Triển lãm tranh “Mùa yêu thương” giới thiệu hơn 100 tác phẩm của nhóm họa sĩ S.A.G (Saigon Art Gallery) gồm 6 thành viên: Tạ Thị Bê, Nguyễn Văn Thạnh, Vũ Thị Cúc, Nguyễn Hoàng Diệu, Đinh Thảo Nguyên, Hữu Thanh Tùng. Với các chất liệu như sơn dầu, acrylic, màu nước, triển lãm mang đến nhiều cung bậc xúc cảm cho người xem. (Làn sóng nghệ thuật)
Tác phẩm đưa những nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên với các phong tục, lễ hội truyền thống, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng vào ngôn ngữ thể hiện của xiếc. (Làn sóng nghệ thuật)
Chiến tranh có thể coi là một đề tài kinh điển trong văn học nước nhà. Chúng ta đã có nhiều tác phẩm đỉnh cao về đề tài này. Nhưng những câu chuyện về chiến tranh dường như chưa bao giờ được kể hết. Vẫn còn đó những mất mát, đau thương, những hi sinh thầm lặng, những góc khuất mà mỗi lần nhớ đến đều khiến người trong cuộc phải nhức nhối. “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long cũng ra đời từ những ám ảnh như thế. Sau nhiều năm trăn trở, người y sĩ năm nào mới có thể hoàn thành tâm nguyện của bản thân và đồng đội: đó là viết một cuốn hồi kí về mặt trận Cao Bằng – Hà Giang những năm chống quân xâm lược 1979 – 1989. Sách do NXB Phụ nữ Việt Nam và Nhã Nam ấn hành. Để hiểu thêm về cuốn sách, mời quý vị và các bạn nghe bài của tác giả Trinh Nguyễn có nhan đề “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, hồi kí đầu tiên của người lính về chiến tranh biên giới”.
Dựa trên câu chuyện có thật về lá thư không kịp gửi của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa sau 34 năm mới đến tay người nhận, nhạc sĩ Kiên Ninh và NSND Quốc Hưng cùng thực hiện một sản phẩm âm nhạc đặc biệt với tên gọi “Lá thư trong ba lô”. Bài hát không chỉ tái hiện lại câu chuyện đầy cảm động của tình yêu thời chiến mà còn khơi gợi lòng tự hào, tự tôn đối với thế hệ trẻ về những người đã dùng cả cuộc đời mình để đổi lấy hoà bình cho hôm nay... (Làn sóng nghệ thuật 21/02/2023)
Sinh năm 1954 tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. 25 tuổi bị tai nạn lao động. Vượt qua ranh giới giữa sống và chết, Trần Văn Thước trở về đời thường với đôi chân bại liệt, sống và viết, trở thành một nhà văn sở hữu nhiều giải thưởng văn chương uy tín, có sức lan tỏa tới cộng đồng. Bao nhiêu năm nay, ông kiên trì đứng viết. Giữ cho mình đứng thẳng cũng là thái độ sống và viết của một nhà văn. Một vài nét phác thảo về chân dung ông trong bút ký “Nhà văn Trần Văn Thước - Người đứng giữa làng quê” của BTV Anh Thư. (Văn nghệ phát 21/2/2023)
Xuất hiện chững chạc ở nhiều thể loại: truyện ngắn, bút kí, khảo cứu…, nhà văn Lê Vũ Trường Giang dường như luôn khiến người đọc ngạc nhiên mỗi lần ra mắt tác phẩm. Từ “Ngủ giữa trùng sơn”, “Đi như là ở lại”, “Nở tàn biên niên ký”, “Khúc phong cầm trên cát”, “Căn cước xứ mưa” và gần đây nhất là tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự”. Đây cũng là tác phẩm đưa anh tới Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua ở hạng mục Văn xuôi. Tập truyện “Bạc màu áo ngự” có ý nghĩa như thế nào trong con đường văn chương của nhà văn Lê Vũ Trường Giang? Để tài lịch sử qua góc nhìn của anh có gì thú vị? Chúng ta cùng nghe nhà văn xứ Huế bộc bạch qua cuộc trò chuyện sau đây với phóng viên chương trình.
NSND Thái Thị Liên là người biên soạn bộ giáo trình để dạy piano ngay từ khi buổi đầu thành lập Học viện Âm nhạc. Bà luôn mong muốn đào tạo những thế hệ nghệ sĩ piano chuyên nghiệp của nước nhà, chú trọng giáo trình âm nhạc cổ điển nước ngoài song song với phát huy những tiềm năng, sáng tạo những tác phẩm âm nhạc trong nước. Đến nay, phương pháp của bà vẫn được các thế hệ học trò tiếp nối, bằng sáng tác của chính các nhạc sĩ trong nước dành cho cây đàn piano, trong đó có nhiều bản nhạc lấy chất liệu dân ca... (Làn sóng nghệ thuật 07/02/2023)
“Công chúa Đồng Xuân” là bộ tiểu thuyết 2 tập, tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động từ năm 1859 đến năm 1900. Nhân vật chính là Đồng Xuân công chúa (tức công chúa Gia Phúc), con gái của vua Thiệu Trị. Tên tuổi của bà gắn liền với vụ “hòa gian” tai tiếng với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ. Đây là một trong những nghi án lớn nhất triều Nguyễn mà nhiều người cho rằng còn che giấu nhiều điểm khuất tất. Sau thành công của “Từ Dụ Thái hậu”, “Công chúa Đồng Xuân” của nhà văn Trần Thùy Mai liệu có đem đến cho người đọc một trải nghiệm mới về tiểu thuyết lịch sử? Sau đây, chúng ta cùng nghe một vài cảm nhận của BTV Nguyễn Hà.
Đã đi qua một thế kỷ, tuy sức đã yếu, trí nhớ không còn minh mẫn như xưa nhưng họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ vẫn thích gặp gỡ người trẻ, thích nói chuyện, thích xem ảnh ngày xưa…Không cam chịu sống đời bình thường vốn mặc định cho phụ nữ trong xã hội cũ, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ đã dám thực hiện khát vọng tự do của một người phụ nữ trong xã hội mới. Những sáng tác của bà là thành quả sau nhiều năm miệt mài lao động nghệ thuật, để giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, bà vẫn luôn tự hào vì mình đã dám sống và nuôi dưỡng đam mê.
Tiểu thuyết “Lênh đênh bốn biển” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Anh, Mỹ, các nước châu Phi, tới Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho tới ngày Người trở về Tổ Quốc, ngày 28 tháng 1 năm 1941. So với tập 1 “Nợ nước non” thì khối lượng tư liệu, nhất là tính tư tưởng của tác phẩm, của nhân vật, sự kiện ở tập 2 “Lênh đênh bốn biển” lớn hơn, rộng hơn rất nhiều. Ở Pháp, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp năm 1918; chủ động, chủ trì cùng các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xây; viết “Bản án chế độ thực dân Pháp; bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (ngày 29-12-1920) và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tôc ta, truyền thuyết về Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển nói lên rằng: từ xa xưa tổ tiên ta đã gắn bó với biển khơi. Hình thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn khẳng định từ lâu dân tộc ta đã gắn bó với sông nước, lấy thuyền làm phương tiện làm ăn sinh sống. Rồi quan tài hình thuyền trong những ngôi mộ cổ được tìm thấy ở Tràng Kênh-Hải Phòng, khẳng định cư dân sống nhờ thuyền, chết cũng không rời hình ảnh con thuyền. Điều đó đủ thấy, dân tộc ta là dân tộc hướng biển, khát vọng chinh phục biển khơi là tự nhiên, như máu chảy liên tục trong trái tim người Việt…Ngày nay biển càng quan trọng với chúng ta, là không gian sinh tồn, là nơi để phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng-an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tùy bút “Nhìn ra biển rộng, trời cao…” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong được viết trong niềm cảm hứng từ dòng chảy lịch sử và thời gian hiện thực:
Lễ khai mạc Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 và Triển lãm thư pháp "Sư đạo tôn nghiêm" diễn ra vào sáng ngày 15/01 (ngày 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần), tại Hồ Văn, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội. Để hiểu rõ hơn những nét mới trong lần trở lại này, sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid 19, phóng viên Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 đã phỏng vấn TS Lê Trung Kiên, Phó Trưởng ban tổ chức Hội chữ Xuân Quý Mão tại Văn Miếu Quốc Tử Giám... (Làn sóng nghệ thuật 13/01/2023)
Mùa xuân - thời điểm bắt đầu của năm mới cũng là lúc diễn ra nhiều lễ hội lớn trải dài từ Bắc đến Nam. Phần lớn các lễ hội đều có ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh lịch sử văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, những kịch bản được làm theo mô típ na ná nhau khiến nhiều lễ hội trở nên sáo mòn, không hấp dẫn công chúng. Điều đáng nói là các lễ hội hầu hết được đầu tư kinh phí cao, nhưng vẫn thiếu đi bản sắc riêng. Về vấn đề này, phóng viên VOV6 đã có cuộc trao đổi với tác giả Lê Thế Song – một trong số ít những tác giả viết kịch bản lễ hội thành công hiện nay... (Làn sóng nghệ thuật 10/01/2023)
Tác giả Trần Vân Anh, bút danh Phong Nguyên (Hội Văn nghệ Lạng Sơn) vinh dự được tặng Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cho tập truyện ngắn “Cõi yêu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập truyện gồm 3 tác phẩm: “Cõi yêu”, “Hồng Gai” và “Không thể khiên cưỡng” được viết bằng bút pháp lạ, truyện lồng trong truyện xoay quanh chủ đề muôn thuở tình yêu. (Điểm hẹn văn nghệ)