Ở nước ta, phê bình kiến trúc là “con đường chẳng mấy ai đi”. Nhưng vẫn có những cá nhân bền bỉ theo đuổi công việc này trong suốt nhiều năm và đem đến nhiều công trình có giá trị. Một trong số đó chính là TS, Kiến trúc sư Trần Minh Tùng (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội). Năm ngoái, tác phẩm “Kiến trúc và con người” của anh, do NXB Xây dựng ấn hành đã giành “cú đúp” khi đồng thời nhận được giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 15 và tặng thưởng mức C của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Cuốn sách “Kiến trúc và con người” mang đến những kiến thức xoay quanh mối quan hệ giữa hai yếu tố vừa là chủ thể, vừa là khách thể này nhằm chứng minh mối quan hệ biện chứng “con người nào thì kiến trúc đó, và ngược lại”. Nội dung quyển sách gồm 4 chương: “Mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và kiến trúc”, “Kiến trúc của con người, do con người và vì con người”, “Thực hành kiến trúc dưới góc độ nhân học” và “Kiến trúc Việt Nam giữa dòng chảy văn hóa Đông – Tây”. Mỗi chương vừa là một câu chuyện riêng nhưng vừa đóng góp cho bạn đọc hiểu về một câu chuyện chung. Để hiểu thêm về cuốn sách này, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài viết của BTV Nguyễn Hà.
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, quê Hải Dương, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (nay là Khoa văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 8 và khóa 9, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 10. Ông nguyên là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm Tổng biên tập báo Nhà Báo và Công Luận. Từng là nhà báo chiến trường, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã có mặt ở nhiều điểm nóng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông là người chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Thời mới cầm bút sáng tác, Trần Mai Hạnh đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1970 - 1971. Ông có một số tác phẩm như “Nắng Thu Bồn”, “Tình yêu và án tử hình”, “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế”, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống”. Trong đó, tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” từng được dịch ra tiếng Anh, giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Trên đường thăm chiến trường xưa, vào ngày 2/4, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã đột ngột qua đời, hưởng thọ 81 tuổi. Vĩnh biệt ông, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có bài “Nhà báo Trần Mai Hạnh – Sống và viết như một nhân chứng lịch sử”.
Đã có một thời, truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang-Vũ Đình Trung với nội dung khắc họa mối tình bi thương của đôi trai gái người Mường: Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung gây rúng động sâu sắc với các thế hệ độc giả. Thế nhưng, dòng thời gian, những biến động thời cuộc đã khiến tác giả và tác phẩm có một số phận long đong, lận đận. Cách đây gần 5 năm, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội VHNT Hòa Bình đã tổ chức tọa đàm khoa học “Đồi thông hai mộ: Từ di cảo tới di sản” để lật lại và giải mã những vọng âm của tác phẩm tới đương thời và đời sau. Từ bấy đến nay, đã có một nhà lưu niệm được xây dựng trên vùng núi đá Kim Bôi (Hòa Bình) ngay sát cạnh ngôi mộ đôi của hai tiền nhân-Hai nhân vật chính trong truyện thơ “Đồi thông hai mộ”. Cùng với dấu xưa tích cũ, nhà lưu niệm “Đồi thông hai mộ” kể cùng người hôm nay câu chuyện về “Người dựng nhà trên đá núi”. Đó cũng là nội dung bút ký của nhà báo Võ Hà mà chúng tôi muốn gửi tới các bạn trong chương trình hôm nay:
Sáng 26/3, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lễ trao giải Cuộc thi viết về phát thanh nhân Ngày Phát thanh thế giới năm 2024. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người yêu phát thanh trên khắp mọi miền đất nước. 11 tác phẩm xuât sắc nhất được nhận giải. Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 tặng các tác giả đoạt giải cuốn sách “Văn Cao - Mùa chữ, mùa người” do VOV6 biên soạn. (Làn sóng nghệ thuật 26/3/2024)
Muốn bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống, trước hết cần có người kế cận, bởi như ông cha ta vẫn nói “thầy già con hát trẻ”, như quy luật muôn đời. Nếu đặt hai câu chuyện: bảo tồn và sinh tồn song hành cùng nhau, thì phải chăng, một mặt là bởi sự gắn bó, dám sống với nghề, dám thay đổi trong tư duy biểu diễn của các diễn viên, mặt khác, cũng cần sự nhìn nhận của xã hội, một cách tiếp cận hợp lý với những giá trị tinh thần mà cha ông đã để lại. Như vậy mới có thể gợi mở những giải pháp để hài hòa giữa mong muốn gìn giữ bảo tồn vốn quý của cha ông trong lòng công chúng hôm nay. Bài “Sân khấu truyền thống: đổi mới là tồn tại” kết thúc loạt phóng sự với chủ đề “Nghệ thuật truyền thống: Bảo tồn và Sinh tồn”. (Làn sóng nghệ thuật)
Với kinh nghiệm thực tế của một diễn viên, những kiến thức lý luận của một giảng viên và dựa trên những tư liệu đi sưu tầm, nghiên cứu của cá nhân và đồng nghiệp, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Phương đã viết, biên soạn hai cuốn sách “Đề cương phương pháp huấn luyện múa dân gian dân tộc hệ 4 năm” và “Giáo trình múa dân tộc Chăm”. Hai cuốn sách này là những giáo trình, tư liệu quý giá đối với công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và sinh viên ngành múa.
Khi đầu vào khó tuyển được những người như kì vọng thì đương nhiên đầu ra cũng không thể có chất lượng. Một trong những bài toán khó của nghệ thuật sân khấu truyền thống chính là thu hút các bạn trẻ đến với nghệ thuật, duy trì lớp kế cận, giữ chân các nghệ sĩ có tiềm năng ở lại nhà hát với những cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý. Mong muốn là vậy nhưng thực tế với các ngành nghệ thuật truyền thống vốn dĩ đặc thù về năng khiếu, đào tạo từ rất sớm, thời gian đào tạo dài nhưng lại chưa có cơ chế đãi ngộ đặc thù trong công tác tuyển dụng, sử dụng viên chức, chế độ nghỉ hưu. Đây cũng là nội dung kỳ 4 loạt phóng sự “Nghệ thuật truyền thống: bảo tồn và sinh tồn”, với nhan đề “Giữ người tài bằng chế độ đãi ngộ hợp lý”.
TS. Trần Thị Ánh Nguyệt, Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là một trong những đại diện quen thuộc khi nhắc tới phê bình sinh thái ở nước ta. Gần đây, cuốn sách của chị và PGS.TS Lê Lưu Oanh có nhan đề “Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái” đã được tái bản. Đây là chuyên luận được GS.TS Trần Đình Sử đánh giá là “đã cung cấp một danh sách các tác giả và tác phẩm viết về sinh thái trong văn học Việt Nam đương đại”, đồng thời “khẳng định xác thực sự có mặt của khuynh hướng văn học này”.
Người nghệ sĩ, dù tâm huyết, yêu nghề đến mấy thì sau khi bước ra khỏi ánh đèn sân khấu, họ phải trở lại đời thực, với những bộn bề lo toan “cơm áo gạo tiền”. Trong tình hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều khó khăn, các nghệ sĩ luôn phải “tùy cơ ứng biến”, “chân trong chân ngoài” mà giới trong nghề thường nói là “chạy show”. Mỗi vai diễn trên sân khấu, họ được làm “ông hoàng bà chúa”, nhưng đằng sau ánh đèn sân khấu lại tiếp tục những “vai diễn” khác của cuộc đời. Tiếp tục loạt phóng sự về chủ đề: “Nghệ thuật truyền thống: bảo tồn và sinh tồn”, phóng viên Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 đề cập câu chuyện để diễn viên sống được với nghề, nhan đề: “Một cuộc đời, nhiều vai diễn”. (Làn sóng nghệ thuật 22/03/2024)
“Học cho chết và dùng cho sống”- đó là quan niệm của những người gắn bó với bộ môn nghệ thuật Tuồng từ xưa đến nay. Điều đó có nghĩa là, học cho ngấm vào máu nhưng khi diễn phải sử dụng vốn sống, kĩ năng của mình để sống động cùng nhân vật. Điều ấy cũng đúng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác như cải lương, chèo. Tiếp tục loạt phóng sự về chủ đề “Nghệ thuật truyền thống: bảo tồn và sinh tồn”, phóng viên Ban Văn học-Nghệ thuật VOV6 đề cập những khó khăn, vất vả của những người “nặng lòng” với nghệ thuật sân khấu, với nhan đề: “Học cho chết và dùng cho sống”. (Làn sóng nghệ thuật 19/3/2024)
"Những gì đến tự nhiên”- Liveshow của nhạc sĩ Đức HuyLiveshow “Những gì đến tự nhiên”, đánh dấu cột mốc sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Đức Huy ở tuổi ngoài 70. Chương trình sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào ngày 11/5, gồm gần 30 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Đức Huy, được khán giả yêu thích như: Như đã dấu yêu, Đừng xa em đêm nay, Trái tim ngục tù, Và con tim đã vui trở lại, Và tôi cũng yêu em, Đường xa ướt mưa, Yêu em dài lâu … (Làn sóng nghệ thuật)
Triển lãm ảnh "Phụ nữ với Điện Biên” gồm 3 nội dung: Góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ; Vì một Điện Biên phát triển; Điện Biên - điểm hẹn của tương lai. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Làn sóng nghệ thuật)
So với các nước trên thế giới, không gian công cộng ở nước ta còn khá đơn giản về thể loại, hình thức thiết kế, hay trải nghiệm. Thêm vào đó, số lượng mảng xanh cùng không gian chung đang dần bị thu hẹp lại nhường chỗ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện, Hà Nội đang tích cực triển khai chỉnh trang một số công viên, vườn hoa trên địa bàn. Việc làm này, theo Thạc sỹ-KTS Phạm Hoàng Phương đã nhận được sự đánh giá cao của giới KTS và sự vui mừng, phấn khởi của người dân. Cũng xin nói thêm, KTS Phạm Hoàng Phương hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng); là người có hơn 20 năm kinh nghiệm thiết kế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch - quản lý phát triển đô thị:
Nghệ thuật truyền thống là quốc hồn, quốc túy của một dân tộc, là kí ức chung của một cộng đồng được nuôi dưỡng bằng tình cảm của từng cá thể trong nhiều thế hệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một mặt, nghệ thuật truyền thống có thể trở thành một ngôn ngữ để giao lưu với thế giới, cùng sự tâm huyết của các nghệ sĩ, mặt khác, chính nó cũng đang đối diện với nguy cơ bị mai một, bị lấn át bởi các “làn sóng” thông tin, giải trí, công nghệ… vừa nhanh chóng, bắt mắt, vừa được coi là thời thượng của không ít công chúng khán giả. Theo đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều khó khăn để vừa bảo tồn, phát huy vốn cổ cha ông, đưa nghệ thuật gần hơn với khán giả, vừa phải sinh tồn trong vòng quay của thực tế khi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Phóng viên Ban Văn học-Nghệ thuật VOV6 đề cập vấn đề này qua loạt phóng sự “Nghệ thuật truyền thống: Bảo tồn và Sinh tồn”, kỳ 1 với nhan đề “Tuyển sinh các ngành nghệ thuật gặp khó” (Làn sóng nghệ thuật)