Nhắc đến Lãng Thanh là nhắc đến một gương mặt thơ đặc biệt nổi lên trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Chỉ với 14 bài thơ trong tập Hoa, tác phẩm của anh đã chỉnh phục nhiều độc giả bởi ngôn ngữ và hình tượng độc đáo, những liên tưởng lạ lùng trong một cảm quan về thế giới theo cách riêng của anh. Năm 2022, nhân dịp tròn 20 năm Lãng Thanh đi xa, chương trình Đôi bạn văn chương xin dành một cuộc trò chuyện để tưởng nhớ người thi sĩ tài hoa bạc mệnh với tên gọi: Thi sĩ Lãng Thanh – Tài hoa ở lại
Sau hơn một tháng phát động, hơn 500 tác giả và 1300 bài thơ gửi tới tham dự, cuộc thi đã lựa chọn và trao hai giải Nhì cho các tác giả Lương Mỹ Hạnh (Sơn La) và Lữ Mai (Hà Nội). Giải Ba được trao cho các tác giả Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), Trần Vạn Giã (Nha Trang), Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn). 7 giải Tư trao cho các tác giả Quyên Gavoye, Nguyễn Chí Diễn, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Văn Biên, Nông Ngọc Mạnh, Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Hậu. Ban tổ chức cuộc thi cũng ghi nhận nỗ lực sáng tác qua tặng thưởng dành cho các tác giả Nguyễn Thị Hương Giang, Hoàng Thị Hiền, Đinh Hạ, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Thanh Hải, Bùi Việt Phương.
Đã 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, Ngày thơ Việt Nam vào dịp Tết Nguyên tiêu không thể tổ chức được như thường lệ. Điều này tạo ra một sự trồng vắng và hụt hẫng lớn trong lòng những người yêu thơ, những người làm thơ. Để phần nào lấp đi khoảng trống đó, chương trình Văn nghệ của Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 hôm nay xin gửi tới quý vị thính giả một chương trình giao lưu thơ đặc biệt mang tên "Tình yêu và mùa xuân" với sự tham gia của 4 nhà thơ: Nguyễn Thành Phong, Trần Kim Hoa, Bình Nguyên Trang và Nam Thiên Phú.
Trên hành trình sáng tác thơ của nhiều người, có những ám ảnh nghệ thuật trở đi trở lại, có những nguồn cảm hứng tưởng đã vơi cạn vẫn lại đong đầy. Nhà phê bình – Nhà thơ Đỗ Ngọc Yên đã viết rất nhiều bài thơ về tháng Giêng và trong mỗi tứ thơ, ông đi tìm một hình ảnh, câu chuyện mới – Gần gũi, đời thường.
Nhắc đến Hoàng Cầm là nhắc đến một gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại với một hành trình sáng tác kéo dài hơn 6 thập kỷ, từ trước 1945 cho tới thập niên đầu của thế kỷ 21. Hoàng Cầm lúc sinh thời đã xuất bản tất cả 8 tập thơ và điều đặc biệt hơn nữa là nhiều bài thơ của ông đã kéo theo nhiều giai thoại ly kỳ, thú vị được truyền tụng trong làng văn nghệ. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh thi sĩ Hoàng Cầm, chương trình Đôi bạn văn chương trong những ngày đầu xuân năm mới muốn dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với tên gọi: Lúng liếng Hoàng Cầm.
Cuộc đời của mỗi con người, từ khi sinh ra, trưởng thành rồi từ giã thế gian, không ai là không có những người bạn. Tự bao đời, tình bạn đã trở thành một đề tài đẹp đẽ của văn học nghệ thuật nói chung, của thi ca nói riêng. Lịch sử thơ Việt từ cổ điển đến hiện đại có không ít những tình bạn thật cảm động, đã in dấu vào nhiều tác phẩm. Vì thế. chương trình Đôi bạn văn chương lần này xin được gửi tới quý vị thính giả một cuộc trò chuyện với nhan đề Tình bạn trong thơ Việt để chúng ta một lần nữa được rung động với nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian.
Vừa rộn ràng vừa lắng đọng, thiêng liêng làm sao những cảm xúc tân Xuân. Như bao năm qua, giờ khắc này, Tiếng thơ muốn cùng hòa chung nhịp đập trái tim với các thính giả. Sau nỗi bồi hồi với những vần thơ viết về hạnh phúc, mời các bạn kết nối miền cảm xúc ngân rung của thế hệ người làm thơ thuở trước và hôm nay. Chắt chiu hạnh phúc bắt đầu bằng sự lắng nghe, bằng những thương yêu thấm thía, Tiếng thơ luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà thơ, các thính giả, bạn yêu thơ khắp mọi miền đất nước.
Thử hỏi ai mà không bồi hồi khi tiễn những tờ lịch cuối cùng của một năm sắp qua – Một cảm giác bao lâu vẫn còn ngưng đọng những nỗi niềm. Nếu nhà thơ Kim Dũng từng viết: “Giã từ tờ lịch cuối năm/ Mà sao lại cứ dùng dằng lạ chưa/ Chông chênh hai phía gió lùa/ Tóc xanh mây trắng đôi bờ thời gian” thì cũng trong bài thơ lục bát nhan đề “Tờ lịch cuối năm”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng lắng nghe trong xa xăm: “Mỏng manh tờ lịch cuối năm/ Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm...Vọng âm/ Thoảng như hơi gió vương trầm/ Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa”.
Hướng tới ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, cuộc thi thơ với chủ đề “Sống và hy vọng” bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tác giả, người yêu thơ. Các đơn vị: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 và Diễn đàn văn học Quán Chiêu Văn đã cùng bắt tay tổ chức một cuộc thi mà chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát động đã cho thấy những kết quả bước đầu đáng hi vọng.
Nhắc đến Trần Vàng Sao là nhắc đến bài thơ nổi tiếng của ông Bài thơ của một người yêu nước mình được viết vào tháng 12/1967 và ngay lập tức được lan tỏa rộng rãi trong đời sống văn học trên cả nước suốt hơn nửa thế kỷ qua. Khi còn sống, Trần Vàng Sao chưa từng được xuất bản chính thức một tập thơ nào, chỉ thi thoảng đăng rải rác một vài bài thơ lẻ. Năm 2020, lần đầu tiên một tuyển thơ của ông được xuất bản chính thức do NXB Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam cùng hợp tác phát hành. Đầu tháng 11 năm ngoái, tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao được trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021. Chương trình Đôi bạn văn chương nhân sự kiện này muốn dành một cuộc trò chuyện về chân dung thơ Trần Vàng Sao qua thi tập này.
Nhà thơ Trúc Thông, tên thật là Đào Mạnh Thông. Ông sinh năm 1940 tại Bình Lục, Hà Nam, từ năm 15, 16 tuổi đã bắt đầu làm thơ, rồi từ đó gắn cả cuộc đời với văn chương và thơ ca. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà thơ Trúc Thông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó trở thành Biên tập viên của Ban Văn nghệ. Các tập thơ Trúc Thông đã xuất bản có “Chầm chậm tới mình”, “Ma-ra-tông”, “Một ngọn đèn xanh”, “Vừa đi vừa ở”, “Trúc Thông thơ”, Tác phẩm Lý luận phê bình có “Văn chương ngẫu luận”, “Mẹ và em”, “Trúc Thông tiểu luận bình thơ”. Ông được trao Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 - 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2016. Nhà thơ Trúc Thông tạ thế ở tuổi 82 vào ngày 26 tháng 12 năm vừa rồi.
Trải qua một năm với nhiều thử thách chung của đất nước và mỗi cá nhân con người, những tiếng thơ vẫn cất lên thiết tha, mãnh liệt lòng biết ơn với cuộc sống. Chúng ta cùng lắng lại cảm xúc để nghe các tác giả đoạt giải tự thể hiện những sáng tác gửi tới cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức. Cũng từ TP HCM, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên giãi bày cùng Tiếng thơ nguồn cảm hứng khởi sinh từ tâm thức lạc quan trong đại dịch Covid 19. Kết thúc chương trình và cũng là mở ra hi vọng mới, chùm thơ viết về sự khởi đầu của các nữ nhà thơ nổi tiếng như suối nguồn mát lành thanh lọc tâm hồn chúng ta vững vàng hành trình phía trước.
Sau hơn mười năm chịu đựng những cơn tai biến mạch máu não, nhà thơ Trúc Thông đã nhẹ nhàng ra đi ở tuổi 82 trong vòng tay yêu thương của những người thân gia đình. Sự ra đi của ông để lại bao niềm tiếc thương của bạn hữu , đồng nghiệp – những người luôn trân trọng về những đóng góp của ông với thơ ca nước nhà. Bài “Ngọn gió thơ Trúc Thông” của nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói VN là những nén tâm hương của đồng nghiệp thế hệ đi sau.
Đỗ Nam Cao thuộc thế hệ cuối cùng lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp tham gia tại chiến trường miền Nam. Thơ ông độc đáo, nhiều sáng tạo ngay từ những bài thơ trong tập thơ đầu tay in chung cùng Nguyễn Khắc Thuần trước 1975 mang tên Những cánh cò lửa. Hơn 25 năm sau ông mới in tập thơ thứ 2 với cái tên rất lạ Dính (NXB Hội nhà văn 2000). Đỗ Nam Cao làm thơ không nhiều nhưng mỗi bài đều có những cấu tứ và phát hiện độc đáo, riêng biệt. Trong mắt bạn bè văn chương, ông là một tài năng khiêm nhường, lặng lẽ sống và viết, lặng lẽ tỏa hương. Nhân dịp tròn 10 năm ngày ông đi xa, chương trình Đôi bạn Văn chương lần này xin gửi tới quý vị thính giả một cuộc trò chuyện về chân dung thơ ông với nhan đề: Đỗ Nam Cao – 10 năm lại nhớ đến người.