khấu. Cuốn sách là món quà tri ân, tấm lòng của gia đình và bạn bè văn chương dành cho tác giả. Cuốn sách “Ngủ giữa hoa sen” của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ gồm 4 truyện ngắn, gần 30 tản văn, gần 40 bài thơ và một số tranh, minh họa của tác giả đã in báo, hoặc được anh giới thiệu, chia sẻ trong những năm qua. Sáng tác của Nguyễn Anh Vũ thường khai thác nguồn dữ liệu văn hóa từ truyền thống dân tộc; từ lối sống, đời sống người Hà Nội. Anh truyền tải những câu chuyện một cách khéo léo, sinh động qua góc nhìn đa dạng của người am hiểu về nghệ thuật kiến trúc, thiết kế và bài trí không gian, tích lũy vốn ngôn ngữ phong phú. Về cuốn sách này, BTV chương trình có bài “Ngủ giữa hoa sen – Tình yêu thiết tha với cuộc đời”. Mời quý vị và các bạn cùng nghe!
Nhà văn Văn Giá được biết đến nhiều với vai trò là nhà phê bình văn học và gắn bó với Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nơi đào tạo nhiều nhà văn, nhà thơ) trong nhiều năm qua. Nhưng truyện ngắn cũng là thể loại mà nhà văn cho rằng mình có duyên nợ và nhiều đau đáu. Từ những truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên văn đàn quãng năm 2008 như Về thôi, Trên máy bay… Văn Giá đã mang đến ấn tượng nhất định cho bạn đọc. Để khẳng định cho mối duyên với truyện ngắn của Văn Giá là sự ra đời lần lượt của các tập truyện ngắn Một ngày nát vụn (2009), Một ngày lưng lửng (2015), Mưa ở Bình Dương (2029). “Ai nói & tại sao lại nói như thế” là tập truyện ngắn thứ tư của nhà văn Văn Giá vừa được ấn hành.
Tập bút ký “Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến” của tác giả Nguyễn Công Nghiệp với 590 trang được các nhà văn, nhà báo và giới chuyên gia đánh giá cao, là nơi lưu giữ, nhắc nhở cho người đọc các thế hệ về một miền ký ức đau khổ nhưng cũng đầy nhân văn về con người Thái Bình tương thân, tương ái và về những cuộc đời - sống chỉ để đi tìm lẽ phải. Với 8 bài bút ký cuốn“Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến” được bố cục chặt chẽ, logic theo hai mảng lớn, mảng trò chuyện với Minh Chuyên và mảng gặp lại những nhân vật nổi tiếng bước ra từ một số tác phẩm tiêu biểu của ông.
Cuốn sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình” với 2000 hình ảnh minh họa được kì vọng là bộ thông sử bằng hình đầu tiên, minh họa bằng hàng trăm hiện vật khảo cổ học, tư liệu hình ảnh, bản đồ, chữ viết, các hình ảnh kiến trúc… Các hiện vật đều có niên đại, phản ánh quá trình phát triển đất nước thông qua văn hiến, văn vật... (Làn sóng nghệ thuật)
Bài hát “Hà Nội của tôi” thơ của Nguyễn Thiện, nhạc của Đào Mạnh Kiên, do ca sĩ Lê Anh Dũng trình bày. Nhạc phẩm là sự đồng điệu giữa hai trái tim luôn tìm ra vẻ đẹp tinh tế, nhưng cũng rất đời về cảnh sắc và con người Hà Nội hôm nay. “Chênh chao con đường/ Nắng vàng ngõ nhỏ/ Ngọt ngào hoa sữa/ Tóc thề ngang vai…”. Nhạc sĩ Đào Mạnh Kiên phổ nhạc cho bài thơ “Hà Nội của tôi” đã có đôi chút thay đổi để tác phẩm thơ dễ dàng lan tỏa. Đó là sóng nước Hồ Gươm, Hồ Tây, chuông chùa cùng nhiều con đường rợp bóng cây xanh… Cả tác giả thơ Nguyễn Thiện và nhạc sĩ Đào Mạnh Kiên cùng chung nhịp đập để sáng tác về thủ đô mến yêu. (Điểm hẹn văn nghệ)
Cuốn sách “Ngắn dần đều” tập hợp các tiểu luận mang tính nghiên cứu và phê bình văn học. Nội dung được chia làm nhiều chương. Mỗi chương tập trung vào một khía cạnh khác nhau như “Nghệ thuật của cái nhìn”, “Người viết trẻ có đáng bị bắt bẻ?”, “Thơ là hơi thở”… khám phá những cách thức nhìn nhận và thể hiện trong văn học, cũng như vai trò và trách nhiệm của nhà văn trong xã hội hiện đại. Với nhan đề hấp dẫn và ấn tượng, tập tiểu luận “Ngắn dần đều” đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của những người yêu mến văn chương. Về cuốn sách này, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa có đôi điều bộc bạch với phóng viên chương trình.
Lần đầu tiên thực hiện live concert tại Việt Nam, nhóm tứ tấu đàn dây nổi tiếng thế giới Bond mang tới cho công chúng những trải nghiệm âm nhạc đỉnh cao và khác biệt. "Bond Live in Vietnam" do báo Nhân dân và IB Group tổ chức ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Âm nhạc của Bond mang lại một cảm xúc đặc biệt khi bốn cô gái kéo đàn trong tà áo dài Việt Nam, trên nền màn hình là những khung hình đẹp nhất của đất nước. (Làn sóng nghệ thuật)
Trong đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô mùa thu năm 1954, có một thiếu nữ Hà Nội mảnh mai đã từng mang lời ca tiếng hát của mình đi khắp chiến khu để động viên quân dân trường kỳ kháng chiến. Ban mai rạng rỡ của ngày 10 tháng 10 năm ấy như báo hiệu hừng đông chói sáng của đất nước và vận mệnh dân tộc, chiếu rọi trên gương mặt không chỉ nữ nghệ sỹ mà còn ở những người con gái, con trai yêu nước phơi phới trong ngày tiếp quản Thủ đô. Bây giờ chúng ta cùng gặp những chàng trai cô gái ngày ấy với những ký ức tươi đẹp mà theo họ đó là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời qua bút ký “Ký ức ngày trở về” của nhà thơ Phạm Vân Anh: