Để có được một truyện ngắn hay về đề tài miền núi, không gì bằng việc tác giả phải có một đời sống thực tế gắn bó với mảnh đất và con người nơi ấy. Tác giả Nguyễn Văn Toan quê Hà Giang và là người con của dân tộc Tày. Anh viết truyện ngắn này khi đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Như tác giả tự bạch, truyện ngắn này được viết trong cảm xúc xa nhà và đây cũng là một lời tri ân với núi rừng, với huyết mạch của dân tộc Tày. Truyện được viết từ ngôi thứ nhất, nhân vật xưng Tôi, có tên là Thánh, là con trai thứ hai trong một gia đình có hai anh em trai. Anh trai Thánh là Thử, có tính cách khác hẳn với Thánh. Toàn bộ các nhân vật trong truyện này đều hiện lên với sự bất thường và đều đi qua những biến cố đặc biệt trong cuộc đời. Những biến cố ấy góp phần dẫn dắt mạch truyện, đưa cốt truyện đến những cao trào dữ dội, mang đến những bi kịch cho các nhân vật. Thử thì có tính cách ngang ngạnh, ngỗ ngược, lầm lì. Thánh thì hiền hơn anh nhưng năm 17 tuổi cũng quyết định bỏ nhà ra đi. Các nhân vật nữ trong truyện đều có cuộc đời long đong, lỡ dỡ, nhất là chuyện tình duyên. Đó là mẹ của Mẫn rồi sau này là Mẫn, đó là bà Mải và chị Tơ. Người đọc có cảm giác nỗi khổ của người phụ nữ giống như một cái gì truyền kiếp, muốn dứt ra mà không được. Khi Mẫn thành vợ của Thử một cách bất đắc dĩ, cả Mẫn và Thánh đều rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực. Cho đến khi Thử bị tai nạn lao động rồi qua đời, thì bi kịch mới lại nảy sinh. Đó là nỗi đau buồn của gia đình khi mất đi một người con, một người anh trai, đứa trẻ vừa được Mẫn sinh ra mất đi người bố. Những tháng ngày sắp tới, Thánh và Mẫn sẽ đối mặt như thế nào, họ có thể vượt qua được những thử thách hay không. Một cái kết mở, đầy nhức nhối nhưng cũng không ít hy vọng được tác giả đặt ra cho nhân vật và cho chính mỗi người đọc khi câu chuyện khép lại. Truyện được mở ra và kết thúc đều bằng những hình ảnh/chi tiết mang đậm nét văn hóa Tày. Đó là tục lệ treo dây rốn và nhau thai lên cây cổ thụ khi một đứa trẻ ra đời và tục cắt tóc của những người thân trong gia đình cùng tóc người đã mất cũng treo vào đúng gốc cây ấy. Ẩn chứa đằng sau những phong tục ngàn đời như vậy chính là lối sống trọng tình nghĩa và cũng thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của mỗi con người. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Chương trình “Tiếng thơ” của Ban VHNT (VOV6) chủ đề Núi chuyển tới các bạn sáng tác của các nhà thơ La Quán Miên, Tạ Bá Hương, Lò Cao Nhum, Thu Loan, Ngô Thanh Vân, các nhà thơ nước ngoài Miguel Ángel Asturias, Koun qua trình bày của các Nghệ sĩ Hoàng Long, Vương Hà, Quốc Hưng, Thanh Tâm, Lâm Tùng – Tư liệu từ Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Sắc thái hài hước bao trùm trong những bài ca dao trào phúng về phụ nữ. Khác với ca dao trữ tình được sáng tác nhằm giãi bày tâm tư tình cảm, ca dao hài hước dùng tiếng cười để mỉa mai, châm biếm những hiện tượng chưa lành mạnh, những thói hư tật xấu của phụ nữ trong xã hội
Thật đáng trân quý là nét đẹp tâm hồn con người không vẩn đục dù bất cứ trong hoàn cảnh nào. Người xưa thường nhắc tới cái nết như một biểu tượng đáng trân trọng nhất của con người, thậm chí “Cái nết đánh chết cái đẹp”, nết người còn được đánh giá vượt lên cả cái đẹp bề ngoài. Và cũng thật hoàn hảo khi vẻ đẹp hình thể lại được hòa quyện cùng vẻ đẹp tâm hồn
Nhà thơ Nguyễn Duy thuộc thế hệ trưởng thành trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mới bước vào làng thơ, ông đã giành ngay giải Nhất trong cuộc thi thơ 1972-1973 của Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ qua, Nguyễn Duy đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ qua hàng chục tập thơ đã xuất bản. Ông đã nhận Giải thưởng thơ hạng A của Hội Nhà văn VN năm 1985 cho tập thơ Ánh trăng, nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Trong gia tài thơ Nguyễn Duy, những bài lục bát giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Chúng không chỉ chiếm số lượng lớn trong tương quan với các thể loại khác mà nhiều bài, nhiều câu đã có một sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Chương trình Đôi bạn văn chương của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) lần này xin được dành một cuộc trò chuyện mang tên Lục bát Nguyễn Duy để cùng tìm hiểu, trao đổi về thể loại đặc sắc này của ông.
Truyện được kể ở nhiều điểm nhìn khác nhau. Dù ở điểm nhìn của người kể chuyện hay điểm nhìn của nhân vật đều góp phần khắc họa hình ảnh người cán bộ công an xã trong quá trình đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bình yên cuộc sống. Mở đầu truyện là hình ảnh nhân vật Quyết trên một chuyến phà đến nhận công tác tại địa bàn xã khó khăn nhất tỉnh trung du. Khung cảnh đẹp của một vùng quê tưởng chừng yên bình hiện ra trước mắt nhưng khi chứng kiến những chiếc xe tải chở cát vàng và nhất là qua cuộc gặp gỡ bên quán Gió, Quyết dần phát hiện ra các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông của ông Lưỡng - một người có máu mặt tại địa phương. Từ đây, sự xuất hiện của các nhân vật cùng một loạt các diễn biến tiếp theo dần đẩy câu chuyện lên cao trào. Mối quan hệ gia đình phức tạp giữa ông Lưỡng, Khem- vợ ông Lưỡng, Du - thằng bé con của Khem và Nuôi - thằng con trai không rõ lai lịch của ông Lưỡng tạo các tình tiết cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Tác giả để nhân vật tự tự kể chuyện, dùng điểm nhìn của nhân vật để diễn tả tâm lý. Đoạn văn diễn tả cảnh Du bị nước cuốn trôi do sạt lở bãi bồi ven sông đã nói lên hậu quả đau lòng của nạn khai thác cát trái phép làm hủy hoại môi trường. Và từ đây, hình ảnh Quyết - người cán bộ Công an xã hiện lên thật đẹp, ngời sáng tinh thần dũng cảm, sự mưu trí, không ngại hiểm nguy. Chính Quyết đã cứu Du thoát nạn. Để bảo vệ người dân khỏi mối nguy hiểm rình rập hàng ngày, Quyết trên cương vị Phó Công an xã đã lên kế hoạch cùng đồng đội quyết tâm triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông hàng đêm. Tình huống bất ngờ khi Nuôi mới đi tù về đột ngột xuất hiện cản trở, dùng súng định bắn Quyết. Càng bất ngờ hơn khi Du- thằng bé được Quyết cứu đã lao đến đỡ viên đạn thay Quyết. Đây là chi tiết thể hiện sự nhân văn của tác phẩm. Với sự trải nghiệm sâu sắc, lối viết tỉ mỉ và cốt truyện gay cấn, nhiều bất ngờ, tác giả Đỗ Ngọc Bích đã mang đến ngưởi đọc, người nghe một niềm tin rằng, vượt lên trên tất cả, công lý và tình người sẽ luôn giành chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.
Truyện ngắn của Nguyệt Chu mang lại cảm giác và liên tưởng về một cuốn phim quay chậm. Ở đó tác giả hoàn toàn để cảm xúc chi phối câu chuyện của mình. Từ sự dẫn dắt của cảm xúc, đường nét các nhân vật, chi tiết, bối cảnh, tình huống, xung đột hiện ra. Như những truyện ngắn khác của cô giáo Nguyệt Chu, chất văn và cả chất đời thấm đẫm trong từng trang truyện “Miền gió”. Ta có thể nhặt ra trong truyện của chị từng mảnh cuộc sống hiện thực nơi chốn đang cư ngụ, một tai nạn rơi máy bay huấn luyện quân sự, nhịp sống thường ngày của một cô giáo, cánh đồng, vụ gặt và triền sông ngập gió. Khi nhìn qua lăng kính khô khốc của đời thường, mọi thứ giản đơn và trôi tuột đi, rồi tuần tự nhịp sống chồng chất lên, chẳng còn lại chút dư vang. Nhưng qua những trang văn của Nguyệt Chu, chúng ta thấy đọng lại đó thao thiết tiếng đời, nỗi xót xa, thương cảm cho số phận con người. Tác giả đã không chọn sự tỉnh táo trong khi sáng tác mà để cho cảm xúc dẫn dắt đến cùng. Có lẽ vì thế kết truyện của chị có lẽ khiến một bộ phận độc giả hụt hẫng. Nhưng cũng tới cùng, nhặt trong “Miền gió”, chúng ta vẫn cảm nhận được sự rung động, chất văn trong sáng tác của Nguyệt Chu. (Lời bình của BTV Võ Hà)
Nói đến vẻ đẹp của con người, ca dao nhắc đến một yếu tố không kém phần quan trọng – đó là trang phục. Vẻ đẹp hình thức của chàng trai hay cô gái rõ ràng không chỉ thể hiện ở khuôn mặt, vóc dáng mà còn phụ thuộc vào cách ăn mặc, vào chất liệu của vải vóc quần áo và những thứ phục trang khác.
Các bạn thân mến, một gia đình thường có cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con cái. Nhưng gia đình của nhân vật chính trong truyện là cậu bé Flury, 10 tuổi thì không được đầy đủ như vậy. Trong cả câu chuyện chúng ta không hề thấy hình bóng của người cha, mà chỉ thấy có hai mẹ con Flury. Chính vì vậy, khi mẹ bị ốm thì bỗng cậu bé 10 tuổi trở thành trụ cột trong gia đình. Mẹ ốm, cậu phải xin nghỉ học để ở nhà chăm sóc mẹ, cậu lo nấu nướng cho mẹ ăn, đi mua thuốc cho mẹ, nhờ người mời bác sĩ đến khám cho mẹ. Với một cậu bé đang ở tuổi ăn tuổi chơi bỗng phải làm mọi việc nhà lại còn chăm sóc mẹ ốm khiến cậu bối rối, lo lắng. Cậu bé không biết tâm sự, chia sẻ, hỏi ai mình phải làm gì cho đúng, làm thế nào để mẹ nhanh khỏi bệnh khi không có nhiều tiền…. Tất cả khó khăn, công việc bỗng nhiên đổ lên đôi vai nhỏ bé khi người mẹ bị bệnh. Cuối cùng dường như nhờ phép màu nhiệm nào đó hay nhờ sự cố gắng của Flury mà người mẹ đã khỏi bệnh. Truyện ngắn là câu chuyện về cuộc sống bình thường của một gia đình nghèo khi người mẹ đổ bệnh. Truyện không có những mâu thuẫn hay sự kiện to lớn mà đi vào những chi tiết sinh hoạt hàng ngày quen thuộc mà ai cũng có thể gặp. Những suy nghĩ, lo lắng, cảm xúc của một cậu bé khi bỗng nhiên trở thành trụ cột lo lắng mọi việc trong gia đình. Dù đã cố gắng nhưng cuối cùng cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi ham vui, ham chơi. Cậu đi một đoạn đường xa để mua thuốc ho cho mẹ nhưng rồi mải vui cùng cô bé cậu lại uống hết chai thuốc đó. Lo lắng, sợ hãi trước sai lầm của mình khiến chính cậu lại đổ bệnh khiến mẹ phải chăm sóc. Một câu chuyện giản dị về cuộc sống hàng ngày thể hiện tình cảm yêu thương của người thân trong gia đình. Truyện ngắn giúp chún ta hiểu được tình yêu thương, sự quan tâm châm sóc là điều quan trọng nhất của một trụ cột trong gia đình.
Những ngày này, dường như thơ Văn Cao đang trở lại, một cách liền mạch hơn. Những sáng tạo “vượt ngưỡng” trong thơ ông đang được giới thiệu một cách rộng rãi hơn qua sự kết nối của một số đơn vị như Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TW, báo Nhân dân, Ban Văn học – Nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam). Nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ về ấn phẩm “Văn Cao - Mùa chữ, mùa người” cùng với hội thảo cùng tên do Ban VHNT (VOV6) thực hiện đào sâu những cống hiến của người nghệ sĩ tài hoa ở các thi phẩm.
Nhà văn có lối dẫn truyện đầy lôi cuốn, mạch văn tràn trề, lúc dữ dội, lúc êm đềm khiến người đọc người nghe như được sống trong nhiều cung bậc cảm xúc; vui buồn cùng các nhân vật mà mỗi nhân vật đều có một cõi riêng đầy ưu tư và sóng gió. Xưa nay trai chưa vợ mê mẩn và muốn cưới người phụ nữ đã lỡ dở một lần đò mà lại có con nhỏ làm vợ không phải là chuyện hiếm. Song, yêu một cách say mê không tính toán như ông Mười trong truyện ngắn Đất không cưu mang thì chắc không nhiều. Đêm nào ông Mười cũng đến nằm trên bãi cỏ trước cửa nhà bà Năm, mặc sương sa, mặc gió mưa…Trong con người vạm vỡ của ông có chút gì đó yếu đuối, trong sự từng trải có chút gì đó còn ngây thơ. Ông ghen tuông với quá khứ, với người chồng đã khuất của vợ, và luôn nghi ngờ hạnh phúc mà mình đang có. Và khi đứa con chung giữa hai người chào đời, ông mới biết hạnh phúc là điều có thật. “Cứ mỗi lần nghe vợ hát ru con, nước mắt ông cứ chực trào ra. Khi ấy ông muốn ôm vợ, ôm con, ôm cả trời đất vào lòng”. Nghĩa là niềm tin, niềm hy vọng; là chứng nhân cho tình yêu của bà Năm dành cho ông. Vậy mà Nghĩa đã bỏ ông ra đi mãi mãi. Cùng lúc đó nước tràn vô rẫy quét sạch thành quả lao động của cả gia đình ông. Nỗi bất hạnh liên tiếp ập đến đã vắt kiệt sức lực ông Mười, khiến ông không thể gượng dậy nổi. Ông đã từ giã cuộc đời vì kiệt sức, mất mát, bất hạnh. “Mặt đất cũng bỏ ông. Nó chỉ cưu mang ông khi ông chia lìa cuộc đời này, khi không còn yêu thương và chẳng biết đau khổ…”.
Chồng mất sớm, bà Năm ở vậy một mình nuôi 3 con nhỏ. Trái tim bà tưởng đã đóng chặt vì tình yêu mà bà dành cho người chồng rất sâu đậm, bởi đó là “phần ký ức dịu ngọt, nồng nàn đã hòa tan trong từng mạch máu và luân chuyển không ngơi trong cơ thể bà…”. Thế nhưng, trước tình yêu chân thành và tấm lòng nhẫn nại của ông Mười mà cuối cùng bà Năm đã mở lòng trở lại. Nói rằng bà Năm đã thực sự yêu ông Mười thì chưa hẳn. Tuy sống cùng một nhà, nhưng ông Mười luôn có cảm giác là vợ mình vẫn dành tình cảm cho người chồng trước hơn là mình. Bởi thế ông luôn sống trong mặc cảm, tự ti. Đã có lúc ông có ý định tự tử, nhưng rồi chính những đứa con riêng của bà Năm đã giữ ông ở lại…Liệu tính ghen tuông của ông Mười có khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt? Rốt cục bà Năm có dành hết tình yêu cho ông Mười? Và hẳn các bạn cũng đang nóng lòng muốn biết lý do ông Mười cũng theo người chồng trước của bà Năm ra đi mãi mãi? Vào giờ này đêm mai, mời các bạn tiếp tục theo dõi phần tiếp theo truyện ngắn Đất không cưu mang của nhà văn Bích Ngân để phần nào có được câu trả lời:
Có bao người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vì nền hòa bình thống nhất, thì có bấy nhiêu bà mẹ mất con trong sự chờ đợi, hy vọng mỏi mòn. Văn chương với bao bút mực cũng không thể tả xiết nỗi đau sự hy sinh này. Thêm một truyện ngắn nữa của tác giả Lã Thế Khanh làm đầy những cảm xúc về sự đau thương của chiến tranh và mất mát vô bờ bến của người mẹ. Sự khác biệt của người mẹ trong “Bão táp chưa dừng” là chi tiết độc đáo trở đi trở lại trong đời mẹ. “Cây cau” và những chùm cau mẹ để dành mỗi mùa cây ra quả với tâm niệm mẹ để dành phần cho con trai cưới vợ thật xúc động và xa xót. Những ngày cuối đời mẹ vẫn khôn nguôi nhớ con, vẫn khắc khoải vì không bù đắp được gì cho đứa con trai thiệt thời hy sinh vì việc nước. Chỉ một chi tiết thôi mà tạo cho truyện được nét riêng ấn tượng. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)
Trong thị hiếu thẩm mỹ dân gian, sự vận động, chuyển động có một vị trí rất đáng kể. Vẻ đẹp của thân thể không phải chỉ nằm ở sự cân đối hình thức thuần túy của các bộ phận của cơ thể như mắt, miệng mà còn phụ thuộc vào sự kết hợp, tính chất sống động.