Với dịch giả Nguyễn Quốc Hùng, ngoài dạy học và viết sách là hai công việc ông bỏ tâm sức nhiều nhất thì việc dịch thơ đem đến những khoảng khắc thú vị, ngọt ấm như chén chè nóng nhấm nháp trong ngày đông lạnh. “Miền đất xanh” là nhan đề tập thơ song ngữ Anh - Việt do ông biên soạn và dịch thuật, NXB Văn học ấn hành. 20 sáng tác được chọn dịch mang cảm hứng lãng mạn và hiện thực, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, giúp ta hình dung về một đất nước tươi đẹp, ở đó con người và thiên nhiên có sự gắn bó và tôn trọng, hài hòa với nhau. (Tiếng thơ 06/12/2017)
Cuộc gặp gỡ lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào tháng 10 vừa qua là một sự kiện ý nghĩa trong đời sống văn chương. Tâm tình của các văn nghệ sỹ đã từng trải qua chiến tranh, từng sống trong những năm đất nước bị cắt chia thêm một lần xao động. Hòa bình, độc lập, thống nhất là khát vọng, là lý tưởng sống của hàng triệu người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đoàn kết để nhân lên sức mạnh nội lực, vững vàng và bản lĩnh trong thế giới nhiều bất ổn của hôm qua và cả hôm nay. (Tiếng thơ 02/12/2017)
Nỗi buồn là điều không ai muốn nhưng nếu vắng nó hẳn khó có thể cảm nhận được hạnh phúc, không có niềm đau hẳn không thể hiểu cảm giác nhẹ nhõm khi cất tiếng cười. Vậy nên nỗi buồn luôn tồn tại, như chân lý, như niềm tin, như hơi thở. Nỗi buồn là một phần tài sản tinh thần, giúp chúng ta vững vàng hơn khi đối diện với những bất ngờ mà cuộc sống có thể đẩy cho bất cứ ai vào bất cứ lúc nào... (Tiếng thơ 22/11/2017)
Dạy học và làm thơ là hai công việc được tác giả Hoàng Xuân Tuyền vô cùng tâm đắc. Anh hiện là giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, đã xuất bản hai tập thơ “Bến thời gian” và “Tự do”. Khoảng cách thời gian giữa hai tập thơ này là 15 năm, khác biệt về lối viết, một bên “duy tình” và một bên nghiêng về “duy lý”. Thơ với thầy giáo, tác giả Hoàng Xuân Tuyền không chỉ để chia sẻ những rung động yêu thương mà còn là tiếng nói phản biện cần thiết của người trí thức về các vấn đề còn ngổn ngang trong xã hội. (Tiếng thơ 18/11/2017)
Mùa mưa năm nay kéo dài, mưa trên diện rộng cùng sự tấn công bất ngờ của nhiều cơn bão đã gây ra thiệt hại lớn trên nhiều địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ Bắc vào Nam. Mưa bão là nỗi lo không của riêng ai, đặc biệt với những gia đình sống ở vùng lũ, công việc làm ăn phụ thuộc vào thiên nhiên thời tiết. Ca dao xưa đã bộc lộ thật tha thiết ước mong của người lao động: "Trông trời, trông đất, trông mây /
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm / Trông cho chân cứng đá mềm / Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng". Trong một sáng tác “Viết sau cơn bão”, nhà thơ Đỗ Vinh cũng dùng làn điệu dân ca để ru cho cơn bão yên lòng người: “Ngủ đi cấp chín cấp mười/ Giật bao nhiêu cấp để người tay không/ Ngủ đi sức vóc biển đông/ Rung cành rung lá đừng rung cội nguồn...". (Tiếng thơ 08/11/2017)
Trong số 50 bài thơ của tập “Về lại triền sông” thì có tới hơn 20 bài viết về quê hương, cha mẹ, nhắn nhủ các con không được phép lãng quên gốc rễ cội nguồn. Những bài thơ này có khi được sắp xếp bên nhau với tần suất dày đặc, tạo nên độ đặc quánh trong suy tư, nghẹn ngào trong cảm xúc. Với nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, ông không cố gắng để làm mới những hình ảnh, những chi tiết đã từng có và có nhiều trong thơ. Đơn giản, ông chỉ kể về một miền Trung của riêng ông, ở trong ông, một miền Trung - xứ Nghệ mà ông luôn có cảm giác còn “mắc nợ”, “có lỗi”, một miền Trung “cực khổ như định mệnh – chỉ những tim yêu mãi xuân thì"... (Tiếng thơ 05/11/2017)
Theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc (hiện đang sống và làm việc tại Úc), thì chủ nghĩa cá nhân trong thơ mới đầy tự tin và tự hào, còn chủ nghĩa cá nhân trong sáng tác của các nhà thơ miền Nam giai đoạn 1954-1975 “phải chăng” hơn, "cái tôi" cá thể được hiểu như một cái riêng chứ không phải một cái khác, càng không phải là một cái gì lớn lao tuyệt đối. Nhà thơ không còn là “con chim đến từ núi lạ” (như trong thơ Xuân Diệu) mà chỉ là “Một con chim bói cá / Lặn tìm vuông đời mình” ( trong thơ Du Tử Lê), không còn đi những bước đi đặc dị: “Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân” (thơ Trần Huyền Trân) mà chỉ muốn hòa hoãn với cuộc đời: “Tôi bây giờ sống thu thân / Sống cam phận nhỏ chia phần an vui” (thơ Nhã Ca). (Tiếng thơ 25/10/2017)
Câu thành ngữ “Dao sắc không gọt được chuôi” có lẽ phù hợp để nói về sự bất lực của người cha trong truyện ngắn này. Ông là tiến sỹ tâm lý học, đã lập luận và giải quyết hoàn chỉnh nhiều vấn đề giáo dục trong giới vị thành niên, đã xuất bản nhiều cuốn sách, là thầy của những học trò xuất sắc trong giới nghiên cứu khoa học. Nhưng với cô con gái bỏ nhà đi bụi thì sao? Dù đã rất kiên nhẫn, tìm mọi cách lôi kéo con ra khỏi con đường lầm lạc, thậm chí phải đóng vai cả khách làng chơi để thâm nhập thực tế, nhưng ông vẫn không gặp được con, vẫn không thuyết phục được con trở về. Và trớ trêu thay, nghiệt ngã thay, cuộc đời ông đã khép lại bởi lưỡi dao oan nghiệt, trong một lần tìm con ở vũ trường. (Đọc truyện đêm khuya 19/10/2017)
Nước Nga tuy xa mà gần, lạ mà quen – Đó là cảm nhận của nhiều người ít nhất có một lần đặt chân đến đất nước thân thiện này, hoặc chỉ biết về xứ sở bạch dương qua tiểu thuyết Lep Tonxtoi, thơ Puskin, Exênhin… Thiên nhiên Nga, văn học Nga, thơ ca Nga thực sự là một miền nhớ, một không gian văn hóa tinh thần vô cùng ý nghĩa. (Tiếng thơ 11/10/2017)
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, suốt mấy chục năm, nhà thơ Bùi Kim Anh gắn bó với sự nghiệp trồng người. Nghỉ hưu, bà có thời gian sống với thơ nhiều hơn, trăn trở cùng con chữ bao niềm vui nỗi buồn. Trong thơ bà, luôn thấp thoáng không gian Hà Nội với từng góc nhỏ thân yêu gắn với kỉ niệm của bản thân và gia đình. Còn khi đối diện với Hà Nội tập nập hiện giờ, bà lại muốn thu mình lại, muốn trở về, muốn quay lưng lại phố phường. Đó là tâm lý khá phổ biến của những ai đã gắn bó với Hà Nội từ thế kỷ trước, yêu thích miền không gian tĩnh lặng thanh bình. (Tiếng thơ 07/10/2017)
“Trong hố cầu thang” là nhan đề tập thơ mới xuất bản của tác giả Đặng Thiên Sơn, cho thấy nỗ lực của một người trẻ từ quê lên thành phố mưu sinh, đối diện với nhiều vấn đề phức tạp của lợi danh cơm áo nhưng vẫn bền lòng và chung thủy với thơ, coi thơ như một điểm tựa, nơi tâm hồn được trở về, được thanh lọc, được khao khát. Phần lớn sáng tác trong tập là những lát cắt, những mảnh tâm trạng: khi chán nản, lo âu, bức bối, khi thất vọng lúc lại nhen niềm hy vọng, khi bất lực lúc lại tự vấn mình… Nhưng hơn hết vẫn là khát khao vươn lên để được sống, được yêu thương chân thật. (Tiếng thơ 30/9/2017)
Tuy cách xa về địa lý, nhưng đất nước Nga, tâm hồn Nga luôn hiện diện trong trái tim của nhiều người Việt Nam, từ những người lao động phổ thông đến nhà khoa học, văn nghệ sỹ. Với tác giả Hoàng Xuân Tuyền, khoảng thời gian sinh sống và học tập ở Nga để lại trong anh nỗi nhớ khôn nguôi, song hành cùng bao ước mơ tuổi trẻ. Chúng ta cùng chia sẻ với anh tình cảm, nỗi nhớ về nước Nga trong những ngày mùa thu này. (Tiếng thơ 27/9/2017)
Thế giới mở ra vô biên, sau chân trời lại tiếp nối chân trời. Khi không ngừng tư duy chất vấn chính mình cũng có nghĩa những khả năng tiềm ẩn của con người được đánh thức, từng bước khám phá tiếp những bí ẩn còn lại của thế giới. Khát vọng sống, khát vọng yêu là nguồn năng lượng trẻ trung và tươi mới, luôn cuộn chảy trong tâm hồn, thôi thúc sáng tạo, giúp chúng ta mở cánh cửa vô biên ấy. “Hết sông là biển mênh mang / Chân trời phía sau biển cả / Có khi nào đi tới đó / Sau chân trời là vô biên” – Trích bài thơ “Không bao giờ là cuối” của nhà thơ Xuân Quỳnh. (Tiếng thơ 24/9/2017)
"Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao / Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng / Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh / Chẳng chịu cho lòng ta yên...". Tác giả của những câu thơ say đắm này là nhà thơ Thanh Tùng (tên khai sinh là Doãn Tùng). Ông sinh năm 1935 tại Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, gắn bó với Hải Phòng, là một phần của Hải Phòng nhọc nhằn nhưng kiên cường trong chiến tranh, trong lao động dựng xây. Do bệnh nặng, tuổi cao, nhà thơ Thanh Tùng đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh. “Hoa cứ vẫy hồn người ở lại” là nhan đề bài viết của tác giả Đỗ Anh Vũ gửi cho chương trình Tiếng thơ. Bài viết ghi lại những cảm xúc trong sáng, say mê của một người yêu “Thời hoa đỏ”, yêu thơ Thanh Tùng và không khỏi bất ngờ khi hay tin ông ra đi. Chúng ta cùng chia sẻ với tác giả Đỗ Anh Vũ những dòng viết còn tươi nguyên này. (Tiếng thơ 16/09/2017)