Đến nay, chương trình Tiếng thơ đã có một quá trình dài đồng hành cùng Tiếng nói Việt Nam, đồng hành cùng thính giả cả nước, qua bao khúc quanh lịch sử, qua bao khúc quanh đời người. Đây là một thương hiệu được xây dựng từ những chắt chiu của nhiều thế hệ biên tập viên tài hoa, tâm huyết Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ vừa biên tập thơ, vừa góp phần đưa thơ từ văn bản chữ trở thành văn bản của âm thanh, của nghệ thuật, mở rộng không gian cho thơ, cho Tiếng Việt...(Tiếng thơ phát 7/9/2019)
12 ca khúc trong tổ hợp thơ - ca khúc “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”, hầu hết được phổ từ những bài thơ tình: Gió và núi, Nóng ran mùa thay lá, Đèn tình, Chiếc lá hình trái tim, Miếu tình… vv… Ngay tên gọi các bài thơ – bài hát đã cho thấy cái gì đang ào ạt, một cái gì đang nóng lên, một cái gì đang da diết, hy vọng, dù đổ vỡ vẫn chấp nhận và tiếp tục hy vọng. Giá trị của nghệ thuật không phụ thuộc vào số lượng. Lịch sử thơ ca âm nhạc đã cho chúng ta thấy rằng dù chỉ một bài thơ, một bản nhạc đi cùng năm tháng, thì phần thưởng người nghệ sỹ nhận về đã quá đỗi ngọt ngào… (Tiếng thơ 28/08/2019)
Trong suốt thế kỷ 20 đầy bão táp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí một người đứng đầu Đảng, đứng đầu nhà nước, luôn sát cánh cùng quân và dân trên mọi đầu sóng ngọn gió, là nguồn động viên tinh thần vô cùng thiêng liêng ấm áp đối với tiền tuyến và hậu phương. Người đã trải qua bao đêm trắng, đau nỗi đau của nhân dân, hạnh phúc với hạnh phúc của nhân dân. Tâm nguyện đi thăm Miền Nam, Người chưa thực hiện được. Nhân dân miền Nam, nhân dân mọi miền đất nước đã thay Người thực hiện tâm nguyện đó, thực hiện Di chúc Người để lại... ((Tiếng thơ 24/08/2019)
“Nhận diện văn học trẻ thủ đô 10 năm gần đây” là tên gọi buổi tọa đàm trong khuôn khổ hoạt động thường kỳ của Hội nhà văn Hà Nội. Một buổi tọa đàm lấy người trẻ làm trung tâm, với phạm vi bàn luận khá rộng, song có lẽ cả người điều hành và người tham gia đều nghiêng về thơ. “Dấn thân” là một từ khóa được nhắc tới nhiều lần, cho thấy sự tin tưởng, kỳ vọng, hoặc một thực tế đang tồn tại đối với người viết hôm nay. Vả dẫu chưa được bàn thảo thỏa đáng, thì buổi tọa đàm cũng là dịp để người viết trẻ có thêm động lực đi tiếp con đường vốn cần nhiều đam mê và thử thách này...(Tiếng thơ phát 14/08/2019)
“Có một suối thơ chảy từ gần gũi/Ra xa xôi, và lại đến gần quanh/Một suối thơ lá ngọt với hoa lành/Nói trong xóm, và dỡn cười dưới phố”...Khi viết những câu thơ này vào tháng 8 năm 1946, nhà thơ Xuân Diệu cũng như nhiều văn nghệ sỹ khác đều hồ hởi, nồng nhiệt, mong muốn đem hết sức khỏe vật chất và tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ. Suối thơ mà ông nói thực sự là một nguồn thơ mới nguồn cảm hứng mới, đưa bao người “từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui” như chia sẻ của nhà thơ Chế Lan Viên (Tiếng thơ 10/08/2019)
Khi ta đang sống ở đồng bằng, giữa đô thị náo nhiệt, nếu thực hiện chuyến đi đến biên giới đất liền hay ra ngoài đảo xa, đó thực sự là một hành trình xa ngái, vất vả. Nhưng khi được chạm tay vào cột mốc Tổ quốc, hay ở giữa mênh mang nước và trời, thực sự là cảm giác tuyệt vời, hạnh phúc, tự hào, xúc động. Nơi biên giới, từ một vòm cây đến một bông hoa, một dòng sông cho đến một giọt nước, tất cả đều hóa thiêng liêng, đều hàm ẩn những giá trị khác biệt, trường tồn… (Tiếng thơ 31/07/2019)
Với những người hay đi đi du lịch hoặc sống ở nước ngoài, trở về nước chắc chắn họ nhận ra điểm khác biệt, rằng chưa có nơi nào nhiều tượng đài nhiều nghĩa trang liệt sỹ như đất nước ta. Hàng trăm hàng nghìn, thậm chí lên tới cả chục nghìn, những ngôi mộ hữu danh , những ngôi mộ vô danh, những ngôi mộ gió, những ngôi mộ chìm khuất trong rừng già, tan vào lòng sông lòng biển, dằng dặc qua bao thế kỷ, từ đó tái sinh màu xanh đất Việt...(Tiếng thơ 27/7/2019)
Theo nhà thơ Vương Trọng, Tiếng Việt giàu thanh tạo nên âm điệu uyển chuyển, du dương cho thơ. Tuy nhiên trong một câu thơ truyền thống, hiếm khi chứa đủ sáu thanh của tiếng Việt. Ông đề xuất một lối làm thơ chú trọng về thanh, nâng số thanh lên tối đa. Theo nhà thơ, nếu làm được điều đó thì tính đa thanh của tiếng Việt càng được tận dụng triệt để và hiệu quả đem lại sẽ lớn hơn… (Tiếng thơ 17/07/2019)
Lịch sử Việt Nam là lịch sử nhọc nhằn và vinh quang qua bao thế kỷ dựng nước và giữ nước. Trong những di sản mà cha ông để lại có Tiếng Việt – một ngôn ngữ tuyệt đẹp, đầy thanh sắc, đầy từng trải mà luôn tươi mới, có khả năng diễn đạt đầy đủ những cung bậc cuộc đời song vẫn không ngừng vươn lên để thu nhận những điều mới mẻ. Tiếng Việt cũng là nguồn cảm hứng, chất liệu của người làm thơ, đưa tiếng thơ vang khắp mọi miền Tổ quốc… (Tiếng thơ 13/07/2019)
“Hỏi Sen” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng (hiện sống và sáng tác ở thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An) do NXB Nghệ An ấn hành, ôm chứa nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay: môi trường ô nhiễm, tình người cạn kiệt, đạo đức suy vi, thói vô cảm… Những câu thơ được viết từ trải nghiệm, không màu mè hình ảnh mà chắt lọc, hướng nội, với lập luận chặt chẽ, thái độ điềm tĩnh mềm mỏng mà cương nghị. Tinh thần ấy, thái độ ấy thực đậm nét, vượt trội so với những tập thơ đã xuất bản trước đó của ông… (Tiếng thơ 03/07/2019)
Sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, nhiều năm nay Hội nhà văn Việt Nam - đơn vị chính đảm nhiệm công việc này hình như vẫn loay hoay tìm đường, lên phương án, thành lập cả trung tâm dịch thuật, mở nhiều hội nghị hội thảo tầm quốc gia và quốc tế… Song tất cả hình như vẫn để ngỏ, chính xác hơn thì kết quả thu về chẳng thấm vào đâu với số tiền và công sức bỏ ra... (Tiếng thơ 29/06/2019)
“Puskin là một hiện tượng phi thường, và có lẽ là hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga: đó là một người Nga trong quá trình phát triển của mình, có thể hiện diện hai trăm năm ở tương lai phía trước” – Đó là nhận định mang tính tiên đoán của Gogol, nhà văn nổi tiếng ít hơn Puskin 10 tuổi. Và thực tế hơn hai trăm năm đã qua, Puskin vẫn là một tượng đài văn chương mang tinh thần của cái đẹp hướng về cuộc sống… (Tiếng thơ 19/06/2019)
Nhà thơ nhà báo Trần Mạnh Thường – nguyên Trưởng ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam, từng gắn bó sâu sắc với chương trình Tiếng thơ. Ông đã đi về thế giới người hiền. Một bài thơ để lại dấu ấn trong cuộc đời sống và viết của ông, đó là bài “Chuyến xe cuối cùng”, sáng tác trước khi ông qua đời không bao lâu, giống như một dự cảm, đồng thời bộc lộ những nghĩ suy giàu nhân ái… (Tiếng thơ phát 16/6/2019)
Trong nền thơ hiện đại nước ta, nhà thơ Huy Cận có một vị trí riêng, với những đóng góp nổi bật, đặc biệt ở thời kỳ thơ mới và giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ. Tên tuổi ông gắn liền với những bài thơ nổi tiếng như "Tràng giang", "Các vị La hán chùa Tây Phương", "Đoàn thuyền đánh cá"… Thơ ông mang chiều sâu triết lý nhân sinh, suy ngẫm về sự tồn tại của cá nhân trong vũ trụ vốn thẳm sâu và chứa nhiều bí mật. Song ở mảng thơ tình, luôn là sự ấm áp, trìu mến với nhiều sắc thái thể hiện… (Tiếng thơ 05/06/2019)